Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Gorbachev – Yeltsin: Cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cả thế giới

“Thảm họa chính trị lớn nhất trong lịch sử” – đó là nhận xét của Thủ tướng Nga Vladimir Putin về cuộc đảo chính Xô Viết năm 1991. Cuộc đảo chính năm 1991 tuy không giành được thắng lợi nhưng đã tạo ra dư chấn dữ dội, từ đó dẫn đến sự sụp đổ của cả Liên bang Xô Viết. Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau sự tan rã này. Từng coi nhau là ân nhân, nhưng cả hai lại quyết tâm đấu tranh lật đổ lẫn nhau một cách khốc liệt, và cuộc đấu tranh này vô hình trung đã làm nên những thay đổi mang tính lịch sử, không chỉ của Liên bang Xô Viết, của nước Nga mà còn toàn thế giới.

Kẻ tám lạng...

                         Boris Yeltsin  và  Mikhail Gorbachev

Mikhail Sergeyevich Gorbachev, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, thường được thế giới coi như người đã có vai trò rất quan trọng trong quá trình chấm dứt Chiến tranh lạnh, phá bỏ bức tường ngăn cách Đông – Tây, góp phần đáng kể vào việc thiếp lập sự hoà dịu giữa hai khối Cộng sản – Tư bản trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Privolnoye gần Stavropol, phía Tây Nam Nga. Sớm phải giúp bố mẹ trong công việc đồng áng, nhà gặp nhiều khó khăn nhưng Gorbachev luôn vui tươi và có thành tích tốt trong học tập.

Ở trường học, Gorbachev là một học sinh xuất sắc, nhưng thầy cô và bạn bè lại không nghĩ rằng cậu nông dân nghèo này có thể sẽ trở thành nhà lãnh đạo đất nước. “Ngày đó cậu ấy không giống một người đặc biệt sẽ có một sự nghiệp lẫy lừng. Một cậu học sinh chăm chỉ, thông minh, vượt lên khó khăn.” - Cô giáo dạy lịch sử, Antonia Sheherbakova chia sẻ. - “Cậu ấy cũng giống như bao cậu bé bình thường khác ở độ tuổi lúc bấy giờ, thích chơi đùa hơn là học. Misha hay cười và thích chơi bóng đá, thường chạy chân không trên sân và hay đi đất đến trường.” (Ngày bé, Gorbachev được gọi với cái tên thân mật là Misha).
Cha của Gorbachev, Alexi Gorbachev là một người đàn ông sống đơn giản, thực tế và rất cần cù. Ông làm việc cần mẫn trong nông trang, khá ngại ngùng khi tiếp xúc. Giống như những thành viên khác trong gia đình, cha của Gorbachev chỉ đi học vài lớp ở trường làng. Alexi Gorbachev là một thành viên đáng tin cậy của Đảng Cộng sản Quận uỷ, nhưng ông cực kì ghét việc thuyết trình.

Ông thà làm thêm ngày trên cánh đồng còn hơn buộc phải đọc báo cáo, hay thuyết trình trước đám đông. Cậu bé Misha lại giống mẹ, con gái cả của Gopkolo, Mariya Panteleyevna. Bà là một phụ nữ mạnh mẽ, thẳng thắn, tự tin và luôn cho mình là đúng. Dân làng biết bà là tín đồ tôn giáo khi đưa cậu bé Misha đi rửa tội. Việc làm này đã khắc sâu vào tâm trí ông lòng khoan dung và tính kiên nhẫn của tôn giáo, nhưng không thể khiến ông tin vào tôn giáo. Chính bà mẹ đã dạy Gorbachev cách nói trước đám đông.

Tại các buổi họp Đảng huyện, với người chồng âm thầm bên cạnh đang cố nhắc bà đừng gây sự chú ý, bà đứng thẳng và bắt đầu bài phát biểu của mình, thẳng thắn đưa ra cho những người nông dân và giới chức địa phương lời chỉ trích và những câu hỏi mà người khác dù muốn cũng không dám nói. Bà phát biểu ở hầu hết các buổi họp, không ai gặp lỗi mà thoát được miệng lưỡi của Mariya. Điệu bộ, cử chỉ của bà khi phát biểu đã đi vào trí óc tân tiến của Gorbachev, tạo một thói quen mà sau này người lãnh đạo cao nhất của Liên Xô rất cần.
Người bạn thân nơi quê nhà, Aleksandr Yakovenko, kể lại kỉ niệm với nhà lãnh đạo về những ngày ông cùng Misha vẫy vùng trong thùng chứa nước, kéo bím tóc của các cô gái làng, chơi một trò chơi của Nga giống như bóng chày, gọi là “lapta”. Misha rất mê ăn dưa hấu ướp muối và uống nước Kơ-vát lạnh (một loại nước giải khát hơi chua của Liên Xô, được làm bằng cách nhỏ giọt nước thông qua bánh mỳ nướng cháy). Thời ấu thơ của họ rất khó khăn, nhưng không phải không có niềm vui. Misha ngày đó luôn là cậu bé vui tính và hoạt bát.
Người đã nhóm lên đam mê, khao khát tìm kiếm tri thức, vươn xa khỏi Privolnoye, thậm chí xa hơn cả Stavropol trong Gorbachev là ông ngoại Gopkolo. Đối với một gia đình không có ai được đi học hết lớp 4, làm việc cật lực ngoài đồng mà cũng không đủ ăn thì có một người con đi học xa là một thành công lớn. Ông hiểu rằng, đối với một cậu bé nông dân bình thường, giáo dục là tấm vé duy nhất đến với cuộc sống mới, Gopkolo đã đưa cho Misha những cuốn sách như thơ của Pushkin, tiểu thuyết của Lermontov. Chính ông đã thuyết phục Misha đi học trung học khi hoàn thành lớp 7 ở Privolnoye.
“Chính ông ngoại đã ép cậu ấy đi học”, Lyubov Grudchenko, nữ sinh duy nhất tại Privolnoye đi học trung học tại thị trấn Krasnogardeisk hồi còn đảng Cộng sản Liên Xô cho biết.

Giống như mọi học sinh của Liên Xô vào những năm 1930 và thập niên 40, ông đã thấm nhuần thuyết giáo của Stalin. Nhưng anh hùng thời niên thiếu của Gorbachev là Lênin. Ông tìm tòi và nghiên cứu mọi thứ liên quan đến Lênin. Đối với ông, Lênin giống như một tấm gương để học tập và phấn đấu. 21 tuổi, Gorbachev gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ông nhanh chóng thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Năm 1970 ông được chỉ định vào chức Thư ký thứ nhất phụ trách nông nghiệp và năm sau đó, ông trở thành thành viên Ủy ban trung ương. Mặc dù vấn đề nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn nhưng uy tín của Gorbachev vẫn gia tăng. Ông được người dân tín nhiệm với phương châm làm việc là phản đối các nhà lãnh đạo có những suy nghĩ lỗi thời ở điện Kremlin.

Năm 1979, Gorbachev được vào Bộ chính trị. Sự lớn mạnh của Yuri Andropov sau cái chết của Leonid Brezhnev đã củng cố thêm vị trí trên chính trường của Gorbachev khi ông giành được sự tín nhiệm của Andropov về vấn đề thay đổi những luật lệ đã lỗi thời và không hiệu quả của nền kinh tế. Gorbachev được tạo rất nhiều điều kiện để thăng tiến cho đến khi “tấm khiên” Andropov mất năm 1984.
Trước phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương, Andropov ở trong bệnh viện và không thể đến đọc diễn văn tại Bộ Chính trị. Arkady Volsky, trợ lý của Andropov giúp ông soạn thảo và mang diễn văn đi. Sau đó, Andropov đưa cho người trợ lý của mình một cặp tài liệu với bản nháp cuối cùng. Mãi sau khi có cơ hội đọc lại bài diễn văn, Volsky thấy ở dưới trang cuối, Andropov đã viết thêm vào với dòng chữ nguệch ngoạc như sau: “Các thành viên của Ủy ban Trung ương biết rằng vì một số lý do, tôi không thể đến phiên họp toàn thể.
   Tôi cũng không thể dự các phiên họp của Bộ Chính trị hay Ban Thư ký. Vì thế, tôi tin rằng Mikhail Sergeyevich Gorbachev cần phải được trao trách nhiệm Chủ tịch những cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Thư ký (của Ủy ban Trung ương)”.
Nhưng với tuổi đời còn quá trẻ, Gorbachev đã không được tín nhiệm trao quyền Chủ tịch. Khi người kế nhiệm của Andropov là Konstanin Ustinnovich Chernenko lên nắm quyền, Gorbachev cũng có mối quan hệ thân thiết. Và khi Chernenko qua đời, Mikhail Sergeyevich Gorbachev, lúc đó 54 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông trở thành lãnh tụ đầu tiên của Đảng sinh ra sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917.

Gorbachev đã mang đến luồng gió mới cho điện Kremlin. Tuổi trẻ, tràn đầy năng lượng và kết hôn với một người phụ nữ hấp dẫn, phong cách và có tri thức, ông đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới của Xô Viết. Lần đầu tiên Gorbachev gặp Yeltsin khi ông là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản tại Stavropol ở khu vực Cauasus, cách Mát-xcơ-va khoảng 700 dặm về phía nam.

Người nửa cân

Boris Nikolayevich Yeltsin sinh ra trong một gia đình lao động, tại ngôi làng nhỏ ở Siberia, Butko. Cha và mẹ của ông là Nikolai và Klavdia Yeltsin. Ông có một em trai tên là Mikhail và em gái Valya. Ngày bé, ông là người luôn dính vào những cuộc ẩu đả và rắc rối, đầu trò của những cuộc cãi vã và được gọi là kẻ lưu manh ở trong làng. Năm 11 tuổi, ông đã đánh cắp một quả lựu đạn từ quân đội. Khi đang cố mở quả lựu đạn thì nó phát nổ, ông bị mất ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái. Chính vì thương tật này, ông được miễn đi quân đội.
Khi Boris Nikolayevich Yeltsin tốt nghiệp lớp 7, ông làm cả trường choáng váng bằng cách công khai tố cáo giáo viên đã doạ dẫm các bạn học của ông. Hè năm lớp 9, ông đã dẫn một nhóm bạn đi cắm trại vào vùng hoang dã. Trong cuốn tự truyện của mình, ông kể lại rằng tất cả đều có thể mất mạng nếu ông không dùng những sức lực cuối cùng của mình kéo họ đến thuyền và chèo xuôi về hạ lưu. Mặc dù bị mang tiếng là kẻ lưu manh nhưng Yeltsin lại có được điểm số cao trong học tập và thành tích xuắt sắc trong thể thao, đặc biệt là bóng chuyền.
Năm 1949, ông vào học khoa Kỹ thuật Xây dựng - Viện Bách khoa Ural, Kirov ở Sverdlovsk. Ông tốt nghiệp vào năm 1955 với luận án về “Tháp truyền hình”. Yeltsin kết hôn với Naya (Anastasia) Girina, kĩ sư mà ông gặp đầu tiên tại Viện Bách khoa. Họ có hai cô con gái, Lena và Tanya.
Yeltsin gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1961. Đến năm 1968, ông là thành viên chính thức và năm 1976, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo phụ trách xây dựng Ủy ban vùng Sverdlovsk của Đảng.

Ở vị trí này, lần đầu tiên, Yeltsin gặp Gorbachev, lúc đó là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản tại Sravropol, khu vực Caucasus. Nhận thấy đây là một con người có tiềm năng với những lập luận sâu sắc, phương pháp thực hiện chắc chắn và đôi chút cứng rắn, đặc biệt là người chủ trương bài trừ cái xấu xa, tham nhũng, Gorbachev đã mang Yeltsin về Mát-xcơ-va để trở thành một trong những người thân cận của mình nhằm xây dựng nhà nước.
Trong vòng vài tháng, dưới sự hậu thuẫn của Gorbachev, Yeltsin được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban của Đảng Cộng sản, một vị trí giống như Thị trưởng của thành phố Mát-xcơ-va. Gorbachev muốn để Yeltsin làm sạch tham nhũng trong chính quyền địa phương thành phố này.
Ông đã rất nghiêm túc khi nhận công việc mới. Ông nói chuyện với những hành khách đi xe bus, đến thăm nhà máy để thu thập thông tin còn thiếu hụt. Ông đã đến thăm không báo trước các cửa hàng thuộc quản lý của nhà nước, nơi ông học những bài học thực tế về hối lộ và lại quả.
Ông cũng khám phá ra việc bí mật cung cấp thịt chất lượng và các hàng hoá khác cho quan chức của Đảng Cộng sản. Ông chỉ trích chương trình truyền hình nhà nước. Ông cũng quan sát những hàng dài khách hàng chờ bán sản phẩm để thấy rằng khi người dân chịu xếp hàng để mua được lương thực thì có những quan chức có thể dùng quyền lực để có được những thứ có giá trị hơn mà chẳng tốn chút mồ hôi công sức nào.
Yeltsin chỉ trích các đặc quyền đặc biệt được hưởng của các quan chức Đảng Cộng sản. Những đặc quyền này bao gồm hàng hoá của các cửa hàng đặc biệt, các cơ sở y tế độc quyền, thậm chí biệt thự quốc gia chỉ dành cho các lãnh đạo.
Để thực hiện quan điểm của mình, Yeltsin bắt đầu đi tàu điện ngầm và xe bus trong thành phố chứ không phải là chiếc Li-mô-din của ông. Ông đến phòng khám khu vực để khám chữa bệnh và từ chối một ngôi biệt thự sang trọng (đã được Gorbachev sử dụng một lần). Yeltsin chỉ trích thẳng thắn thói tham nhũng trong Đảng Cộng sản hiện đang rất phổ biến đối với người dân Mát-xcơ-va.
Gorbachev đặc biệt quan tâm đến những chính sách mà Yeltsin nhắm tới khi quản lý thành phố vì đó là những chính sách cứng rắn. Nhưng dân cư dưới thời Yeltsin tiếp quản không gây ra những cuộc bạo động vì thế Gorbachev vẫn tiếp tục để Yeltsin tiếp tục công việc của mình cho dù có đôi lời phàn nàn rằng chính sách của Yeltsin không khá hơn những nhà văn rẻ tiền là mấy.
Theo người nghiên cứu tiểu sử Valdimir Solovyov và Yelena Klepikova, Yeltsin, trợ thủ mới của Gorbachev đã làm công việc này một cách nghiêm túc: “Càng ngày hai người đàn ông này lại càng cần thiết cho nhau.
Yeltsin cần Gorbachev như cái khiên che chắn cho mình và Gorbachev cần Yeltsin như một mũi tên để hành động... sự liên minh này chỉ mang tính tạm thời bởi trong đó, cả hai bên đều có những chiến thuật, tiểu xảo riêng”.
Yeltsin làm việc dưới bóng và tuân theo Gorbachev. Yeltsin tiến hành sa thải hàng trăm quan chức có liên quan đến việc tham nhũng. Ông muốn làm mạnh tay hơn và tiến xa hơn, nhưng trong cuốn tự truyện, ông cho biết Gorbachev đã không chấp nhận điều đó.

Những đứt gãy đầu tiên trong mối quan hệ Yeltsin – Gorbachev

Trong hồi kí của mình, Yeltsin đã nói: Gorbachev sợ đặt tay lên bộ máy quan liêu của Đảng Cộng sản, nơi thánh đường linh thiêng của hệ thống cầm quyền lúc bấy giờ, khi không thông qua những chính sách cứng rắn của Yeltsin để loại bỏ nạn tham nhũng, quan liêu.
Gorbachev đã đánh giá thấp người dưới quyền của mình, cánh tay đắc lực mà ông đã mang về. Ông nghĩ rằng Yeltsin sẽ luôn là một trợ thủ vâng lời, người sẽ thực hiện theo đúng con đường mà ông đưa xuống để Yeltsin thực thi. Ông chu cấp cho Yeltsin những dinh thự cũ nhưng được cải tạo nhằm mua chuộc hay ru ngủ người trợ thủ.
Những năm đầu tiên theo Gorbachev, Yeltsin không hề nghi ngờ về vai trò của Đảng. Ông làm việc nghiêm túc và hoàn thành công việc rất tốt. Nhưng đó là trước, còn sau khi đụng độ với Gorbachev và lãnh đạo vào cuối năm 1987, ông mới hiểu được mối đe doạ đối với những gì gọi là đổi mới dân chủ từ ngay chính Đảng Cộng sản bởi những cái đầu bảo thủ, nạn tham nhũng, quan liêu đã mọc rễ từ rất lâu trong nội bộ Đảng.
Là một trong những thành viên hàng đầu của Đảng Cộng sản, Yeltsin hiểu rằng Đảng hay chính sách của Gorbachev không còn khả năng cải cách cơ bản. Điều tốt nhất có thể hi vọng là sự tiêu tan và suy hoá của những gì suy thoái trong nội bộ Đảng.

Yeltsin đã kết luận rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không muốn làm thay đổi những căn bản cần thiết để điều hành đất nước được dễ dàng và thuận lợi hơn. Sự thay đổi này bao gồm một sự thay đổi nhanh chóng hơn cho nền kinh tế thị trường tự do không bị cản trở quá nhiều từ Đảng Cộng sản.
Yeltsin lên án tội lỗi thuộc về những chính sách mà Gorbachev theo đuổi. Theo Yeltsin, Gorbachev không bao giờ làm theo một kế hoạch chi tiết và hệ thống cho chương trình cải cách của mình. Tuy nhiên điểm yếu của nhà lãnh đạo Xô Viết, mà theo Yeltsin là “nỗi sợ hãi khi thực hiện các bước khó khăn nhưng mang quyết định nhất”
Tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản ngày 21 tháng 10 năm 1987, Yeltsin tuyên bố từ chức Ủy ban Mát-xcơ-va và Bộ Chính trị sau khi lên án, chỉ trích nặng nề chính phủ và người lãnh đạo. Hội nghị đánh giá bài phát biểu của Yeltsin là “một sai lầm về mặt chính trị”. Và Yeltsin đã bị cách chức Bí thư thứ nhất và được đưa về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Liên bang. “Anh muốn làm gì thì làm,” - Gorbachev đã nói với Yeltsin khi đó, “Nhưng tôi sẽ không cho anh dính líu vào chính trường nữa”.
Bài phát biểu của Yeltsin tại Hội nghị tháng 10/1987 không hấp dẫn vì bản thân ông này cũng không phải là người có khả năng diễn thuyết. Tuy nhiên việc Yeltsin bị cách chức đã khiến dư luận rất tò mò về nội dung của bài phát biểu này.
Theo lời kể của Mikhail Poltoranin, lúc đó là Tổng biên tập báo Sự thật Mát-xcơ-va, người rất thạo các trò chơi trong hậu trường của nền chính trị Xô Viết, nội dung của bài phát biểu cũng không có gì đặc biệt ngoài thái đội phủ nhận được diễn tả một cách vụng về đối với Ban Lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó. Poltoranin nói với Yeltsin: “Sao ông lại phát biểu với một văn bản kém như vậy?”.
Yeltsin đáp lại rằng, ông ta không kiềm chế được cảm xúc nên mới tự viết tay ra rồi lên diễn đàn nói. Nếu bài phát biểu này của Yeltsin được in ra thì chắc hẳn người dân sẽ rất thất vọng về ông ta, theo đánh giá của Poltoranin.
Poltoranin nói thêm rằng: “Một tháng sau Hội nghị đầy tai tiếng trên, tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã diễn ra cuộc họp các Tổng biên tập của toàn Liên Xô. Các đồng nghiệp đã nài nỉ tôi kiếm văn bản bài phát biểu nổi tiếng của Yeltsin. Tôi đã ngồi vào bàn và viết nó. Chúng tôi đã cho copy nó vào lúc nửa đêm, rồi sáng mang đi phát cho các Tổng biên tập. Những người này mang văn bản đó đi truyền bá khắp Liên bang. Và uy tín của Yeltsin từ đó mà được thổi phồng lên nhanh chóng.”
Trong văn bản: “Bài phát biểu của Yeltsin tại hội nghị tháng 10” được lan truyền rộng rãi đó, Poltoranin đã đưa vào tất cả những điều tâm huyết và thiết thực mà người dân Liên Xô muốn được nghe thấy từ nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước về cuộc sống thật của họ, dù Yeltsin không hề nói như thế trong thực tế. Và mặc nhiên Yeltsin được mang tiếng là hiểu dân, là người quan tâm đến dân chúng, đi sâu vào quần chúng nhân dân.
Trước tình huống này, bộ máy của Gorbachev đã rất thụ động. Mặc dù họ biết văn bản bài phát biểu tại Hội nghị tháng 10 của Yeltsin là giả tạo nhưng họ đã rất chậm trễ để đưa ra những phản ứng thích đáng.
Họ im lặng tới một năm sau mới đăng nguyên văn bài phát biểu được cho là chính xác của Yeltsin trong một tạp chí lý luận của Đảng, vốn luôn luôn ít độc giả quan tâm vì cách làm khô cứng và máy móc. Và người dân khi nhìn thấy văn bản này lại nghĩ đó mới là sự nguỵ tạo.
Theo lời kể của Poltoranin, có lần gặp gỡ các nghị sĩ, Gorbachev đã bắt tay tất cả những người có mặt, chỉ trừ ông Tổng biên tập này. Gorbachev đã nghiến răng nói với Polroranin: “Tôi không bao giờ tha thứ cho anh”. Chính sự không phục Gorbachev và sự tức tối muốn trả thù vì bị hạ nhục đã trở thành một trong những động lực mới giúp cho Yeltsin cố gắng làm mọi việc để lại nhảy lên trên đầu ngọn triều chính ở Liên Xô, khao khát vươn lên đè bẹp đối thủ luôn là nguồn năng lượng tốt có thêm sức mạnh trên chính trường.

Từ một người trợ thủ biết nghe lời, Yeltsin đã ra sức chống lại người được coi là ân nhân trên con đường thăng tiến của mình. Trong khi Gorbachev trở nên nổi tiếng ở nước ngoài thì tại Mát-xcơ-va, Yeltsin đã chạy được một ghế trong cuộc bầu cử quốc hội và giành chiến thắng vang dội. Những động thái trong cuộc đối đầu giữa Yeltsin và Gorbachev vô hình trung kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô, từ đó thay đổi nước Nga nói riêng và cả thế giới nói chung.

Nguyễn Nguyên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét