▼
Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012
Gazprom và Exxon giúp Việt Nam đáp trả Trung Quốc
Photo: RIA Novosti
Trung Quốc công bố sẽ mở cuộc đấu thầu thăm dò khai thác lòng đất vùng biển Hoa Nam (biển Đông), nơi mà hiện nay các tập đoàn Gazprom của Nga và Exxon Mobil của Mỹ đang làm việc theo giấy phép do Việt Nam cấp. Đó là tuyên bố trên Đài "Tiếng nói nước Nga" của ông Sergei Pravosudov Giám đốc Viện Năng lượng quốc gia Nga. Đẩy mạnh tìm kiếm nguồn năng lượng mới, kể cả theo cách này, Trung Quốc cũng đang buộc phải chơi ván cờ mà người Mỹ dàn quân và tính sẵn nước đi. Khu vực thềm lục địa, nơi Gazprom và Exxon Mobil triển khai công việc, là do Chính phủ Việt Nam kiểm soát. Công tác thăm dò đang được tiến hành thành công, - Giám đốc Sergei Pravosudov cho biết.
“Ở đó hiện tại chưa có lợi nhuận gì lớn. Theo kế hoạch, khu mỏ mà Gazprom có phần tham gia, sẽ bắt đầu được đưa vào chu trình vận hành trong dịp cuối năm nay. Gazprom và Exxon thực thi công tác thăm dò tích cực và đã phát hiện thấy ở đó những vỉa chứa lượng gas và dầu mỏ đáng kể. Các tập đoàn sẽ tiếp tục tiến hành tìm kiếm và dự tính là sau vài năm sẽ mang lại sản lượng lãi xuất. Còn Trung Quốc tuyên bố rằng các tập đoàn trên không có quyền làm như vậy, bởi đó là lãnh thổ của CHND Trung Hoa. Các tàu chiến của nước này thậm chí đã cố ngăn cản việc thăm dò. Mới đây, Trung Quốc đưa ra lời chào mời các công ty quốc tế khác tham gia khai thác khu vực. Đương nhiên là Việt Nam phản ứng rất quyết liệt – Hà Nội tuyên bố Trung Quốc không hề có bất cứ quyền gì ở đây, thềm lục địa là thuộc CHXNCN Việt Nam, và không nước nào khác có thể hiện diện tại đó, ngoài các nước mà Việt Nam đồng ý cấp phép”.
Với hỗ trợ từ phía ban lãnh đạo chính trị của đất nước, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sửa soạn đẩy bật Việt Nam và các đối tác của Hà Nội ra khỏi khu vực này. Tập đoàn Trung Quốc dự định hợp tác với các công ty nước ngoài trong thăm dò và khai thác 9 lô dầu-khí trong vùng Hoa Nam (biển Đông). Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái công bố đấu thầu thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở biển Hoa Nam (biển Đông) là việc bình thường, đáp ứng các quy định pháp luật Trung Quốc và thông lệ quốc tế. Trong khi đó, chuyên viên uy tín của Nga, ông Sergei Pravosudov thể hiện sự nghi ngờ lớn về tính khả thi của dự án chống Việt Nam mà tập đoàn Trung Quốc đang định khởi động.
“Trong tình huống như vậy, sẽ khó có thể tìm thấy nhiều công ty nước ngoài muốn dự đấu thầu. Nếu có đăng ký dự thầu thì nhiều khả năng đó sẽ là một vài hãng từ những nước thân cận với Trung Quốc, có quan hệ liên minh và phụ thuộc vào Bắc Kinh. Hiện còn khó kể tên những hãng cụ thể. Hiếm có khả năng hiện diện tập đoàn quốc tế nào đó. Ai chẳng hiểu rằng đó là lãnh thổ tranh chấp, với các tập đoàn lớn có giấy phép đang hoạt động, do vậy, dây vào đây là chuyện không khôn ngoan và thực tế”.
Trung Quốc rõ ràng muốn chèn ép Việt Nam với khu mỏ thềm lục địa này. Điều đó gắn trước hết với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng ở Trung Đông, - ông Sergei Pravosudov nhận xét. Trung Quốc bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu dầu khí từ khu vực Trung Đông mà nguy cơ rủi ro đang ngày càng cao. Cả Hoa Kỳ cũng buộc Trung Quốc tìm nguồn cung cấp mới.
“Người Mỹ chủ ý tác động để những quốc gia cấp dầu cho Trung Quốc sẽ gặp vấn đề. Chúng ta hãy nhìn Iran, Sudan, Libya và một số nước khác. Ý nghĩa của hành động của họ trên bàn cờ là thu hẹp địa bàn cơ động của đối phương. Tức là, cắt đứt nguồn cung cấp dầu đến Trung Quốc. Tương ứng, Trung Quốc bắt đầu lên cơn thần kinh, vì hiểu rằng viễn cảnh với họ sẽ thực sự tồi tệ, nếu nguồn cung cấp dầu bị giảm hay ngừng hẳn. Trong bối cảnh này, có thể nghĩ đến một động thái sai lầm là dùng vũ lực đoạt các mỏ của Việt Nam”.
Nếu dù sao chăng nữa Trung Quốc vẫn cố chiếm các mỏ, nơi Exxon Mobil đang làm việc, thì Hải quân Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phải ra tay bảo vệ tập đoàn Mỹ. Và điều đó đe dọa bùng nổ xung đột quân sự lớn, - ông Sergei Pravosudov nhận định. Ngoài ra, không nên quên một thực tế là Việt Nam đã tiến lên vị trí thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách khách mua hàng vũ khí của Nga. Trước đây suốt một thời gian dài giữ vị trí này là Trung Quốc. Thêm nữa, Nga cung cấp cho Việt Nam những vũ khí có tính năng hiệu quả chống lại sự xâm lược từ biển, kể cả bảo vệ các mỏ dầu trên thềm lục địa ngoài khơi.
Natalya Kasho – Đài "Tiếng nói nước Nga"
Đan Thi Moscow dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét