Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

“Sài Gòn cái gì cũng sợ”. Vì sao?


    Mới đây bloger Trương Duy Nhất (TDN) có bài “ Sài Gòn cái gì cũng sợ” được nhiều người đọc. TDN đặt câu hỏi: “Không hiểu vì sao nhiều việc ở nơi khác được nhưng Sài Gòn lại không. Không cho Chế Linh hát, cấm chiếu phim “Hoàng Sa- nỗi đau mất mát”, ngăn chặn biểu tình… Hay tư duy quản lý của bộ máy chính quyền TP HCM chưa được… giải phóng, hay “sức khỏe tư tưởng” của bộ máy thành phố này đang có vấn đề? ”

    Sau một hồi phân tích tình, lí mọi nhẽ TDN tin rằng bộ phim đó nếu đem ra Đà Nẵng, Hà Nội hoặc nhiều địa phương khác ắt sẽ được chiếu vô tư, chẳng ai ngăn cấm.

   Sợ không quản được nên cấm. 
   
    Điều TDN nghi vấn rồi  chẩn đoán “bệnh” cho bộ máy chính quyền TP HCM là dúng nhưng chưa đủ. Căn “bệnh” của bộ máy chính quyền TP HCM là căn bệnh của toàn xã hội Việt Nam hiện nay – bệnh “sợ”, sợ không quản được nên cấm.

   Những chuyện Sài Gòn “cấm” như trên là “chủ trương lớn của Đảng”.  Ở đất nước CHXNCNVN này “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.  Không thể có chuyện Sài Gòn tự ý làm, Sài Gòn “khó” còn Hà Nội, Đà Nẵng “dễ” hay “thoáng” hơn.    Những người theo dõi những cuộc biểu tình đều biết, với những lần biểu tình đầu tiên (5/06 và 12/06) công an Sài Gòn còn được khen là “hiền” và lịch sự hơn HN. 

   Tôi nghĩ rằng cảnh sát ở đâu cũng thế, ở VN cũng như ở các nước khác. Nhiệm vụ của cảnh sát là giữ gìn an ninh trật tự. Ai bảo cảnh sát Thái “hiền” với phe “áo đỏ”, hay cảnh sát Mỹ không dữ dằn khi trấn áp tội phạm, kể cả với người biểu tình “chiếm phố Wall” mới đây. Điều trớ trêu, là ở VN lực lượng công an lại có tên là “công an nhân dân” nhưng lại thực thi công vụ với mục tiêu là “ công an nhân dân chỉ biết còn đảng thì còn mình”. Với khẩu hiệu này họ đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích dân tộc. Họ không còn “đối với dân phải kính trọng lễ phép” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy công an VN. Họ đàn áp cả những người biểu tình ủng hộ Thủ tướng Chính phủ VN chỉ vì họ quá sợ biểu tình.

    Vậy, vì sao nhiều việc ở nơi khác được nhưng Sài Gòn lại không?

   Nhiều người trong chúng ta biết câu nói đã được đúc kết: “miền Nam đi trước về sau” là dành cho người dân miền Nam. Điều này đúng cho hiện nay, gần đây và cả trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng  là những người quả cảm, năng động, phóng khoáng, yêu tự do, trọng nghĩa…và dám dấn thân. Họ là những người đã dấn thân mở cõi về phương Nam, tiến ra Bắc chống giặc ngoại xâm phương Bắc, dũng cảm đi đầu trong đánh Pháp xâm lược và chống Mỹ sau đó. Họ là những người đã sống trong xã hội cởi mở, dân chủ kiểu phương Tây. Sau năm 1975 họ là những người năng động, dám “xé rào” để làm kinh tế. Chính họ đã “tự cởi trói” cho mình để làm nên sự “đổi mới” nền “kinh tế quan liêu, bao cấp” của chế độ XHCN miền Bắc…Hiện nay kinh tế miền Nam phát triển nhanh hơn, năng động hơn, mức sống người miền Nam khá hơn.
   Có thể nói, người miền Nam có tư tưởng tự do, dân chủ hơn. Họ dễ thích ứng để đến với cái mới, cái tiến bộ hơn, dân chủ hơn. Mà Sài Gòn là cái nôi, là trung tâm của những tư tưởng ấy.
  Nếu sau năm 1975 chúng ta có được tư duy “một quốc gia, hai chế độ” và việc sáp nhập hai miền diễn ra theo cách của hai miền nước Đức, tôi tin chúng ta đã khá hơn.
   Xã hội chúng ta đang ở một thời kỳ cực kỳ nhậy cảm với biến đổi trên thế giới. Bao chính thể hùng mạnh, “thành trì của hòa bình thế giới”, những giá trị “muôn năm”…đã phải lần lượt ra đi. Tôi vẫn nhớ đã đọc hai câu thơ của ai đó từ gần hai chục năm trước: 
Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan dù tưởng vững bền vẫn tan.
   Thật chí lý!

  Chính vì thế, đối với Chính quyền VN hiện nay bất kỳ một cuộc “tụ tập tự phát” nào, dù nhỏ hay to mà chưa được chính quyền “định hướng” là “rất nguy hiểm”, nhất là ở tại Sài Gòn. Nó sẽ bùng phát thành cách mạng “màu” hay cách mạng “hoa”…làm thay đổi chế độ vốn quá ốm yếu.
   
Những lý giải trên giải thích vì sao “Sài Gòn cái gì cũng sợ”.

Vậy, tại sao Hà Nội lại “được”.

   Những cuộc biểu tình vừa qua, …và những buổi biểu diễn của Chế Linh diễn ra được vì chính quyền cảm thấy kiểm soát được. Những người miền Bắc và những những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội vừa qua nói riêng là những con đẻ của chế độ XHCN miền Bắc. Họ được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng trong môi trường XHCN ở miền Bắc. Họ có thể bộc phát biểu tình, có thể viết bài phê phán chế độ nhưng họ không thể là “phản động” là “thế lực thù địch” được. Họ chỉ muốn Chính quyền phải thay đổi và họ đòi quyền tự do rộng rãi cho dân chúng. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có thể là một “nghịch tử ”, một “ngựa chứng” nhưng ông cũng là một người trong số ấy.  Chính quyền bắt bỏ tù ông vì họ coi ông là mối nguy cho chế độ, dù ông phản đối ôn hòa.

  Đối với chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay, đất nước có thể bị xếp hạng tham nhũng tồi tệ nhất, có thể đói nghèo, có thể độc tài …Những điều ấy không đáng sợ bằng hành vi “tụ tập đông người” dù là để phản đối Trung Quốc  xâm lược hay để ủng hộ Thủ tướng; hay cho dù chỉ là một cuộc chiếu ra mắt trong khuôn khổ một nhóm nhân sĩ thân hữu tại một quán cà phê một bộ phim tài liệu quí về cuộc sống ngư dân huyện đảo Lý Sơn và “thân phận Hoàng Sa” của Việt Nam.                   
   
NSGV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét