Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Long Biên, cầu cho ai?

KTS Hà Anh Tuấn
"Và tôi ghét cái ý tưởng ai đó định bóc dỡ đường sắt ra khỏi Long Biên để làm một cây cầu mới phục vụ giao thông ở gần đấy. Tôi cũng không thể hình dung nếu người ta phục dựng lại cầu Long Biên thì nó sẽ trông ra sao, cảnh quan chung sẽ như thế nào? Một di tích luôn cần sự bảo vệ không chỉ ở tấm biển “cấm sờ vào hiện vật”, mà còn phải tránh cả những xâm lấn về thị giác, đồng thời để cho hiện vật sống đúng với đời sống nó vốn trải qua."

Cau Long Bien 2-Quang Ngoc_resize
 Long Biên - Cây cầu trong ký ức…
  Nghĩ về Long Biên, mong mỏi về một không gian sống hòa hợp với cây cầu nổi tiếng này của Hà Nội thủ đô...

Không biết bao nhiêu tấm ảnh, bài viết đã kể về Long Biên - Hà Nội rồi, về những ký ức của cây cầu Rồng trong thành phố Rồng. Đất đã ngàn năm tuổi, cầu cũng trăm năm, một đời tiếp nối một đời luôn bằng những câu chuyện mà Long Biên hay được nhắc đến như là vai trò chứng nhân, vai trò giao thông huyết mạch. Còn tôi, tôi lại luôn nghĩ về Long Biên với mong mỏi về một không gian để sống bên cạnh Long Biên, chung quanh Long Biên. 


1.Ai đó bảo Long Biên với tháp Eiffel bên Pháp  là ngang nhau, tôi nghĩ, có thể đúng khi so về niên đại, công nghệ... Nhưng Long Biên khác hẳn tòa tháp nổi tiếng của Paris đang đón cả triệu du khách mỗi ngày. Long Biên của tôi sứt mẻ khắp nơi, trầy trụa đến mức như không thể bong tróc hơn được, Dù cây cầu làm bằng thép với sự kết hợp của công nghệ Pháp và bao mồ hôi xương máu đổ xuống của công nhân Việt, nhưng chưa bao giờ trong mắt tôi Long Biên là biểu tượng của một sự hoàn thiện vật chất, mà luôn là một biểu tượng tinh thần, in đậm dấu vết đời sống đủ mọi buồn vui. Có lẽ vì vật chất thì... không bao nhiêu cho đủ, đời sau luôn có quán tính làm gì cũng cố hiện đại, cố “khủng” hơn đời trước về chi phí và quy mô mà!

Và tôi ghét cái ý tưởng ai đó định bóc dỡ đường sắt ra khỏi Long Biên để làm một cây cầu mới phục vụ giao thông ở gần đấy. Tôi cũng không thể hình dung nếu người ta phục dựng lại cầu Long Biên thì nó sẽ trông ra sao, cảnh quan chung sẽ như thế nào? Một di tích luôn cần sự bảo vệ không chỉ ở tấm biển “cấm sờ vào hiện vật”, mà còn phải tránh cả những xâm lấn về thị giác, đồng thời để cho hiện vật sống đúng với đời sống nó vốn trải qua. Bởi người ta đến đây, đi qua đây để chạm vào những ngõ phố mưu sinh, để lên bờ xuống bãi, để thấy mồ hôi vắt qua từng giọt nắng. Thêm số lượng một điểm du lịch, cộng vào cho Hà Nội một góc thảnh thơi nhàn hạ cà phê cà pháo - Long Biên Coffee chẳng hạn - sẽ thành vô nghĩa, nếu những nét thêm, cộng thêm ấy không bám sát vào cuộc sống hai đầu cầu, cuộc sống dọc sông Hồng. Nếu cứ nhìn Long Biên như một cây cầu, một điểm kết nối giao thông, thì cũng sẽ đối xử theo kiểu trưng bày, xếp đặt, khai thác cạn kiệt và... xả rác xuống sông, như lâu nay mọi cây cầu ở xứ ta thường được đối xử như vậy.

2. Lẽ thường Kim hay khắc Mộc, nhưng cây cầu sắt cõng tuyến đường sắt này lại bạc áo mồ hôi cộng sinh đời sống với những bến bãi giữa sông Hồng, như thể sinh ra đã phải nặng nợ cùng nhau vậy. Từ mấy nếp nhà tranh nơi bãi giữa nhìn lên, Long Biên lẫn vào hình hài của tàu lá chuối, lá ngô, phất phơ, mong manh, mà luôn gói ghém đong đầy những tình cảm của dân ngoài bãi, nơi lũ dữ sông Hồng có thể xóa sạch những nóc nhà xơ xác phận người chỉ sau một đêm trở mình.

Chỉ ở Long Biên hôm nay mới có cảnh trai gái chụp ảnh cưới mà tung tăng như trẻ nhỏ khi đoàn tàu sầm sập lướt qua bên cạnh. Các bác lớn tuổi lắc đầu bảo nguy hiểm lắm, bọn trẻ thì cứ cười hì hì: vẫn biết thế, nhưng sao chúng cháu thấy... lãng mạn quá chừng! Những cây cầu "tình nhân" như vậy vốn không có nhiều trong đô thị, lại càng hiếm hoi lắm mới có những cây cầu cũ kỹ như Long Biên mà đủ không gian, bối cảnh, chi tiết... để làm một chốn hẹn hò, để móc khóa tình yêu hay chụp ảnh cưới. Gần đây ở Nam Sài Gòn, cầu đi bộ Ánh Sao (Phú Mỹ Hưng) đang nổi lên như một điểm thư giãn lãng mạn về đêm. Nhưng nếu nhìn thấy không gian công cộng dọc theo sông Seine (Paris, Pháp) hay gần ta hơn, những cây cầu, bờ đá với điêu khắc ấn tượng dọc theo sông Singapore, thì câu hỏi đặt ra luôn là: bao giờ thì không gian sống mới được tính toán đầy đủ là sự tổng hòa của các mối quan hệ trong và ngoài nhà, chứ không bó hẹp thành từng cụm đơn lẻ dãy phố vườn hoa, để cho những cây cầu không chỉ là nơi để chạy xe qua, mà thực sự là chốn thư giãn, hẹn hò, giao lưu văn hóa... an lành?

 

3. Mỗi khi nghe kể về những lễ hội, những dự án văn hóa nghệ thuật về Long Biên, tôi đều ngạc nhiên và băn khoăn. Vẫn biết rằng khai thác ý tưởng du lịch là lẽ thường tình tại một địa danh gần như là huyền thoại, vẫn biết Long Biên luôn là nguồn cảm hứng cho trời mây Hồng Hà, cho dập dìu chuyển động xúc cảm thăng hoa, cho những kết nối hôm qua và hôm nay. Nhưng liệu người ta có đủ tỉnh táo để giữ cho Long Biên không rơi vào phận “trùng tu di tích sơn phết son phấn” để mà bán ảnh lưu niệm; hay ngược lại, để làm nên một phế tích hoang tàn cho những ai thích ôn nghèo kể khổ khai thác chuyện cũ kiếm lợi chăng?

Tôi nhớ có một nhà văn hóa đã nói rằng: "Đất Việt ý nhị, người Việt nhỏ nhắn, cây cỏ Việt hiền hòa, nên cái gì nhớ lâu thấm sâu vẫn là những cái ngỡ thật giản dị bình thường" . Một nếp nhà tranh, cây đa, giếng nước, sân đình... ngỡ ít ỏi mà mênh mông sâu thẳm, bởi luôn đi kèm theo các sinh hoạt cụ thể, cuộc sống thường nhật của những cư dân cụ thể. Tranh luận về việc nên làm gì ở Long Biên không chỉ là những mong mỏi ứng xử hợp lý hợp tình với một cây cầu cũ, mà đằng sau đó là ưu tư của nhiều thế hệ trước sự thiếu vắng các không gian công cộng đủ thẩm mỹ, tiện ích và văn hóa cho công chúng được tham dự và hưởng thụ. Kinh nghiệm của các nước phát triển về vấn đề này không bao giờ đề cao các dự án tốn kém và hoành tráng, mà ngược lại, nghiêng về hướng đơn giản, ít xa hoa nhưng tạo được nhiều không gian giao tiếp cộng đồng linh hoạt, phong phú và tự nhiên.

Long Biên của tôi, vì thế không thể là “của tôi” hay của riêng ai muốn nhớ thì ghé, quên thì đi, mà phải là nơi để sống cho đúng với những con người cụ thể, nhu cầu cụ thể.

Theo Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét