Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Đài Tưởng niệm các liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội : Vì đâu nên nỗi?

Kiểm tra giấy tờ trước khi cho vào thăm viếng. (ảnh: Anh Chí)
Sáng nay, 9h30 ngày 14/03/2014, Đoàn đại diện No U FC cùng một số cựu binh, bà con anh chị em đã đến Đài Tưởng niệm các liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội để dâng hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống tại vùng biển đảo Gạc Ma ngày 14/03/1988.
Đoàn xuất phát từ đầu đường Hoàng Diệu, sau đó đi bộ đến Đài Tưởng niệm các liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Khi đến nơi, đoàn đã thấy các lực lượng an ninh công an có mặt tại địa điểm trên. Một số đồng chí an ninh dùng máy ảnh, máy quay ghi lại hình ảnh các thành viên của đoàn. Đoàn cũng đã nhận ra các khuôn mặt quen thuộc bên phía lực lượng an ninh.

Đại diện của đoàn đã đến đặt vấn đề với các đồng chí cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ và hướng dẫn tại Đài tưởng niệm. Anh Nguyễn Chí Tuyến đã thay mặt đoàn tiến hành việc đăng ký vào viếng với các đồng chí cảnh vệ đang làm nhiệm vụ.

Sau khi tiến hành việc đăng ký, mặc dù có sự can thiệp của phía an ninh nhưng các đồng chí cảnh vệ vẫn đồng ý và hướng dẫn để đoàn vào tiến hành việc tưởng niệm.


Cựu binh Nguyễn Anh Dũng đã thay mặt đoàn đặt bó hoa tươi thắm tại Đài tưởng niệm theo sự hướng dẫn của các đồng chí cảnh vệ.

Tiếp đó thay mặt đoàn, anh Nguyễn Chí Tuyến đã có vài lời phát biểu ngắn gọn về lý do và mục đích của đoàn đến tưởng niệm 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14/03/1988.
Sau lời phát biểu, cả đoàn đã dành một phút tưởng niệm các liệt sỹ đã bỏ mình nơi biển cả.
Việc tiến hành dâng hoa tưởng niệm 64 liệt sỹ đã diễn ra tốt đẹp.

No U FC xin gửi lời cảm ơn các bác, các chú, các anh chị em đã tham gia cùng đoàn.

Nhân dân mãi tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ Quốc!

 Theo Facebook  Anh Chí

Đài tưởng niệm tại đường Bắc Sơn luôn "cửa đóng, then cài".

 Đài tưởng niệm tại đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hội trường Ba Đình và di tích Hoàng thành Thăng Long. Sau 8 lần tổ chức sơ khảo, chung khảo, đến tháng 3/1992, cuộc thi sáng tác mẫu Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong toàn quốc do thành phố Hà Nội tổ chức phát động đã lựa chọn phương án thiết kế của kiến trúc sư Lê Hiệp, công tác tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (trong số hơn 30 mẫu thiết kế tham dự).

Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 7/4/1993. Đích thân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Chí Công đã đặt viên đá nền móng đầu tiên, tượng trưng cho sự bền vững, vĩnh cửu, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc của công trình. Sau 13 tháng thi công với tinh thần khẩn trương, liên tục, công trình đã hoàn thành và được tổ chức khánh thành vào ngày 7/5/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên phủ.

Đài liệt sĩ cao 12,6 m trong khuôn viên rộng 12.000 m2. Thân đài là một khối hộp hình vuông, cao 8,7 m, đế đài cao 0,9 m và bệ đài cao 1,35 m. Diện tích bệ đài rộng 785 m2; hồ nước xung quanh rộng 1.255 m2; diện tích cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa rộng 1.620 m2…

Tuy nhiên Đài tưởng niệm tại đường Bắc Sơn lại là “khu vực bảo vệ”, khu vực "nhạy cảm" khiến không phải bất kì ai, bất kì lúc nào cũng có thể đến thăm viếng như nhiều đài tưởng niệm khác ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiều lần đi qua đây chúng tôi thấy nó luôn ở trạng thái "cửa đóng, then cài", không có người thăm viếng. Có thể nói vào ngày thường nó vắng "như chùa bà Đanh". 

Để đơn giản, chúng tôi chỉ muốn so sánh nó với Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Pênh, thủ đô Campuchia láng giềng của Việt Nam.

 Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Pênh là công trình tượng đài bằng bê tông, được xây dựng cuối những năm 1970 tại thủ đô Phnôm Pênh, gần Cung điện Hoàng gia Campuchia để kỷ niệm liên minh Việt Nam - Campuchia, sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Tượng đài này cũng nằm gần tư dinh của ông Hun Sen. Ông Hun Sen và các lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia vốn là đồng minh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được đưa lên nắm quyền thủ tướng Campuchia trong khoảng mười năm Việt Nam đóng quân tại Campuchia.

Tượng đài tạc hình một người lính Campuchia và một bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam đứng bảo vệ một thiếu phụ và đứa con theo phong cách của trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển ở Liên Xô vào thập niên 1930. Năm 1998, những người Campuchia đã biểu tình cáo buộc ông Hun Sen quá thân với Chính phủ Việt Nam và đã dùng búa phá bức tượng này và lấy xăng đốt "nhằm hủy diệt quan hệ đó".

Ngày 29 tháng 7 năm 2007, một trái bom tự tạo 10kg đã phát nổ tại tượng đài này. Sau đó, ngày 15 tháng 8 năm 2008, năm người Campuchia bị tòa án nước này kết án từ 15 tới 17 năm tù giam vì liên quan đến vụ nổ bom này.

Vậy có thể nói đây là khu vực rất “nhạy cảm” nhưng hàng ngày người dân và khách du lịch vẫn có thể tự do đến thăm viếng, chiêm ngưỡng công trình này, không ai hỏi họ là ai, từ đâu tới …Không như Đoàn đại diện No U FC cùng một số cựu binh, bà con anh chị em đã gặp phải hôm nay, khi đến Đài Tưởng niệm các liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội để dâng hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống tại vùng biển đảo Gạc Ma ngày 14/03/1988.

Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam luôn mở cửa
chào đón khách thập phương. (ảnh của Nguyen Hong)


 Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua chúng tôi đã có dịp ghé qua Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Pênh này. Ở đó luôn có 2 người bảo vệ trông giữ trật tự, nhiệt tình hướng dẫn cho du khách thăm viếng, trái ngược với vẻ khó khăn, điều hiu vắng vẻ tại Đài tưởng niệm tại đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hội trường Ba Đình, dù là vào những ngày lễ, như hôm nay - ngày tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống tại vùng biển đảo Gạc Ma ngày 14/03/1988.

Đài Tưởng niệm các liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội : Vì đâu nên nỗi?

Nguyen Hong

3 nhận xét:

  1. Sau những ngày mưa phùn dài lê thê, hôm nay trời chợt trở nên khô ráo. Mấy chị em, cô cháu chúng tui khởi động lại việc đạp xe (hưởng ứng phong trào khỏe để yêu nước mà).
    Trước khi đạp xe, mấy chị em, cô cháu chúng tui rủ nhau ra tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn đặt hoa, tưởng niệm ngày 14/3. Mới dựng xe đạp trên vỉa hè bên này đường, mấy cháu cảnh vệ lập tức tiến ra hỏi. CHúng tôi bảo chỉ vào đặt hoa rồi đi ngay. Khóa xe xong xuôi, chúng tôi đi về phía cổng chính. Hai cháu cảnh vệ trẻ măng hỏi chứng minh thư để vào "báo cáo". Kể cũng sơ suất là chả ai trong 4 người chúng tôi mang theo chứng minh thư. Thế rồi hai cháu chạy đi hỏi. Lúc trở ra có người mặc thường phục đi kèm. Chắc họ nhòm thấy chỉ có 4 mống, lại những 3 phụ nữ lớn tuổi, khá "lũn chũn" nên chả lo ngại gì. Bọn tui vào đặt hoa, nhờ cháu cảnh vệ chụp hộ một kiểu rồi ra về.
    Từ lúc bọn tui vào, cho đến lúc bọn tui quay ra, hai cháu cảnh vệ vẫn đứng quanh đó. Nhìn khu tưởng niệm khá hoành tráng, nhưng lạnh lẽo bởi trên bệ đặt hoa chỉ lèo tèo vài bó con con, một ít cúc vàng để trần đã hơi héo.
    Tui quay ra hỏi một cháu cảnh vệ:
    - Từ sáng đến giờ chỉ có ngần này hoa, hay đã cất bớt rồi hả con?
    - Dạ! Chỉ có ngần ấy ạ.
    Cô em đứng bên cạnh buột miệng: Dân mình bạc thật!
    Tui lại hỏi:
    - COn có biết hôm nay là ngày gì không?
    - Dạ, ngày Trung Quốc đánh Việt Nam.
    - Có biết đánh ở đâu không?
    Cậu cảnh vệ lắc đầu.
    Ra thế! Họ không cho lính của mình biết, ngày này năm xưa, lính Trung Quốc đã xả súng vào bộ đội ta ở Gạc Ma như thế nào. Vậy mà sáng nay tui đã vội cảm động ca ngợi tình đồng đội của họ, khi họ từ chối yêu cầu của cánh an ninh, hòng ngăn không cho một số anh em No-U vào đây đặt hoa.
    Không chỉ có thế, họ còn nhồi nhét vào đầu những cậu lính trẻ, rằng có những kẻ muốn đến đây để bạo loạn?
    Dọc đường về, tôi cứ vẩn vơ nghĩ về cái lạnh lẽo và nghèo nàn tình người ở khu tưởng niệm liệt sĩ này. Ngày trước, khi mới xây dựng, ko có cổng và hàng rào thế này. Bất cứ người dân nào đi ngang qua cũng có thể ghé vào đặt hoa. Rồi những đôi cô dâu chú rể mặc áo cưới cũng đến đặt hoa để chụp ảnh, (cho giống bên Tây?). Ít ra ngày đó, khu tưởng niệm không lạnh lẽo như bây giờ.
    Tôi cứ nghĩ, nếu những ngày này, vài trăm người dân thủ đô đến đây đặt hoa thì sao nhỉ? CHo dù mỗi người chỉ một bông hoa thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Thông tin này thì thật 1 nửa. Nhà tôi thuộc quận Ba Đình, từ nhỏ đã cùng lớp, trường đến đặt vòng hoa tưởng niệm nhiều lân tại đây. Hiện tại, chúng ta có thể đến tưởng niệm miễn la gửi xe đúng chỗ, tổ chức tưởng niêm (theo đoàn) hoặc cá nhân vào đặt vòng hoa đều tự do. Hik, ko hiểu ai vào đây ma bị kiểm tra rồi nghiêm cấm này nọ???

    Trả lờiXóa