Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Gorbachev – Yeltsin: Cuộc gặp gỡ định mệnh làm thay đổi cả thế giới (II)

Mối quan hệ giữa Gorbachev và Yeltsin xấu đi trông thấy sau cuộc họp năm 1987. Kẻ tám lạng, người nửa cân. Hai cá nhân xuất sắc, mang tầm nhìn chiến lược của nhà quản lý. Đáng lý phải đồng lòng sát cánh trong sự nghiệp xây dựng đất nước nhưng do con đường đi khác nhau, cách nhận thức thời thế khác nhau, hai cá nhân đã đối đầu một cách quyết liệt trên chính trường, tạo nên sự xung đột sâu sắc trong lòng Đảng.

Cuộc đảo chính bất thành, nguồn gốc của sự sụp đổ Xô Viết


Cuộc đảo chính Xô Viết năm 1991 (19-22 tháng 8 năm 1991) của một nhóm các thành viên chính phủ Xô Viết đã hạ bệ vị Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev trong một thời gian ngắn và tìm cách nắm quyền kiểm soát đất nước. Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính cảm thấy chương trình cải cách của Gorbachev đã đi quá xa và rằng một hiệp ước liên bang mới sẽ trao quá nhiều quyền lực của chính phủ trung ương vào tay các nước cộng hoà. Phó chủ tịch Liên bang Xô viết Gennady Yanayev được chỉ định làm Chủ tịch tạm quyền.
Boris Yeltsin dẫn đầu lực lượng phản đối từ trụ sở quốc hội Nga (Nhà Trắng). Một kế hoạch tấn công vào toà nhà trụ sở quốc hội bị huỷ bỏ khi toàn bộ nhất trí từ chối thực hiện lệnh. Một đơn vị xe tăng rời bỏ hàng ngũ đến bảo vệ quanh nhà quốc hội.

Ngày 21/8, đại đa số quân đội được gửi tới Mát-xcơ-va công khai đứng về phía Yeltsin. Vụ đảo chính thất bại. Dù vụ việc bị dẹp yên chỉ sau ba ngày và Gorbachev lại quay lại nắm quyền lực, sự kiện này đã xoá bỏ những hi vọng của vị lãnh đạo Xô Viết về việc duy trì nhà nước liên bang ít nhất ở hình thức phân quyền. Sự thất bại của cuộc đảo chính dẫn tới một loạt những sự sụp đổ khác trong toàn bộ liên bang.

Tới tháng 12/1991, tất cả các nước cộng hoà đã tuyên bố độc lập và các cuộc thương lượng về một hiệp ước liên bang mới đã diễn ra. Trong nhiều tháng khi quay trở về Mát-xcơ-va, Gorbachev và cộng sự của mình đã đưa ra nhiều cố gắng nhằm tái lập lại sự ổn định của xã hội nhưng vô vọng.

Ngày 3/12, Tổng thống Nga Yeltsin ra một tuyên bố công nhận nền độc lập của Ukraina theo mong ước dân chủ và nguyện vọng của người dân nước này. Ngày 25/12/2991, Gorbachev, khi ấy đã hoàn toàn bất lực, tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô. Liên bang Xô Viết đã chấm dứt tồn tại. Sáu năm sau khi Gorbachev chỉ định Boris Yeltsin lãnh đạo Uỷ ban thành phố Mát-xcơ-va, Yeltsin đã trở thành tổng thống nhà nước kế tục lớn nhất của Liên bang Xô Viết.

Con đường Yeltsin “chiếm ngôi” Gorbachev

Sau bài phát biểu tại cuộc họp của Uỷ ban Trung ương Đảng cộng sản năm 1987, Yeltsin mất chức Bí thư thứ nhất. Tầm ảnh hưởng của Yeltsin tại Mát-xcơ-va vẫn còn quá lớn, nhiều người dân cảm thấy rằng họ mất đi một người hiểu mình. Gần 1.000 người đã tổ chức biểu tình ủng hộ Yeltsin. Vào thời điểm họp Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Yeltsin phải nhập viện vì một cơn đau tim. Buổi sáng của cuộc họp, Gorbachev gọi điện thoại cho Yeltsin nói rằng ông phải có mặt tại hội nghị để nghe quyết định về tương lai của mình. “Tôi không thể. Các bác sĩ sẽ không cho tôi đứng dậy”, Yeltsin phản đối.
Nhưng Gorbachev bình thản trả lời: “Không sao, các bác sĩ sẽ giúp ông”. Theo yêu cầu của Đảng, Dmitry Nechayev, bác sĩ của điện Kremlin đã cho Yeltin một liều thuốc giảm đau mạnh. Yeltsin nhớ lại thời điểm đó: “Đầu tôi quay cuồng, chân tôi không theo ý tôi, tôi khó có thể nói vì lưỡi của tôi không tuân theo”.

Trong cuốn hồi kí của mình, ông viết rằng các đại biểu tham gia quan sát ông như thể quan sát con mồi, sẵn sàng xé ông ra từng mảnh. Gorbachev vào thẳng vấn đề: “Đồng chí Yeltsin đặt tham vọng cá nhân của mình trên lợi ích của Đảng. Đồng chí đã đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm và vô đạo đức tại cuộc họp Ban chấp hành Trung ương”.
Mọi cáo buộc dành cho Yeltsin từ tham vọng, tự phụ, thiếu đạo đức đến phô trương, báng bổ của 23 Đảng viên trong vòng bốn giờ đổ lên Yeltsin. Trong cuốn hồi kí của mình, Gorbachev đã thừa nhận: “Các bài phát biểu đều có biểu hiện rõ ràng là trả thù ác ý. Tất cả đều rất khó chịu. Tuy nhiên Yeltsin lại cho thấy sự bình tĩnh, kiểm soát được cảm xúc, ông ấy xử sự như một người đàn ông.”
Yeltsin với lấy micro và bắt đầu bào chữa: “Tôi thấy tội lỗi trước Đảng và chắc chắn tôi thấy tội lỗi trước Mikhail Sergeyevich Gorbachev, người có uy tín trong tổ chức của chúng ta, ở trong nước và thế giới”.
Tuy thế, trong lòng Yeltsin đầy cay đắng và uất hận. Yeltsin sẽ không bao giờ tha thứ cho hành động của Gorbachev khi bị kéo ra khỏi giường bệnh một cách “vô đạo đức và vô nhân tính” để rồi bị cách chức trong ô nhục. Yeltsin viết trong cuốn hồi kí rằng: “Tôi đã bị sa thải theo bề ngoài là yêu cầu của riêng tôi nhưng nó lại được thực hiện với những hành vi la ó và nhục mạ như vậy. Đó là vị chua chát mà đến giờ tôi vẫn chưa thể quên!”.
Yeltsin chờ đợi một cuộc gọi để biết số phận của mình có bị trục xuất khỏi Mát-xcơ-va hay không. Nhưng điều đó lại không xảy ra. Gorbachev gọi điện vào viện một tuần sau đó để đưa ông trở thành phó chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban nhà nước về xây dựng. Yeltsin chấp nhận. Gorbachev có một lời cảnh báo: “Tôi sẽ không bao giờ cho phép ông tham gia chính trị một lần nữa”. Một số người trung thành đã nói với Gorbachev rằng việc đưa Yeltsin trở lại Đảng là một sai lầm lớn.

Yeltsin xuất hiện trở lại trước công chúng tại lễ kỉ niệm năm 1988, tham gia cùng các thành viên Uỷ ban trung ương. Gorbachev cho phép Yeltsin phát biểu tại Hội nghị nhằm làm giảm bớt làn sóng giận dữ của người dân trước việc “người đàn ông của nhân dân” bị giáng chức.
Trên sóng trực tiếp, Yeltsin bắt đầu bằng cách trả lời những chỉ trích gần đây chống lại ông từ phía các đại biểu khác, sau đó làm rõ tình trạng thể chất và tinh thần của ông tại Hội nghị Trung ương thành phố Mát-xcơ-va. Ông lặp đi lặp lại những lời chỉ trích của ông về tốc độ chậm cải cách và các đặc quyền cho các tầng lớp Đảng viên.

Lần đầu tiên trong lịch sử Xô Viết, một nhà lãnh đạo bị thất sủng công khai yêu cầu được phục hồi chức danh. Khi Hội nghị kết thúc, Yeltsin không đuợc phục chức, nhưng Gorbachev đã tôn trọng một vài quan điểm của Yeltsin.
Rất ít người hiện nay coi Yeltsin là một vị anh hùng. Nhưng trong mùa hè năm 1991, ông đã được bầu cử làm tổng thống Nga đầu tiên. Ông lên nắm chính quyền với lời hứa mang đến cho người Nga tự do và dân chủ.
Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, người đấu tranh để giữ cho Liên Xô tránh tan rã, đã miễn cưỡng công nhận chủ quyền của nước Nga và 14 nước cộng hoà khác của Liên Xô. Sớm ngày 19, Uỷ ban khẩn cấp nhà nước tuyên bố giành chính quyền từ Gorbachev, lấy lí do Gorbachev bị bệnh và không còn nắm giữ chức vụ chủ tịch nhà nước. Khi hàng trăm chiếc xe bọc thép tiến về trung tâm Mát-xcơ-va, Yeltsin và các cố vấn, trong đó có Burlulis, người cố vấn thân cận đã cùng đứng trước Nhà Trắng.
Ở đây, họ tìm thấy một đám đông người ủng hộ. Khoảng giữa trưa, Burbulis cho biết một người lính đã bị đám đông kéo ra khỏi xe tăng. Ngay lập tức Yeltsin nói: “Tôi sẽ ra đó”. Ông bất chấp lời khuyên của Burbulis rằng ông có thể bị bắn nếu ra ngoài đó. Yeltsin bắt tay với quân lính trong xe tăng và nhảy vào bên trong. Như một cách báo động bảo vệ và cố vấn an ninh của mình bao vây xung quanh, Yeltsin đọc lời kêu gọi “các công dân của nước Nga” lên án cuộc đảo chính.

Hành động của Yeltsin có tác dụng ngay lập tức. Vào buổi tối, sau chiếc xe tăng đã theo phe của ông, đám đông đứng bao vây bảo vệ Nhà Trắng tiếp tục lớn dần, ước tính khoảng chục nghìn người tham gia trong ngày hôm sau. Giáo sư Timothy Colton, trường Đại học Harvard đã viết trong cuốn tiểu sử Yeltsin - một cuộc đời, xuất bản năm 2008, rằng Tổng thống Bush đã cung cấp cho Yeltsin các thông tin liên lạc của quân đội Liên Xô mà tình báo Mỹ thu thập được và sắp xếp để Mỹ giúp đỡ bảo vệ đường dây điện thoại trong văn phòng Yeltsin. Yeltsin và nhóm của mình đã điều tra đường dây điện thoại trong nỗ lực ngăn chặn các âm mưu đảo chính.
Burbulis cho hay rất ít người biết được rằng nhân tố làm xoay chuyển tình thế có lợi sớm cho Yeltsin là việc kéo người đứng đầu Uỷ ban An ninh quốc gia, tướng Viktor Ivanenko trung thành với Yeltsin: “Từ phút đầu tiên chúng tôi đến Nhà Trắng cho đến phút cuối cùng khi âm mưu đảo chính bị sụp đổ, cả ba ngày Ivanenko ở trong văn phòng của tôi, không hề rời ghế trừ việc gọi điện cho người dưới quyền phải quy thuận”.

Sergei Filatov, người đã bên cạnh Yeltsin trong Nhà Trắng và sau này trở thành tham mưu trưởng điện Kremlin, cho biết ông đã tổ chức các đội được gửi đến từ cơ sở quân đội và các học viện quân sự xung quanh Mát-xcơ-va để thuyết phục các chỉ huy không chấp hành mệnh lệnh đảo chính. Khi âm mưu đảo chính bị dập tắt, người ta mới biết rằng có rất nhiều chỉ huy quân đội và Uỷ ban Anh ninh quốc gia đã không chấp hành mệnh lệnh. Nhưng lí do chính khiến cuộc đảo chính không thành công là do số lượng người dân đến bảo vệ vị Tổng thống mới đắc cử và tự do mà ông ta hứa hẹn. Bất cứ cố gắng nào hòng lật đổ điều đó đều phải trả bằng máu.

“Tôi đã quá dễ dãi với Yeltsin”

Bỏ qua những lời cảnh báo của người thân tín, Gorbachev vẫn đưa Yeltsin trở lại chính trường và đã phải trả giá. Gorbachev chia sẻ: “Tôi rõ ràng đã quá hào phóng và dân chủ với Yeltsin. Tôi nên phái ông ta làm đại sứ ở Anh hoặc một nước thuộc địa cũ của Anh”. Việc đưa Yeltsin trở lại chính trường, tuy vào vị trí Phó chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban nhà nước về xây dựng nhưng cũng góp phần tạo bàn đạp và động lực bên trong Yeltsin.
Ngay cả sau bài phát biểu tại Hội nghị năm 1987 của Yeltsin, chính quyền Gorbachev đã xử lý không thành công khi để hàng loạt tờ báo đăng tải bài phát biểu và thêm thắt thái quá tính chất của nó. Tuy thế, phải mãi một năm sau, trên một tờ báo ít tên tuổi của Đảng, người ta mới lên tiếng phản đối lại bài phát biểu ấy của Yeltsin. Nhưng bài báo đó lại mang hiệu ứng ngược. Người dân tin rằng chính bài báo phản đối bài diễn văn của Yeltsin mới là bài báo mang nội dung không đúng.

Đầu năm 1991, quân đội Liên Xô xông vào toà nhà Quốc hội Litva với ý định tái kiểm soát nước cộng hoà ly khai này. Việc Mát-xcơ-va cố gắng đặt sự kiểm soát đối với Lít-va làm người Mỹ lo lắng. Cựu tổng thống Mỹ George W.H.Bush cử đại sứ đến điện Kremlin để cảnh báo Gorbachev rằng quan hệ hai nước sẽ bị ảnh hưởng nếu còn xảy ra bạo lực. Với dân thường, biến động kinh tế khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt và Gorbachev là đối tượng để họ trút giận.

Boris Yeltsin, từng là trợ thủ của Gorbachev, trở thành Tổng thống Nga, một chức vụ mới mà Yeltsin giành được thông qua bầu cử trực tiếp với chiến thắng vang dội. Gorbachev đã không nhận ra tình hình căng thẳng vào năm 1991 và vẫn tiến hành chuyến du lịch. Cuộc chống đối đảo chính do Boris Yeltsin dẫn dắt được sự ủng hộ của hàng nghìn người dân và một số thành viên quân đội. Khoảng 3 ngày sau, Gorbachev thấy rõ quyền lực của ông đã suy yếu, Boris Yeltsin khẳng định quyền cai trị nước Nga sau khi uy tín gia tăng từ vụ chống đảo chính thành công.

Nguyễn Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét