Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

MỘT LÁ THƯ ĐỘC ĐÁO CỦA NHÀ THƠ QUANG DŨNG


 

Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) là tác giả của “Tây Tiến”, của “Đôi mắt người Sơn Tây” và một số bài thơ để đời... Sinh thời, Thi sĩ tài hoa này có cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhưng ông cũng nổi tiếng là người vui tính và hay hài hước.
Chuyện xung quanh một lá thư của nhà thơ Quang Dũng viết cho nữ sĩ Anh Thơ, cách đây gần 70 năm là một ví dụ như thế...
Đó là vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Quang Dũng đang làm Biên tập viên văn xuôi ở Nhà xuất bản Văn học. Cùng cơ quan với Quang Dũng có hai người bạn thân là nữ sĩ Anh Thơ, Biên tập viên Tổ Thơ và nhà soạn kịch Lưu Quang Thuận (thân phụ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) biên tập viên Tổ Kịch bản.
Giám đốc của Nhà xuất bản Văn học hồi ấy là Nhà văn Hà Minh Tuân. Ông Tuân là một Trung tá quân đội chuyển ngành, thường hay hô hào và tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ đang công tác tại cơ quan đi thâm nhập thực tế sáng tác. Cụ thể là: mỗi tháng, cán bộ biên tập của Nhà xuất bản chỉ cần làm chuyên môn trong 20 ngày, 10 ngày còn lại dành để cho các cá nhân đi thực tế tự do.
Mỗi quý, Nhà xuất bản Văn học lại tổ chức một chuyến đi “dài hơi” tới 15 ngày cho cả tập thể. Các cây bút tha hồ lên rừng, xuống biển, vào nhà máy, tới nông trường, đến với bà con nông dân ở các hợp tác xã...
Mùa thu năm đó, Nhà xuất bản Văn học vừa tổ chức một chuyến đi thực tế cho một số văn nghệ sĩ về vùng đảo Cô Tô (Quảng Ninh) để lấy tư liệu viết về lâm nghiệp... Để tuyên truyền cho kết quả chuyến đi, họ quyết định cho ra một cuốn sách thơ - văn mang tựa đề là ‘Tiếng rừng”...
Cuốn sách chưa làm xong thì nữ sĩ Anh Thơ bị ốm phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Các bác sĩ đã phát hiện ra căn bệnh quái ác: Ung thư dạ con! Họ đã phải mổ để cắt cái dạ con có khối u ấy đi...
Cắt dạ con, có nghĩa là vĩnh viễn Anh Thơ không sinh nở được nữa, đã bị tước đi thiên chức làm mẹ... đó là điều khủng khiếp nhất đối với một phụ nữ! Bác sỹ Bùi Văn Dinh, chồng của Nhà thơ Anh Thơ năm ấy cũng đang làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Anh đã đề nghị các đồng nghiệp giấu kín chuyện buồn trên, không cho vợ mình biết. Nhưng rồi, nữ sĩ Anh Thơ vẫn rõ mọi chuyện. Chị đau khổ vô cùng.
Nhiều văn nghệ sĩ bạn bè đã vào thăm, động viên Anh Thơ. Nhà thơ Chế Lan Viên khi đến thăm nữ sĩ đã có một câu hài hước đáng nhớ: “Tuy dạ con đã mất nhưng không hề gì, bởi vì... “dạ bố” vẫn còn nguyên”!
Lá thư dưới đây, Quang Dũng viết để động viên Anh Thơ, khi chị đang nằm trong bệnh viện, sau phẫu thuật:
“Chị Anh Thơ.
Từ hôm chị vào dưỡng bệnh tôi chưa vào thăm chị được; cũng rất lấy làm áy náy, vậy hôm nay gửi thư thăm chị, chúc chị chóng bình phục để còn đi một chuyến xa nữa, không kém hào hứng như chuyến về với Cát Núi.
(Kèm hình vẽ minh họa)
Có thể xem tranh này chị đoán là đi đâu? Núi như nổi trên mây chắc là Tây Bắc, Tây Biếc gì đó (có lẽ phải gọi là Tây Biếc thì đúng hơn vì núi xanh, rừng lục, có phải không chị?).
Thôi, nói tưởng tượng thế thôi chị ạ, chứ chị thì cũng chẳng đi được nữa đâu vì chắc anh Dinh sẽ không cho đón... đi. Nhân tiện chị đang mệt nằm nhà thương (nhớ) nên tôi có hội ý nói với Tổ là tặng chị mấy món bồi dưỡng: Cam Bố Hạ, gà làng Hồ, chuối trong bồ, vịt Bầu Bến, cà phê lâm trường, đường mậu dịch.
(Kèm hình vẽ minh họa)
Nhưng vì tính tôi còn chút quan liêu nên tất cả chỉ mới là trên giấy tờ. Miễn là làm sao cho chị cười nên một tiếng thì còn bổ bằng mấy những thứ có thật phải không chị.
Bìa “Tiếng Rừng” vẽ xong rồi, và vẽ khá lắm, hoạ sĩ trứ danh vẽ đấy, chắc chị cũng sẽ vừa ý - Tôi xin nhã nhặn báo cáo với chị là: Hoạ sĩ ấy tên là Quang Dũng, một người vẽ có tài (chị đừng cười nhé).
Làm toán và chỉ nên đọc báo văn học. Hay nhất là trang vui cười. Và nhiều khi vui cười nhất là trang ấy lại chưa hay. (Triết lý lủng củng, chị đại xá cho nhé).
Mùa này Bố Hạ đỏ vườn
Cam sáng như trời tháng Tám.
Sông Thương nhớ ai dòng nước xanh
Đường sỏi trung du khúc uốn quanh
Làng cũ đá ong đường vẫn đẹp
..................
(Phân tích sau)
Nơi đây quê chị: một nhà thơ
Phương Đông Mácxít đã nổi tiếng
Vào tuyến không quên mua nhiều quà
Mua cả thuốc lá, mua thịt gà
Lại cả một lít... ở Kỳ Anh
Đem về thân tặng... ai đố biết?
Và thơ tôi đến đây cũng là hết...
(Ghi chú dưới bài thơ: Lưu Quang Thuận vẫn gọi chị là “Người đàn bà Mácxít Phương Đông”).
Thơ này trước khi gửi tới tặng chị Anh Thơ, tôi đã thận trọng hỏi ý kiến Lưu Quang Thuận. Anh ta nở một nụ cười sứt răng mà không nói một câu nào. Tôi biết ngay thế là bạn đã đồng ý. Và Lưu Quang Thuận đã chỉ thị cho tôi là viết thêm vào đây mấy lời thăm chị và chúc chị chóng về với Tổ Thơ:
“Tổ Thơ mà vắng chị Thơ
Khác nào như thể quanh hồ thiếu cây”
(Mà lại Hồ Tây!).
Đó là thơ của Lưu Quang Thuận do Quang Dũng sáng tác hộ và chấp bút. Thôi xin chào chị và luôn dịp xin hỏi thăm tất cả mọi người ốm trên đời này đang ốm ở nhà thương của chị”.
(Đã ký rõ tên)
Quang Dũng




Lá thư nói trên được viết dài 4 trang, kèm theo còn có thêm một trang “tái bút” rất hài hước và viễn tưởng như sau:
Kính gửi bạn.
Ban biên tập chúng tôi đã đọc bài thơ trên của bạn, xin góp ý kiến như sau: Sáu câu trên thì hay - trữ tình và lãng mạn. Có thể sử dụng được, chúng tôi sẽ in một tập 6 câu cho bạn và sẽ ra mắt vào quãng quý hai năm 1999 - để chào mừng năm 2000.
Sáu câu dưới có ý hay, thực tế sinh động, có sản xuất (thuốc lá) và có cả chăn nuôi (thịt gà) lại có tình (vợ mua quà về tặng chồng) lại có lý (thơ đến câu “cũng là hết” thì rất hợp lý, nếu làm nữa có thể là kéo dài vô lý). Vậy kết luận đó là bài thơ hay nhất trong nền thơ ca của ta, nhưng tạm dùng được một nửa - nhưng cũng là để vào dịp chào mừng năm đầu của thế kỷ 21. Mong bạn vui lòng chờ đợi.
Tổ Thơ (ở nhà thương)
Khi viết lá thư trên, Quang Dũng chưa đầy bốn mươi tuổi, nhưng đã có bốn đứa con. Cậu con trai lớn Bùi Quang Vĩnh mới mười hai tuổi (hiện Bùi Quang Vĩnh là Giảng viên trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên); còn con gái Bùi Phương Hạ thì mới sinh... (Mấy năm sau, vợ chồng Quang Dũng còn sinh thêm một con gái nữa). Vợ không có nghề nghiệp gì, lại đẻ nhiều con nên nhà Quang Dũng rất nghèo. Gia đình anh nghèo tới mức trong nhà không có thứ đồ đạc gì đáng giá và thường xuyên phải ăn đói vì thiếu gạo, nhường cơm cho các con.
Có lần, một bạn thơ khao nhuận bút bằng cách mời Quang Dũng ăn một... bát phở. Anh cứ xuýt xoa mãi vì ngon. Bát phở ấy đã được Quang Dũng vét nhẵn, không còn sót một giọt nước dùng. Anh thú thật với bạn rằng sống giữa Hà Nội, nhưng cả năm trời mình không biết mùi phở là gì, chỉ vì nó quá xa xỉ với thu nhập của gia đình anh. Vợ không có công ăn việc làm, cả nhà tới sáu miệng ăn chỉ trông vào vài chục đồng tiền lương với ít tiêu chuẩn tem phiếu hạn chế của Quang Dũng. Đã vậy, nhiều lần gặp lúc vui vẻ cao hứng ở cơ quan, chàng thi sĩ tuyên bố “kế hoạch” tổ chức việc làm cho vợ: Lần thì anh bảo sẽ cho vợ anh học cách làm tương và muối cà ghém để bán; lần khác anh nói sẽ không muối cà ghém mà sẽ... muối dưa; lại có lần anh nói vợ anh sắp mở lò làm đậu phụ, mẻ đầu tiên anh sẽ tình nguyện khao cả cơ quan(!)... Nói tóm lại, là Quang Dũng đã dự kiến rất nhiều việc làm cho vợ, nhưng rồi chẳng thực hiện được việc gì. Gia đình anh khổ vẫn hoàn khổ!
Quang Dũng rất hăng hái đi thực tế sáng tác, một phần cũng bởi nhà nghèo. Anh không giấu giếm tâm sự với mọi người: “Tôi đi công tác thì vợ con ở nhà cũng bớt được một miệng ăn, dư được chút gạo để dành. Mà đến cơ sở thì mình lại được ăn no, ăn ngon hơn, có lợi cả đôi đường...”.
Của đáng tội là Quang Dũng lại ăn rất khỏe. Chuyện rằng, một lần nhà văn Nguyễn Tuân mời Quang Dũng đi ăn xôi sáng. Nguyễn Tuân bảo: “Hôm nay tôi có tiền, xin ông cứ ăn thoải mái cho thật no”. Chẳng khách sáo gì, Quang Dũng đã “thật bụng” xơi liền một lúc đến suất xôi thứ... bẩy, rồi mới nói lời “cảm ơn”, khiến cụ Nguyễn cứ tròn mắt ngồi nhìn.
Quang Dũng ăn khoẻ và to con. Người ông cao lớn, mặt vuông chữ điền, để râu ria thì nom cứ như Tây. Nghe nói, trong một lần đi công tác về cơ sở, Quang Dũng đã bị dân quân du kích ở địa phương bắt trói lại vì tưởng là “Tây giả ta”, phải thanh minh mãi, và còn nhờ cả người làm chứng họ mới tha cho về...
Thời ấy, “Cam Bố Hạ, gà làng Hồ, chuối trong bồ, vịt Bầu Bến, cà phê lâm trường, đường mậu dịch...” là những thứ rất hiếm. Phải quý nhau lắm, hoặc khi ốm đau người ta mới mang đi biếu. Ai có dùng thường xuyên tức là sống xa xỉ. Cũng vì quý và hiếm nên những sản vật nổi tiếng ấy đã thành câu cửa miệng, cho các văn nghệ sĩ ước ao cho... đỡ thèm! Nghèo như Quang Dũng thì lấy đâu tiền mà mua biếu bạn! Thế là anh nghĩ ra cách biếu quà nữ sĩ Anh Thơ bằng... hình vẽ minh họa theo thư.
Thực ra, Quang Dũng vốn là người tài hoa, vẽ có nghề, chứ không chỉ là những nét ngô nghê buồn cười như ta thấy trong lá thư kể trên. Nhiều bức tranh vừa vẽ xong, bạn bè khen đẹp, ông tặng luôn... Rất khó xác định rằng với tư cách là một họa sĩ, Quang Dũng còn để lại cho đời bao nhiêu tác phẩm?
20 năm trước, khi tôi đi tìm hiểu tư liệu để viết bài báo nhỏ này, gia đình anh Bùi Quang Vĩnh (con trai trưởng của Quang Dũng) và chị Bùi Phương Thảo (con gái thứ tư của nhà thơ) còn lưu giữ được hơn chục bức tranh do Quang Dũng vẽ từ những năm 1950 ở Lạng Sơn; một số ít tác phẩm khác do mấy quán cà phê ở Hà Nội sưu tầm giữ được...
Nhà thơ Quang Dũng mất ngày 13 tháng 10 năm 1988, sau một cơn bạo bệnh, phải nằm liệt giường nhiều tháng trời, trong cảnh nhà bần hàn và túng thiếu.
Lá thư trên Quang Dũng viết cho bạn thơ từ gần 70 năm trước. Vậy mà khi đọc những dòng tái bút, ngỡ như Quang Dũng mới viết... năm nay!
Ta lại càng thấy nhớ và thương ông hơn - Một đời người lận đận và một đời thơ tài hoa!
Nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhóm họa sĩ trẻ của "Trái tim người lính" vừa dùng AI để phục dựng chân dung màu cho Thi sĩ Quang Dũng - Tác giả của "Tây tiến" lừng danh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội, 2004 - 2024
Đặng Vương Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét