Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

TÔI VIẾT “NẾU ĐI HẾT BIỂN” Trần Văn Thủy

 


Mạc Văn Trang: Người đời bảo ốm tha, già thải! Ông bạn Trần Văn Thuỷ của tôi, vừa già (84 tuổi) vừa ốm, nằm bệnh viện mà không được “tha”! “Tha” sao được. Ông có trí nhớ tuyệt vời và tư duy còn nhạy bén lắm. Xin mời đọc bài của ông đăng trên báo Tết “Người Đô thị”.
=====
TÔI VIẾT “NẾU ĐI HẾT BIỂN”
Trần Văn Thủy
Thưa bạn đọc!
Tôi cảm ơn NGƯỜI ĐÔ THỊ đã ưu ái dành cho tôi một bài trên số TẾT. TẾT là phải vui nhưng tôi chẳng có chuyện nào vui cả, mong bạn đọc lượng thứ, nên cho phép tôi xin kể một chuyện cũ vậy.
Trong mấy cuốn sách tôi mạo muội viết, cuốn “Nếu Đi Hết Biển” là nhọc nhằn hơn cả (gồm 12 chương). Tôi vốn không có khả năng và không ham việc viết lách, mà chỉ thông thạo việc thô thiển là viết kịch bản và lời bình cho những bộ phim tài liệu mà tôi là tác giả. Câu chuyện mà tôi định kể với các bạn như sau:
Giữa năm 2002, William Joiner Center (WJC) thuộc Đại học Massachusetts ngỏ ý mời tôi sang Mỹ để tham gia chương trình gọi là “Nghiên cứu về cộng đồng người Việt” do Rockefeller tài trợ. Tôi đã cảm ơn và từ chối vì đơn giản là tôi không biết “nghiên cứu” và tôi không thích “nghiên cứu”. Làm một cái việc rất mất thì giờ, mất nhiều công sức, kết quả là một xấp giấy được bỏ vào ngăn kéo, may ra một năm được vài ba người đọc. Theo tôi đó là chuyện vớ vẩn.
Tháng 8/2002, WJC lại liên lạc với tôi nhắc lại lời mời, tôi rất cảm ơn và vẫn từ chối. Cuối cùng họ chân tình cho biết, nhiều người ở Mỹ muốn gặp tôi. Tôi vui vẻ “Thank you very much” và bay qua Mỹ. Nhận sáu tháng lương, các loại vé bay nội địa và một cái Thẻ Lưu trú. Viết tới đây tôi rất nhớ và cảm ơn mấy người bạn ở WJC đã quan tâm, chu đáo với tôi rất nhiều.
Ngày 1/10/2002 tới Boston, mấy ngày sau tôi tới văn phòng của WJC trong khuôn viên của Đại học Massachusetts để chào mọi người, “nhận việc” với ông Kevin Bowen Giám đốc Trung tâm.
Sau một hồi trao đi đổi lại về những băn khoăn của tôi trước lời mời và những việc mà tôi sẽ làm, các bạn ở WJC hóm hỉnh nói với tôi rằng: “Đây là nước Mỹ... có nghĩa là ông muốn làm gì thì làm, ông muốn đi đâu thì đi, muốn viết lách hoặc làm phim gì tùy ông. Nếu không hứng thú làm cái gì cả, tiêu hết tiền thì ông về Việt Nam”. Xin nói thêm rằng sau này tôi có dịp trở lại nước Mỹ nhiều lần với những hội thảo xã hội học, vấn đề chất độc da cam, liên hoan phim thế giới và mọi chi phí trong các chuyến đi ấy đều do người Mỹ hào phóng đứng ra bảo trợ. Người Mỹ thật là vui tính. Lúc ấy tôi nói với các bạn Mỹ ở WJC rằng :
- Nước Mỹ của các ông thật là tuyệt! Nếu không làm được gì thì tôi đi chơi. Ông có biết không? Trước khi lên máy bay ở Hà Nội, một bạn trẻ của tôi, nó bô bô dặn tôi rằng: “Già rồi! Làm thế đủ rồi! Chơi đi! Không chơi thì cũng chết ! ”. Nó nói rất thật lòng và có ý thương tôi.
Ok! Thế là tôi đi chơi. Một nhà thơ mới quen biết, anh Hoàng Chính Nghĩa đã đưa tôi đi Las Vegas. Lần khác, một cô gái Mỹ chính cống rất sành điệu lái xe đưa tôi đi Hollywood, cô ấy rất tốt với tôi, có lúc hai đứa dừng xe, ngồi trên đồi cao, ngắm toàn cảnh vùng Hollywood... Rồi mấy bạn trẻ từ Việt Nam sang du học rủ tôi đi xem Lá Vàng, mùa thu vàng ở vùng Đông Bắc, tiểu bang Vermont... Thiên nhiên nước Mỹ, bầu trời, rừng cây, sóng biển, màu nắng quả là hấp dẫn trong mắt một người làm phim như tôi.
Nhưng, tựa như một ma lực, một định mệnh, tôi bắt gặp nhiều hoàn cảnh, nhiều câu chuyện trong bà con người Việt mà tôi có thể tiếp xúc. Vui thì tôi chóng quên, buồn thì tôi bị ám ảnh, ám ảnh nhiều lắm, nhất là chuyện vượt biên, vượt biển, cải tạo, tù tội...
Bất giác trong tôi, mơ hồ một mặc cảm tội lỗi...
Rồi một lần đi trên xa lộ mênh mông với hơn chục làn đường, dài hun hút, ngước nhìn bầu trời, những đàn chim bay rất cao về phương Nam, bên phải là Đại Tây Dương sóng đập ầm ầm vào vách đá tung bọt trắng xóa. Tôi chợt rùng mình, như thấy một sự mách bảo từ rất cao, từ rất xa, rằng: Trời Phật đang cho ngươi một cơ hội để làm một việc có ích! Tôi lặng người...



Từ đó tôi không đi chơi nữa, tôi quyết định toàn tâm toàn ý vào một công việc rất mơ hồ và không rõ cái đích đâu, chỉ đinh ninh là nó sẽ có ích.Tôi không rong chơi được nữa, dù lời người bạn trẻ vẫn văng vẳng bên tai: “Già rồi! Làm thế đủ rồi! Chơi đi! Không chơi thì cũng chết! ”.
Tôi đặt bút viết những trang đầu, rồi cố gắng viết ra được quãng năm sáu mươi trang, suôn sẻ. Do có thói quen “đội mũ Kim Cô ô-tô-ma-tích” (trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam không ít người chỉ cần nghĩ khác cấp trên là tự nhiên thấy đau đầu), tôi luôn nghĩ đến người đọc, người đọc trong nước và đặc biệt là người đọc ở Mỹ. Tôi bị khựng lại hoàn toàn. Tôi không thể viết được, dù cố gắng, dù có tấm lòng, dù chân thực, dù khách quan thì những gì tôi viết ra vẫn sẽ bị săm soi, mổ xẻ, suy diễn bởi một điều đơn giản: Tôi từ Việt Nam sang! “Ôi, cái người Việt mình nó thế!” Có biết bao điều cần nhắn gửi, cần tỏ bày, cần suy ngẫm xung quanh tôi, nhất là tôi đi nhiều tiểu bang, gặp nhiều người, thăm nhiều gia đình, lắng nghe và nói chuyện đến gần một trăm buổi ở các đại học danh tiếng nước Mỹ.
Hoàn cảnh xui khiến, nghề nghiệp mách bảo, có một cách làm khả dĩ hơn, người đời dễ cảm thông hơn, đó là đè mấy ông bạn văn chương, trí thức, cởi mở để trao đổi, trò chuyện về chính cuộc sống và suy nghĩ của người Việt đây. Ôi đó là thượng sách, khỏi phải đau đầu, khỏi phải viết, chỉ việc ghi chép trung thực và cam đoan với nhau: Nếu công bố thì phải “y như bản chính”.
Tôi nhẹ cả người, tấm lòng của bạn bè và sự tinh quái của một người làm phim tài liệu đã mở ra một lối đi cho tôi. Nhưng cũng mất nhiều công sức lắm, bàn thảo với các anh chị ấy nhiều lắm, cuối cùng thì toàn bộ bản thảo được chỉnh lý, đánh máy đóng bìa, chốt lại trên 200 trang, để nộp cho WJC, hai tuần trước khi tôi rời nước Mỹ.
Thế rồi, “trời xui đất khiến” thế nào, bỗng dưng bố Nguyên Ngọc lù lù tới Boston, ở cùng nhà, đi dạo, chuyện trò, thăm hỏi linh tinh: “Thủy, cậu sang đây làm gì?”... “Thế à? Viết xong chưa?”... “Đưa tớ đọc chơi được không?”...
Bố Nguyên Ngọc đọc ba đêm, sáng dậy chưa ngồi vào bàn ăn, mắt còn đỏ vì thức khuya, đặt tay lên tập bản thảo và nhìn vào mắt tôi: “Thủy! Cái này nó rất cần và có ích”. Tôi không tin ở tai mình, hỏi lại: “Anh bảo sao?”. Nguyên Ngọc nhắc lại: “Cái này rất cần và có ích”. Tôi nóng ran cả người. Bố này mà đã nói là tôi tin, nhưng chẳng lẽ cái “công trình nghiên cứu” dơi chẳng ra dơi, chuột không ra chuột này mà lại cần và có ích sao? Một người bạn đứng bên nghe chuyện, anh không khen chê, không bình luận mà chỉ thủng thẳng: “Tập này mà in thì cậu không về nước được! Về nước thì không bao giờ có chuyện in. Chưa có thằng nào qua đây in sách kiểu này mà dám vác mặt về nước”. Chỉ vài giây im lặng, tôi nói rành rọt với nhà văn Nguyên Ngọc: “Nếu anh bảo cái này nó cần và có ích thì chắc chắn tôi in ngay và tôi cũng sẽ về nước ngay”.
Ngay hôm sau, tôi bay từ Boston qua Las Vegas đến Los Angeles. Đón tôi ở sân bay là nhà văn Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy…
Cuốn “Nếu đi hết biển” nó ra đời lòng vòng là vậy. Chẳng có âm mưu gì đáng ngại, chẳng có tài cán gì đáng nể. Chung quy, hay dở, đúng sai gì thì do bố Nguyên Ngọc đầu têu mà thôi :
Chương HAI
"Nếu Đi Hết Biển"
Nhớ lại, từ những năm ấu thơ tôi đã yêu tha thiết lời ru:
Con cò lặn lội bờ sông.
Cò ơi sao nỡ quên công mẹ già ?
Hỏi rằng ai đẻ cò ra
Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi.
Nhớ khi đi ngược về xuôi
Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò.
Cò ơi cò bạc như vôi
Công cha, nghĩa mẹ cò còn nhớ không ?
À á à ơi…
Trong tâm trí thuở thiếu thời của tôi, lời ru ấy gắn với những năm tản cư về quê, với lũy tre làng, tiếng võng, với những buổi chiều nắng dát vàng trên những cánh đồng lúa. Gắn liền với hình ảnh thân thương của thầy mẹ tôi theo cái cách : “Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời”.
Thế rồi gần nửa thế kỉ sau, cuộc đời đưa đẩy, khi thực hiện một bộ phim tài liệu dài với sự bảo trợ về tài chính và bản quyền của một quốc gia giàu có là Nhật Bản, tôi vẫn không thể quên những ký ức xa xưa, đầu đời ấy. Ở bộ phim do tôi làm chủ nhưng Made in Japan với tựa đề Có Một Làng Quê, đoạn kết phim là như thế này :
“…Thuở tôi còn nhỏ, gia đình tôi tản cư về quê. Người chăm lo, nuôi dạy anh em chúng tôi là một bà vú nuôi nhà quê mà chúng tôi vẫn trìu mến gọi là thím, thím Nhuận.
Mỗi buổi tối, sau những công việc vườn tược, xay lúa, giã gạo, khi gà đã lên chuồng thím mắc võng ra hiên nằm kể chuyện cho chúng tôi. Khi ấy tôi chưa hề biết rằng bà không biết chữ mà chỉ thấy bà thuộc lòng những chuyện thơ dài suốt đêm này qua đêm khác.
Thế rồi một đêm, dưới vòm trời bí ẩn đầy những vì sao lấp lánh, trong trí tưởng tượng ấu trĩ của tôi bỗng nảy ra một dấu hỏi to tướng về sự hữu hạn và vô hạn. Tôi bắt đầu lục vấn thím tôi:
- Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?
- Làng ta gọi là làng An Phú. Đi hết làng ta thì đến làng An Lễ.
- Đi hết làng An Lễ thì đến làng nào?
- Đi hết làng An Lễ thì đến làng An Phong, An Nhân, An Đạo.
- Đi hết làng An Đạo thì đến đâu?
- Đi hết làng An Đạo thì đến biển!
Bà tự tin giảng giải cho tôi. Tôi vô cùng khâm phục sự hiểu biết rộng lớn của bà. Rồi bỗng nhiên tôi nhỏm dậy hỏi thím:
- Thế nếu đi hết biển thì đến đâu hả thím?
Trong đêm tối, thím tôi im lặng. Từ ngày có trí khôn chưa bao giờ thấy thím tôi buồn đến thế. Thím buồn bã trả lời:
- Đi hết biển đến đâu thì thím không biết.
Tôi dần lớn khôn và thím tôi âm thầm qua đời khi tôi ở nước ngoài. Bà không có con, phần mộ của bà thực là ảm đạm. Một lần thắp hương bên mộ thím, tôi xót xa thì thầm với thím rằng :
- Thím ơi! Cháu thương thím, vì cho đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ! Cháu sẽ dành dụm để xây cho thím một ngôi mộ đàng hoàng. Thím cho phép cháu đề lên bia mộ mấy hàng chữ như thế này :
“Nơi đây yên nghỉ thím tôi
Bà già nhà quê mù chữ
Người thầy đầu tiên của tôi…”
Người Nhật bỏ tiền ra cho tôi làm phim, hơn thế nữa, muốn làm thế nào thì làm. Tôi đã nói về “cái tôi”. Những bộ phim Made in VietNam, làm về “cái tôi” là một điều khó, rất khó.
Nhân đây cũng phải nói thêm rằng, nhiều năm xa quê, trở lại không còn thấy những tên làng như ngày xưa nữa. Tôi buồn lắm. Sử chép rằng ngày xưa, vào năm Tự Đức thứ 10 (1829) khi quan Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ cùng cụ tổ lập ấp của chúng tôi là cụ Trần Trung Khánh quai đê, lấn biển, mở mang bờ cõi, lập nên tổng Ninh Nhất, đặt tên làng gồm Cửu An: An Lạc, An Lễ, An Phú, An Phong, An Nhân, An Nghĩa, An Đạo… Người xưa đặt nền móng đạo lý và kỳ vọng tương lai cho con cháu ngay từ tên gọi của làng quê. Thế mà bây giờ con cháu văn minh, cách tân cho gọi nôm na là Xóm 1, Xóm 2, Xóm 3… như cách gọi trong trại lính. Những tên xưa dần mai một trong ký ức của các bậc già cả. Tiếc lắm!
Quê tôi người đi đạo, đi lương xấp xỉ bằng nhau. Sau 1954 người ta đi Nam cũng nhiều và sau 1975 người ta tiếp tục sang Mỹ cũng lắm. Dễ hiểu thôi nơi đó là miền biển của tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu, chỉ qua con sông Ninh Cơ là đến giáo phận Phát Diệm.
Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên mộ thím tôi : “Nếu đi hết biển qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình…” Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ “Qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi” mà cuối cùng không thể “trở về quê mình, làng mình” được…
* * *
Cuốn “Nếu Đi Hết Biển” ra đời ngay lập tức được sự quan tâm, được mua, được đọc và được cả búa rìu tới tấp của một số nhà văn người Việt tại Mỹ. Tôi bị thóa mạ nhiều điều nặng nề, là “du kích văn hóa cộng sản”. Đến nỗi họ cất công viết hẳn một cuốn sách dày tương tự như cuốn “Nếu Đi Hết Biển” với tựa đề “Trần Văn Thủy: Chuyện không tử tế”. Ôi! Các cụ ta xưa nói chẳng sai : “Trong cái họa có cái phúc” nhờ vậy sách bán rất chạy và liền sau đó, năm 2004, nhà văn Hoàng Khởi Phong đã giúp tôi tái bản. Cũng vào thời gian đó, mấy ai biết được rằng cơ quan hữu trách Việt Nam đã ra một văn bản trong đó có đoạn cũng lại phê phán tôi nặng nề vì viết “Nếu Đi Hết Biển” với chữ ký có tên là Đào Duy Quát. Câu chuyện vui này tôi đã kể và in nguyên si trong cuốn “Chuyện Nghề Của Thủy” và đã phát hành hơn 10 năm nay bởi nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Phương Nam Book, xin đừng cắt bỏ.
Nhớ năm tôi còn bé, có một ông thầy tướng nói với bố tôi rằng : “Thằng con ông sau này nó khổ”. Mà đúng như vậy thật. Cách đây 40 năm, tôi lòng thành làm “Hà Nội Trong Mắt Ai” rồi “Chuyện Tử Tế” bị bầm dập lên bờ xuống ruộng suốt những năm 80. Năm 1979 khi Trung Quốc đánh mình tan nát 6 tỉnh biên giới phía Bắc, phim “Phản Bội” do tôi làm, được tung hô trong và ngoài nước, đến nay lại bị cấm vĩnh viễn vì giữ gìn sự hòa hảo với người láng giềng phương Bắc.
Như trên tôi đã thưa: Tất cả là chuyện cũ! Cả đời tôi làm phim, đi trên con đường độc đạo. Từ tháng 9 năm 2011 đến tháng 3 năm 2012, giáo sư Michael Ronov, hiệu phó trường điện ảnh North Carolina và tiến sĩ Dean Wilson đã sang Việt Nam làm bài phỏng vấn tôi. Ngày cuối cùng các ông ấy hỏi tôi:
- Động cơ nào giúp ông đi đến tận cùng trên con đường làm nghề như thế?
Tôi đã trả lời ngay, nói vo, không một giây suy nghĩ:
- Tôi yêu đất nước này! Tôi có một tấm lòng tha thiết với xứ sở đã sinh ra mình và tôi muốn góp phần làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao cho cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hy sinh. Đó là xuất phát điểm của tôi trong mọi hành xử.
Giờ đây, cũng như số đông các cụ già yếu cùng thế hệ đã hứng chịu bom đạn, đói rét, ngạt hầm, cơ cực và cả những phi lý trong quá vãng, chúng tôi chẳng mấy vui mừng mỗi độ Tết đến Xuân về. Không sao đâu! Vạn sự trên đời này tất cả rồi sẽ qua đi mà.
Bệnh Viện 354, tháng 1/2024
TVT
* * *

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét