Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

BIỂU TÌNH ỦNG HỘ THỦ TƯỚNG: NHỮNG ĐƯỢC, MẤT



Người biểu tình ủng hộ Thủ tướng NTD đơn độc trên vườn hoa
 tượng đài Lý Thái Tổ vì chưa được "định hướng" của Chính quyền HN.
(Ảnh chụp 9h02 ngày 27/11/2011)
 
   Xin mượn ý của giáo sư Ngô Bảo Châu để nói: Làm mất thể diện quốc gia, không ai hơn các ông, các bà Chính quyền Hà Nội!

 

   Nếu đem so những cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam thời gian qua với cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội  xây dựng Luật Biểu tình mới đây, ta thấy có những đặc điểm sau.

  Cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội  xây dựng Luật Biểu tình là :

- Có thời gian ngắn nhất, chỉ diễn ra khoảng 5 phút (từ 9h đến 9h05 là đã bị lùa lên xe buýt)

- Với quy mô nhỏ nhất, ít người tham gia nhất (không kể các cá nhân, nhóm lẻ đứng rải rác bên ngoài)

- Bị giải tán sớm nhất (kể từ giờ G - 9h đến lúc bị giải tán – 9h15 )

- Bị đàn áp “ vô duyên, vô lý, lạ lùng”  nhất. Hành động của Chính quyền lần này "mất nhân phẩm nhất".
 Chưa từng xảy ra ở VN cũng như thế giới.

- Ít cờ, biểu ngữ nhất, không hát, không hô khẩu hiệu…

- Ít hào hứng nhất.

- (mời các bác bổ sung thêm)
   Để tìm nguyên nhân của những cái nhất này ta thử tìm hiểu, phân tích.


  Về lý do, đây là cuộc biểu tình do một số cư dân mạng đề xướng để ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội xây dựng Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này. Đồng thời qua đấy khẳng định: “Biểu tình không phải là phương tiện chống chính quyền mà còn ủng hộ, có vai trò phản biện chính sách; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân; thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc”.

   Còn một lý do (ngầm) nữa: Đây là phép thử của dân với chính quyền: “Chúng tôi đã biểu tình để phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên biển Đông thời gian qua; các anh trấn áp, ngăn chặn, bảo vì “đại cục” hãy “để nhà nước lo”... Nay, chúng tôi biểu tình ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội xem các anh hành xử ra sao!?”

   Sáng Chủ nhật hôm ấy Hà Nội đẹp trời. Khu vực Hồ Gươm nắng nhẹ, ấm. Có nhiều người đến khu vực quanh vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực dự định cho cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng. Họ đứng rải rác, chưa thấy cờ, biểu ngữ, chưa ai hô khẩu hiệu... Mọi người chờ tín hiệu của “người phát lệnh” và theo dõi thái độ của chính quyền...

   Đúng 9h, một nhóm nhỏ vài chục người vừa mới có ý định qua đường Đinh Tiên Hoàng sang khu vực tượng đài đã bị ngăn cản ngay…Và chuyện đã xảy ra như báo chí mạng “lề trái” đã đưa tin.

   Nếu chính quyền "làm ngơ" cho thì tôi tin chắc đã có một cuộc mít tinh, hay biểu tình, tuần hành hoành tráng để ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội diễn ra. Điều này chỉ tốt cho Chính quyền, cho quốc thể và cho người dân. Nhà nước và nhân dân cùng “Thắng”. Tiếc rằng không hiểu vì lý do gì Chính quyền Hà Nội đã thẳng tay ngăn cản ngay từ “trứng nước”, bằng cách lùa gần hai chục người lên xe buýt đưa về trại Phục hồi nhân phẩm Đông Anh.

   Theo thiển ý của tôi, nếu đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn thì người biểu tình đã không dễ “buông xuôi” như thế.
   Lần này người dân đến đây để thể hiện quyền “ biểu tình” đã được Hiến pháp VN quy định và (với nhiệt huyết vừa phải) để ủng hộ Thủ tướng và Quốc hội xây dựng Luật Biểu tình; thế mà lại bị Chính quyền ngăn cản thô bạo, thì lòng nhiệt tình của người dân, sự tử tế của họ đã bị Chính quyền Hà Nội dội nước đá vào rồi.
  
Điều này giải thích vì sao có những cái nhất ở trên.

  Bây giờ ta thử xem những “được”, “mất” của cả hai phía: Người dân và Chính quyền.

 
+ NGƯỜI DÂN.
a) Được:
- Đã chứng tỏ được rằng: “Biểu tình không phải là phương tiện chống chính quyền mà còn có vai trò ủng hộ, phản biện chính sách; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân; thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc”.

- Đã kiểm chứng được lời tuyên bố của Thủ tướng – người đứng đầu Chính phủ và việc làm của Chính quyền của Thủ tướng có đi đôi với nhau không?

Kết quả: Âm tính.

- Cho người dân thấy được rằng đây là chính quyền độc tài, phi dân chủ, chưa có nhân quyền tối thiểu (thua cả chính quyền dân sự hiện nay của Mianma).

b) Mất:

- Mất lòng tin với Chính quyền, với chế độ (nghĩa là mất tất cả).

 
+ CHÍNH QUYỀN
a) Được:
- Không được gì (non)

b) Mất:

- Mất lòng dân; mất uy tín với thế giới văn minh.

Người dân và dư luận cho rằng Thủ tướng “nói một đường, làm một nẻo”. Thủ tướng “ lực bất tòng tâm”; lời nói của ông cấp dưới không coi ra gì “trên bảo dưới không nghe”.

  Dư luận nghi ngờ trong nội bộ Chính quyền có sự đấu đá, phe cánh, mất đoàn kết?

- Làm mất thời gian, tiền đóng thuế của dân.

Chính quyền như “con chim bị thương sợ cành cây cong”, nhìn đâu cũng thấy “địch”.

   Như một bloger đã viết “Đôi khi chính quyền còn không đủ lòng tin để tin những người đang muốn đi biểu tình ủng hộ Nhà nước, vì có thể họ lại nghĩ, nói là ủng hộ, nhưng tới khi đoàn người đang đi ấy lại có mấy thằng điên hô đả đảo... thì chết cả làng.

  Vốn “nhạy cảm” về những chuyện được coi là nhạy cảm, nên các bác an ninh mần trước cho nó lành, có mấy chục người ở Bờ Hồ đưa đi về trại hết. Thế là kết thúc một dự định được coi là tốt đẹp, thể hiện lòng yêu nước”.

   Xin mượn ý của giáo sư Ngô Bảo Châu để nói: Làm mất thể diện quốc gia, không ai hơn các ông, các bà Chính quyền Hà Nội!

    Trong khi viết bài này tôi được đọc bài “Đẹp trai có gì là sai’ (đã bị gỡ xuống) của bloger Nguyễn Quang Vinh. Trong đó có những đoạn:
...Và cả những bác công an làm nhiệm vụ giải tán các bác tụ tập có dấu hiệu biểu tình cũng là những người yêu nước mình.

   Cả cấp trên của các bác công an trực tiếp làm nhiệm vụ ấy, cả cấp trên của cấp trên các bác công an làm nhiệm vụ hôm chủ nhật ấy, tất cả đều là những người yêu nước mình.
Là người Việt Nam, hẳn là người yêu nước.
...
Nhưng qua việc này mới chợt nhận ra, yêu nước là một chuyện, còn phương pháp, cách thức thể hiện, biểu lộ lòng yêu nước như thế nào lại là một chuyện hơi bị dài…

Một chàng thanh niên đẹp trai là rất đáng ngưỡng mộ, nhưng chàng có được lòng nàng, có được lòng gia đình, họ hàng nàng không, còn là chuyện khác…

Lòng yêu nước lại càng không sai.

Nhưng đôi khi cũng phải bình tĩnh, cũng phải từ tốn, cũng phải thành tâm.

Tôi kính trọng và ngưỡng mộ lòng yêu nước của mọi người.

Nhưng đôi lúc tôi sợ, có ai đó đang dùng lòng yêu nước để che khuất một động cơ xằng bậy.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thủ thỉ thù thì ở nhà tại Huế, mần có mấy câu thơ có tên bài là NHÂN DÂN, có sức mạnh bằng mấy cuộc biểu tình. Yêu nước như ông, trách nhiệm với đất nước như ông quá lớn. Nhưng nếu sáng chủ nhật vừa rồi mời ông ra Bờ Hồ biểu tình, ông đi không? Chắc không…” (hết trích)
   Một người như anh Vinh mà vẫn lẫn lộn "lòng yêu nước" với thứ "lòng bẩn" trung Quốc nhập qua VN hàng ngày!

 
  Mà anh BS đã bình luận thật chí lí:

  Đánh đồng tất cả những con người khác nhau một trời một vực vào một cái “rọ”, cùng là người yêu nước như nhau cả, bằng dăm ba chữ “có cả” thì thật dễ dãi. Sao không “có cả” những kẻ đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích dân tộc, được che đậy bằng những lối ngụy biện “biết đâu”, mà vẫn vỗ ngực rằng ta là người yêu nước? Chúng đông lắm, như bầy sâu, tìm diệt được còn lâu.
   Từ chuyện nghị Hồng kiêm thi sĩ, rồi qua bài viết “Đẹp trai có gì là sai” mới biết có những người có thể thạo viết ra văn, giỏi lơ mơ cùng thơ, nhưng viết báo và bàn về luật pháp thì lại là chuyện khác.

Đẹp trai đâu có gì là sai. Nhưng xin đừng chai mặt  (hết trích).

  
   Ngày 28/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 - TPHCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề nóng bỏng đã được đặt ra, trong đó nổi bật là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo và vấn đề xây dựng Luật Biểu tình.

   Nhiều cử tri cũng cho rằng một số vấn đề mà Quốc hội, MTTQ các địa phương cần phải lưu ý sau kỳ họp là các ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện nhận thức còn chưa đầy đủ thì cần phải được xem xét lại tư cách đại biểu, kể cả tính tới giải pháp bãi nhiệm tư cách đại biểu.

    Về Luật Biểu tình, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hiến pháp đã quy định rõ ràng mọi công dân Việt Nam đều có quyền biểu tình nhưng chắc chắn phải có luật để đảm bảo mọi nguyền lợi, quyền dân chủ của mọi người dân được đảm bảo và thực thi”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét