Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

"Lời bạt" của Nguyễn Thùy Linh

Xin mọi người hãy tôn trọng quyết định tạm dừng viết bài của Thùy Linh ! (Kể từ bây giờ, 8/8/2013, Thùy Linh sẽ không đăng bất kỳ một status nào nữa lên facebook này trong vòng 2 năm tới)

Vừa vào facebook, thấy rất nhiều tin nhắn được gửi đến, sau khi đọc xong cảm thấy nghẹn ngào. Có nhiều người đã chửi bới rất thậm tệ và cho rằng Thùy Linh là kẻ ham sống sợ chết. Mọi người nên nhớ Thùy Linh vẫn chưa tốt nghiệp ĐH và vẫn còn sống tại SG. Mong muốn của Thùy Linh là được đi qua nước ngoài học tập và sau đó trở về phục vụ đất nước. Để đạt được ước mơ ấy, ít nhất Thùy Linh phải vượt qua được cửa ải sân bay Tân Sơn Nhất. 

Có thể nhiều người chưa hình dung hết được những nguy hiểm mà Thùy Linh đang phải đối mặt. Tuy không phải là một blogger có tiếng nhưng những bài viết vừa qua đã đưa Thùy Linh trở thành đối tượng bị theo dõi. Để hiểu hơn về sự đàn áp của chính quyền đối với các nhà báo lề trái cũng như các blogger có góc nhìn khác, xin mọi người hãy dành ra ít phút đọc bài viết sau của nhà báo Phạm Đoan Trang (phóng viên báo Pháp luật TPHCM), hy vọng mọi người sẽ chia sẽ bài viết này đến với nhiều người, để họ hiểu hơn về những mối nguy hiểm mà các nhà báo chân chính đang phải đối mặt mỗi ngày:


Làm báo ở Việt Nam là một công việc nguy hiểm, chắc chắn vậy.

Cứ mỗi tuần, ở Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, và ở TP.HCM thì bộ phận phía nam của ban này, lại tổ chức các cuộc họp “định hướng” với lãnh đạo của những tờ báo lớn trong nước.

Không phải là ngẫu nhiên khi tất cả các lãnh đạo báo đều là đảng viên. Quan chức Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an cũng có mặt. Những cuộc họp tương tự diễn ra ở tất cả các tỉnh, và là những cuộc họp điển hình cho thấy hoạt động quản lý báo chí ở Việt Nam hoàn hảo tới mức nào. Tại các cuộc họp này, ai đó ở Ban Tuyên giáo sẽ đánh giá hoạt động của các báo trong tuần vừa qua, biểu dương tờ nào biết phục tùng, khiển trách và đôi khi phạt những tờ nào đi chệch hướng.


Theo kiểu “đứa đập đứa xoa”, hoạt động giám sát của đảng là sự pha trộn giữa khuyên nhủ và thuyết phục với đe dọa và một chút trấn áp. Mặc dù chẳng có cơ sở pháp lý nào, nhưng đảng vẫn xem báo chí như là “lực lượng tuyên truyền”, phải chịu sự hướng dẫn và chỉ đạo của đảng. Có lẽ bản thân đảng cũng hiểu cái sự vô lý của hành động nô dịch hóa này, vốn giẫm đạp lên các nguyên tắc pháp luật và báo chí.

Một mặt, Ban Tuyên giáo chỉ đạo “các đồng chí biên tập, lãnh đạo báo chí” phải đảm bảo rằng các phóng viên ở tòa soạn “được định hướng đầy đủ”, trong khi một mặt khác, đảng lại muốn tất cả mọi người giữ bí mật tuyệt đối về các chỉ đạo của đảng.

Thông tin về sự tồn tại của những cuộc họp hàng tuần như thế, và nội dung của chúng, đôi khi cũng bị rò rỉ ra giới blog – diễn đàn trên mạng nằm ngoài tầm kiểm soát của Ban Tuyên giáo. Vào ngày 29 tháng 3 năm 2011, hình như các nhà báo đã được chỉ thị là không được đưa tin về chuyện diễn viên Hồng Ánh độc lập tranh cử đại biểu Quốc hội; không được gọi nhà hoạt động bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ là “Tiến sĩ Vũ” – ông Vũ khi đó đang sắp bị xét xử vì tội tuyên truyền chống nhà nước; hạn chế đưa tin về sự cố 9 khách du lịch nước ngoài chết trong một vụ chìm tàu ở Hạ Long, và tránh có các bài điều tra về quyết định xây nhà máy điện hạt nhân của chính phủ.

Phiên xử ông Vũ đã là đối tượng của sự định hướng đặc biệt chặt chẽ. Các nhà báo viết về đề tài này ở các báo lớn đều nhận được một văn bản không con dấu, không chữ ký, ra lệnh cho họ phải ca ngợi tính công minh của tòa án và sự đúng đắn của bản án, và không được mở rộng bình luận, phân tích sâu.

Còn có những cú điện thoại và chỉ thị miệng định hướng cụ thể đến các tổng biên tập về các chủ đề nhạy cảm. Đừng đưa tin về vụ này – họ được dặn như thế; không làm đậm vụ kia, hạn chế viết về các đề tài đó. Do không có bằng chứng vật chất nào về những định hướng như thế, cho nên khi bị chỉ trích là bịt miệng báo chí về chuyện này chuyện nọ, các quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông có thể trả lời một cách rất nghiêm túc rằng Việt Nam bị “các thế lực thù địch” vu khống, bôi nhọ.

Trong một đoạn băng ghi âm bí mật, được lan truyền ngay sau một cuộc họp định hướng vào tháng 12 năm 2012, Phó Ban Tuyên giáo Nguyễn Thế Kỷ bị ghi âm là đang chỉ trích báo chí vì đã đưa tin về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp địa chấn của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Các báo có trích nguồn từ tập đoàn dầu khí quốc doanh lẫn Bộ Ngoại giao thì cũng vậy thôi. “Các đồng chí phải làm rõ là tàu Trung Quốc chỉ vô tình gây đứt cáp” – ông Kỷ nói – “chứ không phải là cắt cáp, không chủ ý phá hoại chúng ta”.

Bản ghi âm ngay lập tức bị tung lên các blog bất đồng chính kiến và sau đó lên trang tiếng Việt của BBC. Được đề nghị bình luận, ông Kỷ nói với BBC rằng ông chỉ “trao đổi nghiệp vụ” với các báo thôi.

Rõ ràng Ban Tuyên giáo rất bối rối vì vụ rò rỉ này. Nghe nói vào cuộc họp định hướng tuần sau đó, các nhà báo gần như bị khám người để tìm thiết bị ghi âm lén.

Hệ thống thẻ nhà báo là một biện pháp tinh vi để kiểm soát các phóng viên. Không có thẻ thì không được tiếp cận thông tin. Không có thẻ, phóng viên có thể phỏng vấn thường dân, nhưng đừng hy vọng được gặp quan chức cấp cao, tiếp xúc với đầu mối thông tin ở các cơ quan nhà nước hay đưa tin về các hội nghị, hội thảo chính thống.

Hệ thống này đã vận hành từ lâu. Vào năm 2007 nó được luật hóa bằng một thông tư của chính phủ. Thông tư này chỉ thị cho các quan chức cấp thẻ báo chí phải chứng nhận – như là một trong các điều kiện – rằng người được cấp thẻ nhà báo đã được tờ báo, tạp chí hay cơ quan phát thanh, truyền hình nơi người đó công tác, Sở Văn hóa-Thông tin địa phương và Hội nhà báo chi nhánh địa phương cùng đề nghị cấp thẻ, và “không bị xử lý kỷ luật trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm cấp thẻ”.

Hệ thống thẻ nhà báo minh họa cái ranh giới rất mờ nhạt giữa khu vực nhà nước, đảng cầm quyền và xã hội dân sự của Việt Nam. Bề ngoài báo chí là một định chế xã hội dân sự, và báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình không phải cơ quan công vụ.

Nói theo ngôn ngữ pháp lý, căn cứ Điều 69 Hiến pháp Việt Nam, công dân có quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí; [và] có quyền được thông tin”, nhà nước không có cơ sở nào để quy định việc ai là nhà báo, ai không phải nhà báo, tất nhiên chỉ trừ phi lời hứa đó bị đè bẹp bởi nghĩa vụ của nhà nước ở Điều 33, rằng nhà nước “nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia...”.

Trong mọi trường hợp, Ban Tuyên giáo đều vơ lấy cho mình cái quyền đó, và họ mặc định báo chí Việt Nam là “cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội”. Luật Báo chí Việt Nam còn buộc các nhà báo phải “tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí”.

Kết quả là rất nhiều nhà báo phải chịu sự định hướng của một lực lượng công chức mà năng lực truyền thông dứt khoát là thua xa họ.


Đồng nghiệp cố gắng ghi hình nhà báo Hoàng Khương sau phiên xử.
Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ (?)

Không có thẻ nhà báo, người ta không được coi là nhà báo và có thể bị cấm tiệt khỏi việc tham dự các sự kiện, mà không cần lời giải thích nào và chỉ theo yêu cầu bất chợt của ban tổ chức, cơ quan công an, cơ quan nhà nước.

Chính quyền Việt Nam cố ý tận dụng điều đó. Họ tìm cách gây đối đầu giữa “lề phải” (nhà báo có thẻ) và “lề trái” (phóng viên tự do, bao gồm cả blogger). Không phải lúc nào họ cũng thành công. Bộ máy tuyên truyền và an ninh của đảng biết rõ hơn ai hết về sức mạnh của sự bí mật. Công khai và minh bạch là kẻ thù. Tuy nhiên giờ đây những kẻ kiểm soát thông tin đang phải đối đầu với một mối nguy mới: các nhà báo có thẻ rò rỉ thông tin – những đề tài bị cấm đoán – ra cho các đồng nghiệp của họ ở môi trường blog.

Vào ngày 30-10 năm ngoái, Huyền Trang bị bắt và thẩm vấn trong một đồn công an ở TP.HCM. Khi cô nói rằng cô là phóng viên của Dòng Chúa Cứu Thế, một trang tin của nhà thờ Công giáo, nhân viên công an quát vào mặt cô: “Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?”.

Trang không phải trường hợp duy nhất. Các nhà báo tự do thường bị hạch sách quấy nhiễu, thậm chí hành hung bởi công an hoặc côn đồ. Đơn thư tố cáo, khiếu nại của họ bị phớt lờ bởi vì họ không phải là “nhà báo đang thi hành công vụ” trong mắt chính quyền. Điếu Cày và Tạ Phong Tần hiện đang phải chịu án tù dài dài, chủ yếu bởi vì họ đã thành lập ra “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do”.

Trương Duy Nhất bỏ nghề báo chính thống để làm blogger. Ông bị bắt vào ngày 26-5 vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Nghe tin Nhất bị bắt tạm giam, nhà báo chính thống Đức Hiển bình luận trên trang Facebook cá nhân rằng “vấn đề của một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua…”.

Bình luận của ông Hiển là không chấp nhận được đối với các blogger bất đồng chính kiến, nhưng phải thừa nhận rằng nhìn từ giác độ chính quyền thì ông đúng. Khả năng tiếp cận thông tin làm nên sự khác biệt lớn giữa nhà báo và blogger, giữa nhà báo có thẻ và nhà báo tự do.

Việt Nam không nằm trong số các nước nguy hiểm đối với nhà báo. Nhà nước không cần phải giết nhà báo để có thể kiểm soát truyền thông, bởi vì nói chung, các nhà báo có thẻ của Việt Nam không được phép làm việc gì để đến mức phải bị giết. Các phóng viên hầu như không độc lập, không điều tra; không có cái gì tương tự như báo chí chống tham nhũng, và do đó, báo chí chẳng gây được mối nguy hiểm nào đối với các nhóm lợi ích.

Một bình luận gần đây trên Anh Ba Sàm – một trang blog đối kháng – cho rằng “Trên đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp này, có hai nơi được giữ bí mật như cung cấm. Đó là phòng họp Ban Chấp hành Trung ương/ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, và… nhà tù”. Bình luận hoàn toàn chính xác.

Mọi vấn đề có khả năng làm suy mòn tính chính danh của chính quyền, hoặc đe dọa sự tồn tại của đảng, đều được coi là bí mật quốc gia hoặc được xem như “trường hơp đặc biệt”. Mấy năm gần đây, nổi bật trong các chủ đề này là chuyện quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Báo chí sẽ không bao giờ tìm thấy một văn bản nào cho biết lập trường của đảng đối với các đồng chí Trung Quốc của họ, hoặc một tài liệu nào hướng dẫn việc quản lý báo chí trong vấn đề này. Giỏi nhất thì dư luận cũng chỉ có thể đoán rằng đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, thể hiện qua những vụ xử lý các cơ quan báo chí đi chệch một sợi chỉ đỏ vô hình nào đó, hoặc thể hiện qua công sức các nhà tổ chức bỏ ra để ngăn chặn phóng viên tiếp cận các hội thảo khoa học quốc tế về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc qua những quy định rằng tin bài liên quan đến biểu tình chống Trung Quốc phải “vạch trần âm mưu của các thế lực phản động lợi dụng lòng yêu nước”.

Báo chí chính thống có thể nhìn thấy rõ hơn sự bất an của chính quyền. Tâm lý bất an đó bộc lộ trong vô số những cú điện thoại gọi tới các tổng biên tập, chủ bút, thậm chí cả tới các phóng viên thường, để nhắc nhở họ mỗi khi có diễn biến mới. Báo chí bị cấm truyền tải sự bất an này tới công chúng, cho dù các độc giả có thèm khát được biết nhiều hơn – về cuộc khủng hoảng đang ngày càng sâu sắc với Trung Quốc – đến mức nào chăng nữa.

Khi cung về thông tin không đáp ứng được cầu, các hậu quả sau đây là tất yếu:

Tin vỉa hè, tin đồn thống trị các diễn đàn. Thuyết âm mưu tràn ngập, chẳng hạn chuyện thường được người ta rỉ tai nhau rằng “đảng đã bán nước cho Tàu”. Phóng viên nào cố gắng duy lý và cởi mở đều muốn có thông tin để họ sử dụng nhằm bác bỏ các tin đồn đó. Quả thật, khi mà báo chí bị cấm đưa tin, viết bài về tất cả những gì họ biết, cùng với việc báo chí bị dội bom “định hướng” bằng hàng loạt tin nhắn, điện thoại gọi đến và các chỉ thị mơ hồ, thì một nhà báo thật sự duy lý sẽ khó mà không tự hỏi mình: “Thật sự thì chính quyền đang làm gì?”.

Việc đưa tin, viết bài về tranh chấp Biển Đông trở thành một thứ trái cấm hấp dẫn đến mức một số báo và nhà báo bị cám dỗ phải vượt qua ranh giới để viết, mặc dù họ có thể chưa chuẩn bị kỹ càng. Tranh chấp chủ quyền vốn dĩ là một chủ đề khó, mà báo chí lại chỉ có rất ít chuyên gia và tài liệu đáng tin cậy để tham khảo.

Do đó, cũng đúng thôi khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, phàn nàn rằng “một số tờ báo có vẻ như xem chủ quyền quốc gia là chủ đề nóng để câu kéo độc giả và tăng doanh số quảng cáo”.

Tít giật gân, những giai thoại không thể kiểm chứng, cùng các “dữ kiện” sai lệch át đi các bài viết có chất lượng. Phóng viên đi tìm các nguồn nhân vật có định kiến nặng chống Trung Quốc. Chất lượng tồi tệ của báo chí chính thống khiến cho chính quyền càng có thêm lý do để bao biện cho việc họ duy trì kiểm soát chặt chẽ báo chí, đặc biệt trong vấn đề khủng hoảng Biển Đông.

Những người bảo vệ chế độ thường lập luận rằng người nào thật sự muốn có thông tin thì đều sẽ có được những câu trả lời rõ ràng, tức là, nếu ai thật lòng lo lắng về khuynh hướng quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc thì phải chăm chỉ học tập hơn. Nói như thế thì chế độ không còn nghĩa vụ nào là phải minh bạch, công khai thông tin trong quan hệ của họ với công luận hay với báo chí quốc gia nữa.


Ghi chú: (Tác giả Phạm Đoan Trang là phóng viên không có thẻ nhà báo. Một phiên bản dài hơn của bài viết này đã được đăng tải làm ba phần trên blog của cô, www.phamdoantrang.comvào tháng 6 năm 2013.)
 — tại Cafe Tiếng Xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét