Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Ukraine, vì đâu nên nỗi?

Huỳnh Hoa
Chủ Nhật,  23/02/2014
Đến tối Chủ nhật 23/02, tình hình ở thủ đô Kiev của Ukraina đã tương đối yên tĩnh trở lại, các hãng tin quốc tế cho biết. Trong ngày, Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych, cách chức một số bộ trưởng thân cận với ông này; lãnh tụ đối lập – cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, đã ra khỏi nhà giam, nơi bà đang chịu án tù 7 năm. Một chính trị gia thân cận với bà Tymoshenko, Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchynov, được chỉ định làm tổng thống lâm thời để thành lập chính phủ tạm quyền chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 25 tháng 5 sắp tới. Phát biểu trước các nghị sĩ, ông Turchynov cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là thành lập chính phủ mới trước tối ngày thứ Ba 25/02 để điều hành đất nước và vãn hồi trật tự. Trong tuần lễ xung đột đẫm máu vừa qua ở thủ đô Kiev, đã có 88 người, chủ yếu là người biểu tình, bị thiệt mạng.
Người biểu tình Ukraine chiếm quảng trường Độc lập (Maidan) ở trung tâm thủ đô Kiev ngày hôm 22/02/2014. Ảnh: The Atlantic.com

Sự lựa chọn lịch sử
Xét về nhiều phương diện, cuộc xung đột ở Kiev chủ yếu là cuộc chiến đấu cho tương lai kinh tế của Ukraine, vì sự thịnh vượng của đất nước. Những người biểu tình chống chính phủ ở Ukraine muốn đưa đất nước thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và tiến gần hơn tới Liên minh châu Âu (EU). Nước láng giềng của họ, Ba Lan, đã đi theo con đường đó, và trở nên phồn vinh – và điều đó càng thôi thúc người Ukraine phải lựa chọn.

Vài thập niên trước, cả Ba Lan và Ukraine đều nổi lên từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết với tình trạng kinh tế gần giống nhau. Nhưng Ba Lan gia nhập EU, tập trung cải cách chính trị và kinh tế, cho đến nay thì Ba Lan đã giàu có gấp ba lần Ukraine. Ukraine ngược lại, ngày càng chìm sâu vào bãi lầy tham nhũng, quản trị kém. Tổng sản lượng kinh tế bình quân đầu người của Ukraine, sau khi điều chỉnh theo giá sinh hoạt, chỉ vào khoảng 7.300 đô la Mỹ/người/năm; trong khi con số này ở Ba Lan là 22.200 đô la và ở Mỹ vào khoảng 51.700 đô la. Ukraine xếp thứ 137 trên thế giới về độ phồn vinh kinh tế, sau cả El Salvador, Namibia và Gyuana.
Bất mãn của dân chúng lên tới cao trào trong tháng 11/2013 khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký kết một hiệp định với EU, theo đó nền kinh tế Ukraine phải tiến hành cải cách để bắt kịp các tiêu chuẩn châu Âu. Sự từ chối của ông Yanukovych với EU là nhằm đổi lấy khoản vay ưu đãi của Nga trị giá 15 tỉ đô la Mỹ mà Ukraine đang rất cần để cứu vãn nền kinh tế, nhưng đó không phải là lựa chọn của đa số dân chúng đang đòi hỏi cải cách. Các cuộc biểu tình phản đối bắt đầu ở Kiev, rồi lan sang các thành phố khác, đỉnh điểm là những ngày đẫm máu cuối tuần qua, dù đã có một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và phe đối lập hôm thứ Sáu 21/02.
Lẽ ra, Ukraine đã không phải đi tới sự xung đột này. Với 46 triệu dân, Ukraine là một thị trường tiêu thụ đáng kể, lực lượng lao động có học thức cao, đất nước có nền công nghiệp phát triển, nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là có quỹ đất canh tác rất lớn. Ukraine lại tiếp giáp với một thị trường nhập khẩu khổng lồ là EU.
Nhưng Ukraine đã không làm gì để thay đổi mô hình kinh tế có từ thời Xô-viết: vẫn tập trung vào các ngành sản xuất thép, luyện kim và hóa chất. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước lớn đã lần lượt được cổ phần hóa, rơi vào tay những gia đình có thế lực chính trị. Các doanh nghiệp này, tận dụng nguồn khí đốt giá rẻ nhập khẩu từ Nga và nhu cầu nguyên liệu của thị trường thế giới, để thu lợi, đồng thời giúp kinh tế Ukraine có bước tăng trưởng đáng kể trong thời kỳ 2000-2008. Giai đoạn tăng trưởng này có một hệ quả không mong muốn là làm chậm, nếu không nói là triệt tiêu tiến trình cải cách kinh tế của Ukraine.
Những nguyên nhân tiềm ẩn
Khi kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng năm 2008, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ Ukraine sụt giảm mạnh; sau đó năm 2009, Nga đơn phương tăng giá khí đốt cung cấp cho Ukraine làm cho hoạt động xuất khẩu của nước này gần như bế tắc.
Trong khi đó, để xoa dịu nỗi bất mãn của người dân, chính phủ Ukraine cố gắng duy trì chương trình trợ giá khí đốt: Công ty quốc doanh Naftogaz bán khí đốt cho khách hàng với giá chỉ bằng 20% giá nhập khẩu từ Nga, phần còn lại được ngân sách “bù lỗ”; hậu quả là Ukraine phải chi tới 7,5% GDP chỉ để trợ giá khí đốt và ngân sách luôn bị thâm thủng, buộc chính phủ Kiev phải vay mượn để chi tiêu. Trong các năm 2008-2010, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã vài lần cung cấp tín dụng cho Ukraine nhưng các hợp đồng thường bị cắt giữa chừng vì Kiev từ chối thực hiện các cam kết cải tổ, chẳng hạn như nâng giá khí đốt lên bằng giá thị trường hoặc điều chỉnh tiền lương và phúc lợi của công chức nhà nước.
Nạn tham nhũng tràn lan từ đường phố đến các cơ quan cao nhất của đất nước là một trở ngại khác. Người dân Ukraine đặc biệt chú ý tới tài sản khổng lồ của các quan chức cao cấp và các doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với quan chức. Tư dinh khổng lồ của Tổng thống Yanukovych ở ngoại ô Kiev – có cả vườn thú riêng – mà người biểu tình xếp hàng vào xem hôm qua sau khi vị tổng thống bị phế truất đào tẩu – là một bằng chứng về tệ nạn tham nhũng ở cấp cao. Con trai ông Yanukovych, Oleksandr, chỉ là một nha sĩ nhưng có tên trong danh sách những người giàu nhất nước của tạp chí Forbes. Trong bảng chỉ số về cảm nhận tham nhũng toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Ukraine xếp vị trí 144 trên 175 quốc gia được khảo sát, sau cả Papua New Guinea, Nigeria và Iran.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) xác nhận Ukraine là một trong những nơi doanh nghiệp khó làm ăn nhất vì bị cản trở bởi tham nhũng và thủ tục hành chính nặng nề. Riêng về khoản sưu cao thuế nặng, WB xếp Ukraine vào vị trí 164 trong số 189 nền kinh tế được khảo sát năm 2013.
Hậu quả của những chính sách trên là nền tài chính của Ukraine gần như khủng hoảng. Do thâm hụt ngân sách kéo dài, trong năm nay, Ukraine cần vay mượn khoảng 7 tỉ - 10 tỉ đô la Mỹ để bù đắp, nhưng số phận bấp bênh của chính phủ Yanukovych khiến cho việc vay mượn trên thị trường tài chính quốc tế của Ukraine gần như không thực hiện được. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Ukraine liên tục rút tiền từ dự trữ ngoại tệ để duy trì tỷ giá giữa đồng tiền bản địa và các đồng tiền quốc tế. Giới phân tích cho rằng, đồng tiền Ukraine bị định giá quá cao song chính phủ không dám hạ giá đồng bạc vì chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đang mắc nợ những khoản nợ lớn tính bằng đô la Mỹ, hạ giá đồng bản tệ có thể làm cho hệ thống ngân hàng bị sụp đổ. Nhưng trái lại, duy trì tỷ giá cao đang làm triệt tiêu những nỗ lực cuối cùng của ngành xuất khẩu Ukraine.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors hôm thứ Sáu 21/02 cảnh báo rằng, nếu không có sự cải thiện đáng kể về chính sách kinh tế-tài chính, Ukraine sẽ phá sản trong một ngày rất gần.
Tương lai chưa rõ ràng
Ngay sau khi tình hình ở Kiev chuyển biến theo hướng thuận lợi cho phe đối lập chống chính phủ thì bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tại Sydney, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã có cuộc thảo luận riêng với người đồng nhiệm Nga Anton Siluanov; sau đó ông Jack Lew nói với phóng viên rằng Hoa Kỳ sẵn sàng “làm việc với các nước khác, kể cả Nga” để hỗ trợ Ukraine “triển khai các chương trình cải cách nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế”. Ông Siluanov thì để ngỏ khả năng Nga tiếp tục cung cấp cho Kiev khoản vay ưu đãi 2 tỉ đô la – một phần của gói tín dụng 15 tỉ đô la Mỹ mà trước đây Tổng thống Vladimir Putin đã ký kết với Tổng thống bị phế truất Yanukovych. “Chúng tôi dự định chờ cho đến khi một chính phủ mới được thành lập và đến khi chúng tôi hiểu biết chính phủ đó thì chúng tôi mới có quyết định dứt khoát được”, ông Siluanov cho biết, theo báo Nga Gazeta.ru
Ủy viên về kinh tế và tiền tệ của EU, Olli Rehn hôm nay cũng cho biết, EU sẽ có biện pháp hỗ trợ Ukraine về tài chính. “Điều quan trọng là chúng tôi đưa đến cho người dân Ukraine một triển vọng rõ ràng về châu Âu”, ông Rehn nói song không cho biết cụ thể sự hỗ trợ của EU sẽ như thế nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét