Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Xây dựng nông thôn mới: Bài học từ Hàn Quốc


Nông thôn Hàn quốc
   Từ thập niên 1990 đến nay, Việt Nam đã mời gọi doanh nhân Nam Hàn vào đầu tư và đã học kiểu làm kinh tế của Nam Hàn.    Gần đây Báo NNVN và Báo của nhiều tỉnh đã giới thiệu một số bài viết về phong trào xây dựng nông thôn Hàn Quốc. Báo NNVN còn giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Xuân Liêm, cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, người vừa dự khóa đào tạo tại “Học viện trung ương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo đổi mới nông thôn” tại Hàn Quốc.  

  Nhưng đáng tiếc là trong những bài báo trên người Cộng Sản VN chỉ học hình thức, mà bỏ quên tinh thần và là linh hồn của phong trào đổi mới ấy -  tướng Park Chung Hee. 
  Chúng tôi xin ghi lại đây ít điều về chuyện làm kinh tế của tướng Park Chung Hee, xem ông Park khác mấy ông cách mạng vô sản Việt Nam ra sao trong việc đưa đất nước Đại Hàn đi lên.

    Sau khi nắm chính quyền (7/1961), tướng Park Chung Hee đã nói trước 20.000 sinh viên đại học Seoul như sau:
“Toàn dân Nam Hàn phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng vào mà làm việc nếu muốn được sống còn. Làm cách nào trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Nam Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.
   Có thể coi những lời này là lời thề của Park Chung Hee. Vì trong gần 20 năm lãnh đạo Nam Hàn, ông đã dựng Nam Hàn dậy, làm sống lại  niềm tin trong lòng người dân qua sự lãnh đạo cương quyết, làm đến cùng những lời thề này trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế và xã hội.
Ngoài vấn đề phát triển sản xuất, Park Chung Hee đã thực hiện chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng, từ chính quyền đến dân chúng. Làm việc nhiều, nhưng sống giản dị, hàng tuần mỗi người phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại quốc, không uống cà phê (Nam Hàn không trồng được cà phê). Đến cuối thập niên 1970, Nam Hàn đã sản xuất hàng loạt máy truyền hình màu, nhưng chỉ để xuất cảng, còn trong nưóc tiếp tục dùng TV trắng đen.

     Với Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách để Đại Hàn có thể đứng dậy, thoát vòng lệ thuộc. Vì thế, trong nhiều bài diễn văn, ông thường nói: “Một xu ngoại tệ là một giọt máu”. Tất nhiên đây không phải là thứ ngôn ngữ hùng biện, nói cho hay mà ông đã sống tiết kiệm bằng chính nếp sống thanh đạm của mình. (Làm tổng thống 19 năm mà khi chết tài sản của ông chỉ có trên mười ngàn Mỹ kim).
Xuất thân từ một gia đình nông dân, Park Chung Hee thâm hiểu sự tuyệt vọng của nông dân trong cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, lạc hậu suốt cả ngàn năm, và nhất là trong đời mình, ông đã chứng kiến nhiều chương trình cải cách nông thôn thất bại từ sau ngày Đại Hàn thoát khỏi sự thống trị của Nhật. Vì thế, khi tiến hành chương trình Saemaul (Phong trào cộng đồng mới) để canh tân nông thôn, ông đã vạch ra đường lối chỉ đạo thực tiễn là “Đi từng bước, đừng quá nhiều, quá nhanh”. Đối với chính quyền là không được cưỡng ép và tất cả các dự án phải có tác dụng nâng cao lợi chung cùng lợi tức của nông dân. Còn đối với nông dân là phải tự làm việc để thay đổi vận mệnh của mình.

   Từ những nguyên tắc trên, phong trào Cộng Đồng Mới, qua việc hoạch định chu đáo, đầu tư sáng suốt và nhất là khéo giác ngộ nông dân về sự thăng tiến đời sống, đã có thể dấy lên lòng nhiệt thành, tinh thần sáng tạo và nỗ lực chung của nông dân trong việc thực hiện các dự án hợp tác theo sự lựa chọn của chính họ. Vì thế, chỉ trong khoảng gần một thập niên với chất xúc tác của tinh thần Saemaul, nông dân đã tự thay đổi được đời sống của mình và làm biến đổi toàn diện nông thôn Đại Hàn.
   Trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở, Park Chung Hee đã thực  hiện được một kỳ công là xa lộ Seoul – Pusan, công trình xây dựng cầu đường lớn nhất trong lịch sử Đại Hàn, chạy dọc theo chiều dài của Nam Hàn, từ thủ đô Seoul tới hải cảng Pusan ở bờ biển phía nam. Khi đưa ra chương trình này, ông nhằm hai mục tiêu: Thứ nhất là giải quyết việc giao thông cho phát triển kinh tế, và thứ nhì quan trọng hơn là đem lại cho người dân một niềm tin mới là họ có khả năng xây dựng và sáng tạo lớn.
  Năm 1961, có lẽ ít người dám tin khi Park Chung Hee nói là sẽ biến Đại Hàn thành cường quốc kinh tế trong 20 năm. Nhưng với phong cách lãnh đạo cương quyết, thực tiễn và hết lòng, ông đã đem lại niềm tin. Vì chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Đại Hàn nhận ra rằng lời nói và cuộc sống của ông đã đi đôi với việc làm
   
   Sau gần hai thập niên sử dụng những biện pháp độc tài, chế độ Park Chung Hee đã thực hiện được cuộc cách mạng kinh tế, đưa Đại Hàn từ một nước nghèo đói, chậm tiến lên hàng những quốc gia phát triển giàu mạnh. Vì thế, từ khởi đầu cuộc cách mạng kinh tế, có thể nhiều người đồng ý là những biện pháp độc tài của Park Chung Hee cần thiết để chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội kéo dài, và cũng cần thiết để chính quyền có thể dễ dàng huy động tài nguyên nhân vật lực thực hiện các chính sách xây dựng kinh tế.

    Nhưng theo thời gian cầm quyền cùng với những thành tựu kinh tế, Park Chung Hee, qua nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, đã tự coi mình là người không thể thay thế đối với vận mệnh của Đại Hàn. Vì thế ông đã không nhìn biện pháp độc tài như một giai đoạn cần thiết để biết dừng trên hướng đặt nền cho sự phát triển kinh tế với chính trị dân chủ mà trụ vào độc tài như một nền tảng để duy trì quyền lãnh đạo mãn đời. Từ tham vọng này, Park đã tạo ra một tình thế tương tranh thường trực giữa độc tài và dân chủ. Rồi vì cần duy trì quyền lực, ông càng ngày càng lún sâu vào con đường chối bỏ tự do dân chủ nhân danh sự ổn định và phát triển. Từ quan niệm cho rằng “Nhân dân Á Châu sợ hãi đói nghèo hơn là sợ chế độ độc tài…, và thứ ngọc thiếu ánh sáng được gọi là chế độ dân chủ thì vô nghĩa đối với người dân chết đói và tuyệt vọng” (Michael Keon, đd, tr. 106), ông đã nhìn lệch giá trị nhân sinh, chối bỏ lịch sử tiến hóa của con người theo kiểu ngụy biện của một nhà chính trị độc tài. Theo cách nhìn này, ông đã giảm trừ giá trị con người vào chuyện cơm áo mà quên cùng đích của việc giải phóng con người là tự do, dân chủ và công lý, nhất là lịch sử của dân tộc Đại Hàn cho đến đời của Park là lịch sử của nửa thế kỷ bị nô lệ, áp chế và tủi nhục. Việc coi thường ý thức dân chủ thời đại, coi thường khát vọng dân chủ của nhân dân Đại Hàn đã đưa ông đến cái chết thảm khốc (26/10/79) và hạ thấp sự nghiệp chính trị của ông. Thực tế là con đường độc tài của Park Chung Hee đã không đem lại sự ổn định như ông mong muốn, mà người dân Đại Hàn đã trả lời ông rằng người Á Châu cũng là người như các dân tộc khác trên thế giới, ai cũng muốn có tự do và dân chủ.
   Nhưng nhìn lại, chúng ta thấy dân tộc Đại Hàn vẫn có cái may là đã có một ông tướng quân phiệt mà yêu nước, biết sống và biết làm để đưa người dân và đất nước đi lên.
   Cứ nhìn vào đời sống và những việc làm của Park Chung Hee, rồi nhìn vào xã hội và tinh thần của người dân Nam Hàn ngày nay, chúng ta sẽ thấy sự bất hạnh của dân Việt, sẽ thấy mối nhục và mối nguy của đất nước khi có những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã ăn cắp cả những món tiền ngoại viện để người ta phải nói: Các ông hãy chấm dứt tham nhũng, rồi hãy đi xin thế giới.

    Năm 1961, Park Chung Hee đã nói với dân Đại Hàn: “Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta”, và dân Đại Hàn đã làm được việc ấy. Còn ở Việt Nam ngày nay thì đảng Cộng Sản đã làm dân Việt phải cúi mặt . 
  Nhưng rồi đây, dân Việt sẽ cúi mặt hay ngẩng đầu?

Tin liên quan:
Xây dựng nông thôn mới: Bài học từ Hàn Quốc
   Từ một đất nước mà GDP bình quân đầu người chỉ có 85 USD trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới, điều thần kỳ này đã được thực hiện bằng bàn tay và khối óc của người Hàn Quốc. Phong trào Seamaul (làng mới) được Chính phủ Hàn Quốc phát động vào năm 1970 chính là nền tảng cho sự thịnh vượng này. Từ kinh nghiệm và bài học của Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay.

* “Cơ sở, tự lực và tự lập”

Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, xã hội Hàn Quốc đã thay đổi tới tận gốc rễ bởi sự bất đồng về tư tưởng và đói nghèo. GDP bình quân đầu người thời bấy giờ chỉ có 85 USD. Phần lớn người dân không đủ ăn, 80% người dân nông thôn vẫn phải sống trong mái nhà lá và 80% không có điện thắp sáng mà vẫn phải dùng đèn dầu.

Sự thay đổi bắt đầu sau trận lụt lớn năm 1969, một số làng quê vững vàng vượt qua thiên tai nhờ biết đoàn kết giúp đỡ nhau. Tổng thống Pak nhận ra rằng viện trợ của Chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự giúp chính mình. Những ý tưởng này chính là nền tảng để Tổng thống Pak phát động phong trào Seamaul.

Vào ngày 22/4/1970, phong trào được thực thi thí điểm với mục tiêu “Nâng cao thu nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống và xây dựng cộng đồng”. Phong trào chọn làng (tương đương với xã ở Việt Nam) là đơn vị thực hiện; lấy dân là chính, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau là điểm mấu chốt để phát triển nông thôn. Chính phủ chỉ hỗ trợ xi măng, kỹ thuật, kiểm tra, giám sát, đánh giá và khen thưởng. Những công trình ưu tiên xây dựng là do cộng đồng dân cư và cán bộ cấp làng lựa chọn.

Phong trào được thử nghiệm với 10 dự án lớn trong phát triển nông thôn, bao gồm mở rộng và nắn thẳng đường sá, làm lại nhà bếp và hàng rào, xây dựng giếng nước công cộng và khu giặt giũ công cộng… 35.000 xã, trung bình mỗi xã được cấp miễn phí 355 bao xi măng, giao cho người đứng đầu của làng bàn với dân tự quyết định phương án sử dụng việc cần thiết sẽ ưu tiên làm trước. Người dân đóng góp công, hiến đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông làng.

Kết quả, chỉ sau một năm, 16.000 xã ở nông thôn đã thay da đổi thịt rõ rệt. Nhờ những thành công bước đầu này, Chính phủ tiếp tục giúp đỡ những xã đã tự biết giúp chính mình bằng cách cấp thêm cho mỗi xã 500 bao xi măng và một tấn thép. Nhà tranh vách đất dần thay thế bằng nhà mái lợp ngói và tường xây. Khắp nơi trên các làng xã, đường sá được mở rộng, đê điều được tu bổ và cầu cống được xây dựng. Làng xã phát triển đến chóng mặt, người dân nông thôn lấy lại được tự tin vốn có, những người trước đây sống rất thờ ơ giờ cũng bắt tay xây dựng lại ngôi làng của chính mình.

     Đến năm thứ ba, Chính phủ rà soát lại và chia 35.000 xã thành 3 lĩnh vực, “cơ sở, tự lực và tự lập”, tùy theo tốc độ phát triển, mỗi lĩnh vực sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp khác nhau, làm tốt thì được hỗ trợ nhiều, làm kém thì hỗ trợ ít, trong đó ưu tiên hỗ trợ các làng thuộc nhóm “cơ sở” để phát triển hạ tầng cơ bản, hỗ trợ các làng thuộc nhóm “tự lực” và nhóm “tự lập” tập trung vào phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Những làng tăng hạng sẽ được thưởng 2.000 USD.

Đây chính là động lực thúc đẩy phong trào phát triển, càng về sau, các dự án môi trường càng tăng thêm. Thành công của các dự án môi trường mở đường cho dự án tăng sản lượng. Đường sá được mở rộng đồng nghĩa với việc xe cơ giới có thể đi đến tận đồng ruộng. Các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận như nấm, rau sạch… mọc lên khắp nơi.

Các làng chài cũng chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản. Các dự án lớn như làm đường, cống thoát nước được tiến hành theo cách liên kết các xã lân cận để tiết kiệm chi phí. Chính phủ còn xây dựng các nhà máy nông thôn để gia tăng thu nhập, giải quyết lao động tại chỗ, đặc biệt là phụ nữ.

Chặng đường 3 năm thử nghiệm ngắn ngủi nhưng gặt hái được thành công rất lớn. Tới năm 1974, thu nhập của người dân nông thôn còn cao hơn ở thành thị, 98% các xã đã có thể độc lập về kinh tế. Phong trào đã thật sự là một cuộc cải tổ vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.


Từ phong trào này, được sự hỗ trợ của Chính phủ, người nông dân Hàn Quốc đã thực hiện thành công 2 cuộc cách mạng lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể đó là “cách mạng xanh” về phát triển các cây lương thực-thực phẩm và “cách mạng trắng” về phát triển chăn nuôi lấy sữa, thịt. Phong trào cũng là nền tảng cho sự thăng hoa của đất nước được mệnh danh là con rồng của Châu Á sau này.

*Người dân làm chủ
   Phong trào Seamaul có nhiều điểm, nội dung tương đồng với phong trào xây dựng NTM của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ, phong trào Seamaul đã được thực hiện cách đây 40 năm, có xuất phát điểm rất thấp.

Còn Việt Nam chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi hơn, kinh tế đang trên đà phát triển, GDP bình quân đầu người hơn 1.168 USD. Đoàn kết, cần cù, chăm chỉ "truyền thống cực kỳ quý báu" mà bao thế hệ người Việt Nam có thừa. Điều này được minh chứng trong thời chiến cũng như thời bình, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đã và đang đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vì lẽ đó, không có lý gì chúng ta không thành công khi thực hiện phong trào này.

Thực ra lúc đầu phong trào Seamaul không phải là một dự án lớn, cũng chẳng có quy hoạch rõ ràng. Mục tiêu của phong trào là xây dựng nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, làng xã góp phần vào sự tiến bộ chung của toàn xã hội.

Thực chất đây là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng vốn có của người dân, phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Mọi tiêu chí lựa chọn đều xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, việc gì cần thì bàn bạc làm trước và làm để mọi người được hưởng lợi lâu dài.

“Sự cần cù, tự lực và hợp tác” là nguyên tắc chủ yếu cũng là hạt nhân của phong trào này. Cần cù mang lại tính chân thật, tự lực quyết định vận mệnh và hợp tác dựa trên mong muốn phát triển chung cho cả cộng đồng, sự phát triển đó là nhờ nỗ lực của tập thể.


Trong thời kỳ đầu, phong trào Saemaul bắt đầu bằng việc Chính phủ giao quyền tự quản rộng rãi cho chính quyền xã. Hội đồng xã và thị trấn thành lập Ủy ban điều hành để đảm bảo kế hoạch thực thi suôn sẻ. Các làng đều có một lãnh đạo song hành cùng ban phát triển tự quản. Ban phát triển tự quản có nhiệm vụ lập kế hoạch và điều hành các tiểu ban khác để tăng thu nhập và thúc đẩy giá trị và tư tưởng tiến bộ. Các dự án lựa chọn dựa trên tiêu chí là sự cần thiết đối với người dân, điều kiện sống được cải thiện cho tất cả người dân trong vùng và lợi ích lâu dài của dự án.

Chính quyền kêu gọi sự đóng góp từ phía người dân và xin nguồn trợ giúp bên ngoài dưới các hình thức vật liệu, tiền vốn và công nghệ. Mỗi tháng ít nhất hai lần có viên chức nhà nước tới kiểm tra và hướng dẫn tiến độ thực hiện. Hiệu quả của dự án trước được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để phát triển những dự án mới.

*Người lãnh đạo tận tâm

Cũng từ những thành công ban đầu của Saemaul, Chính phủ mới nhận ra tầm quan trọng của người lãnh đạo. Những nơi có người lãnh đạo đã triển khai dự án rất tốt còn những nơi không có lãnh đạo thường tiêu phí tài nguyên vô ích. Chính vì vậy, phải có người lãnh đạo “tận tâm” và Chính phủ đã lập ra Học viện Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo Saemaul.

Tại học viện này, từ ông bộ trưởng đến ông trưởng thôn cùng học một nội dung như nhau, trong đó nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng. Họ học trong một lán trại, cùng ăn cùng ở với nhau để khoảng cách giữa người lãnh đạo cấp cao và cán bộ cơ sở không xa nhau. Ông bộ trưởng có thể thông qua ông trưởng thôn mà hiểu sâu sắc hơn về những việc ở cơ sở.

Nhờ những yếu tố đặc trưng nêu trên mà phong trào Saemaul đã thành công ngoài sự mong đợi, khẳng định vai trò của người lãnh đạo làng xã và sự thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, tạo niềm tin vào tương lai. Làng nọ học làng kia nhờ chính sách cạnh tranh, khen thưởng. Những thành quả đạt được giúp người dân tự tin hơn và là động lực thúc đẩy cho những thành công tiếp sau.

Từ kinh nghiệm và bài học của xứ sở Kim chi sẽ giúp chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng NTM hiện nay. Tin tưởng rằng, nông thôn Việt Nam nói chung sẽ thay da đổi thịt khi chúng ta chung tay xây dựng NTM.

Ái Kiều



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét