Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

ỦNG HỘ ‘‘TẤN CÔNG KHỦNG BỐ DÂN NGA’’ : CHIẾC BẪY của PUTIN ?

 


‘‘Vụ nhà hát Crocus’’ và ‘‘Thời kỳ Hậu 22/03/2024’’ -  


Ngày 22/03/2024, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga bước sang một khúc quanh mới với hai biến cố diễn ra cùng lúc : Ít giờ sau khi điện Kremlin lần đầu tiên thừa nhận Nga đang trong tình trạng ‘‘chiến tranh’’ (‘‘chiến tranh’’ vốn là cụm từ huý kỵ từ hơn hai năm nay, mà những ai nhắc đến thường bị chế độ Putin trừng phạt), tại một nhà hát gần thủ đô nước Nga, đã diễn ra cuộc thảm sát khiến hơn 130 người chết.


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ngay lập tức đứng ra nhận trách nhiệm. 4 nghi phạm bị bắt được an ninh Nga cho biết là người gốc Trung Á. Nhiều nước phương Tây đã ngay lập tức chia buồn với người dân Nga. Hoa Kỳ đã báo động với Nga từ nhiều tuần nay về nguy cơ khủng bố tại nước này. Nước Pháp hôm nay nâng cấp ‘‘báo động cao nhất’’. Tổng thống Pháp cho biết sẵn sàng hợp tác với an ninh Nga để đối phó với đe doạ khủng bố Daech, vốn cũng rình rập nước Pháp từ nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, tại Nga có một không khí rất khác. Điện Kremlin đã không hề nhắc đến tổ chức thánh chiến Hồi giáo Daech, mà cố tình hướng mối nghi ngờ về liên hệ giữa các nghi phạm vụ khủng bố bị bắt với Ukraina. Điều lo ngại của nhiều chuyên gia, nhà chính trị châu Âu là chế độ Putin có thể sử dụng vụ khủng bố đẫm máu nhất từ 20 năm nay tại Nga để biện minh cho các biện pháp tàn khốc hơn nữa trong cuộc chiến tranh chống Ukraina, vẫn đang diễn ra từ hơn hai năm nay, bất chấp các lên án của cộng đồng quốc tế.

Ngày 22/03/2024 ắt hẳn là một bước ngoặt mới trong cuộc xâm lăng của Nga và cuộc kháng chiến chống Nga của Ukraina, được phương Tây hậu thuẫn. Tình hình ‘‘hậu 22/03/2024’’ rất khó đoán định. Tuy nhiên điều có thể thấy rõ là, kể từ giờ bầu không khí thù hận tại Nga có nguy cơ ngày càng dâng cao. Nhiều nhà quan sát cảnh báo, chế độ Putin có thể hướng tình cảm thù hận đó về phía Ukraina.

Việc thay đổi cách gọi cuộc xâm lăng Ukraina, từ ‘‘chiến dịch đặc biệt’’ chuyển thành ‘‘chiến tranh’’, rất có thể là cách để Matxcơva ở vào vị thế thuận lợi hơn nhiều đối với dư luận trong nước, trong việc huy động đông đảo người và phương tiện phục vụ cho chiến tranh.

***

DER SPIEGEL và THÁI ĐỘ ĐẦY CÂN NHẮC CỦA CHÍNH GIỚI ĐỨC

Trang mạng về thời sự chính trị có uy tín ở Đức, Der Spiegel, hôm qua 24/03, có bài viết được nhiều người theo dõi sát tình hình Ukraina chú ý, nêu bật tình trạng cảnh giác cao độ của chính giới Đức về thái độ của người dân đối với vụ khủng bố tại nhà hát Crocus.

Bài viết nêu bật ba ý chính:

1/ Không để chế độ Putin biến nước Nga thành nạn nhân, do vụ khủng bố nói trên (quan điểm cả chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ Viện Đức Michael Roth. Chính trị gia này nhấn mạnh : Kẻ gieo rắc khủng bố sẽ trở thành nạn nhân khủng bố)


2/ Không loại trừ khả năng chính chế độ Putin đứng sau vụ khủng bố của Daech (quan điểm của Roderich Kiesewetter, chính trị gia đối lập CDU), hiện đang là giả thiết rất được chú ý, nhưng chưa có đủ bằng chứng.


3/ Ý chính thứ ba có thể được tóm lược như sau: Không thể đồng nhất người dân Nga với chế độ Putin, các hành động tấn công vào thường dân Nga dứt khoát phải bị lên án, tương tự như việc tấn công vào dân thường các xứ sở khác. Đây là quan điểm của đại sứ Đức tại Nga, Alexander Graf Lambsdorff. Trong khi đó, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện Đức, Marie-Agnes Strack-Zimmermann, kêu gọi Nga hợp tác với các quốc gia khác để cùng chống các thế lực khủng bố, kẻ thù chung của nhân loại, thay vì tiếp tục cuộc chiến xâm lăng chống nước láng giềng.


*****

ỨNG XỬ TỈNH TÁO hay TRƯỢT HẲN VÀO CUỘC CHIẾN MỘT MẤT MỘT CÒN NGA >< PHƯƠNG TÂY ?


Điều đáng chú ý là một số người ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của người Ukraina, khi nhìn nhận vấn đề này, dường như đã bỏ qua ý chính quan trọng thứ ba của Spiegel  

‘‘Vụ nhà hát Crocus’’ và ‘‘Thời kỳ Hậu 22/03/2024’’ đặt những ai quan tâm đến Ukraina trước một lựa chọn:

(1) Hoặc có một ứng xử tỉnh táo, được thể hiện rõ qua bài viết đa chiều thông tin và đầy cân nhắc về quan điểm, của trang mạng Đức Der Spiegel, hoặc 

(2) ngả hẳn theo lập trường về một cuộc chiến không đội trời chung, một mất một còn giữa Ukraina và Nga.


Quên hẳn đi thái độ đầy cân nhắc của giới chính trị Đức - lên án chế độ Putin, nhưng cũng đồng thời lên án các cuộc khủng bố nhắm vào thường dân Nga -, một số người thiên hẳn về lựa chọn một cuộc chiến không đội trời chung chống lại toàn thể nước Nga, coi cuộc chiến tranh vệ quốc của Ukraina là cuộc chiến tổng lực chống nước Nga, không từ bất cứ phương tiện nào, kể các biện pháp khủng bố hàng loạt nhắm vào dân thường.

Theo nhiều nhà quan sát, từ nhiều năm nay, chế độ Putin đã tìm cách xây dựng một ‘‘câu chuyện kể’’ về một nước Nga bị phương Tây vây hãm, nhằm kích động tình cảm thù hận của người Nga. Việc tách hẳn người dân Nga khỏi phương Tây chính là nằm trong chủ trương mà chế độ Putin mong muốn. Nhờ vậy, họ có thể dễ dàng kích động chủ nghĩa dân tộc Nga.


Các nền độc tài chuyên chế trở nên hùng mạnh hơn, và được sự ủng hộ của đông đảo của dân chúng hơn, khi chúng thành công trong việc đặt toàn thể người dân trong nước vào thế đối đầu triệt để với các thế lực nước ngoài. Cổ vũ cho các hành động ‘‘khủng bố’’ (hay chiến tranh du kích) nhắm vào dân thường Nga phải chăng chính là cách tốt nhất để kích động hận thù, và cũng chính là cách ‘‘tiếp tay’’ tốt nhất cho chính mục tiêu mà chế độ Putin đã nỗ lực vận động từ cả chục năm nay?


@@@@@

Ảnh trên: Putin và vụ tấn công khủng bố 22/03/2024 tại nhà hát Crocus.


Ảnh dưới:

1 : Ảnh © wikimedia - Cuộc tuần hành vì Hòa bình tại Matxcơva ngày 14/03/2014, ít tuần sau cách mạng Maidan. Giới tranh đấu mang cờ Ukraina và cờ Nga sát cánh bên nhau. Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov (bị sát hại đầu năm 2015) có mặt trong đoàn tuần hành. Khẩu hiệu bằng tiếng Nga trong cuộc tuần hành : Vì nước Nga và Ukraina không có Putin!.


2 : Các nghi phạm vụ khủng bố Crocus với gương mặt mang dấu vết tra tấn.






Mời xem thêm

VỤ KHỦNG BỐ nhà hát  Crocus : Chế độ Putin tuyên truyền tinh vi để gieo rắc không khí mơ hồ về khả năng nhóm Hồi giáo thánh chiến có liên hệ với Kiev.

(chuyên gia Pháp Emilia Koustova : Chỉ cần gieo rắc được một bầu không khí ‘‘bán tín bán nghi’’ tại Nga là Matxcơva đã thành công).

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3582288835421012&id=100009197912801&mibextid=WC7FNe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét