Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

PHẠM DUY - NGƯỜI ĐI CHƯA HẾT HƯƠNG SẦU LỮ THỨ

 


Theo hồi ký của Phạm Duy, vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, ông là nhạc sĩ và ca sĩ trong đoàn văn nghệ của Việt Minh, đi biểu diễn khắp các tỉnh miền Bắc.
Đến Lào Cai, ông gặp Văn Cao. Khi ấy, Văn Cao đang mở một phòng trà có tên là Quán Biên Thùy. Văn Cao thuyết phục Phạm Duy hát cho phòng trà của mình. Phạm Duy nhận lời và ở lại. Tại đây, ông sáng tác bài Bên Cầu Biên Giới, một trong những nhạc phẩm được xem là xuất sắc nhứt của Phạm Duy trong thời kỳ kháng chiến.
Năm một ngàn chín trăm năm mươi, Phạm Duy chia tay với Văn Cao và quay trở lại đoàn văn nghệ của Việt Minh, thì Bên Cầu Biên Giới bị đem ra phân tích, mổ xẻ, chỉ trích: nhạc phẩm chứa tính chủ quan, tính lãng mạn, tính tiểu tư sản, không thể chấp nhận được. Nguyễn Xuân Khoát cũng đến khuyên nhủ ông, hãy từ bỏ đầu óc lãng mạn thành thị và xóa sổ ca khúc này đi, nếu ông còn muốn ở lại để sáng tác nhưng Phạm Duy không chấp nhận.
Với lý do, ca khúc Bên Cầu Biên Giới đầy chất ủy mị, sầu não, chán chường, sẽ làm nản lòng kháng chiến quân, một lệnh cấm sau đó được ban hành. Khi ấy, Phạm Duy vừa mới cưới Thái Hằng và vợ ông sắp sinh con đầu lòng. Ông quyết định rời chiến khu và vào Nam.
Phạm Duy tâm sự: Một bài hát, theo tôi, nếu nó có may mắn được hát lên trong một thời kỳ nào đó, thì đời của nó, cũng chẳng khác chi một đời hoa, sớm nở tối tàn, có gì đâu mà quan trọng hóa đến độ phải treo cổ nó lên?
Bên Cầu Biên Giới cũng theo Phạm Duy di cư. Suốt hai mươi năm liền, chưa bao giờ Bên Cầu Biên Giới bị khán giả miền Nam chê dở, chê lỗi thời hay không còn phù hợp. Nó vẫn ngân nga trên tất cả các sóng truyền thông, qua tivi, qua đài phát thanh, từ các quán bar, các phòng trà cho đến các radio, cassette, máy băng cối akai, máy hát đĩa than, trong phạm vi gia đình.
Năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, không chỉ Bên Cầu Biên Giới (đương nhiên là thế rồi!), tất cả các sáng tác của Phạm Duy đều bị cấm. Cho đến năm hai ngàn không trăm mười hai, tức là ba mươi bảy năm sau, cục nghệ thuật biểu diễn mới cho phép Bên Cầu Biên Giới được lưu hành trở lại.
**
Chiếc cầu biên giới mà ông viết ở trong bài, chính là chiếc cầu Trung Việt. Ông kể lại: Bài này là một trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời đó cho nên nó nhanh chóng được phổ biến một cách rộng rãi. Bên Cầu Biên Giới được soạn ra trong đầu, lúc tôi ôm một vũ nữ kiêm tình báo viên vào lòng và đứng trên chiếc cầu này để viễn mơ. Tôi thèm được vượt biên giới để ra đi, để được sống bên người đẹp Tô Châu, hay chết bên bờ sông Danube, dẫu rằng lúc ấy, tôi vẫn còn đang trong đội ngũ kháng chiến, dẫu rằng lúc ấy, tôi vẫn luôn nghĩ về một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa.
Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đó sẽ là một tình khúc: có anh, có em, có dòng nước lũ, có nắng ngừng trên chiếc cầu biên giới nhưng mãi về sau, tôi mới thấy rõ ra hơn, đó là bài hát nói về biên giới trong lòng người, giữa hận thù và tình yêu, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa cái xấu và cái tốt, mà anh nghệ sĩ trẻ tuổi, thơ ngây, là tôi, luôn mơ ước phá vỡ nó đi.
******
BÊN CẦU BIÊN GIỚI
1.
Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa
Chỉ đọc lên thôi, chưa cần đến giai điệu, thì lời của ca khúc cũng đã thơ lắm rồi, cũng đã rất nhiều hình ảnh mộng mơ và lãng mạn lắm rồi.
Đứng trên chiếc cầu cao, hai bên đầu cầu nghiêng dốc xuống, phía dưới là dòng sông sâu nước lũ, thì soi bóng ở đây sẽ là soi bóng ai? Tôi không nghĩ là soi bóng cặp tình nhân. Vì soi làm sao được khi dòng nước đang chảy xiết đến thế. Tôi nghĩ nhiều hơn đến ánh cuối chiều, bóng nắng hoàng hôn.
Ngay cả động từ “ngừng lại” cũng khiến tôi có một cảm xúc khó tả. Ngừng lại để rồi đi tiếp hay ngừng lại để quay trở lui? Và đó chính là tâm trạng phải lựa chọn của tác giả lúc ấy.
Muốn đi tiếp vì giấc mộng giang hồ viễn du luôn luôn, thường trực trong tâm hồn của một người nghệ sĩ. Nhưng chân lại không đành vì dẫu sao cũng vẫn còn nặng gánh trách nhiệm của người trai với sông núi, nước non.
Lòng ước mơ, cứ thế theo dòng nước xuôi về cuối trời. Và nỗi sầu vương về chốn làng cũ quê xưa, một vùng đau thương, lại là niềm neo giữ lại.
**
2.
Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vầng trán ngây thơ
Rất đều đặn, rất nhịp nhàng, nếu không biết đây là lời của một bài ca, thì chắc chắn, tôi sẽ nghĩ đó là một bài thơ.
Người đi ở đây là ai? Còn ai nữa nếu không phải là tác giả. Tác giả đã đi rồi, từng đi rồi, và vẫn đang tiếp tục đi, chưa dừng gót. Thế mà vẫn không sao đi hết được chiều dài của hương sầu lữ thứ, không sao đi hết được chiều dài của mùi hương sầu nơi cõi trọ, cõi tạm nghỉ của khách đường xa.
Làm người nghệ sĩ, thì vẫn thường như vậy đó, “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (Cảm Xúc - Xuân Diệu), nên ông Phạm Duy, ổng cũng rất thiệt thà, hồn theo cánh gió quên tình xa xưa.
Ổng thiệt thà, tuổi xanh sẽ qua nhanh, tuổi già sẽ mau đến, như lá thu rụng cuối mùa, và giấc mộng về đêm đêm, vì thế, cứ sẽ khao khát mãi hoài, in dấu trên vầng trán ngây thơ.
**
3.
Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Đâu đây dáng huyền đền duyên xưa
Cảnh thơ nào mà không có người thơ. Người thơ ấy chính là “em đến bên tôi” của tác giả. Và đôi tình nhân đang đứng trên chiếc cầu trong một chiều nắng ngừng. Sao nắng không tan? Sao nắng không nhòe? Sao nắng theo người mà “ngừng lại”?
Nắng ngừng vì nắng cũng như người - lưỡng lự. Trong vô thức, những cũ và mới ấy, hôm nay và ngày mai ấy, vẫn khiến người nghệ sĩ quá chừng là băn khoăn, là phân vân, khó lòng chọn lựa. Bên này là tiếng đàn vô tư của chàng nhạc sĩ, bên kia là dáng huyền, là những mối duyên tơ.
**
4.
Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời
Từ từ trôi sông nước xa xôi
Mây núi khắp nơi, không tỏ một đôi lời
Trong phút giây lắng lòng, người nghệ sĩ lặng yên nghe lại dòng đời, nghe lại dòng sông, đang từ từ trôi, theo nước về miền xa xôi.
Mây núi bốn bề giăng phủ, và giờ đây, chúng cũng giữ một mực lặng yên như thế , không cất một lời nào.
Vì sao ư? Là bởi vì, nơi đây, là “bên cầu biên giới”, là cái nơi rạch ròi của đất đai, lãnh thổ.
Biên giới, còn là nơi phân chia lòng người, bên đó, bên đây!
**
5.
Ôi giấc mơ qua, mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên dòng sông Danube
Những đêm sáng sao
Chàng nhạc sĩ trong phút giây ngừng lại bên cầu, bỗng nhận ra hai bờ thực mộng. Tác giả bừng giấc, và thốt lên một tiếng bi ai - ôi.
Ôi, giấc mơ đã qua rồi, một giấc mơ thật đẹp của đời phiêu lãng giang hồ. Hoặc được sống trong lòng của người đẹp Tô Châu. Hoặc là chết bên dòng sông Danube sau một ái ân ngất trời cuồng nhiệt.
Để rồi phút giây sau cùng, ngước lên, thấy đêm cuối của mình, đầy trời sáng sao!
**
6.
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây
Nhưng giữa giấc mơ và thực tại vẫn là một khoảng cách rất lớn, không làm sao mà xóa nhòa được. Khoảng cách ấy, mênh mông, vô cùng vô tận, và chỉ được phân chia bởi mỏng một đường ranh.
Tác giả thú nhận, đường đi đến giấc mơ - hay nói khác đi, giấc mộng giang hồ của ông - quá xa vời. Và hương sầu, hương trời, cứ còn hoài, khôn nguôi trong lòng, mê mải. Tôi và nắng, vẫn phải đành ngừng bước lại ở đây, Bên Cầu Biên Giới này.
Có những phân chia rạch ròi nhìn thấy được như chiếc cầu biên giới Lào Cai, chia ranh giới đất đai giữa hai đất nước, chia biên cương, lãnh thổ giữa hai non sông. Nhưng cũng có những đường ranh phân chia không nhìn thấy được, đó là những đường ranh ẩn giấu trong lòng người.
**
7.
Ôi dòng tóc êm đềm
Ôi bể mắt đắm chìm
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa, chỉ là mơ qua.
Đứng bên em, bên dòng tóc êm đềm, bên bể mắt đắm chìm, tác giả từng mơ, sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay chết bên dòng sông Danube, thì cũng đáng lắm, một đời.
Nhưng rất nhanh, giấc mơ tan, tác giả ngỡ ngàng nhận ra, mộng dẫu bền đến mấy, thì cũng sẽ rồi qua, những tháng ngày phong sương. Nếu có còn lại chăng, thì cũng chỉ là đôi ba niềm thương nhớ.
******
Từ chiếc cầu biên giới ở Lào Cai, Phạm Duy di cư vào Nam và sau đó, ông qua Hoa Kỳ. Ba mươi năm sau, Phạm Duy trở về quê hương và mất tại Việt Nam ngày 27.01.2013, thọ chín mươi mốt tuổi.
Rất nhiều lời ai điếu được đọc lên trong ngày ông mất. Trong đó có bài thơ của nhà thơ Trần Mộng Tú:
Trên mười ngón tay anh chảy xuống ngàn ngàn dòng lệ long lanh ngũ sắc, bật lên những tiếng cười hoan ca cho dân tộc Việt.
Anh viết những dòng sử Việt bằng âm nhạc, anh bắn những nốt nhạc thay đạn vào suốt chiều dài của cuộc chiến ngoại xâm.
Anh nhắc nhở công ơn tổ tiên, anh hùng dân tộc mỗi ngày trên môi người Việt.
Anh khóc cười bằng nốt nhạc lời ca cho tình yêu, con người, quê hương, dân tộc.
Anh băng bó vết thương trong chiến tranh, anh đốt lửa tìm kiếm hòa bình.
Anh vung tay, mây trôi như lụa giũ, nước như thủy tinh vỡ, anh khắc hình cha Lạc Long Quân vào núi, núi không còn là đá, anh thả tình mẹ u Cơ xuống biển, biển không còn là đại dương.
Ngôn ngữ trong những ca khúc của anh trong suốt, lãng mạn, bát ngát tình tự dân tộc, đẹp như những viên ngọc trắng, trong như những giọt nước mưa.
Anh lên rừng, rừng thay lá, anh xuống suối, suối khóc òa. Bằng âm nhạc, bằng tình tự dân tộc anh đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, suốt cuộc đời mình không ngơi nghỉ.
Tình yêu quê hương trong ca từ của anh làm cho cả người hát và người nghe ứa lệ.
Ở những vết thương anh cho máu chảy thành mật ong, đám khói là hơi thở của mái nhà, em bé là con trâu, cái áo rách, cái bếp lửa là mẹ, củ khoai, bát nước chè là những người con.
Ngôn ngữ Việt dưới ngón tay anh trở thành Tiếng Nước Tôi thiêng liêng của dân tộc. Anh mang những tinh hoa của ngôn ngữ Việt tặng cho người Việt.
Âm nhạc lời ca của anh ngập tràn tình yêu thương người Việt, nước Việt.
Trong tình yêu đôi lứa của nhân gian anh cho cô tiên hiện xuống giữa đời, cỏ hồng mọc trên những sườn non không bao giờ úa, anh rùng mình hạnh phúc bằng âm giai.
Anh thanh, anh tục, anh thiền, anh đập phá bằng âm nhạc.
Anh uống, anh ăn, anh thở, giữa âm điệu và lời ca.
Anh sống đời mình trong mỗi phân vuông của cuộc đời bằng âm nhạc, anh chưa để lãng phí một giây phút nào của cuộc sống.
Anh để lại cho đồng chủng anh, cho kho tàng âm nhạc của dân tộc Việt một khối gia tài không một ngoại bang nào chiếm đoạt được.
Anh là một món quà quý giá mà cuộc tiến hóa của bao đời tổ tiên Việt Nam đã đúc kết nên và trao cho dân tộc vào thế kỷ hai mươi.
Anh sinh ra và nằm xuống trên quê hương mình, nước Việt Nam.
Xin gửi anh một lời Cám Ơn Trân Quý.
******
bước chân lữ thứ chiều đưa
hồn theo cánh gió ngày xưa nắng màu
ngừng đây soi bóng bên cầu
người đi chưa hết hương sầu, mộng qua… .
Sài Gòn 14.03.2024
Phạm Hiền Mây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét