Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Lực lượng hải quân của Việt Nam hiện nay (tiếp theo)

        (Военно-морские силы Вьетнама на современном этапе)
 
   Xây dựng lực lượng Hải quân

Chính phủ Việt Nam nhận thức rằng Việt Nam không thể tham gia vào một cuộc đua vũ trang về hải quân với Trung Quốc. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong các cuộc xung đột trước đây cho thấy rằng để bảo vệ lợi ích quốc gia, Việt Nam phải có lực lượng hải quân đủ mạnh. Trong những năm 2000s Hà Nội đã thành lập lực lượng tàu chiến cận duyên hiện đại và có tính chiến đấu cao. Đối tác chính trong việc này là Nga, và với một mức độ thấp hơn là Ấn Độ.


Việt Nam tuân thủ cách tiếp cận như thế với dụng ý sử dụng lực lượng này để bảo vệ các khu vực ven biển và vùng đặc quyền kinh tế của mình. Việt Nam không tìm cách thiết lập sự thống trị trên biển trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc, nhưng có kế hoạch gây thiệt hại ở mức độ đáng kể và ngăn chặn Trung Quốc thực hiện áp đặt quyền kiểm soát như một "việc đã rồi" (fait accompli) Điều này trở thành một yếu tố quan trọng cần duy trì trong quan hệ Trung-Việt.



Không kể đến việc đối đầu với Trung Quốc, hải quân Việt Nam cũng cần được trang bị để chống lại các mối đe dọa bất thường trên biển (buôn lậu, cướp biển, buôn bán ma túy v.v..), cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc xung đột có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á.


Với các chức năng nhiệm vụ được giao, lực lượng hải quân Việt Nam một thời gian dài chỉ bao gồm gần như là các "Hạm đội Muỗi", thì ngày nay đã được định hướng tới việc thành lập những hạm đội tàu ngầm mạnh mẽ, chế tạo các tàu khu trục và tàu hộ tống hiện đại, cả những tàu phóng tên lửa và tàu tuần tiểu.


Tàu ngầm diezen.

Dự án lớn nhất mà Việt Nam thực hiện trong lĩnh vực xây dựng lực lượng hải quân là mua của Nga sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636. Hợp đồng đã được ký kết trong năm 2009, và chiếc tàu ngầm đầu tiên được khởi công tại "nhà máy đóng tàu Hải Quân" ở St Petersburg trong tháng tám 2010. Giá trị hợp đồng là 1,8 tỷ USD. Nga cũng bảo đảm xây dựng tại Việt Nam một căn cứ tàu ngầm và cơ sở hạ tầng liên quan. Chi phí xây dựng căn cứ ước tính khoảng 1,5-2,1 tỷ USD.

Các tàu ngầm diezen hiện đại được trang bị tên lửa chống hạm (rất có thể được trang bị tổ hợp tên lửa Club-S), là một trong những sản phẩm tốt nhất theo quan điểm "chi phí - hiệu quả "của thiết bị hải quân. Khi cần thiết, Việt Nam sẽ có thể đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của một số tàu ngầm trên vùng biển quốc tế, cho phép đối kháng với sự hoành hành của Trung Quốc trên vùng biển khu vực trong trường hợp có xung đột.


Cùng trợ giúp trong vận hành và huấn luyện thủy thủ tàu ngầm do Nga chế tạo cho Việt Nam còn có Ấn Độ, nước có đến 10 tàu ngầm loại này của Nga. Cũng đáng chú ý rằng Hải quân Việt Nam đang có trong lực lượng của mình 2 tàu ngầm mini Yugo được mua từ Bắc Triều Tiên vào năm 1997.


Các tàu tuần dương hạm.

Yếu tố quan trọng thứ hai của tàu lực lượng Hải quân Việt Nam đổi mới là lớp tàu khu trục và hộ tống hạng nặng / nhẹ hiện đại. Năm 2011, Nga bàn giao cho Việt Nam hai tàu tuần dương lớp 11661E "Cheetah 3,9", được chế tạo tại nhà máy mang tên M. Gorky Zelenodolsk theo thiết kế của Cơ quan Thiết kế Zelenodolsk. Hợp đồng trị giá 350 triệu USD đã được ký kết vào năm 2006.
Tàu đã biên chế trong Hải quân Việt Nam mang tên "Đinh Tiên Hoàng» HQ-011 và "Lý Thái Tổ» HQ-012, có lượng dãn nước 2.100 tấn và tốc độ tối đa 27 hải lý. Vũ khí chính của tàu là tổ hợp tên lửa đối hạm "Uran-E", mỗi đầu đạn của nó bao gồm 8 tên lửa chống hạm Kh-35E.

Sau khi nhận được hai "Cheetah" Việt Nam đã ký tiếp hợp đồng đảm bảo chế tạo thêm hai chiếc tàu thuộc loại này. Chúng khác với những chiếc trước đó bởi sẽ được các loại vũ khí chống tàu ngầm mạnh hơn.


Vào mùa thu 2011 đã có những báo cáo cho rằng Việt Nam đang đàm phán với công ty đóng tàu Damen Schelde Naval của Hà Lan về khả năng mua bốn tàu kiểu SIGMA, mà Indonesia và Ma-rốc đang đặt hàng chế tạo. Có một vài phiên bản của tàu với lượng dãn nước từ 1.700 đến 2.400 tấn. Theo đặc điểm và trang bị, kiểu tàu SIGMA tương đương với kiểu tàu "Cheetah" của Nga, nhưng có mức giá cao hơn: tùy thuộc vào các biến thể cụ thể, các tàu loại này sẽ có chi phí 230 đến 400 triệu USD một chiếc. Nếu hợp đồng được ký kết, hai chiếc tàu đầu tiên được chế tạo ở Hà Lan, và hai chiếc khác sẽ được chế tạo tại Việt Nam.


Một số chuyên gia đánh giá khả năng chiến đấu thấp của "Cheetah" và SIGMA do cho sự yếu kém của hệ thống chống tàu ngầm và hệ thống phòng không. Tàu ngầm và các tàu tên lửa nhỏ , tàu tuần tiểu có thể chống lại lớp tàu các tàu hộ tống, tàu khu trục nặng /nhẹ. Tuy nhiên các lợi thế của các tuần dương hạm lại thường bị bỏ qua.


Khác với các tàu tên lửa nhỏ và tàu tuần tiễu, các tàu tuần dương như "Cheetah" được trang bị đủ để tuần tra trong một khoảng cách xa đáng kể từ bờ biển Việt Nam. Nếu có 4-8 tàu loại này, Việt Nam có thể bảo đảm sự hiện diện liên tục của 1-3 tàu trong vùng biển Nam Trung Hoa. Kinh nghiệm cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 cho thấy rằng các cuộc đụng độ hải quân tuy có quy mô nhỏ bé đã để lại hậu quả chính trị sâu rộng. Việc hạn chế các xung đột tương tự theo thời gian, theo lực lượng và tổn thất của cả hai bên đã cho phép Trung Quốc tiến hành có hiệu quả chính sách "việc đã rồi" một cách có chủ định trước cộng đồng quốc tế.


Sự hiện diện của tàu tuần dương Việt Nam hiện đại, được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm mạnh mẽ, làm tăng đáng kể nguy cơ cho hải quân Trung Quốc và làm giảm khả năng thực hiện kịch bản tấn công chớp nhoáng như trong những năm 1974 và 1988. Hơn nữa, khác với tàu ngầm, tàu tuần dương thể hiện rõ hơn sức mạnh trên biển của nhà nước.


Tàu ngầm có thể đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp có một cuộc xung đột, nhưng không phải là một công cụ hiệu quả để ngăn ngừa xung đột.


Còn nhớ cuộc khủng hoảng vào năm 1977 xung quanh quần đảo Falkland, sự hiện diện của một chiếc tàu ngầm hạt nhân Anh không giúp kiềm chế xung đột và không thể ngăn chặn cuộc chiến năm 1982.


Ngoài ra, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, các tàu tuần dương khổng lồ còn là một công cụ phô trương sức mạnh của ngoại giao hải quân và dương cao ngọn cờ, là biểu tượng dễ thấy của chế độ trong tuyên truyền đối nội.


Cho đến nay, Hải quân Việt Nam còn có năm tàu tuần tra lỗi thời lớp 159 của Liên Xô (loạt ba tàu serie 159A và 2 tàu serie 159AE, HQ-09/11/13/15/17), đã nhận được trong năm 1960 và 1970. Những con tàu này sẽ nhanh chóng bị thải loại khỏi các lực lượng Hải quân trong tương lai gần.


Các tàu chiến cận duyên và các hệ thống tên lửa di động ven biển.

Lực lượng cơ bản của hải quân Việt Nam là các tàu tên lửa và tàu tuần tiễu nhỏ do Liên Xô và Nga chế tạo.

Trong những năm 1990 - đến đầu những năm 2000, Hải quân Việt Nam đã mua của Nga 6 tàu tên lửa lớp 1241RE (HQ-371-374/377/378), mỗi chiếc trang bị bốn tên lửa ASM P-20M. Chi phí thấp, hoạt động dễ dàng và hỏa lực mạnh, các tàu tên lửa của Nga góp phần vào vào việc ký kết trong năm 2005 một hợp đồng lớn cung cấp 12 tàu tên lửa lớp 12418. Giá trị hợp đồng được ước tính khoảng 1 tỷ USD.


Hai chiếc tàu đầu tiên (HQ-375/336) được chế tạo ở Nga tại xưởng đóng tàu "Vympel" tại Rybinsk và chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2007-2008. Từ 2010, Việt Nam bắt đầu chế tạo theo giấy phép nhượng quyền một loạt 10 tàu loại này còn lại. Hỏa lực của tàu lớp 12 418 tăng lên đáng kể so với tàu chiến lớp 1241RE. Thay vì 4 tên lửa ASM P-20, trên tàu lớp 12418 là 16 tên lửa chống hạm Kh-35.


Các tên lửa chống hạm Kh-35 có thể coi như tiềm lực chiến đấu chính của Hải quân Việt Nam. Tầm bắn của các tên lửa hạ âm có kích thước nhỏ là 130 km, của các phiên bản mới hơn Kh - 35UE là 260km. Kh-35 có thể chống lại có hiệu quả các tàu có lượng dãn nước đến 5.000 tấn đối với tàu chiến và 10.000 tấn đối với tàu hộ tống.


Trong những năm 2004-2008, các tập đoàn "tên lửa chiến thuật" đã cung cấp cho Việt Nam 120 tên lửa chống hạm Kh-35E. Trong tháng 10 năm 2010, đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác giữa Nga và Việt Nam, phát triển và sản xuất hệ thống tên lửa "Uran-EV" với ASM Kh-35EV, có tính năng đặc biệt thích hợp cho các nhu cầu của Hải quân Việt Nam.


Điểm đáng lưu ý nữa về lực lượng Hải quân Việt Nam, là hệ thống chống hạm di động ven biển (PBRK) K-300P Bastion-P ", với tên lửa siêu âm chống hạm hạng nặng "Yakhont" với tầm bắn đến 300km. Hợp đồng cung cấp hai tổ hợp PBRK trị giá khoảng 300 triệu USD đã được ký kết vào năm 2005 và thực hiện xong trong năm 2010-2011. Có khả năng sẽ bán bổ sung thêm các tổ hợp PBRK cho Việt Nam vào năm 2015.


Thành phần của tổ hợp PBRK bao gồm 4 tên lửa tự hành lắp trên khung xe MZKT-7930 (mỗi bệ phóng lắp 2 tên lửa), xe điều khiển, xe đầu kéo và chở pháo thủ. Tên lửa được chứa trong một ống phóng, rất thuận tiện trong sử dụng và tăng tuổi thọ của RCC. Ngoài ra, có thể được sử dụng kết hợp với hệ thống phát hiện và theo dõi các mục tiêu từ xa "Monolith-B" hoặc tổ hợp chỉ điểm mục tiêu phức tạp trên cao.


Tàu tuần tiểu và pháo hạm.

Năm 1999-2001, Việt Nam đã tiến hành chế tạo hai tàu tuần tra theo thiết kế của cơ quan PKB Bắc kiểu PS-500 (HQ-381/383) với lượng dãn nước khoảng 500 tấn. Tàu loại này trang bị tên lửa (ASM Kh-35) và pháo (76-mm và 30 mm AC), cũng như khả năng cơ động cao trên biển nhờ hai khẩu pháo nước mạnh mẽ và thân tàu hình chữ "V nhọn".

Cuối cùng là kế hoạch chế tạo sáu tàu tuần tra lớp 10 412 "Firefly" theo thiết kế của Cục thiết kế tàu biển TW "Almaz". Đây là những tàu nhỏ có lượng dãn nước khoảng 400 tấn để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ bờ biển và không trang bị hỏa lực mạnh. Hai chiếc tàu đầu tiên được chế tạo vào năm 2002 (HQ-261/263), hai chiếc kế tiếp - trong năm 2011 (HQ-264/265). Các cặp thứ ba được hoàn thành tại Vladivostok và sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2012. Chi phí chế tạo 6 tàu hết khoảng 110 triệu USD.


Trong tháng 1 năm 2012, Việt Nam đã được bàn giao cho pháo hạm đầu tiên (HQ-272) loại TT400TP. Tàu có lượng giãn nước khoảng 400 tấn, được trang bị pháo 76-mm và 30 mm AU. Tàu do Việt Nam tự phát triển độc lập tại Nhà máy đóng tàu Z-173 Hồng Hà ở Hải Phòng. Dự kiến sẽ chế tạo thêm ít nhất là hai chiếc tương tự nữa. Các tính năng gần giống với các thiết kế PS-500 và 10 412 của Nga.


Trong những năm 1979-1983 Hải quân Việt Nam đã nhận được tám tàu tên lửa lớp 205 (lượng dãn nước khoảng 200 tấn, trang bị vũ khí gồm - bốn tên lửa P-15 tên lửa và hai pháo AC 30 mm) và 16 tàu phóng ngư lôi lớn lớp 206 (lượng dãn nước khoảng 150 tấn, trang bị vũ khí gồm - bốn ngư lôi 533 mm và hai pháo 30 mm AC). Những con tàu này cần được loại bỏ khỏi lực lượng Hải quân.


Không quân Hải quân.

Nền tảng của lực lượng Không quân trong Hải quân Việt Nam là máy bay trực thăng đa mục đích của Nga Ka-28, được thiết kế cho việc triển khai trên các tàu tuần tra lớp 11661E "Gepard-3,9". Chức năng chính của các trực thăng để chống tàu ngầm, ngoài ra còn bổ sung các trực thăng cảnh báo từ xa bằng rada Ka-31.

Năm 2010, Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty Viking Air của Canada để mua sáu máy bay tuần tra DHC-6 Twin Otter, sẽ được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trong khoảng năm 2012-2014. Giá trị hợp đồng được ước tính là 30 - 40 triệu USD. Những máy bay này sẽ là một yếu tố quan trọng trong hệ thống cảnh báo tình hình vùng nước ven biển của Việt Nam.


Ngoài các tàu chiến chính, Việt Nam cũng có một số lượng nhất định các tàu phụ trợ, tàu tuần tra và tàu quét mìn, việc đánh giá chúng là ngoài phạm vi của bài viết này.


Như vậy, Hải quân Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển tích cực và đang trong quá trình chuyển đổi từ các đội tàu cận duyên già nua, không có khả năng bảo vệ đầy đủ lãnh hải, sang các đội tàu tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng hiện đại và khá hùng mạnh so với khu vực. Đến cuối thập niên này, Hà Nội có kế hoạch thành lập một hạm đội, chính thực tế này buộc Bắc Kinh phải kiềm chế mưu toan thiết lập sự kiểm soát trên biển Nam Trung Quốc bằng vũ lực.


Tác giả: Прохор Юрьевич Тебин - аспирант ИМЭМО РАН.

Dịch: Kóc Khơ Me

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét