Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Về một câu nói của Bác Hồ với báo chí

Trong một bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, (thư đề ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.


Trong cả hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, các nhà báo Việt Nam đã làm được những gì mà Bác Hồ kỳ vọng vào họ qua những dòng thư tâm huyết trên. Nhưng câu nói của Bác Hồ còn vượt ra ngoài phạm vi của nhiệm vụ “kháng chiến chống ngoại xâm” mà các nhà báo yêu nước Việt Nam cần thực hiện.


Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu
             Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu

Trong câu nói của Bác Hồ:  “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, thì ý nghĩa cập nhật của nó là rất cao, và nhiệm vụ của các nhà báo chân chính đương đại cũng đã được nhấn mạnh: Một là “phò chính”, tức bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải, và hai là “trừ tà”, tức lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa. Muốn phân biệt được đâu là “chính” đâu là “tà” phải dựa vào dân, phụng sự nhân dân, phải dựa vào lợi ích quốc gia, phụng sự Tổ quốc.

65 năm đã qua từ khi Bác Hồ viết bức thư này gửi các nhà báo Nam Bộ, cũng là gửi chung cho các nhà báo Việt Nam, đất nước ta giờ đã được độc lập, Tổ quốc ta đã thống nhất. Nhưng không phải vì thế mà các nhà báo Việt Nam hết việc để làm, vì hai nhiệm vụ “phò chính” và “trừ tà” vẫn còn phải được các nhà báo coi là phần quan trọng trong sự nghiệp làm báo của mình.


Khi không còn kẻ thù xâm lược, hoặc kẻ thù xâm lược chưa thực sự xâm lăng đất nước ta, thì nhiệm vụ “trừ tà” ở đây phải hiểu là trừ diệt những gì phương hại tới nhân dân và Tổ quốc. “Tà” ấy có thể là “ngoại tà”, nhưng nhiều hơn là “nội tà”, kể cả “nội tà” trong chính lương tâm nhà báo.


“Danh mục” của những cái “tà” ấy khá dài, và không liệt kê ra thì ai cũng biết chúng là những gì rồi. Với tất cả những cái gì và những ai làm hại dân hại nước, thì đều phải coi là tà. Và nhiệm vụ, hay cao hơn, sứ mệnh của nhà báo, là phải đấu tranh chống lại chúng, tiến tới cùng nhân dân trừ diệt chúng. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng cam go và dai dẳng, nhiều khi nó diễn ra ngay trong lòng một số nhà báo.


Viết thế nào cho trung thực và dám chấp nhận trả giá cho sự trung thực của ngòi bút mình, điều đó thực sự khó khăn, vì nó đụng chạm tới mọi mặt của đời sống nhà báo, những được và mất rất hiện thực của cuộc đời nhà báo.


Chuyện nhà báo bị hành hung khi trực tiếp tới hiện trường những “điểm nóng” để đưa tin hay viết bài, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một phần nhỏ của những sự trả giá mà nhà báo phải chấp nhận khi muốn mình là một nhà báo trung thực và có lương tâm.


“Phò chính, trừ tà”, Bác Hồ chỉ đề ra cái sứ mệnh gồm 4 chữ cho các nhà báo, nhưng nó gần như bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính. Bây giờ, chúng ta đều biết, ngay “phò chính” cũng không hề dễ, chứ đừng nói tới “trừ tà”.


Bởi phải biết đâu là “chính” thì mới “phò” đúng được, vì nhiều khi giữa “chính” với “tà” không đơn giản chỉ là “trắng” và “đen”, mà còn có những điểm đan xen, những vùng “xôi đậu” trộn lộn buộc nhà báo phải tinh tường và có lương tâm mới phân biệt ra được.


Trước một vụ việc phải phân định được đúng, sai, phải cân đong đo đếm được những mức độ của phải và trái, thì mới viết được bài báo đúng với tiêu chí của Bác Hồ đặt ra là “phò chính” và “trừ tà”. Nếu nhà báo lẫn lộn ngay từ khâu phân định, thì không mong gì họ có được những bài báo trung thực và tích cực.


Trong sự nghiệp làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ bài báo đầu tiên đã cố gắng để viết ngắn nhất và nói rõ nhất điều mình muốn nói cho đông đảo người đọc có thể chia sẻ được. Chính vì rèn luyện được phong cách viết báo cô đọng và giản dị như thế mà trong nhiều trường hợp, những câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu của Bác Hồ lại phải được người đọc suy ngẫm để cảm thấu được những biên độ cả trong và ngoài chữ nghĩa của Bác. “Phò chính, trừ tà” là một câu nói cực ngắn gọn như vậy, nhưng nội hàm của nó là cực sâu, và biên độ của nó lại cực rộng./.

 Thanh Thảo (Báo QNĐT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét