Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Trao đổi cuối tuần:Hình thức và nội dung

Nguyễn Thùy Linh (facebooker)

Khi nhìn vào trang bìa của một cuốn tài liệu tiếng Anh và một cuốn tài liệu tiếng Việt, các bạn sinh viên có thấy điều gì đặc biệt không ? Chưa kể đến nội dung bên trong, ngay ở trang bìa đã hiện lên một sự khác biệt, tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Đó là tác giả của những cuốn sách tiếng Việt hầu hết được viết dưới dạng "GS/PGS/TS/ThS + Tên", còn sách tiếng Anh tác giả được viết đơn giản chỉ là Tên của họ thôi. Trong các trích dẫn khoa học cũng vậy, nếu bạn nào chưa hiểu "trích dẫn khoa học" là gì thì có thể tự tìm hiểu thêm.

Bằng giáo sư quốc tế rởm (Nguồn: BS Hồ Hải)

Không có đảng "Quang Vinh" ở Việt Nam.

Sự khác biệt này nói lên điều gì ? Đó là một thói quen không tốt của các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ các bạn sẽ thấy, người Việt Nam quá coi trọng cái "nhãn mác" mà ít coi trọng cái nội dung bên trong. Do vậy người ta thường hay tự xưng mình là Giáo sư này, Tiến sĩ nọ để thiên hạ phải tin tưởng hoặc nể sợ, nhiều khi là để lòe bịp nhau. Nó xuất phát từ suy nghĩ coi trọng bằng cấp, học hàm hay nói chung lại là coi trọng "nhãn mác", bởi vậy mới xuất hiện những "Tiến sĩ giấy" !


Hồi năm nhất, ông thầy dạy môn "Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin" buổi đầu tiên đến lớp, vừa vào đến lớp ông chẳng chào hỏi gì, cũng chẳng giới thiệu gì về nội dung của môn học. Chỉ lẳng lặng đi lên bảng cầm viên phấn viết lên dòng chữ, bao gồm tên môn học và "Tiến sĩ XYZ – giảng viên cao cấp tại Học viện chính trị quốc gia TPHCM". Tiếp theo ông thao thao bất tuyệt kể về thành tích của mình, làm cho cả lớp không nhịn được cười. Từ mấy buổi học sau, sinh viên đến lớp chỉ có việc ngủ hoặc làm chuyện riêng, cuối buổi điểm danh rồi về - thực trạng chung của nhiều lớp học ở các trường ĐH Việt Nam !

Chúng ta nhận thấy một điều, người nào càng yếu kém thì càng muốn tạo ra cho mình một cái vỏ bọc để che đậy sự yếu kém bên trong. Cái vỏ bọc đó có thể là bằng cấp, học hàm, chức vụ, địa vị… nhưng cuối cùng rồi cũng lòi ra. Ở Việt Nam có hàng ngàn GS/TS, nhưng mỗi năm chỉ công bố được vài ba công trình khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế, và hầu như chẳng được các nhà khoa học quốc tế trích dẫn bao giờ (các bạn tham khảo thêm những bài viết liên quan đến nghiên cứu khoa học ở Việt Nam của GS Nguyễn Văn Tuấn để có số liệu cụ thể hơn). Theo Thùy Linh được biết thì GS/BS Tôn Thất Tùng là nhà khoa học Việt Nam có một công trình khoa học được trích dẫn nhiều nhất (Ton That Tung's Method).

Bây giờ chúng ta liên hệ qua lĩnh vực chính trị ! Các bạn đi ngoài đường có thấy câu khẩu hiệu quen thuộc "Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm" không ? Hihi, có ai lại tự nhận mình là quang vinh, là vĩ đại bao giờ ! Đảng tài giỏi hay không là do nhân dân đánh giá chứ không phải do Đảng "tự sướng" được. Một người tài giỏi thật sự thì họ luôn thể hiện bằng những việc làm cụ thể và thông qua những kết quả đạt được, người khác sẽ đánh giá họ thông qua khả năng của họ và những gì mà họ đã làm được. Chỉ có những người yếu kém hoặc tự cao tự đại mới tự nhận mình là tài giỏi. Phải chăng Đảng ta cũng vậy – đang lòe bịp nhân dân bằng những câu khẩu hiệu hoành tráng kia, để che lấp đi sự yếu kém của mình !

Bạn thử tưởng tượng nếu bạn lấy một tờ giấy và viết lên dòng chữ "Tôi là một con người vĩ đại", treo lên trước ngực rồi ra đứng ở một ngã tư đông đúc nào đó, xem người đi đường có khuyên bạn nên gặp bác sĩ sớm không ! Thế mà Đảng ta đang treo những câu khẩu hiệu tương tự như thế ở khắp mọi nơi đấy, đến cả một đứa trẻ mẫu giáo cũng thuộc lòng cả chục câu khẩu hiệu như thế.

Thêm một ví dụ khác, ở hầu hết các mẫu văn bản giấy tờ, bằng cấp, chứng minh thư, giấy phép lái xe… phía dưới tên nước đều có dòng chữ "Độc lập – Tự do – Hạnh phúc". Hihi, bó tay với dòng chữ này, những người nước ngoài khi nhìn thấy đều tỏ ra quá ngạc nhiên, chắc không có nước nào sáng tạo như nước mình ! Trước đây mẫu bằng tốt nghiệp ĐH có dòng chữ này, nhưng khi đi qua nước ngoài họ không chấp nhận nên hiện nay các mẫu bằng tốt nghiệp ĐH đã xóa dòng chữ này rồi, chỉ còn lại "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Dĩ nhiên là bằng ĐH ở nước ta cũng không được nhiều nước coi trọng cho lắm vì trình độ sinh viên ở Việt Nam thường bị coi thường.

Ở một đất nước mà báo chí bị kiểm duyệt chặt chẽ, học sinh bị nhồi sọ từ thuở cắp sách đến trường thì những cái vỏ bọc đó đang tồn tại và phát huy hiệu quả khá tốt. Nhưng Thùy Linh tin với sự phát triển của internet, giới trẻ ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đa chiều, thì sớm muộn gì những cái vỏ bọc mỹ miều, những cái nhãn mác tốt đẹp đó cũng bị bóc ra thôi. Và lúc sự thật đã được phơi bày thì chuyện gì đến ắt phải đến ! Nên tốt nhất hãy cấm luôn internet như Triều Tiên cho chắc ^^


P/S: Cái cách mà các bạn trẻ ở Việt Nam đang nhìn về Triều Tiên cũng giống như cái cách mà những người dân ở các nước phát triển đang nhìn về Việt Nam ! Hãy dành 10 phút để suy nghĩ về bức hình sau, các bạn sẽ rút ra được nhiều điều thú vị và thấy ở trong đó một chút hình ảnh của chính bản thân mình !




1 nhận xét:

  1. Trích:"Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm" không ? Hihi, có ai lại tự nhận mình là quang vinh, là vĩ đại bao giờ ! Đảng tài giỏi hay không là do nhân dân đánh giá chứ không phải do Đảng "tự sướng" được.''
    Hmmm tác gia hỏi thế thì tôi xin nói có bác Hồ tức Trần dân Tiên có viết sách tự khen mình thì sao?

    Trả lờiXóa