Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Bộ trưởng Đinh La Thăng có lý khi làm những điều quyết liệt.*


(NSGV)- "Nhưng, suy nghĩ cặn kẽ với tư cách một công dân, phải nói thực, nếu chúng ta không cùng nhau làm một cái gì đó, chắc chắn sẽ không thể thay đổi tình hình giao thông hiện tại được. Anh Thăng (Bộ trưởng Đinh La Thăng –PV) có lý khi làm những điều quyết liệt." Táo Giao thông Chí Trung bày tỏ.

Đến thăm NSƯT Chí Trung trong bệnh viện Việt Đức sáng 5/4 sau vụ tai nạn giao thông khiến anh gãy 5 xương sườn, phóng viên khá bất ngờ khi anh bày tỏ muốn trả lời vấn đề thu phí giao thông đang nóng trong dư luận hiện nay - điều mà phóng viên đã đề nghị anh cách đây gần 1 tuần.

NSƯT Chí Trung cho biết, anh suy nghĩ rất lâu mới đưa ra những quan điểm của mình về vấn đề thu phí giao thông. Trong lúc trả lời phỏng vấn, thi thoảng anh lại phải dừng lại vì bị đau. Phóng viên đề nghị có thể chuyển sang một dịp khác nhưng anh bày tỏ: "Anh đã suy nghĩ kỹ và muốn trả lời em".

Như lời danh hài nói, nằm 2 hôm trong bệnh viện khiến anh suy nghĩ chín chắn, cặn kẽ hơn về vấn đề thu phí. “Bây giờ, tôi đang là một nạn nhân - dù lỗi ở chính bản thân chứ không phải ở đường, nhưng rõ ràng, tôi có thể đi ô tô nếu đường thông hè thoáng. Đằng này, đoạn đường từ nhà đến nơi có việc chỉ khoảng 13 cây, đi xe máy mất 20 phút, còn ô tô mất hàng tiếng. Tôi đã chọn xe máy và kết quả… là gẫy mất 5 chiếc xương sườn”.

- Là một Táo giao thông, hơn hết, một người có quan hệ thân thiết với bộ trưởng Đinh La Thăng. Mối quan tâm của anh tới vấn đề thu phí lưu hành đối với xe cá nhân ra sao?

Tôi xin phép trả lời câu hỏi phỏng vấn này không phải với tư cách một Táo Giao thông hay một người bạn chơi với anh Thăng, tôi xin trả lời với tư cách một con người – một người bình thường có sử dụng xe ô tô. Một con người sống giữa thời chẳng - muốn- đóng- bất- cứ một loại phí nào cả!

Tôi xin lấy ví dụ, chúng ta ngày xưa dùng tivi không mất tiền, rồi xuất hiện một số kênh truyền hình thu tiền thì chúng ta phản đối ầm ầm lên. Nhưng sau khi sử dụng thử thì chất lượng tuyệt hảo nên chấp nhận trả tiền. Ai không chấp nhận trả tiền, đơn giản, thì cứ xem kênh bình thường không đặc sắc. Ai trả tiền được hưởng thứ tốt nhất, thỏa mãn nhất.

Qua điều đó nói lên rằng, con người có thể thay đổi khi thứ mình được hưởng đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây chỉ là, mức tiền phải trả như thế nào là hợp lý với số đông.

Tôi nói thật, với tư cách là một người quen sử dụng xe ô tô và không phải đóng tiền, tôi chẳng muốn đóng bất cứ một loại phí gì cả. Thậm chí, phí cầu đường 10 nghìn ở trạm thu còn chẳng muốn đóng nữa ấy! Đôi lúc đi xe cứ thò tay nói: “Chí Trung đây, Chí Trung đây! Thế rồi đi! Huống hồ phải đóng một lúc vài chục triệu thế này!

Nhưng, suy nghĩ cặn kẽ với tư cách một công dân, phải nói thực, nếu chúng ta không cùng nhau làm một cái gì đó, chắc chắn sẽ không thể thay đổi tình hình giao thông hiện tại được. Anh Thăng (Bộ trưởng Đinh La Thăng –PV) có lý khi làm những điều quyết liệt.

Có thể đôi lúc anh bị vội vàng, nôn nóng quyết định điều gì đó, nhưng cơ bản là cái tâm anh muốn thay đổi tình hình giao thông rối ren hiện tại. Trước anh Thăng từng có nhiều cải tổ, nhưng chỉ làm phía ngoài thôi, giống như dùng băng dính dán một vết thương, chúng ta chỉ nhìn thấy trước mắt đẹp một tý là mừng. Cứ phủ một lớp nhựa trên đường cho đẹp, để rồi đến chụp ảnh, quay phim thật nhanh và một tháng sau nó nứt tiếp.

Bây giờ, anh Thăng muốn đi vào gốc rễ, thì đương nhiên, cuộc đại phẫu nào mà chẳng xảy ra sự việc khủng khiếp. Chúng ta phản ứng là đúng. Tự nhiên phải đóng phí này phí kia, phải mất tiền, chẳng ai thích tý nào! Xe tôi 3 chấm phải đóng 30 triệu, nhưng suy cho cùng, nếu chúng ta không bắt tay nhau một cái gì đó quyết liệt sẽ không thay đổi được một điều gì cả. Khi đó, anh Đinh La Thăng sẽ trở thành anh ‘Giáng’.

Thế thì, vấn đề ở chỗ, mức phí như thế nào là ổn, thu thế nào cho phù hợp và sử dụng ra sao mới là điều cần bàn tới.

Một vấn đề khác trong chuyện thu phí khiến nhiều người bức xúc là việc chỉ tiến hành thu phí xe tư, còn xe công thì không phải đóng. Anh thấy thế nào?
Bắt xe tư phải đóng còn xe công không phải đóng phí là chưa công bằng và không hợp lý. Bởi vì sao, khi tham gia trên đường thì mức độ tàn phá đường – tôi ví nó giống như mức độ ‘giày xéo’ lên cơ thể người con gái mà 2 anh chàng đều yêu, đều ôm ấp hàng ngày, hẳn nhiên, đều phải chịu trách nhiệm như nhau chứ! Một vị lãnh đạo từng nói: “Chúng ta không sợ đói, mà chỉ sợ không công bằng”.

Tôi nghĩ rằng, tất cả xe công, xe tư khi ra đường đều phải đóng phí như nhau không có sự phân biệt, trừ xe ngoại giao, xe của những lãnh đạo tối cao, xe cấp cứu và xe tang lễ.
Theo tôi, những cán bộ nhà nước ở bậc ‘trung trung’ không thể cho mình cái quyền lắp còi báo để vượt xe khác trong lúc đường đang đông được. Điều này tôi chứng kiến ở các tỉnh nhiều lắm! Cái đặc quyền, đặc lợi đó làm cho người dân cảm thấy không công bằng.
Dân mình từng làm nhiều việc lớn, từng cùng nhau xây dựng đất nước từ nghèo khó, tôi nghĩ họ sẽ không ngại gì cả, không ngại đóng phí, mà chỉ sợ bị lợi dụng. Tôi cũng thế, tôi không ngại đóng 20 triệu, 30 triệu thậm chí 50 triệu nhưng khi đóng rồi, tôi phải được biết số tiền đó sử dụng vào mục đích gì, như thế nào.

Như tôi hiện tại đây, nằm viện mất 1 triệu/ngày, nhưng không thấy tiếc tiền vì được hưởng một dịch vụ tốt, nằm ngủ ngon, máy lạnh đầy đủ. Và, rõ ràng, tôi thấy 1 triệu là không đắt. Chuyện đóng phí có lẽ cũng như vậy thôi!
- Anh nghĩ sao về lý giải của lãnh đạo Bộ giao thông: Mục đích của việc thu phí lưu hành là hạn chế phương tiện giao thông từ đó hạn chế tai nạn?
Trong quá trình làm, muốn thay đổi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, sẽ cần một lý giải nào đó. Riêng tôi nghĩ thế này, đầu tiên con người leo cây như khỉ rồi đến đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô sau này biết đâu là du thuyền, trực thăng cá nhân… Đó là quá trình phát triển bình thường và sẽ rất lố bịch nếu ai đó kiềm chế điều đó, đồng thời muốn con người trở về thời kỳ đồ đá nguyên thủy.

Cách lý giải ‘việc thu phí lưu hành là hạn chế phương tiện giao thông từ đó hạn chế tai nạn’ như một trắc nghiệm tâm lý, hiện đang đem lại hiệu ứng tốt. Như một ai đó muốn mua ô tô trong thời gian này mới dồn được vài trăm triệu chắc ‘bố bảo’ cũng chả dám mua. Ngay như đến việc xe máy bây giờ, nếu nhà 4 người 3 xe, muốn mua một xe nữa còn phải nghĩ ngợi lắm.

- Anh nói thế, hẳn nhiều người nghĩ đến chuyện người giàu thì cứ vẫn cứ ô tô ung dung đi lại, còn người nghèo hoặc có mức sống trung bình cố gắng vay mượn tiền mua được chiếc xe phải khốn khổ vì biết bao thứ tiền đổ lên đầu. Chẳng hóa ra, việc thu phí giao thông ‘xiết’ người nghèo và chẳng thể ảnh hưởng người giàu?

Một lời nói, một quyết định không thể thay đổi vị trí giàu nghèo đâu! Ngày xưa, mọi vở kịch hay tiểu thuyết đều ca ngợi cái nghèo thanh cao, nhưng gần đây, tôi thấy người ta lại ca ngợi người giàu – những cá nhân giàu chính đáng, ca ngợi con người biết vượt qua khó khăn làm giàu cho số phận mình.

Chúng ta đừng đem cái thuyết giàu nghèo để áp vào việc này. Như Vân Dung từng trả lời đó: “Người giàu cũng không thừa tiền mang ô tô ra đường để đi đánh võng”.

Tôi là một công dân, nói thẳng tôi cũng không muốn đóng phí. Nhưng một ngôi nhà ngột ngạt thì phải bỏ tiền ra mà sửa chữa, trổ cửa hoặc đục tường chứ chỉ khoét một cái lỗ bé tý thì làm sao mà thay đổi được điều gì.

Có thể, nhiều người không đồng ý với quan điểm này vì nghĩ tôi là nghệ sỹ muốn nói tốt cho mình, vì tôi là Táo giao thông, vì tôi chơi với anh Thăng. Đúng, tiền nhiều chẳng ai muốn đóng đâu, một xu cũng không muốn bỏ ra, nhưng mà như tôi đây này, nằm viện, vài chục triệu cứ tiêu vèo vèo ấy! Mà nó thấy nó đúng nên không xót!

Hiện tại, việc thu phí đã được lùi lại, chứng tỏ anh Thăng đang lắng nghe tiếng nói người dân rồi. Như vậy, rõ ràng, anh ấy ghi nhận ý kiến của mọi người. Nhưng, chúng ta hãy cứ thử đóng phí đi, ai được, ai mất hãy chờ đợi xem sao.

- Tại sao anh lại quyết định chia sẻ về vấn đề thu phí giao thông đúng vào thời điểm vừa bị tai nạn - gãy mất 5 xương sườn?

Khi bạn đề nghị phỏng vấn, tôi đã nghĩ rằng, một lúc nào đó suy nghĩ đầy đủ và chín chắn sẽ trả lời. Suốt nhiều ngày qua, có rất nhiều thông tin về vấn đề thu phí và 80% không bằng lòng với đề xuất của Bộ Giao thông. Đầu tiên, tôi đứng về phía không bằng lòng, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy chúng ta cần làm một cái gì đó chứ! Nên làm mà! Còn nếu đường vẫn xấu, người đầu tiên buồn sẽ là anh Thăng, bởi anh ấy là một người luôn mang khát vọng thay đổi.

- Mà nói thật, có khi đường thông hè thoáng rồi, người đau khổ nhất lại chính là anh, vì mỗi dịp tết đến, Táo Giao thông chẳng còn chút đất diễn nào nữa?

Chính xác. Lẽ ra Táo Giao thông năm ngoái tôi đã xin được bức tử rồi. Đáng ra ngọc hoàng hỏi Táo Giao thông đâu thì sẽ có người đưa ra một cái ảnh treo lủng lẳng, bảo treo cổ chết rồi. Định thế, nhưng bỗng đâu anh Thăng xuất hiện, làm nóng dư luận nên vai diễn này tiếp tục có nhiều ‘đất’.

Tôi chỉ mong giao thông tốt lên, đường ngon lành. Như bây giờ, tôi đang là một nạn nhân – dù lỗi ở chính bản thân chứ không phải ở đường, nhưng rõ ràng, tôi có thể đi ô tô nếu đường thông hè thoáng. Đằng này, một cung đường từ nhà đến nơi có việc chỉ khoảng 13 cây, đi xe máy mất 20 phút, còn ô tô mất hàng tiếng. Tôi đã chọn xe máy và kết quả xảy ra là gẫy mất 5 chiếc xương sườn.

 Theo GDVN

P/S - * Tiêu đề do NSGV đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét