Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Vũ khí Trung Quốc: Mua mà... không dám dùng


Tàu ngầm lớp Nguyên (TQ) bị cho là sao chép từ lớp Kilo và Lada - Ảnh: Jeffhead
    Nhiều nước đang phát triển mua vũ khí Trung Quốc chủ yếu nhằm phô trương thanh thế nhưng cũng không tin tưởng mà sử dụng.

  Điển hình là trong chiến tranh Iran - Iraq hồi thập niên 1980. Khi đó, cả hai bên đều tập trung các hỏa lực mạnh nhất của mình nhưng lại hạn chế triển khai vũ khí mua từ Trung Quốc.


  Giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra, Tehran lẫn Baghdad đều tích cực mua thêm khí tài hiện đại để giành ưu thế. Tài liệu Chinese arms production and sales to the third world của Bộ Quốc phòng Mỹ trích nguồn từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) cho hay cả hai bên đều mua rất nhiều vũ khí từ Trung Quốc. Trong giai đoạn này, Iran mua gần 1.000 xe tăng, hơn 500 tên lửa đối không, khoảng 150 chiến đấu cơ J-6 và J-7. Tương tự, Iraq cũng mua hơn 2.000 xe tăng Type-59 và Type-69, gần 150 máy bay chiến đấu J-6 và J7 cùng 650 xe thiết giáp chở quân. Tuy nhiên, phần lớn số vũ khí khổng lồ của Trung Quốc đều không được bên nào tung ra tiền tuyến. Trong các trận đánh sống còn, Iran và Iraq chỉ tập trung sử dụng vũ khí của phương Tây và Nga.
  Nhận định về điều này, tài liệu nói trên dẫn lời giới tình báo Mỹ cho biết cả Iran và Iraq đều không muốn “ôm đầu máu” do vũ khí Trung Quốc bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu chính xác. Điển hình như máy bay J-6 bị ví như một khẩu súng pháo biết bay bắn bừa chứ chẳng phải là một chiến đấu cơ thực thụ. Tương tự, xe tăng Trung Quốc cũng thiếu các cảm biến hiện đại nên hiệu quả tác chiến khá thấp.
Binh sĩ Pháp “khám phá” xe tăng Type-69 của Iraq mua từ Trung Quốc sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 - Ảnh: Defenseimagery.mil
   Báo cáo của Lầu Năm Góc còn dẫn lời giới chuyên gia quân sự nhận xét rằng hầu hết các nước kém và đang phát triển mua vũ khí Trung Quốc chủ yếu để phô trương thanh thế dù biết hiệu quả tác chiến không cao. Ngoài ra, các nước này cũng chẳng thể mua được vũ khí ở nơi nào khác do bị cấm vận hoặc ít tiền. Danh sách các “khách hàng truyền thống” của Trung Quốc gồm những nước như: CH Congo, Zaire (nay là CHDC Congo), CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Sri Lanka, Sudan, Sierra Leon, Tanzania, Tunisia, Zambia, Zimbabwe…
Vẫn chuộng “hàng hiệu”
  Vì lý do “rẻ nhưng nhiều hạn chế” nên các khách hàng của Trung Quốc vẫn tìm cách mua vũ khí phương Tây và Nga khi có điều kiện. Điển hình như Pakistan, vốn là đối tác thân thiết của Trung Quốc trong nhiều dự án vũ khí then chốt, cũng luôn muốn sở hữu chiến đấu cơ của Mỹ. Sau khi được Mỹ bỏ cấm vận, Pakistan vào năm 2005 đề nghị nối lại đơn hàng chiến đấu cơ F-16 vốn bị đình trệ hồi thập niên 1990 vì Washington trừng phạt chương trình hạt nhân của Islamabad, theo BBC. Không những thế, Pakistan còn đặt hàng bổ sung để mua mới và nâng cấp hàng chục chiến đấu cơ F-16.
   Năm ngoái, rút kinh nghiệm từ chính biến tại Libya, chính quyền Syria nhanh chóng củng cố năng lực quân sự để phòng trường hợp bị phương Tây hay các quốc gia Ả Rập can thiệp quân sự. Khi đó, nước này chỉ nhắm đến vũ khí từ Nga và liên tục mua nhiều loại khí tài quan trọng như hệ thống phòng thủ tên lửa SA-17 Grizzly và SA-17 Buk, cùng máy bay chiến đấu Yak-130, theo tạp chí Time. Kèm theo đó, Nga còn nâng cấp xe tăng, chiến đấu cơ MiG-29 cho Syira. Thế nhưng, giới quan sát lại không ghi nhận đơn hàng nào của Syria với Trung Quốc dù hai bên có quan hệ khá hữu hảo. Thật ra trước đó, Damascus cũng từng mua vũ khí của Bắc Kinh nhưng đến nay không thấy sử dụng hoặc được nhắc đến trong quá trình củng cố năng lực phòng thủ.
   Azerbaijan là một ví dụ khác cho việc các nước vẫn chuộng vũ khí “hàng hiệu”. Năm ngoái, nước này không ngại chi 1,6 tỉ USD để tậu vũ khí của Israel nhưng lại lưỡng lự đơn hàng mua một số chiến đấu cơ JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất, theo RIA-Novosti. Vì thế, các chuyên gia nhận định rằng khi các nước ngày càng giàu mạnh hơn và muốn trang bị vũ khí chất lượng cao trước tình hình đáng quan ngại tại nhiều khu vực trên thế giới thì “lái buôn vũ khí giá rẻ” Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức lớn.

Ngô Minh Trí

1 nhận xét:

  1. Ngày 1/07, trang mạng Defence News cho biết, hiện nhiều người lo ngại viễn cảnh Trung Quốc sẽ hất văng Mỹ khỏi địa vị bá chủ ngành công nghiệp hàng không thế giới. Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Mỹ khẳng định, Trung Quốc không đáng là đối thủ của Nga chứ đừng nói đến Mỹ.
    Ông Roger Cliff, chuyên viên cao cấp của “Viện nghiên cứu đề án 2049” của Mỹ nhận xét, trên thế giới hiện nay chưa có ai xứng đáng là đối thủ cạnh tranh chứ đừng nói là vượt mặt và đủ khả năng mua lại 2 công ty hàng không siêu hạng của Mỹ là Lockheed Martin và Boeing, điều đó chỉ có khả năng xảy ra khi các công ty của Mỹ “tự bắn vào chân mình”.

    Cliff cho biết, tất cả các cường quốc châu Âu cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ sẽ không mua vũ khí của Trung Quốc bởi vì đơn giản là họ tự sản xuất được vũ khí chất lượng còn cao hơn. Một số nước thành viên thuộc Liên Xô có thể quan tâm nhưng Nga sẽ dùng ảnh hưởng lớn của mình làm mọi cách để ngăn chặn điều này xảy ra.

    Do mẫu thuẫn biên giới giữa 2 nước cùng với vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Pakistan phát triển vũ khí để chống lại mình nên Ấn Độ cũng sẽ không mua vũ khí Trung Quốc, hơn nữa New Dehli cũng có trình độ khoa học kỹ thuật khá cao, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến của Mỹ, Nga và phương Tây nên vũ khí của họ chẳng kém gì của Bắc Kinh.
    Vị chuyên viên cao cấp này khẳng định, căn cứ vào quan hệ ngoại giao không mấy tốt đẹp của Trung Quốc với các nước khác và thực trạng công nghệ của họ, có thể khẳng định chỉ một số ít các nước đang phát triển thuộc châu Phi, châu Mỹ và vài nước châu Á là Pakistan, Iran, Myanmar, Bangladesh… là sẽ mua vũ khí Trung Quốc, còn chẳng có cường quốc nào nhòm ngó đến vũ khí của nước này.

    Cliff còn khẳng định, ngoài vấn đề thị trường hẹp, còn một vấn đề nan giải đối với Trung Quốc là trong thị trường lớn, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn tốt hơn hàng Trung Quốc rất nhiều. Lấy Brazil làm ví dụ, khi họ muốn mua một loại máy bay tiên tiến mà không tốn kém lắm, thì nếu không muốn mua hàng Nga với MiG-31, MiG-35, Su-34, Su-35 thì họ sẽ lựa chọn F/A-18 Hornet và F-16 của Mỹ hoặc Rafale, Typhoon của Pháp và châu Âu, Gripen của Thụy Điển chứ chả lẽ đi mua J-10, J-11 của Trung Quốc?

    Theo Defence News

    Trả lờiXóa