Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

ÔNG CHÁU (Phần cuối)

(Chuyện tình thời bao cấp)

Nghe tiếng bà phó giám đốc thất thanh kêu rú lên như vậy, những người trong khu tập thể vừa đi làm về đều đổ xô đến xem có chuyện gì, nhưng cơ quan đi sơ tán hết, chỉ còn dăm bảy người. Vừa nhìn cảnh tượng ấy, mọi người không ai bảo ai đã biết “ chuyện gì” xảy ra rồi. Họ xúm lại đỡ bà dậy, rồi hối hả gọi xích lô đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng chỉ đi được ngang đường bà đã tỉnh lại, nhảy ra khỏi xích lô, chạy ngược trở về nhà. Đầu tóc rối bung, chân không giầy dép, vừa chạy vừa la “Nó hại đời con gái tôi rồi! Nó hại đời con gái tôi rồi!”, Tất cả những người đi đường đều ngoái lại nhìn, ai cũng ngỡ bà điên. 

Về đến nhà, bà ngồi bệt trước cửa tiếp tục gào khóc kể lể, nào là xa chồng ra Bắc tập kết, mang mặng đẻ đau, một mình vất vả nuôi nấng, dậy bảo con như thế nào, bây giờ xảy ra cơ sự này, khi nào đất nước thống nhất, còn mặt mũi nào mà gặp lại ba nó nữa…. Cô con gái thì cứ khóc tấm tức “không phải dzậy đâu má ơi,…”, còn anh con trai vừa ló mặt vào “Xin cô bình tĩnh lại cho cháu giải thích…” thì bà lồng lên vác thanh củi vụt anh tới tấp và chửi bới thậm tệ, làm anh phải ù té chạy biến ra phố. Đêm ấy chờ mãi tới nửa đêm, nghe ngóng thấy đã im ắng, anh mới dám mò về nhà, khẽ mở khoá, lách vào trong phòng không một tiếng động. Anh đang nín thở áp tai vào vách nghe xem nhà bên có động tĩnh gì không, thì giật thót mình, nghe thấy tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Anh không dám lên tiếng mà nhanh như một con mèo trườn ngay ra sát cửa xem ai, thì nghe tiếng cô gái thì thào “em đây”. Anh mở hé cánh cửa, lôi tuột cô gái vào trong, rồi chốt chặt cửa lại.
 
- Sao rồi?
 
- Vừa ngủ rồi!
 

Anh thở phào như trút được gánh nặng, rồi ôm ghì cô gái vào lòng, hôn tới tấp lên má, lên mặt cô đang còn ướt sũng nước mắt. Cô gái cũng ôm ghì lấy anh, hai người như quện làm một, họ hôn nhau cuồng nhiệt, đắm đuối như chưa bao giờ được hôn. Đứng mãi mỏi chân, chàng trai ngồi tệp xuống cái ghế tựa, để cô gái ngồi lên lòng mình. Họ cứ ôm nhau mãi như thế không hề động đậy, cũng chẳng nói năng gì. Không biết mấy tiếng sau đó cô gái mới khẽ thì thào vào tai chàng trai:
 
- Ngủ rồi à?
 
- Không!
 
- Anh có biết Trường Lục quân hông?
 
- Nghe bảo trên Thạch Thất, Sơn Tây gì đó. Em muốn gặp Cưu à?
 
Anh cảm giác thấy đầu cô gái động đậy. Rồi cô lại thì thào:
 
- Em muốn báo cho Cưu biết một tin quan trọng.
 
- Tin gì?
 
Cô gái im lặng không trả lời.
 
- Hay là.. hay là em bị rồi?
 


Vẫn im lặng.
 
Chàng trai như quả bóng xì hơi, đang ôm chặt cô gái bỗng buông tay ra, thở dài.
 
- Thế má em đã biết chưa?
 
Cái đầu cô gái lại lúc lắc nhè nhẹ.
 
Lại im lặng hồi lâu, rồi chàng trai hỏi:
 
- Em định lên đó một mình à?
 
Cô gái không trả lời. Anh thấy ngực mình nong nóng, ươn ướt bởi nước mắt của cô. Anh cả quyết:
 
- Thôi, thôi được rồi, để anh dẫn em đi! Nhưng, nhưng mà…
 
- Sao?
 
- Đi bộ à?
 
Suy nghĩ hồi lâu, cô gái lại lên tiếng:
 
- Đèo nhau xe đạp được hông?
 
- Xe đâu mà đèo?
 
- Xe má vẫn để ngoài sân kia kìa.
 
- Cái gì? Đi ngay bây giờ à?
 
- Nếu má dậy thì hổng đi được đâu!
 
Chàng trai suy nghĩ đắn đo hồi lâu, rồi lại quả quyết:
 
- Ừ, thôi đi luôn bây giờ đi!
 

Họ trườn ra khỏi phòng, khẽ khàng khoá cửa lại. Rồi tiến đến bên chiếc xe đạp Thống nhất nữ đang dựng giữa sân mà tối qua chưa khoá. Sợ dắt xe xích kêu sẽ phát ra tiếng động, mỗi người bám một đầu, họ khẽ khàng khênh chiếc xe từ sân khu tập thể ra đường phố. Lúc đó trời vừa tang tảng sáng.
 

Sáng ấy khi bà phó giám đốc thức dậy, không thấy con gái, bà chạy tìm kiếm nháo nhào khắp nơi. Đầu tiên bà chạy ra khu nhà vệ sinh công cộng, rồi máy nước công cộng đều không thấy. Bà toan đạp xe lên trường Bách Khoa xem con có về nơi tập trung chuẩn bị đi nước ngoài không, nhìn đến cái xe đạp thì cũng mất tiêu rồi. Nhìn sang phòng nhà ông giám đốc thấy khoá ngoài im ỉm, bà linh tính ngay đến chuyện chẳng lành.
 

Thế là chỉ ngay đầu giờ làm việc sáng, cái tin con trai ông giám đốc và con gái bà phó giám đốc hủ hoá với nhau giữa ban ngày, bị bắt quả tang, đã lấy cắp xe đạp mang nhau đi trốn lan truyền khắp trong cơ quan, ngoài phố. Nghe được tin ai cũng sửng sốt, rụng rời. Thời đó, chuyện trai gái yêu nhau được người ta gọi là hủ hoá, mà cái tội hủ hoá thì nặng nề không kém gì tội phản quốc, còn có phần xấu xa, ê chề hơn cả tội phản quốc nữa.
 

Đúng lúc đó ông giám đốc đi công tác vừa về tới cơ quan thì một cuộc họp Liên tịch giữa Giám đốc, Đảng Uỷ, Công đoàn, Tổ chức, Thanh tra, Bảo vệ, Đoàn thanh niên Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ… được triệu tập khẩn cấp. Hội nghị nhận định: Hai đối tượng bỏ trốn (từ đây anh, chị được người ta gọi bằng từ “đối tượng” cả trong lời nói và các văn bản viết chính thức) tuy không phải là cán bộ, công nhân viên của cơ quan, nhưng đang cư trú trong tập thể cơ quan, chưa có công ăn việc làm, vẫn sống phụ thuộc bố mẹ là lãnh đạo của cơ quan. Nơi xảy ra vụ án tại tập thể cơ quan (sự việc được nâng lên thành “vụ án”), tài sản bị trộm cắp là chiếc xe đạp Thống nhất nữ do cơ quan phân phối theo giá cung cấp của nhà nước để phục vụ công tác cho lãnh đạo tức là tài sản Xã hội chủ nghĩa…. Cho nên phải thông báo ngay số biển đăng ký, số khung, số máy và mầu sắc của chiếc xe đạp cho công an tất cả các tỉnh trên miền Bắc biết, để nếu thấy xuất hiện ở địa bàn nào thì bắt giữ kịp thời… Nghị quyết của cuộc họp được chuyển thành các văn bản chính thức ngay trong sáng nay để báo cáo lên Bộ và gửi các cơ quan hữu trách.
 

Trong khi đó thì “hai đối tượng” vẫn hớn hở, tung tăng đèo nhau đi trên đường Hà Nội - Sơn Tây. Chỉ vừa ra khỏi địa phận Hà Nội là đã bay vèo đâu hết mọi nỗi ưu tư, buồn phiền, sợ hãi. Họ vừa đèo nhau vừa chuyện trò, cười nói như ngô rang. Khoảng hơn bảy giờ họ đã đi qua cầu Phùng, rồi đến phố Gạch, cô gái bảo:
 
- Em thấy đói bụng goá rồi anh ơi!
 
- Ừ, anh cũng thấy đói hoa cả mắt lên rồi đây này.
 
Vì sự việc tối qua xảy ra quá đột ngột và ghê gớm nên từ hôm qua đến giờ họ đã có cái gì cho vào bụng đâu. Chàng trai hỏi:
 
- Em có tiền không?
 
- Hông.
 
- Anh chỉ còn tám hào rưỡi thôi đấy!
 
- Ôi, tám hào rưỡi hai người có mà ăn nhoè!
 
Họ dừng xe ghé vào một quán cóc ven đường quốc lộ 32. Quán sơ sài, hàng hoá lèo tèo, chỉ có nước vối bán bằng bát ăn cơm, với kẹo lạc dồi và kẹo trứng chim.
 
- Có gì bán để ăn đỡ đói không cụ? – Anh con trai hỏi bà lão bán nước.
 
- Chẳng có gì sất cả. Bún bánh thì là lương thực thuộc diện hàng cấm rồi. Tháng trước còn bán được cái ngô luộc, củ khoai lang nướng chứ bây giờ thấy bảo cũng thuộc hàng lương thực phải để đưa ra tiền tuyến.
 
Cô gái lại nhăn nhó:
 
- Em đói goá…
 
Nghe vậy bà lão chủ quán thương tình ghé sát tai anh con trai thì thào:
 
- Này, trong nhà tôi có rổ khoai lang vừa luộc ngon lắm, nếu đói thì cô cậu vào trong mà ăn mấy củ, chứ dọc đường này đâu cũng thế. Độ này công an họ làm gắt lắm, không ai dám bán gì đâu.
 
- Vâng, cụ làm ơn bán cho chúng cháu mấy củ ạ.
 
Bà lão phúc hậu đứng ngay dậy, đon đả vẫy hai người đi theo vào nhà bà phía trong, cách quán chừng mấy chục bước. Bà bưng ra cả một rổ khoai lang luộc còn nóng, đặt lên chiếc phản gỗ giữa nhà và bảo:
 
- Cứ ngồi đây mà ăn thoải mái đi, nếu có ai vào hỏi thì bảo là cháu ở làng bên đến chơi, đừng có nói mua bán gì, là họ lại phạt chết đấy.
 
Bà lão để mặc hai người ngồi trong nhà ăn khoai, bà khép hờ cánh cửa lại rồi đon đả đi ra quán. Cả cô cậu đều đang đói, giớ được rổ khoai luộc, nhai ngấu nghiến, chả kịp cả bóc vỏ. Mỗi người phải ăn hết đến bốn năm củ khoai, rồi mới khép cửa đi ra quán uống nước. Khi trả tiền, bà lão nhất định không lấy, nói mãi mới chịu nhận năm xu cho cả tiền khoai và nước. Cô cậu cứ cám ơn rối rít, rồi lại hỏi thăm bà:
 
- Cụ ơi, muốn lên Trường Lục Quân ở Thạch Thất thì đi lối nào ạ?
 
Bà lão ngước đôi mắt lèm nhèm nhìn hai người, rồi hỏi lại:
 
- Cô cậu muốn lên đó làm gì?
 
- Dạ chúng cháu có bạn là bộ đội đóng ở đấy, muốn đến thăm ạ.
 
Bà lão ngần ngừ:
 
- Cũng gần thôi… dưng mà…
 
Lúc ấy ngoài đường thấy bóng hai chiến sĩ công an ngang qua, bà lão vội vẫy tay gọi:
 
- Các chú công an ơi, có hai cô cậu đang hỏi đường lên Trường Lục quân đây này.
 
Hai công an tiến lại quán, một người đứng nghiêm giơ tay chào. Rồi lại hỏi câu lúc nãy bà lão đã hỏi, anh con trai cũng trả lời câu lúc nãy đã trả lời bà lão. Anh công an nghiêm nét mặt nói:
 
- Đề nghị anh chị cho chúng tôi kiểm tra giấy tờ.
 
- Giấy tờ gì ạ?
 
- Giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ xe chứ còn giấy tờ gì nữa.
 

Hai người chẳng có giấy tờ gì, nên được mời về đồn để làm rõ. Họ bị tách riêng ra mỗi người ngồi một phòng và viết bản tường trình. Viết xong, cô gái được công an vẫy xe tải cho đi nhờ về Hà Nội để lấy giấy tờ, còn anh con trai và chiếc xe đạp bị giữ lại. 

Khoảng gần 11 giờ trưa, một chiếc xe com-măng-ca đi qua cổng rồi đỗ sát cửa đồn, từ trên xe ông giám đốc và một người trạc tuổi ông mặc sắc phục công an, nhưng không đeo quân hàm quân hiệu bước xuống. Chàng trai ngỡ ngàng vừa mừng vừa lo thốt lên: “Bố!”
 
Ông giám đốc quay sang nói với người công an:
 
- Đấy, ông con trai quí tử của tôi đấy- Rồi quay sang nói với con:
 
- Còn không chào chú đi à? Đây là chú Soạn, Trưởng Ty Công an Sơn Tây, cùng lính Điện Biên với bố.
 
Chẳng biết hai người trao đổi gì với Đồn công an sở tại, nhưng chỉ sau chưa đầy năm phút, mấy anh công an đã rối rít đi tìm dây buộc chiếc xe đạp vào sau com-măng-ca, để hai cha con anh chở chú Soạn ngược trở lại Sơn Tây, rồi sau đó về thẳng nhà.
 

Trên đường từ Sơn Tây về Hà Nội anh bị bố “lên lớp” cho một trận thậm tệ. Vừa về đến nhà, chưa được ăn uống gì, đã được bố ấn cho cái túi vải có hai chiếc bánh mì, một hộp thịt, một chai nước và “cấp bổ sung” cho một đồng nữa, rồi nhờ chú lái xe tống khứ ngay sang Trâu Quì, bắt ôtô về trường.
 

Ngay buổi đầu tiên trở lại trường thì nhận được tin vui bất ngờ: Tất cả sinh viên nam năm thứ tư không phải học tiếp học kỳ cuối cùng mà cũng không phải thi, đều được Bộ Đại học công nhận tốt nghiệp đặc cách và phát bằng tốt nghiệp ngay để ba ngày nữa lên đường nhập ngũ. Thế là anh bị cuốn hút túi bụi vào các buổi mít tinh, liên hoan, viết lưu niệm, chụp ảnh chia tay…không còn tâm trí đâu nghĩ đến việc xảy ra tuần trước ở nhà nữa. Trường Đại học Ngoại ngữ đợt ấy có đến trên ba trăm người nhập ngũ, được xe ô tô tải chở thẳng lên ga Hàng Cỏ Hà Nội để đi tầu xuôi vào Nam. Thật may là phải chuyên chở trên ba trăm con người mà nhà trường chỉ có 2 chiếc ô tô, anh lại được đi chuyến thứ hai, nên đến ga Hàng Cỏ được nghỉ chờ trong ga để đợi các chuyến lên sau. Anh liền tranh thủ chạy về nhà một lát. Vừa bước đến cửa anh sững người vì thấy bà hàng xóm đang đánh chửi con gái, tiếng khóc tiếng la rền rĩ trong nhà, nhưng cửa vẫn đóng kín. Bố thấy anh về thì vẫy tay ra hiệu anh vào nhà rồi cũng đóng kín cửa lại. Sau khi biết anh nhập ngũ, bố cho biết con gái bà phó giám đốc sáng nay khám sức khoẻ lần cuối để đi nước ngoài, họ phát hiện đã có thai nên không được đi nữa. Anh định sang chia buồn và chia tay luôn thì bố bảo:
 
- Thôi con ạ, bây giờ hai mẹ con cô ấy đang rất buồn và rất hận con… hay là con xin ở lại vài ngày để cưới cho xong rồi sẽ đi.
 


Anh tròn mắt kinh ngạc, biết rằng bố cũng hiểu lầm rằng “hậu quả” kia là anh gây ra. Anh định kể cho bố biết chuyện anh chàng tên Cưu, bạn cùng lớp của cô gái, hiện đang là lính của Trường Lục quân. Nhưng anh lại bảo: 
- Không được đâu bố ạ. Chờ huấn luyện xong, con tranh thủ về, sẽ liệu.
 
Trước lúc ra ga, bố anh đã đưa anh sang nhà bà phó giám đốc chào tạm biệt. Cửa vừa mở bố anh đã nói:
 
- Cháu nó lên đường nhập ngũ bây giờ, tôi đưa sang chào cô và em đây.
 
Anh nói lí nhí:
 
- Cô và em ở lại mạnh khoẻ, cháu đi ạ.
 
Cả hai mẹ con bà sững sờ trước câu chào đột ngột của anh. Bà nói:
 
- Thế trước khi đi anh định thế nào đây?
 
Cô gái:
 
- Kìa má, con đã bảo…
 
Anh nói:
 
- Bố cháu sẽ thưa chuyện với cô sau ạ. Cháu xin phép - Rồi quay ra.
 
Cô gái liều lĩnh chạy theo, khi đuổi kịp ngoài ngõ, cô nắm tay anh nói:
 
- Anh đi thật sao, lẹ vậy à? Sao hông báo trước cho em biết?
 
- Ờ, gấp quá, chẳng kịp báo cho ai cả. Đang chờ tầu ở ga, anh phải trốn về nhà một lát, may quá lại gặp được bố.
 
Cô gái khóc nghẹn ngào:
 
- Em không được….
 
Anh vội lấy khăn tay ra lau nước mắt cho cô và an ủi:
 
- Anh biết rồi. Thôi không học ở nước ngoài thì học trong nước cũng được, càng gần nhà, gần gũi má chứ sao. Đừng buồn nữa em! Đến đơn vị, nếu có điều kiện anh sẽ tìm gặp Cưu và nói cho cậu ấy biết sự thật.
 
- Anh nhớ đấy nhé…
 

Họ bịn rịn chia tay nhau. Nhưng chỉ có mình bố đưa anh ra ga.
 

Cô sinh viên thực tập ngồi ngây ra như bị thôi miên nghe ông Tổng giám đốc kể. Khi ông vừa ngừng lại để uống nước, cô tranh thủ hỏi:
 
- Thế sau này hai người có lấy nhau hông, hả ngoại?
 
Ông nhìn cô buồn bã, rồi chậm chãi trả lời đầy vẻ nuối tiếc:
 
- Không cháu ạ.
 
- Tại sao hông, hả ngoại?
 
- Vì chàng trai ra trận mấy năm liền không có tin tức, nên…
 
- Thế còn người name (tên) Cưu, bạn của cổ thì sao?
 
- À, khi vào mặt trận chàng trai ấy và người tên Cưu có gặp nhau. Họ cùng đơn vị nên đã kể cho nhau biết rõ sự thật. Trong một trận đánh ác liệt, chú Cưu bị thương nặng, trước khi trút hơi thở cuối cùng, chú Cưu đã nói:
 
- Đến ngày chiến thắng, nếu cậu còn sống trở về, hãy cưới cô ấy và chăm sóc đứa con giúp mình nhé.
 

Người chiến sĩ đó đã gạt nước mắt, gật đầu đồng ý rồi tự tay anh vuốt mắt cho chú Cưu và cùng đồng đội đem đi mai táng.
 

Cô sinh viên nghe đến đây thì vội rút miếng giấy lau trong hộp trên bàn viết, lau nước mắt, rồi lại giục:
 
- Ngoại kể tiếp đi ngoại?
 
- Chuyện chiến đấu ngoài tiền tuyến thì ác liệt nhưng giản đơn. Còn chuyện ở hậu phương thì lại phức tạp vô cùng.
 
- Phức tạp là sao, hả ngoại?
 
- Cô ấy không được đi học nước ngoài, nhưng được vào học Đại học Bách Khoa. Ngay sau đó má cô bảo cô phải giữ kín chuyện có thai, để ép cô lấy con trai ông thứ trưởng, một chàng trai thọt chân, mới học công nhân kỹ thuật ở nước ngoài về, nhưng cô không chịu. Cô theo Trường Bách Khoa sơ tán lên núi rừng Lạng Sơn. Khi sinh con cô bị băng huyết, do điều kiện y tế lúc đó thiếu thốn, nên cô đã qua đời đúng vào cái ngày chú Cưu hy sinh trên chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.
 
- Thế còn đứa bé thì sao hả ngoại? – Cô sinh viên khóc nức nở hỏi.
 
- Đứa bé không sao cả, nó sau này lớn lên rất ngoan ngoãn, xinh đẹp, học giỏi và đáng yêu. Nhưng cũng vì nó mà quan hệ thân tình giữa ông giám đốc và bà phó giám đốc bị xấu đi nghiêm trọng đến mức trở thành thù ghét nhau.
 
- Sao vậy hả ngoại?
 
- Vì sau khi mẹ đứa bé mất rồi, mà con trai ông giám đốc trong chiến trường cũng không rõ sống chết ra sao, nên cả hai gia đình đều giành quyền được nuôi đứa bé. Không ai chịu nhường ai, cuối cùng họ phải nhờ Toà án phân xử. Ông giám đốc có bằng chứng trong tay là lá đơn của bà phó giám đốc tố cáo con trai ông đã “làm hại” con bà. Nên toà phán xét đứa bé là con người chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận. Theo luật pháp thì người giám hộ thứ nhất là cha mẹ, rồi mới đến ông bà. Mẹ đứa bé đã chết, bố đứa bé đi vắng, thì ông bà nội được quyền tạm nuôi nấng để sau này bố đứa bé về thì trao trả. Sau khi thua kiện, bà phó giám đốc vô cùng đau khổ và suy sụp hoàn toàn. Bà đã xin thôi chức phó giám đốc để tình nguyện trở về quê hương miền Nam công tác trong vùng mới giải phóng. Đó là vào cuối năm 1968, khi chuẩn bị nổ ra cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.
 

Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, đất nước hoà bình thống nhất. Hàng triệu người thanh niên miền Bắc đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, những ai còn sống sót đều đã trở về, trong đó có chàng trai sinh viên Đại học Ngoại ngữ, con ông giám đốc năm xưa. Anh vào tiếp quản Sài Gòn và mua được một “con búp bê biết khóc”. Dọc quãng đường về suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội anh luôn nghĩ phải sắp đặt thời gian và cách gặp gỡ, nói năng, tỏ tình với người mình yêu thế nào cho hợp lý. Có lẽ khi về đặt ba lô ở nhà mình là anh phải sang liền để chào hỏi cả ba mẹ con, bà cháu người hàng xóm. Anh sẽ đưa quà cho cô miếng vải dù pháo sáng và nói “đền cho em chiếc áo anh làm bẩn năm xưa đây”, rồi cho đứa bé “con búp bê biết khóc”. Nhưng mà nó đã bảy tám tuổi rồi, chẳng biết là trai hay gái, nó có thích chơi búp bê không nhỉ? Rồi sẽ lựa lời để báo tin về Cưu … Không biết rằng Cưu đã hy sinh, chỉ có mình trở về thì cô ấy sẽ buồn hay vui nhỉ?.... đầu óc anh cứ rối cả lên, chẳng biết nên làm việc gì trước việc gì sau cho hợp lý nữa… Thôi, cứ về đến nhà đã rồi sẽ tuỳ cơ ứng biến…
 

Khi về đến khu tập thể, anh nhìn sang nhà hàng xóm thì cửa đóng then cài, chỉ thấy cửa nhà mình hé mở, anh đẩy cửa bước vào và thấy một bà già đang nằm đắp chăn trên giường, lại có chiếc nạng gỗ dựa ở cuối giường. Anh nhìn kỹ nét mặt nhăn nheo, già nua của người nằm đó rồi nhào tới ôm chầm lấy bà và chỉ kêu lên được một tiếng “mẹ!” Bà giật mình choàng tỉnh, rồi cũng ôm ghì lấy anh, sờ khắp từ đầu đến chân, nghẹn ngào nói:
 
- Có thật là con đã trở về đấy ư?
 
Giữa lúc ấy có một bé gái chừng bảy tám tuổi lưng đeo cặp sách, mặt đẫm mồ hôi từ ngoài chạy vào:
 
- Chào bà, cháu đã về! - Rồi đứng ngây ra nhìn cảnh tượng hai người lớn đang ôm nhau mà khóc.
 
Bà mẹ bảo:
 
- Bố đã về đấy, kìa chào bố đi cháu!
 
Anh vội hỏi mẹ:
 
- Con nhà ai thế mẹ?
 
- Cha tiên nhân nhà anh chứ, con anh chứ còn con ai!
 
Anh đang há hốc mồm kinh ngạc, chẳng hiểu ra làm sao thì bà mẹ nói tiếp:
 
- Khi mẹ nó chết, tôi phải nuôi từ lúc ẵm ngửa đến bây giờ đấy! Cũng vì cứu nó mà ông…. Rồi bỗng bà oà khóc tướng lên - Ới ông ơi, con trai ông nó đã về, bố con nó gặp nhau… mà ông nỡ bỏ con bỏ cháu đi đâu, ông ơi….
 

Nghe vậy anh hiểu là bố đã mất rồi… thế là anh cũng khóc theo, rồi ôm ghì lấy cô bé mà “con ơi”. Cô bé cũng khóc nức nở.
 

Rồi mẹ kể cho anh biết mẹ con bé khi sinh đã bị băng huyết chết như thế nào; hai nhà nội, ngoại tranh giành nhau nuôi đứa bé ra sao; mẹ phải bỏ việc ở Công ty lương thực để về hưu sớm thay mẹ nó bú mớm nâng niu cháu thế nào… Anh vội hỏi:
 
- Bố mất khi nào hả mẹ?
 
- Ngày 18 tháng 12 năm 1972, đúng hôm sinh nhật con cháu này 4 tuổi. Hôm đó ông xin nghỉ việc cơ quan về nơi sơ tán làm sinh nhật cho cháu. Cũng đúng hôm đó thì Mỹ nó đánh huỷ diệt Hà Nội. Từ nơi sơ tán nhìn về Hà Nội, lửa cháy và tiếng bắn nhau ùng oàng suốt ngày đêm. Dưng mà ở nơi sơ tán thì người ta vẫn cứ đi làm đồng bình thường, thấy vậy thì nhà mình cũng cứ chủ quan. Hai ông bà đang hí húi rán nem chả trong bếp, con cháu này đang ở ngoài sân xem mấy đứa trẻ nhà hàng xóm chơi ô ăn quan. Lúc ấy chẳng biết cái máy bay nào của Mỹ chắc là bị bắn trúng đạn của ta đang vứt bỏ hết các thứ để chạy tháo thân, quẳng xuống giữa sân một cái quả bom bi hay thuỷ lôi thuỷ liếc gì ấy cứ phụt khói quay tít thò lò. Bọn trẻ con sợ chạy nháo nhác hết, con bé cháu nhà mình thấy vậy hét lên nhưng bé quá không chạy được mà ngã lăn ra, bố và mẹ trong bếp lao ra, mẹ đè lên nó, bố lại đè lên mẹ, thì một tiếng nổ “đùm”. Bố bị toang cả một bên sườn, còn mẹ thì mất hai cái chân đây, nhưng may mà con cháu không làm sao cả… Cho nên từ đấy, cái hôm 18 tháng 12 vừa là ngày sinh của con cháu, vừa là ngày giỗ của mẹ nó và ông nội.
 

Nghe mẹ kể, anh không sao ghìm nén được tiếng nấc nghẹn ngào. Hồi lâu anh lại hỏi:
 
- Thế bà ngoại cháu bây giờ còn ở đây không mẹ?
 
- Cũng rõ tội cho cái nhà bà ấy! Sau cái đận tranh chấp với bố anh để nuôi con này không được, đâm ra cứ như người lẩn thẩn. Mẹ để ý bà ấy yêu thương con này lắm cơ, hễ mẹ cứ đặt nó nằm ở đây chạy ra ngoài máy nước giặt giũ là cứ lén vào bế cháu rồi hôn hít, nhưng hễ cứ thấy bóng mẹ về là lại tỏ ra chẳng thèm để ý đến nó. Mà cũng chẳng ai như bố anh cơ, không biết ở cơ quan hai người “kiểm điểm” gì nhau, mà một hôm bắt gặp bà ấy lẻn sang âu yếm cháu thì lại mắng bà ấy là “từ nay tôi cấm chị mó vào cháu tôi”, làm cho bà ấy khóc quá thôi. Rồi bà ấy xin đi B, nghe nói để tìm chồng. Từ bấy đến nay cũng đã bảy tám năm rồi, chẳng biết có gặp được không và bây giờ sống chết ra sao nữa…
 

Anh ôm đứa bé nói trong nước mắt:
 
- Khi nào có điều kiện, bố sẽ dẫn con vào Nam tìm bà ngoại.
 

Anh nghỉ ngơi được vài ngày thì dẫn con bé lên Lạng Sơn tìm thăm mộ mẹ nó. Từ đấy anh được sống cùng mẹ và đứa con gái yêu quí mà mẹ anh và cả nó vẫn cứ đinh ninh anh là bố ruột của nó. Nhưng “ngày vui ngắn chửa đầy gang”, vừa được hai tháng tròn kể từ ngày anh về thì mẹ anh cũng qua đời. Thế là anh trở thành “chàng trai tơ, gà trống nuôi con” người ta. Biết bao nỗi vất vả nhọc nhằn để duy trì cuộc sống thường nhật của hai bố con với đồng lương của một Thượng uý thất nghiệp như anh. Tuy nhiên, thiếu gì thì thiếu chứ anh không bao giờ để cho con gái thua kém bạn cùng trường lớp bất kỳ thứ gì. Hàng ngày anh làm đủ mọi việc để kiếm tiền: từ cắt tóc, bán kem, đưa bánh rán tới các hàng nước, dán bao bì túi cao sao vàng… Nhưng mọi gian truân vất vả rồi cũng qua đi, chẳng biết bố mẹ con bé hay bố mẹ anh phù hộ độ trì mà sau đấy khoảng hơn một năm anh xin việc được vào làm ở Vụ Đối ngoại của Bộ Ngoại Thương. Nhờ có cái “bằng Đại học Ngoại ngoại ngữ đặc cách” mà lúc nhập ngũ bọn anh gọi là “ bằng đẻ non”, lại có cái mác Đảng viên từng trải chiến trường, nên chỉ sau một năm công tác, anh đã được người ta cử đi làm Đại diện thương mại Việt Nam tại Berlin, Cộng hoà Dân chủ Đức. Lúc đó con gái anh vừa học hết cấp I, anh mang theo sang Đức xin học vào cấp II luôn. Lúc đầu thật khó khăn vì con bé không biết tiếng và chỉ mấy trăm đồng Mac (Đông Đức) phụ cấp của anh, làm sao đủ nuôi con ăn học. May mà con bé ngoan ngoãn, chăm chỉ và thông minh đặc biệt, chỉ chưa hết học kỳ đầu tiên nó đã đọc thông viết thạo tiếng Đức, các môn tự nhiên và ngoại ngữ Tiếng Anh nó đều vượt trội hơn các bạn Đức, nên ngay bắt đầu học kỳ II không những không phải đóng học phí nữa mà nó còn được Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức cấp học bổng toàn phần 1.200 Mác một tháng, gấp ba lần phụ cấp của bố. Bốn năm sống ở Đức trôi đi quá nhanh, bố làm ăn “vào cầu” liên tục, con học giỏi. Khi bố vừa mãn hạn về nước thì nó cũng lại xin được học bổng sang Anh Quốc học luôn A level, tương đương đại học đại cương của Việt Nam. Từ đó bố không những chẳng phải nuôi, mà nó còn kiếm được tiền gửi về cho bố giữ hộ. Có tiếng điện thoại, ông dừng kể để nghe, nghe xong ông nói tiếp:
 
- Cháu có biết không, mới 19 tuổi cô gái ấy đã lấy được bằng Đại học của trường Cambridge; 22 tuổi có bằng tiến sĩ và lấy một anh chồng là giáo sư Việt Kiều ở Mỹ.
 
Cô sinh viên thực tập hớn hở hỏi ngay:
 
- Sao cổ giống má con thế hả ngoại?
 
Ông Tổng giám đốc cười bí hiểm và bảo:
 
- Chỉ giống thôi sao? Cô ấy chính là con gái ta, là má của cháu đó!
 
Cô sinh viên tròn mắt ngạc nhiên, hỏi:
 
- Thế chính ngoại là…
 
- Là con trai ông giám đốc, ở cái gian nhà đang phá dỡ mà cháu vừa chụp ảnh kia kìa!
 
Bỗng cô sinh viên dứng phắt dậy, ôm chầm lấy ông mà khóc thút thít:
 
- Con thương ngoại lắm, ngoại ơi!
 

Một sáng Chủ nhật, mùa hè năm 2010.
 
Tại ngôi biệt thự sang trọng trong Khu Đô thị mới Hào Bắc, thành phố Hà Nội. Chị phục vụ bảo anh lái xe:
 
- Hôm nay Cụ nghỉ ở nhà, chứ có đến công ty đâu mà rửa xe sớm thế?
 
- Ừ thì cứ rửa sẵn cho sạch sẽ nhỡ cô chủ muốn đi dạo phố.
 
Nghe tiếng chuông reng reng, chị vội chạy lên lầu hai, đứng lễ phép:
 
- Cụ cho gọi con?
 
- Ông cháu tôi xong rồi, dọn đi!
 
- Con đã pha sẵn cà phê trong phòng khách, mời Cụ và cô vào dùng kẻo nguội ạ - Chị phục vụ lại lễ phép thưa.
 
- Bưng ra ngoài này cho thoáng, có cái ánh nắng buổi sớm thế này tốt lắm, suốt ngày ngồi ru rú trong phòng lạnh nó cớm người ra.
 

Hai ông cháu vừa ăn sáng xong, đang ngồi hóng mát và xem tivi ở vườn cảnh có mái che trên tầng hai. Tivi đang chiếu cảnh hội chợ Leipzip của Đức, cô cháu liền hỏi ông:
 
- Ở bên Đức có nhiều cầu lắm hả ngoại?
 
- Cũng bình thường chứ đâu có nhiều, mà sao cháu hỏi vậy?
 
- Vì bữa trước ngoại kể hồi ngoại và má ở bển “làm ăn liên tục vào cầu” là sao ngoại?
 
Người ông cười phá lên, bảo:
 
- Ngoại xin lỗi, ngoại quen mồn hay nói từ ngữ dân dã. “Làm ăn liên tục vào cầu” nghĩa là kinh doanh buôn bán mà get big profit tức được lãi lớn ấy mà!
 
- Ngoại buôn gì mà được lãi lớn ạ?
 
- Hồi đó Cộng hoà Dân chủ Đức là nước có mức sống cao nhất phe Xã hội Chủ nghĩa, nhưng vẫn duy trì cửa hàng bán cung cấp giá rẻ cho các Đoàn Ngoại giao. Ngoại ở Thương vụ có thẻ ngoại giao nên cứ vào đó mua hàng như thuốc lá, đồng hồ, cassette, hàng mỹ phẩm đem về bán lại cho lao động Việt Nam kiếm giá chênh lệch gấp đôi gấp ba. Việc làm rất nhàn nhã, nhưng có ngày kiếm cả ngàn đô la ấy chứ. Những người Việt nam lao động và công tác ở đó thì họ chỉ tích tiền rồi mua hàng của nước sở tại như xe đạp Mi-pha, xe máy Mô-kích v.v… gửi về Việt Nam. Nhưng ngoại thì lại ký hợp đồng với Thương vụ Nhật Bản tại Berlin mua xe máy cũ từ Nhật để đưa về Việt Nam. Mà xe máy cũ bên Nhật họ vất ra bãi rác có cả hàng ngàn hàng vạn chiếc, chỉ cẩn trả vài chục đô la một chiếc cho công thu gom, đóng thùng, vận chuyển. Nhưng về Việt Nam bán có cả ngàn đô la một cái.
 
- Thế thì phải đóng thuế thu nhập cho Nhà nước cao lắm ngoại nhỉ?
 
- Không đâu, ngoại chỉ đưa hàng về đến cảng Việt Nam rồi bán non cho mấy anh hải quan, cảng vụ lấy tiền cả gói lớn. Rồi họ mua đi bán lại, đóng thuế đóng má ra sao mình không cần biết. Mỗi lần ngoại đưa về mấy containers, mỗi container và trăm chiếc, gộp được số tiền khoảng trên triệu đô la mỗi lần, nhưng vốn bỏ ra chỉ vài nghìn đô la thôi.
 
- Ôi, chu cha lãi dữ dzậy hả ngoại?
 
- Hồi đó nhiều tiền quá đến nỗi chẳng biết để làm gì. Sau đó mấy người bạn họ mách cho đầu tư bất động sản, tức là mua nhà đất ấy mà. Ngoại mua được hơn mười căn nhà tại Hà Nội, cái thì vài trăm ngàn đô, cái thì ngót ngét triệu đô. Đùng một cái, giá nhà đất lên vèo vèo, lãi gấp ba gấp bốn lần khi mua. Rồi ngoại lại bán, lại mua, lại bán nữa…
 
- Ngoại giỏi quá ta!
 
- Nhờ vậy mà bây giờ nhà mình mới có cả công ty xây dựng, công ty thương mại, nhà máy gang thép chứ…Nhưng mà…- Đang sôi nổi vui vẻ, bỗng mặt ông thoáng chút buồn rầu.
 
- Nhưng sao, ngoại?
 
- Tiền bạc khi thiếu thốn thì rất quí giá, nhưng khi đã đầy đủ rồi, mà nhà mình bây giờ là quá thừa thãi rồi thì ngoại thấy vô nghĩa thôi cháu ạ.
 
-…….
 
- Ngoại đã hơn sáu mươi tuổi rồi, vợ không có, con có một đứa lại ở xa… nếu không may có chuyện xấu xảy ra thì để lại cho ai? Nhưng ngoại cũng rất mừng là cháu đã chịu về đây, ngoại muốn giao tất cả gia sản này cho cháu quản lý, hãy cố gắng lên nhé…
 
- Nhưng thưa ngoại con..con…
 
- Ngoại biết, cháu còn quá trẻ, mới mười chín tuổi đầu, lại sinh ra và lớn lên ở nước ngoài… nhưng nếu cháu không nhận thì hỏi ngoại giao cho ai đây? Má cháu thì không thể được rồi, vì từ hồi ngoại bắt má cháu phải chuyển từ bên đó về dạy ở trường Đại học thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp chăm sóc cụ ngoại, đã phải xa chồng xa con, ngoại thương lắm. Nhưng bây giờ không thể bỏ cụ ngoại một mình bệnh tật ỏ trong đó mà ra Hà Nội được.
 
Cô gái dơm dớm nước mắt hỏi:
 
- Thế ngoại định giao cho con, để ngoại làm chi?
 
Ông già mỉm cười nói:
 
- Thế là cháu chịu nhận rồi đấy nhé! Để ngoại… để ngoại có thời gian looking for a madam (tìm một bà) cháu đồng ý không?
 
Cô gái nhảy cẫng lên:
 
- You are welcomed and completely supported! (Hoan hô ngoại, con hoàn toàn ủng hộ!)
 
Hai ông cháu lại vui vẻ hẳn lên. Rồi ông già bảo:
 
- Nói vui vậy thôi, chứ bây giờ còn tìm được bà nào nữa, mà ngoại muốn được chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh nghỉ ngơi, chăm sóc cụ ngoại cháu, để cho má cháu có thể về California đoàn tụ với ba và em trai của cháu.
 
Hai mắt cô gái lại mấp máy cảm kích. Cô hỏi:
 
- Thế ngoại không còn giận cụ ngoại con nữa sao?
 
- Không. Ngoại có bao giờ giận cụ đâu, mà chỉ thương thôi. Từ ngày con chết, cụ vào Nam tìm chồng, chồng lại hy sinh. Cả cuộc đời chờ đợi, ngóng trông và vô vọng, phải sống vò võ một mình, đáng thương lắm chứ…. Cháu phải hiểu một điều rằng niềm hạnh phúc lớn nhất ở đời là phải biết tha thứ và quên đi thù hận. Mang được niềm vui đến cho người khác chính là niềm hạnh phúc của mình.
 
Cô gái lại ôm chầm lấy ông:
 
- I love you very much! (Con yêu ngoại lắm!)
 

HẾT
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét