Trong thời gian này, tôi thấy như sau cơn bảo tố của cái gọi là “Nhân văn giai phẩm” thì cuộc sống của nhiều văn nghệ sĩ vẫn chưa được bình an. Lẫn khuất đâu đó thái độ né tránh, sợ liên lụy đến bản thân với những người từng bị đưa vào danh sách đen. Tôi nhận thấy rất rõ một số bạn hồi còn ở thị trấn đìu hiu An Nhơn Bình Định, nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Lúc thì chú Nguyễn Thành Long ở dưới Qui Nhơn lên, chú Khánh Cao trong xóm Lò Rèn ra, lúc thì chú Tế Hanh ở Quãng Ngãi vào, hoặc chú Hoàng Châu Ký đi công cán ghé ngủ qua đêm… Các chú đến nhà tôi để tranh luận cùng ba nhiều vấn đề. Còn giờ, hầu như, tôi chỉ gặp chú Nguyễn Thành Long, chú Phạm Hổ, chú Nguyễn Đình và vài bạn mới quen cùng làm ở 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội.
Hồi đó, vì không biết ba tôi có tên trong danh sách NVGP, vậy nên khi thấy các chú nhà thơ trước đây hay tụ tập tại nhà tôi mà giờ không gặp nên trong lòng thắc mắc. Song le, ba lại có những ông bạn rất mới.
Cuộc sống lúc bấy giờ dựa chính vào mấy cái tem phiếu và bià mua nhu yếu phẩm. Bìa có phân biệt hẳn hoi.
Bìa A: gồm cán bộ từ Bộ trưởng trở lên
Bìa B: gồm các bác vị từ Thứ trưởng, Vụ trưởng...
Và câu thơ để phân biệt cho các gia đình đến những nơi này mua:
Tôn Đảng là của vua quan
Nhà thờ là của trung gian nịnh thần
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.
Tôi làm việc ở Nông trường quốc doanh Ba Vì không biết gia đình tôi thuộc thành phần nào. Nhưng những người bạn mới của ba thì:
Tôi hay gặp họ vào các ngày nghĩ bù. Đặc biệt khi nhìn thấy có một ông to, béo, tôi ngỡ là ông Tây; tôi lo, sợ hàng xóm thấy sẽ nghi ba giao lưu với người nước ngoài để làm gián điệp. Tôi rỉ tai nói nhỏ: “Sao ba dám đưa Tây về nhà?”. Ba tôi phì cười, nháy mắt với ông to béo:- “Đây-bác Quang Dũng, không phải ông Tây đâu mà con lo” Và cả hai cùng cười với tôi. Chả là bấy giờ, không ai dám quan hệ với người nước ngoài; hàng xóm biết, đi báo công an Khu vực theo dõi ghi vào sổ đen.
Thế là việc phân loại hình "thần kinh" được thực thi. Tôi xếp chú vào loại hình “Thô săn”, bởi chú cao, to song chắc, khỏe, mạnh mẽ chứ không bệu rệu, rã rời như chú Xuân Diệu. Thần kinh chú cân bằng tốt, chậm nhưng không trì trệ; tóc màu muối tiêu; mắt chú là màu tro. Người chú to nhưng trông hiền lành, gây được cảm tình trong tôi tức khắc.
Vốn dĩ hay tò mò về các mối quan hệ giữa ba và các bạn thơ. Tôi thấy hai người này như có sợi giây ràng, ghịt chặt hai tâm hồn một béo một gầy vào nhau. Theo ba, chú Dũng là người đa tài, nhưng không gặp thời, tội lắm! Gia đình chú lúc nào cũng túng bấn, vậy mà bị phê bình là mang tư tưởng tiểu tư sản. Nghe ba nói do bài thơ Tây tiến thể hiện tư tưởng ấy rất cao; đã đi kháng chiến mà còn vương vấn tư tưởng lãng mạn của giai cấp Tiểu tư sản. Giải bày tình cảm của mình đối với chú Dũng, ba chia sẽ cùng Báo “Tuổi trẻ”:
- “Gia đình tôi rất thân với anh Quang Dũng. Dũng người to lớn, trông như võ sĩ nhưng tính thì hiền, nghe chuyện buồn lại hay mau nước mắt. Thời đó, mỗi tháng cán bộ chỉ được mua 13 ký gạo, tôi và vợ tôi ăn ít, nên vừa đủ. Còn anh Quang Dũng to, khỏe, ăn nhiều, nên anh thường xuyên bị đói. Mỗi lần anh đến nhà chơi bà nhà tôi đều lặng lẽ đong cho anh túi gạo chừng dăm ba cân, để anh ăn thêm, lần nào nhận gạo anh cũng khóc.”
Cảm thông trước hoàn cảnh chú Dũng; vợ là người Tày, thật thà và không biết tính toán, lo xa, nên nghèo khó cứ nối đuôi nhau quanh quẩn ở gia đình chú không chịu buông!. Nếu so sánh giữa gia đình tôi và gia đình chú trong cuộc sống: nhà tôi cũng chật, cũng đông con, má thì mất sức không làm ra tiền, nhưng má tôi biết sắp xếp và “khéo ăn nên no, khéo co nên ấm”, cùng ba chung vai gánh khó khăn nên cuộc sống ổn định hơn nhà chú.
Mỗi lần lên thăm nhà tôi, thấy có gì mới, chú ngắm nghía rất lâu như để tạc vào óc. Nhìn kệ sách ba vừa tạo dáng trên tường, làm bằng 5 cái pot-ba-ga xe đạp hỏng. Chú khen lấy, khen để; khoái lắm, rồi lục túi, lấy bút, sổ vẽ lại kiểu dáng, nói “về nhà, mình cũng làm một cái để chất hết sách vở, chai lọ ở dưới gầm giường lên cho đỡ muỗi, chuột.”
Không biết sau đó bác có làm được gì từ việc học hỏi ở ba tôi không mà chăm lắm, gặp gì cũng ghi, chép cả.
Với chú Quang Dũng ba tôi có thơ:
Tàu điện xa dần phía chợ Mơ
Phòng văn được phút lặng không ngờ
Họa mi ai nhốt sau lồng trúc
Vọng tiếng rừng sang góp ý thơ
(Họa mi trong lồng- 10-1973)
Chắc nhiều bạn chưa có dịp chứng kiến cái hóm của chú Dũng. Một hôm, vừa bước chân vào nhà tôi, chú vui vẻ khoe: “Anh chị Lan biết không, tôi vừa được uống cả quả dừa mà không tốn xu nào”, xong, bác cười khà khà kể lại:
- Thấy bà bán dừa đi qua, tôi trêu: Trời ơi! cau nhà bác trồng cách nào mà tốt trái vậy, bác đứng lại cho hỏi thăm chút kinh nghiệm. Ở quê, nhà tôi cũng có vài cây mà quả chỉ bằng ngón chân cái thôi”. Bà bán dừa đặt gánh xuống, vẻ quê mùa “Không phải cau đâu bác ạ, đây là dừa Miền Nam đấy!” Tôi quyết không nghe: Quả này là dừa ư? bác đừng phỉnh tôi, bác muốn giấu nghề thì chớ!”.
Thế là tôi và bà ấy bắt đầu cải “Cau, dừa; dừa, cau”.
Thấy tôi to lớn mà không phân biệt được cau hay dừa, bà cúi xuống, cầm lên một quả, lấy dao vạt miếng vỏ ở đầu trái, rồi dúi vào bụng tôi: “Này! bác uống thử, xem nó là cau hay dừa mà cứ cãi lấy được!”
Má tôi kể: Cuối năm 1957, ba nhận được 80đ nhuận bút tập thơ “Những ngọn đèn”. Chú Dũng đến chơi, ba liền lấy đưa chú 40đ, rồi giục “Anh cầm số tiền này về mua gạo cho các cháu, chúng đang tuổi ăn để lớn, đừng để chúng đói tội.”
Cầm tiền bạn đưa, hai hàng nước mắt chú lăn dài trên má; chẳng nói được nên lời, chỉ nhìn ba chằm chằm, lau nước mắt và ra về!
Cảm kích tấm lòng của bạn; mấy ngày sau, chú khệ nệ mang bức tranh “Đường làng” đến tặng ba.
Nếu ai có óc thẩm mỹ về hội họa thì nhìn xa, nhìn gần đều thấy tranh vẻ một làng quê yên bình mà ở đâu trên đất Việt cũng có. Nó không chỉ đơn thuần là cánh đồng, con trâu, cây chuối .. mà còn cả ký ức, tâm hồn trong mỗi con người xa quê, để rồi có lúc trong ta chợt sống lại kỷ niệm tuổi thơ đã đi qua nơi làng quê êm ả ấy!.
Sau giải phóng, ba mang bức tranh về Nam, treo tại phòng khách. Bọn trẻ chúng tôi không am hiểu về lĩnh vực hội họa, càng không có thời gian để ngắm cái xa, cái gần của bức tranh, vì còn phải “tìm đường cứu nhà” trong cái thế giới đầy biến động và mưu sinh thời hiện tại.
Bài thơ: “Cảm tác về một bức tranh treo ở nhà”
Treo lâu sơn thủy cảnh thu suông
Bụi bặm thời gian đã phủ dồn
Để đó vào ra không kẻ ngắm
Cất đi còn ngại mặt tường trơn
Ở Hà Nội, đọc bài thơ đăng trên báo, vì không hiểu ẩn ý sâu xa của ba tôi, chú tự ái trách:
“Yến Lan chê tranh mình không đáng treo ở nhà ông ấy…” Qua bạn bè ở Hà Nội cho biết, ba liền thư ra, giải bày tâm sự: Anh hiểu lầm tôi, bài thơ ấy tôi muốn nói tới lớp trẻ ngày nay, chúng không biết nhận thức cái đẹp, thờ ơ với nghệ thuật, rằng chúng chỉ chăm chăm kiếm tiền, lúc nào cũng chỉ tiền tiền mà thôi!
Chú Dũng hiểu ra, cái tình mà ông bạn già dành cho mình vẫn chưa hề nhạt phai; nên rất vui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét