Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

THƯ GIẢN VỀ ĐÀO (không có piano, không có phở)

 


Chú Bảo đã sang Paris từ lâu. Chú Bảo là thế hệ sang đây bằng nghiên cứu sinh rồi ở lại nên chú vẫn còn nguyên những ký ức thời xưa ở Hà Nội. Chú sinh ra trong một gia đình trí thức cũ, cụ ông là bác sỹ và cụ và cụ bà là thương gia. Nhiều lần chú về, tôi vẫn đưa chú đi vài vòng thành phố cổ. Chú không bao giờ đi khu mới, hỏi tại sao chú trả lời vui vẻ:
- Tao không có khái niệm và ký ức về mấy nơi đó, nên tao chỉ thích khu này.

Vậy cũng tốt cho tôi vì cũng khỏi phải đèo chú đi xa. Quanh quẩn phố phường Hoàn Kiếm và Ba Đình là coi như xong. Hà Nội thay đổi và đông dân hơn nhiều, nhưng có vẻ chú Bảo không quan tâm lắm đến những thay đổi đó. Chú có quán nước quen thuộc ở đầu phố Quán Sứ là chú vào. Đi ăn phở thì cũng là quán quen cạnh nhà thờ Lớn. Mấy lần tôi rủ chú đi ăn mấy cái lạ lạ thì chú cũng chỉ nói nhẹ nhàng:
- Thôi tao không đi đâu.

LỊCH SỬ KHÔNG TỒN TẠI CHỮ NẾU

 


Có lần GS sử học Trần Quốc Vượng nói về vấn đề dân tộc và vận mệnh đất nước trước hàng trăm sinh viên. Sau một hồi thuyết giảng, không có ai lên tiếng hay phản biện hoặc đặt bất cứ một câu hỏi nào, nên ông đã hỏi toàn bộ sinh viên trong giảng đường:
- Ai quan tâm đến vận mệnh dân tộc? Vẫn không có một ai trả lời, không một cánh tay nào giơ lên.
Sau đó ông chuyển sang chủ đề khác, và rồi ông nói đến chủ đề bói toán, ông tự khoe rằng ông có thể xem bói cho người khác rất chính xác, rồi hỏi:
- Ở giảng đường ai muốn xem bói nào? Hàng trăm cánh tay giơ lên, hàng trăm câu nói nhao nhao: - Thầy ơi, xem bói cho em đi...
Ông giáo sư không nói gì, im lặng một lúc ông mới nói:
- Lúc nãy tôi có hỏi các anh chị về vấn đề vận mệnh dân tộc, và không một ai quan tâm. Giờ đây nói về số phận của cá nhân các anh chị, thì ai nấy cũng nhao nhao muốn biết. Tôi thật xấu hổ cho các anh chị, làm người trí thức của một đất nước mà không có tình yêu nước, không có sự tự tôn dân tộc. Số phận dân tộc thế nào và số phận các anh chị thế nào thì các anh chị tự suy nghĩ đi, nó khá rõ ràng rồi đấy.
Kết luận: Có một sự thật là phần lớn người Việt Nam chỉ yêu bản thân họ hơn là quan tâm đến xã hội mình đang sống.
——————————
LỊCH SỬ KHÔNG TỒN TẠI CHỮ NẾU
- Tác giả Nguyen Khan -
Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Hoa không luôn luôn là một nước mạnh, thời gian Trung Hoa bị các nước khác đè đầu cai trị rất lớn, nhưng rốt cục Trung Hoa và Nga là hai nước bành trướng lãnh thổ khủng khiếp nhất thế giới.
Có một sự phi lý đến lạ, những nước nhỏ bị Trung Hoa nuốt chửng đã đành, mà ngay cả những nước lớn, mạnh từng cai trị một phần hoặc toàn phần Trung Hoa như Mông, Hồi, Mãn, Tạng, cũng bị Trung Hoa thâu tóm.

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Lê Phú Khải, một cây bút từ “lề phải” rẽ qua “lề trái”?!

 


Khi Nguyễn Công Khế bị bắt, có nhiều bài viết nhắc tới nhà báo Lê Phú Khải và tác phẩm " Lời ai điếu" của Ông. Để hiểu về nhân cách của nhà báo Lê Phú Khải, chúng ta cùng đọc bài viết về Ông của nhà văn Phi Long dưới đây.
* **
Lê Phú Khải, một cây bút từ “lề phải” rẽ qua “lề trái”?!
Nhà văn Phi Long
10-8-2022
Trước khi đặt bút viết về một người, về một nhân vật khá nổi tiếng như Lê Phú Khải, tôi rất thận trọng. Tôi tự hỏi chính mình, phải gọi danh xưng gì đây về ông mới đúng; mới xứng tầm. Ông là nhà báo nổi danh từ lâu, ai cũng biết. Sự nghiệp cầm bút của ông cả ngàn bài viết, đủ thể loại, tin, bài, phóng sự, phóng sự điều tra dài kỳ như vụ án thế kỷ Tăng Minh Phụng.
Ngoài báo chí, ông còn có trên 10 đầu sách, đủ thể loại: bút ký, biên khảo, chân dung nhân vật, bình luận sự kiện. Đặc biệt là 6 tác phẩm về Đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là một phóng viên thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam hơn 10 năm tại địa bàn này. Những tác phẩm của ông là một kho tư liệu quý về vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà hơn 45 năm qua, ít có tác phẩm nào tập trung viết về vùng đất trù phú, tươi đẹp, đa dạng này… Hãy liệt kê những đầu sách mà tác giả Lê Phú Khải đã cho ra đời: Rắn độc trong tay người, Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ Đồng bằng sông Cửu Long, Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu Long, Chung sống với lũ, Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại.

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

NGÀY TẾT, ĐỌC THƠ TÔ THÙY YÊN


 

Nhà thơ Thanh Thảo
(Sau Tết nhà thơ Thanh Thảo gửi cho tôi bài này và nói thêm: "Đ.có báo nào nó dám in chú ạ, khốn nạn thế chứ".
Tôi bảo ông:
-Thông cảm cho họ đi, để chú nó đăng.
-‐-----‐-----‐--------
Thơ Tô Thùy Yên lặng lẽ. Dù ông viết dài hay viết ngắn, thì thơ ấy vẫn lặng lẽ. Người đọc đồng cảm với thơ ấy, cũng trong lặng lẽ. Đó là thơ của Chim kêu bãi quạnh, hắt hiu và đau đớn:
“Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả
Xót xa như lột một lần da” (Chim kêu bãi quạnh)
Thơ ấy nhiều khi như bâng quơ, mà găm vào ta thật sâu:
“Mai có ai về ngang quãng sông này,
Xin ném cho hòn đất hỏi thăm” (Viễn Tây)
Khi người ta đã thấu lẽ tử sinh, đã thấu suốt phận người, thì:
“Nhớ, như cỏ, xô tràn…
Mơ, như mây, tản mạn…” (Đại Bình Nguyên)

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

MỘT CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG

 


✍️Nguyên Trần, Toronto

(Có nhiều người đã không cần biết tới và bỏ quên họ)

Để câu chuyện thêm rõ ràng, tưởng cũng cần nói thêm là mấy lúc sau này, trong mục đích cạnh tranh giảm tiền vé tối đa, các hãng hàng không không còn serve thức ăn trên tàu bay cho hành khách economy class (trừ business class hay first class và những chuyến oversea long hours) mà thay vào đó chỉ bán sandwich, snack dưới hình thức BOB (buy on board) những đồ ăn trưa.

Tôi đặt hành lý vào hộc ở trên đầu ngồi rồi ngồi xuống ghế. Đây là chuyến bay dài làm tôi ước gì mình có một quyển sách hay để đọc trên phi trình. Có lẽ tôi cũng cần chợp mắt một chút. Vừa lúc trước khi máy bay cất cánh, một nhóm 10 người lính trẻ men theo lối đi và ngồi hết vào chỗ trống rải rác còn lại. Chẳng có gì để làm, tôi bắt đầu gợi chuyện người lính ngồi gần nhất.

- Các cậu đi tới đâu vậy?
- Petawawa. Chúng tôi sẽ ở đó hai tuần để thụ huấn một chương trình huấn luyện đặc biệt rồi sau đó sẽ bổ sung tới A Phú Hãn.

Sau khi máy bay cất cánh độ một tiếng thì tiếng loa thông báo là trên máy bay có bán thức ăn nhẹ đựng trong bao giá $5.

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

TÔI VIẾT “NẾU ĐI HẾT BIỂN” Trần Văn Thủy

 


Mạc Văn Trang: Người đời bảo ốm tha, già thải! Ông bạn Trần Văn Thuỷ của tôi, vừa già (84 tuổi) vừa ốm, nằm bệnh viện mà không được “tha”! “Tha” sao được. Ông có trí nhớ tuyệt vời và tư duy còn nhạy bén lắm. Xin mời đọc bài của ông đăng trên báo Tết “Người Đô thị”.
=====
TÔI VIẾT “NẾU ĐI HẾT BIỂN”
Trần Văn Thủy
Thưa bạn đọc!
Tôi cảm ơn NGƯỜI ĐÔ THỊ đã ưu ái dành cho tôi một bài trên số TẾT. TẾT là phải vui nhưng tôi chẳng có chuyện nào vui cả, mong bạn đọc lượng thứ, nên cho phép tôi xin kể một chuyện cũ vậy.
Trong mấy cuốn sách tôi mạo muội viết, cuốn “Nếu Đi Hết Biển” là nhọc nhằn hơn cả (gồm 12 chương). Tôi vốn không có khả năng và không ham việc viết lách, mà chỉ thông thạo việc thô thiển là viết kịch bản và lời bình cho những bộ phim tài liệu mà tôi là tác giả. Câu chuyện mà tôi định kể với các bạn như sau:
Giữa năm 2002, William Joiner Center (WJC) thuộc Đại học Massachusetts ngỏ ý mời tôi sang Mỹ để tham gia chương trình gọi là “Nghiên cứu về cộng đồng người Việt” do Rockefeller tài trợ. Tôi đã cảm ơn và từ chối vì đơn giản là tôi không biết “nghiên cứu” và tôi không thích “nghiên cứu”. Làm một cái việc rất mất thì giờ, mất nhiều công sức, kết quả là một xấp giấy được bỏ vào ngăn kéo, may ra một năm được vài ba người đọc. Theo tôi đó là chuyện vớ vẩn.

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

SƯƠNG XUÂN VÀ HOA ĐÀO

 


Tùy bút của Nhà văn Vũ Thư Hiên
Tôi bao giờ cũng hình dung Tết gắn liền với đất Bắc, nơi đi trước mùa xuân phải có một mùa đông. Mùa đông ở nơi này mỗi năm mỗi khác, nó có thể lạnh nhiều hay lạnh ít, độ ẩm có thể cao hay thấp, nhưng nhất thiết không thể không có gió bấc và mưa phùn. Không khí se lạnh làm cho con người phải co ro một chút, rùng mình một chút, chính là sự chuẩn bị không thể nào thiếu được để cho ta bước vào một cái mốc thời gian mới đối với mỗi người mỗi nhà. Thành thử ở Sài Gòn trùng vào những dịp xuân sang tôi vẫn không thấy lòng mình rung động cảm giác về cái Tết ruột rà, cái Tết đích thực. Xin các bạn Sài Gòn tha lỗi cho tôi nếu trong những lời của tôi có gì làm các bạn phật ý, nhưng mãi tới nay, sau nhiều Tết Sài Gòn, tôi vẫn chưa quen được với một ngày đầu năm phải phơi đầu dưới cái nắng chói chang và trầm mình trong cái nóng hầm hập, làm cho con người phải tìm đến với trái dưa hấu mọng nước trước khi ngồi vào mâm cỗ Tết có đủ thịt mỡ và dưa hành, bánh chưng và giò thủ. Ở mỗi nhà vẫn nghi ngút trầm hương thật đấy, ngoài đường xác pháo toàn hồng vẫn tràn ngập lối đi thật đấy, nhưng cái Tết dường như vẫn còn lạc bước nẻo nào, nó chưa hẳn là Tết, chưa đủ là Tết. Đành phải viện hai câu thơ mà nhiều người vốn không yêu thơ cũng thuộc, để giải thích nỗi nhớ về đất Bắc, để biện hộ cho cái cảm xúc không phải đạo của mình trước đất Sài Gòn cũng đã trở thành không kém thân thương:
Tự thuở mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
(Huỳnh Văn Nghệ)
Chuyện đó chẳng có gì lạ. Người Việt phương Nam nào mà chẳng có một cái quê còn nhớ hay đã quên, có biết hay không biết, nằm ở phía ngoài kia.