Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Trả Tự Do cho Giáo Dục

Huy Đức

TRẢ TỰ DO CHO GIÁO DỤC   
Thành lập và đứng đầu Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục là một lựa chọn rất khôn ngoan của Thủ tướng. Nhưng, một nền giáo dục bị giam hãm qua nhiều thập niên không thể thay đổi nếu công việc từ nay tới 2020 chỉ là "xây dựng chương trình môn học và biên soạn các sách giáo khoa" như Hội đồng giáo dục đưa ra hôm 25-2[1]. Biên soạn sách giáo khoa là công việc có thể đảm đương bởi những tổ chức dân lập như "Cánh Buồn". Điều mà đất nước cần ở một vị thủ tướng có tầm nhìn là ngay bây giờ phải "trả tự do" cho Giáo dục.

Giáo Dục
Ngày nay, không ai có thể đặt quốc gia, dân tộc trong những không gian riêng biệt. Một nền giáo dục có tương lai là một nền giáo dục tạo ra được những giá trị có thể chia sẻ toàn cầu, chuẩn bị được một nguồn nhân lực giàu tính nhân văn và khả năng sáng tạo.

Không thể cải cách giáo dục nếu chỉ nghĩ đến sự tồn vong của Chế độ. Cũng không thể cải cách giáo dục nếu chỉ nghĩ đến sự hùng cường đơn lẻ của một quốc gia. Không thể cải cách giáo dục, nếu không nghĩ đến việc chuẩn bị những thế hệ người Việt có thể tìm chỗ đứng bên ngoài biên giới Việt.

Cải cách là để xây dựng một nền giáo dục mà những người làm chính sách cũng có thể yên tâm để trao gửi con em chứ không phải là để trục lợi rồi lặng lẽ đưa con cháu mình đi "tị nạn" bằng con đường du học.

Tách Bạch Hành Chính & Chính Sách

Không thể bắt đầu một chiến lược cải cách bằng việc xây dựng "chương trình môn học và biên soạn các sách giáo khoa". Để tránh những chính sách "sặc mùi ngân sách" và để đảm bảo khi duy trì một thủ tục hành chánh nào đó (đăng ký, giấy phép...) là vì nó cần chứ không phải vì sẽ thu được phong bì. Do vậy, trước hết, phải tách bạch chức năng hành pháp chính trị và chức năng hành chính công vụ của ngành giáo dục. 

Những người đã tham gia vào quy trình ban hành chính sách thì không được dính líu tới lợi ích khi thi hành. Cha đẻ của các giấy phép thì không bao giờ được nắm quyền cấp phép.
Thay vì tiêu tốn quá nhiều ngân sách và can thiệp vào mọi ngóc ngách như hiện nay. Bộ Giáo dục chỉ cần giữ lại vai trò ban hành chính sách: Chính sách khuyến khích khu vực tư tham gia đầu tư giáo dục; chính sách để môi trường đại học thực sự sáng tạo, để nhà trường tự quyết và tự chịu trách nhiệm với các sản phẩm giáo dục của mình... 

Bộ có thể đưa ra các chuẩn giáo dục cho bậc phổ thông (học sinh tiểu học, trung học cần được trang bị kiến thức toán, lý, hóa, địa lý, văn chương và lịch sử ở chuẩn nào). Dựa trên những "chuẩn giáo dục" này, các trung tâm khảo thí sẽ ra đề thi và các trường có điều kiện hoặc các trung tâm nghiên cứu giáo dục sẽ viết sách giáo khoa. Thay vì, Bộ "ôm thầu" từ việc viết sách cho đến in và kinh doanh sách.
Với những môn học như ngoại ngữ thì cách tốt nhất là mua (hoặc xin) bản quyền giáo trình ngoại ngữ của nước ngoài. Phần nào họ viết không đúng về Việt Nam thì chỉ cần cắt bỏ hay biên tập.
Bộ xây dựng quy chế để các trung tâm khảo thí ra đời. Những trung tâm này có thể nhận chuyển giao công nghệ thi cử từ các quốc gia có nền giáo dục thành công. Trung tâm khảo thí có thể do Bộ lập ra cũng có thể giao cho tư nhân (thu phí từ các thí sinh). Có thể có vài, ba trung tâm, nơi nào có uy tín, các trường đại học sẽ sử dụng kết quả thi nhiều hơn, thí sinh sẽ đăng ký thi nhiều hơn.
Với mô hình này thì bộ máy "quản lý giáo dục" sẽ giảm tới mức tối đa, các chức năng phân loại, đánh giá chất lượng trường, ngay cả chức năng thanh tra giáo dục cũng có thể được tiến hành thông qua hiệp hội các trường ở trong và ngoài nước.

Trả Các Cở Sở Giáo Dục cho Giáo Hội
Không nên coi đây là chính sách mới vì nó chỉ là một phần trong chính sách "xã hội hóa giáo dục" mà "Đảng và Nhà nước" đã chủ trương[2]. Năm 2005, Chính phủ đề ra các mục tiêu tham vọng, tới năm 2010, tỉ lệ học sinh ngoài công lập phải đạt: Nhà trẻ 80%; mẫu giáo 70%; trung học phổ thông 40%; trung học chuyên nghiệp 30%; các cơ sở dạy nghề 60%; đại học, cao đẳng khoảng 40%.
Tuy nhiên, tới năm 2011, theo số liệu thống kê của Bộ, tỉ lệ học sinh ngoài công lập cao nhất (ở bậc mẫu giáo) cũng chỉ đạt 48,2%; thấp nhất (ở bậc trung học cơ sở) chỉ đạt 0,6%; bậc đại học chỉ có 13,2%; cao đẳng gần 20%. Không chỉ vì thủ tục hành chánh quan liêu, một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ "xã hội hóa" chưa cao là bởi các tôn giáo, nguồn lực tiềm năng nhất, chưa được tham gia đầu tư giáo dục (từ bậc phổ thông cơ sở).
Ở miền Nam trước ngày 30-4-1975, sở dĩ hệ thống công lập khá mạnh là nhờ các trường tư thục đã gánh cho Chính phủ một phần quan trọng[3]. Phần lớn các trường tư thục là do các hiệp hội, đặc biệt, các tôn giáo đầu tư[4]. Sau ngày 30-4-1975, Chế độ mới đã công hữu hóa 1.087 trường tư, trong đó gồm tất cả trường học của Giáo hội công giáo và các trường Bồ Đề của Giáo hội Phật giáo.
 Một nhà nước pháp quyền không thể "bảo kê" cho một tôn giáo nào, kể cả những tôn giáo đã đồng hành kể từ khi lập quốc. Không thể không coi gần 6 triệu giáo dân đang sống ở Việt Nam (6,87%) là công dân. Có thể, nếu trao các cơ sở giáo dục cho tôn giáo sẽ làm tăng tỷ lệ công dân "có đạo" trong tương lai. Nhưng điều đó chỉ giúp cho có nhiều hơn những người Việt Nam được học về luân lý.
Nên nhớ, các cố đạo là cha đẻ của chữ Quốc ngữ. Một chế độ tự tin không sợ sự đa dạng trong văn hóa và giáo dục. Không có Nhà nước nào có nhiều công cụ để trừng trị những ai muốn dùng trường học để "kích động bạo lực" hay "chia rẽ khối đoàn kết dân tộc" như Nhà nước hiện hành.
Hơn 90% các cơ sở giáo dục của Giáo hội nằm ở những thành phố lớn. Đa số đều là những trường lớn. Nếu những trường lớn này được trả lại cho giáo hội (công giáo và phật giáo) hoặc tư thục hóa thì nguồn ngân sách, thay vì tập trung cho những vùng mà người dân có khả năng chi trả cho con em mình, chia sẻ cho những vùng mà con em của chúng ta đang cần những bữa "cơm có thịt", đang cần những mái trường không rách, dột.
Để Các Trường Đại Học Tự Chịu Trách Nhiệm
Một cơ sở giáo dục không thể tồn tại nếu người lập ra và quản trị nó không coi đó là một hoạt động kinh doanh vấn đề là sử dụng lợi nhuận để ăn chia hay đầu tư trở lại cho giáo dục. 
Chúng ta chưa có nhiều những cơ sở giáo dục phi lợi nhuận. Một trong những lý do là gần như những người không nghĩ tới lợi nhuận rất khó xin giấy phép mở trường. Chính phủ cần có nghị định hướng dẫn, bất cứ ai mở trường (kể cả trường đại học) đều chỉ cần đăng ký với bộ máy hành chánh địa phương theo thủ tục hình thành doanh nghiệp (loại có điều kiện).
Thật phi lý khi việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư lại lệ thuộc vào cái gọi là "hội đồng quốc gia" bao gồm những người có những chuyên môn khác nhau, đa số rất xa lạ với chuyên môn của người mà họ ngồi xét duyệt. Bộ phải để cho các trường chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình. Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng biết rằng, bằng giả chỉ có thể chui vào "nhà nước" chứ" thị trường lao động" không bao giờ chấp nhận. Thị trường biết sự khác nhau giữa một "tiến sỹ Yale" với "tiến sỹ "La Sella"; giữa một "giáo sư Bách khoa" với một "giáo sư hàng huyện". 
 Tuyển sinh là công việc của nhà trường, Bộ đặt ra điểm chuẩn là vừa lạm quyền vừa vô trách nhiệm con em và xã hội. Về nguyên tắc, một một người đã học 12 năm mà không đủ khả năng học đại học thì hệ thống giáo dục phổ thông tồn tại để làm gì. Kỳ thi chỉ là cách để các trường tên tuổi tìm kiếm cho mình những sinh viên giỏi.
Với cách thi như hiện nay, không phải những ai trượt đại học đều vì học lực. Đừng để các em bỏ lỡ cơ hội vào đời. Đừng để các em sớm rơi vào một môi trường xã hội có quá nhiều tệ nạn.
Hiện chỉ mới có 40% học sinh tốt nghiệp phổ thông được học trong các trường đại học hay cao đẳng. Phụ huynh của 60% học sinh còn lại sẽ yên tâm hơn nếu, những ai chưa thể đi làm ngay, có một môi trường nhà trường dừng chân trong vài năm, trước khi con em họ chọn đúng ngành học và tìm được việc làm thích hợp.
 Đừng tuyệt đối hóa môi trường đại học mà nên coi đó là một chặng dừng chân chuẩn bị của các em. Nên để cho các trường đại học được mở dễ dàng hơn. Đừng buộc các nhà đầu tư giáo dục phải có những điều kiện quá gắt gao. Thật phi lý khi yêu cầu những người mở trường đại học phải có 5 hecta đất trở lên bởi có những sự nghiệp giáo dục lớn lại chỉ bắt đầu từ một phòng học nhỏ.
 Đừng đòi hỏi giáo viên phải có bằng thạc sỹ, tiến sỹ mà hãy để các trường tìm đúng những người mà sinh viên của họ cần. Đừng sợ các trường đại học "mọc ra như nấm". Người học và thị trường lao động sẽ điều chỉnh chất lượng và phân loại các trường.

Lịch Sử và Chính Trị Là Các Môn Khoa Học
Với một quốc gia như Việt Nam thì việc tiếp tục dạy "chủ nghĩa Marx - Lenin" là cần thiết. Các thế hệ tiếp theo cần biết "ý thức hệ" đã dẫn dắt dân tộc ta đi qua những "bước ngoặt" nào. Vấn đề là "Marx -Lenin" phải được tiếp thu không phải như một "giáo lý" mà phải như một môn khoa học và trở thành một phần của bộ môn triết học.

Thủ tướng cũng không nên quá lo ngại khi đụng chạm đến việc dạy và học "Marx -Lenin". Vấn đề quan tâm lớn nhất trong Đảng hiện nay là quyền lực chứ không còn là lý luận. Ông có thể gặp phản ứng gay gắt một cách công khai nhưng ông sẽ có sự ủng hộ ngầm của tất cả học sinh, sinh viên và đặc biệt là của một thế hệ cán bộ ở hàng trung, cao cấp.
Cũng cần khảo sát để biết sinh viên đang "tiêu hóa" lịch sử Đảng và "triết học Marx - Lenin" ra sao. Thủ tướng nên bỏ thời gian chạy lên khuôn viên Học viện Chính trị Quốc gia. Không có sân trường nào có nhiều xe hơi hơn nơi đây. Ở đâu học sinh bị buộc phải có bằng chứng nhận cho một thứ kiến thức mà cuộc sống không còn cần ở đó các "cơ chế" sẽ vận hành bằng tiền bạc. Đa số cán bộ trong Đảng sẽ bỏ phiếu cho Thủ tướng nếu nhờ ông mà từ nay họ không phải xa nhà cả năm, "hầu hạ" các thầy để lấy bằng "cao cấp lý luận" trước khi đề bạt.
Nhà trường hiện đại không thể khép kín như một giáo đường. Anh không thể xây dựng một nền giáo dục mà không biết rằng học sinh, sinh viên từ lâu đã không chỉ học từ thầy mà còn có thể học từ internet. Lịch sử và chính trị là những môn khoa học, không thể tiếp tục bắt người học đón nhận theo cách của một tín đồ.
Nếu trong một môi trường giáo dục mà học sinh không thể tư duy độc lập và tập dượt khả năng suy xét (critical thinking) thì cho dù cả nước tốt nghiệp đại học và hàng triệu người có bằng tiến sỹ, dân trí ở đó cũng không thể được tính là cao được.
Cải cáchgiáo dục vì thế không thể lấy mục tiêu cho kỳ đại hội đang tới gần mà phải đặt nền móng cho tương lai của nhiều thế hệ.

March 13, 2014 
Huy Đức

 CHÚ THÍCH 
[1] Sáng 25-2-2014,Thủ tương chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, tại phiên họp, Bộ Giáo dục và đào tạo đã trình bày dự thảo quyết định về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục. Thủ tướng thống nhất thành lập Ủy ban.
[2] Nghị quyết số 05/2005/NQ–CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao ban hàng ngày18/5/2005: “Khuyến khích thành lập các ceơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề NCL; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình NCL. Hạn chế mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì các cơ sở bán công, các lớp bán công trong trường công”.
[3] Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và 62% học sinh trung học. Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học. Tính đến năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học.


[4] Từ năm 1961-1975, Giáo Hội Công Giáo tại miền Nam có 145 trường trung học với 62.324 học sinh và 1.060 trường tiểu học với 209.283 học sinh (riêng tại giáo phận Sài Gòn có 56 trường trung học với 30.748 học sinh và 338 trường tiểu học với 91.870 họcsinh). Tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét