Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Ván cờ Biển Đông:“Không đánh cờ, ... chỉ bán nước ...”


Ngày 15/08, là ngày mà theo dự định TQ sẽ rút dàn khoan ra khỏi vùng tranh chấp với Việt nam. Trên thực tế là họ đã rút ra từ trước. Đó là một bước đi đã tính toán hay một hành động không còn cần thiết nữa khi sự việc đã rõ ràng. Tự dưng thấy tò mò muốn tìm hiểu kỹ hơn hành động của họ, dự đoán bước tiếp theo và những bước đi có thể của Việt nam cũng như các nước có liên quan. Để cho dễ hiểu, có thể tạm giả thiết là TQ đang đánh cờ, với những nước đi hết sức chiến lược. Vậy thì một loạt các câu hỏi được đặt ra:
-          Họ đánh với ai?
-          Loại cờ này là gì?
-          Giải thưởng ra sao?
-          Nước tiếp là gì?
-          Ta phải làm gì?
Bài viết này triển khai cụ thể những suy nghĩ đó và có tính chất hoàn toàn là một bài tập về suy nghĩ. Quan điểm của tác giả là:
Biển Đông đang là vũ đài của một cuộc tranh chấp quốc tế lớn chưa từng có. Dù gì thì gì, ván cờ này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng khó có thể dẫn tới xung đột quân sự.
Nếu chúng ta bảo đảm được  nguyên tắc “không đánh cờ, không mách nước, không phá rối, chỉ bán nước, café cho người chơi cờ” tôi tin rằng đây là cơ hội cực lớn để Việt nam có thể vẫn thừa nhận một mối quan hệ lịch sử lâu bền với Trung quốc mà vẫn “thoát” được về mặt kinh tế, đi theo con đường của các đại ca Nhật bản và gần đây là Hàn quốc, Đài loan.

Bài này sẽ được chia làm 3 phần: AI CHƠI VỚI AI – WHAT NEXT và KHÔNG ĐÁNH CỜ!
Ván cờ biển Đông – AI CHƠI VỚI AI?
 1.  Trung quốc đang chơi cờ ở đâu?
Họ đã lựa chọn Biển Đông để chơi ván cờ chiến lược của mình. Chỉ cần nhìn lên bản đồ đã thấy sự phức tạp của Biển Đông. Một vùng biển rộng 3.500.000 km2, bao bọc bởi 6 quốc gia: Trung quốc, Việt nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei (nếu tính Đài loan nữa thì là 7), 3 quần đảo chìm nổi lẫn lộn: Hoàng sa (Paracel), Trường sa (Spratly) và Vành khăn (Scarborough) với vô khối các đường tranh chấp chồng chéo.
Đây quả là ván cờ đáng để các quốc gia đau đầu nếu ta biết giải thưởng của nó là gì?
Van co bien dong 1 
Các đường lợi ích chằng chịt
Các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn 
Các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn
2.  Giải thưởng nào?
 Biển Đông đang là một tuyến đường huyết mạch của Hàng hải thế giới. Hơn 1/3 lượng hàng hóa vận chuyển trên biển đi qua Biển Đông. Gấp 3 kênh đào Suez và gấp 5 lần kênh Panama. Trung bình cứ 3km có một tàu hàng.
Biển Đông đặc biệt quan trọng với các cường quốc xuất khẩu Nhật bản, Hàn quốc và những năm gần đây là Trung quốc. Với việc vươn lên là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, vượt Nhật bản từ năm 2012, Trung quốc tỏ ra quan tâm đặc biệt đến việc kiểm soát khu vực này.
Trên bản đồ hàng hải, Biển Đông và eo Malaca với TQ, Nhật bản đóng vai trò khá giống Vịnh Aden và kênh đào Suez với châu Âu. Đặc biệt là trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của châu Âu thế kỷ 19 và 20.
Để hiểu được điều này, chúng ta có thể google lại hành xử của Anh-Pháp-Mỹ-Israle khi tổng thống Ai cập Nasser có ý định nghiêng về Liên xô trong cuộc chiến tranh lạnh http://en.wikipedia.org/wiki/Suez_Crisis
Các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 40% đi qua Biển Đông 
Các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 40% đi qua Biển Đông
Lưu lượng dầu chuyên chở qua Biển Đông 
Lưu lượng dầu chuyên chở qua Biển Đông
 Vai trò của Suez với châu Âu
Vai trò của Suez với châu Âu
3.  Người chơi
 Bàn cờ đã vậy, giải thưởng rất to. Vậy ai là người dám chơi ván cờ này.
Trung quốc đương nhiên là một bên chơi cờ. Họ chơi với ai?
 Chắc chắn không phải là Việt nam! Đối với các hoàng đế Trung hoa từ xưa tới nay, Việt nam chưa bao giờ được nhìn nhận như một đối tác xứng tầm để họ phải “nhún mình” chơi với. Trên thực tế, khu vực Biển Đông rất ít được Việt nam quan tâm. Các mỏ dầu đều nằm rất gần bờ. Nền kinh tế yếu kém, nên lượng hàng hóa chưa phải quá lớn. Cho đến gần đây quan tâm duy nhất là được đánh cá tự do!
 Nên chỉ có thể là Trung quốc chơi cờ với Nhật bản và gửi một thông điệp mạnh mẽ đến người đứng sau là Mỹ: sẽ đến lúc họ sẽ chơi với Mỹ một ván cờ khác toàn cầu hơn. Tuy Nhật không có biên giới trực tiếp, nhưng như đã nói ở trên, vùng biển này vô cùng quan trọng với họ về mặt vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra Nhật – Trung đang có cuộc đối đầu ác liệt xem ai xứng đáng là anh cả ở châu Á. Trung quốc đang quyết tâm trả mối thù bị Nhật làm nhục trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Và qua đây xác lập vị thế đối đầu với Mỹ.
4. TQ đã đi những nước cờ nào?
Trước năm 1930, chỉ có Pháp có đủ năng lực để đến được cả 2 quần đảo này ổn định. Từ đó đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật đã chiếm cả 2 quần đảo này. Tuy nhiên hiệp định đầu hàng ký với Nhật năm 1951 đã không đưa ra bất cứ một công nhận chủ quyền cho nước nào sau khi Nhật từ bỏ. Pháp, Tưởng, Phi, Mã tùy tiện chia nhau.
Và đây là cơ hội để Trung quốc ra tay.
 1958: Chiếm Đông Hoàng sa từ Pháp, nhân lúc Pháp đang suy yếu sau hiệp định Geneva. Chính quyền miền Nam thì còn chưa kịp ổn định.
 1974: chiếm Tây Hoàng sa sau khi đã nắm chắc là Mỹ quyết tâm rút và Việt nam cộng hòa thì đang trên đà sụp đổ.
1988: chiếm Garma (Jhonson) và 1 số đảo ngầm nằm ở những vị trí chiến lược trong quần đảo Trường Sa. Đây là giai đoạn cuối của cuộc xung đột giữa TQ với VN, Liên xô đang sụp đổ, VN vẫn bị Mỹ cấm vận. VN bắt buộc phải giảng hòa với TQ đổi lấy việc rút quân khỏi Campuchia, mở đường cho việc Mỹ bình thường hóa quan hệ.
 2012: Nhận thấy Mỹ đang ở vị thế yếu kém. TQ đã ra tay tại bãi đá ngầm Scareborough ở phía Tây Philippines. Phi đưa tàu quân sự đến, hai bên căng thẳng. Mỹ can thiệp giảng hòa. TQ đồng ý hòa giải để giữ thể diện cho Mỹ. Tuy nhiên khi tàu của Phi rút đi, tàu của TQ vẫn cứ ở lại và thực tế chiếm giữ bãi đá này. Mỹ ngậm bồ hòn.
Sau đó 2013 TQ công bố vùng nhận diện hàng không ở đảo Hoa Nam. Năm 2014 đưa giàn khoan vào vùng biển Việt nam.
Chúng ta nhận thấy Trung quốc đã chọn thời điểm rất thích hợp để đi những nước cờ của mình và hầu như không gặp một sự kháng cự đáng kể nào để kiểm soát được phía Bắc và phía Tây Biển Đông.
Tuy ít, nhưng các đảo của TQ và đặc biệt là Garma nằm ở vị trí khống chế với Trường Sa
Tuy ít, nhưng các đảo của TQ và đặc biệt là Garma nằm ở vị trí khống chế với Trường sa 
Tuy ít, nhưng các đảo của TQ và đặc biệt là Garma nằm ở vị trí khống chế với Trường Sa
5.  Nhật bản đã làm gì?
 Có thể nói Nhật bản và các đồng minh đã khá chủ quan trước những nước cờ mạnh mẽ của TQ. Nỗi sợ mất những cơ hội kinh tế quá lớn với TQ làm cho họ không dám đi những nước cờ mạnh mẽ, chỉ dừng lại mức phản đối ngoại giao.
 Mãi đến tháng 12/2012, Nhật mới đi nước đầu tiên là quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (mua lại của tư nhân) và bố trí các lực lượng quân sự ở đây để bảo đảm chủ quyền.
 Mạnh mẽ hơn ngày 1/7/2014 Quốc hội Nhật bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp (Nhật vĩnh viễn từ bỏ quyền xây dựng quân đội và gây chiến). Việc sửa đổi này cho phép Nhật chủ động tham gia các hoạt động phòng vệ tập thể trong liên minh quân sự.
6.  Các nước chầu rìa đã làm gì?
 Philippines sau sự kiện năm 2012, đã quyết định “chơi rắn”:
-          Chuẩn bị hồ sơ đưa TQ ra tòa hình sự biển quốc tế vào giữa năm 2013
-          Ký hiệp định liên minh quân sự với Mỹ vào nửa đầu năm 2014
Sở dĩ Philippines có thể cứng rắn vì thực tế kinh tế của họ rất ít phụ thuộc vào Trung quốc, chưa đến 1% GDP. Họ lại nằm khá xa để TQ có thể thường xuyên gây rối. Và quan trọng nhất nước này đã từng là đồng minh quân sự của Mỹ.
Malaysia, nước có 7 hòn đảo nằm trong vùng tranh chấp, gây ngạc nhiên lớn. Họ im lặng. Và TQ cũng để họ im lặng, không hề có động thái gây hấn nào. Nhiều khả năng là lãnh đạo Malaysia đã đạt được những thỏa thuận với lãnh đạo Trung quốc.
Ván cờ biển Đông – WHAT NEXT?
Như phần trên đã nêu, nhờ những tính toán chiến lược và dài hạn, TQ đã nắm được khá nhiều tiên cơ trong ván cờ kiểm soát Biển Đông. Nên rất khó có thể chờ đợi TQ hòa hoãn vào lúc này. Chắc chắn họ sẽ tiếp tục tấn công để giành lợi thế và chờ đợi sự phản ứng của Nhật (Mỹ). Nhận thức được tiềm lực quân sự còn yếu, TQ sẽ kiểm soát không để xảy ra chiến tranh, tạo cớ để Mỹ có thể can thiệp.
Trong các nước chầu rìa, hành động của Malaysia và Đài loan có thể gợi ý cho Việt nam những ứng xử thích hợp.
7.  Dự đoán hành động tiếp theo của Trung quốc
Trung quốc sẽ củng cố vành đai phía Tây của Biển Đông, đổ tiền của xây dựng Garma thành một căn cứ hàng hải/hải quân lớn, có sân bay và các cơ sở tiếp vận. Với vị trí chiến lược, Garma sẽ khống chế được cả quần đảo Trường sa và áp chế các đảo nhỏ do Vietnam, Malaysia, Philippines chiếm giữ.
Sau khi đã án ngữ phía Bắc, phía Tây của Biển Đông, thỏa thuận được tại phía Nam với Malaysia,  TQ sẽ quay sang bờ Đông. Tất cả những hòn đảo thuộc phía bờ Đông đều nằm rất gần bờ biển Việt nam nên họ sẽ không dám manh động. Và giải pháp duy nhất đó là giàn khoan.
Tháng 8 năm 2012, trong diễn văn hạ thủy HD 981, tổng giám đốc công ty dầu khí Trung quốc đã tuyên bố: dàn khoan này chính là lãnh thổ di động của chúng ta. Tất nhiên là lãnh thổ di động không thể cắm ở gần Hong kong được rồi.
 Qua động thái thăm dò vừa rồi, TQ đã hiểu là sẽ không có một cường quốc nào có ý định ra tay giúp đỡ Việt nam thực sự. Điều này khác hẳn với tình hình ở Ucraine, khi quốc hội Mỹ ngay lập tức phê chuẩn khuẩn viện trợ 1B, EU cho vay kinh tế 18B để trả nợ cho Nga. Việt nam, ngược lại bị Mỹ và Nhật gạ mua vũ khí để đối đầu với TQ.
 Bởi thế, dự đoán trong 1-2 năm tới Trung quốc sẽ cử dàn khoan (thực chất là một hòn đảo di động) đến đóng cố định dọc theo bờ Đông của đường lưỡi bò. Vấn đề chỉ là họ có thể sản xuất kịp hay không mà thôi.
  Những vị trí mà TQ dự kiến sẽ dùng giàn khoan để chiếm đóng trong tương lai
Những vị trí mà TQ dự kiến sẽ dùng giàn khoan để chiếm đóng trong tương lai
Nhật có thể làm gì?
Nhật bản chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự nội tại sau khi dỡ bỏ vòng kim cô hiến pháp. Với tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật của mình, được sự hẫu thuận của Mỹ, nhiều khả năng trong 1 thập kỷ tới hạm đội của Nhật sẽ là một thế lực thực sự tại Biển Đông. Tuy nhiên việc quân sự hóa Nhật bản sẽ gây lo ngại sâu sắc cho Hàn quốc, Đài loan và đẩy các nước này gần hơn đến TQ. Nếu TQ tiếp tục chính sách khiêu khích có  kiểm soát, Nhật bản cũng sẽ không có cớ để thi triển sức mạnh.
Nhật bản có thể  tiến hành liên minh chính tri-kinh tế-quân sự chặt chẽ với một nước nào đó trong khu vực Biển Đông. Trong trường hợp này Việt nam có khả năng được lựa chọn. Tuy nhiên nền kinh tế Nhật đang suy thoái, sẽ khó lòng gánh chịu được chiến lược “No China” của họ một cách toàn diện.
8.  Các lựa chọn cho Việt nam
 Ta đã thấy, TQ và Nhật bản (Mỹ) đang bày một ván cờ chiến lược ngay trước cửa ngõ của VN. Có thể có 3 lựa chọn sau đây cho Việt nam:
-    Buông xuôi, để mặc các cường quốc muốn làm gì thì làm.
-    Chọn bên để ủng hộ
-    Thỏa hiệp và chủ động đóng vai trò cung cấp dịch vụ logistic (“bán cà phê”) cho người chơi.
Chính sách của VN hiện tại như đang nghiêng về phương án nhất. Ngoài những bài phát biểu kích động, và những phản đối ngoại giao đòi hỏi chủ quyền không được tiếp ứng bằng những động thái thực sự mạnh mẽ. Trên các diễn đàn thông tin đại chúng của thế giới, càng ngày càng ít những tiếng nói ủng hộ Viet nam. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ dẫn đến nhân dân mệt mỏi, kinh tế suy thoái, và đáng sợ nhất là bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang.
Nếu quyết định chọn bên, VN có thể chọn liên minh với TQ hoặc với NB (Mỹ).
Nhiều khả năng là từ đầu những năm 1990x, lãnh đạo VN đã chọn phương thức liên minh và theo mô hình TQ để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, nhận thấy bị quá phụ thuộc vào TQ, và được tiếp xúc với nhiều mô hình tiên tiến, VN đã điều chỉnh chính sách. Có lẽ sự điều chỉnh này không khéo léo, làm TQ cảm nhận là VN muốn thoát khỏi quỹ đạo của mình, tiếp tay cho đối thủ Nhật (Mỹ) kiềm chế TQ. Về mặt truyền thông, VN cũng đã kích động tinh thần dân tộc bài Trung lên khá cao, nên trên thực tế, kể cả có thể vượt qua được sự giận dữ của dân chúng,  VN hiện tại cũng không có nhiều cơ hội để quay trở lại đàm phán chiến lược với TQ.
Nếu quyết tâm bỏ TQ chọn NB(Mỹ), Viet nam sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện từ phia TQ. NB (Mỹ) sẽ giúp Viet nam một phần nhưng chắc sẽ không chịu hy sinh những quyền lợi kinh tế/ địa chính trị tại Trung quốc chỉ để giúp đỡ Việt nam. Ngay cả Đài loan, Hàn quốc… những nước đã “thoát” Trung khi nền kinh tế của họ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào thị trường đại lục yếu kém, cũng rất thận trọng trong các phát biểu chính thức của mình.
Vậy lựa chọn thứ ba là khả dĩ nhất. Và đây cũng là cơ hội để Việt nam một lần thoát khỏi số phận phải luôn luôn “chọn bên” để trở thành một nước trung lập, tôn trọng các quyền của Trung quốc và tất cả các nước khác,  tạm thời gác chủ quyền, đẩy việc tranh chấp cho các nước lớn, tập trung vào việc phát triển kinh tế làm giàu đất nước.
Để lựa chọn này trở thành hiện thực, cần có 5 hành động
-   Tập trung quyền lực thoát khỏi sự chia rẽ về đường lối như hiện nay
-   Liên minh với các nước nhỏ có chung vấn đề hoặc có thiện cảm.
-   Hòa hoãn với Trung quốc.
-   Tạo được sức mạnh thực sự trên Biển Đông để có lợi thế đàm phán
- Xây dựng ngay những cơ sở kinh tế Biển
Cụ thể là làm gì và như thế nào? Chúng ta sẽ bàn trong phần sau.
Ván cờ Biển Đông – KHÔNG ĐÁNH CỜ!
19.08 chớ quên là ngày khởi nghĩa!
TQ đã hành động rất chiến lược ở Biển Đông để bảo đảm những quyền lợi kinh tế sát sườn của mình và sẽ tiếp tục chơi ván bài cứng rắn với Nhật (Mỹ). Do sự không khéo léo trong chính sách đối ngoại, Việt nam đang bị TQ chọn làm tiêu điểm gây sức ép bắt phải chọn bên. Lẽ dĩ nhiên rất nhiều người cho rằng đây là cơ hội để VN có thể học tập Philippines thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế của TQ, lợi dụng sức mạnh khoa học kỹ thuật của Nhật (Mỹ) để đi lên. Nhưng đó là một ảo tưởng. Phản ứng hết sức thận trọng và chỉ bằng lời nói của Nhật/Mỹ qua vụ giàn khoan HD981, cho thấy họ chưa sẵn sàng đứng ra bảo trợ cho Vietnam. Chỉ cần TQ cấm xuất khẩu nguyên liệu, nền kinh tế VN sẽ khó lòng đứng vững.
Chúng ta đã từng phải chọn bên và trả giá đắt để đạt cho được mục tiêu thống nhất đất nước. Nhưng tình hình hiện nay khác hẳn. Thứ nhất nếu trước đây một nước VN thống nhất là sự thật lịch sử hiển nhiên, thì vấn đề chủ quyền ở Biển Đông lại quá phức tạp. Thứ hai, như đã phân tích ở trên, do yếu kém về quân sự TQ sẽ không dại manh động sử dụng vũ lực tại những đảo do Vietnam chiếm đóng để tạo cớ cho Mỹ đưa hải quân vào. Như vậy khả năng giữ được những vị trí chiến lược hiện tại của VN là rất cao, còn khả năng chiếm được những vị trí mới là khá mù mờ.
Điều đó dẫn đến kết luận, VN hoàn toàn có thể tạm thời gác chủ quyền, đẩy việc tranh chấp cho các nước lớn, tập trung vào việc phát triển kinh tế làm giàu đất nước.
 Để làm được điều đó, việc trước tiên là phải củng cố nội bộ,  Tập trung quyền lực thoát khỏi sự chia rẽ về đường lối như hiện nay
Do không nắm được tương quan lực lượng chính trị trong nước, tác giả không dám bàn luận nhiều, chỉ có một niềm tin là “thời thế tạo anh hùng”. Khi đất nước lâm nguy, sẽ có những bậc kỳ tài xuất hiện.
Sau khi đạt được thống nhất, VN phải nhanh chóng có hành động không làm căng thẳng thêm tình hình với Trung quốc. Đây là lúc niềm tin giữa hai quốc gia đang xuống thấp nhất. Nếu VN không chủ động tháo gỡ, e rằng bất cứ một hành động nào tiếp theo cũng có thể bị các “hoàng đế” hiểu lầm và gây khó dễ. Tuy là việc khó, nhưng lịch sử ngàn năm cho thấy, nếu kêu gọi rộng rãi, sẽ có một bậc trí giả thông thạo Hán học và lịch sử phương Đông, đảm trách việc “đi sứ” bảo đảm với TCB là Vietnam sẽ không bao giờ xâm hại đến quyền lợi của TQ vì một nước thứ ba nào khác.
Có được sự hiểu biết nhất định của chính phủ TQ, VN cần phải nhanh chóng thiết lập liên minh với các nước nhỏ có chung vấn đề hoặc có thiện cảm. Hiện tại có 2 nươc đang rất có cảm tình với Việt nam và có thể cung cấp những lợi thế chiến lược cho VN
-          Philippines, với mối quan hệ xuyên Biển Đông. Xem xét công nhận các đảo do Philippines đang thực sự nắm giữ.
-          Israel, có thể cung cấp các phương tiện khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp.
Việc tiếp theo là xây dưng một học thuyết quân sự trên biển phù hợp với sức mạnh của VN, khiến bất cứ quốc gia nào cũng phải e dè, tạo lợi thế cho các đàm phán kinh tế. Việc này cực khó. Vì ngay bây giờ, TQ và các cường quốc hầu như đã kết luận là sức mạnh quân sự của Vietnam là yếu kém, khó có thể có hành động chống đối đáng kể, nên họ sẽ tôn trọng quyền lợi của họ chứ ko phải của VN, nhiều khả năng sẽ biến VN thành con nợ vũ khí.
Cuối cùng, song song với xây dựng học thuyết quân sự mới trên biển, cần có những hành động mạnh mẽ về kinh tế, xây dựng các cảng biển dọc hai bên bờ Biển Đông nhằm mục đích phục vụ cho tàu qua lại.
9. Hải quân nhân dân
Trong lịch sử, Việt nam hầu như chưa bao giờ thể hiện sức mạnh trên biển. Các trận thủy chiến lớn đều diễn ra trên sông. Bạch Đằng, hay Rạch gầm-Xoài mút. Năm 1946, đô đốc Argenlieu mời Hồ Chí Minh thăm hạm đội Pháp tại vịnh Hạ long, để diễu võ dương oai, dọa Cụ nên nhượng bộ Pháp. Xem chán chê xong, Cụ buông một câu: “tàu các ông to thế này chắc không đi lọt sông của chúng tôi”.
Vậy thì học thuyết quân sự trên Biển của Việt nam không thể dựa trên tàu ngầm và tên lửa. Mặc dù những năm gần đây VN đã tích cực đầu tư xây dựng một hạm đội mạnh, nhưng đó chỉ là so với những nước không bao giờ đánh nhau như Thái lan. Còn đối đấu với Mỹ, Nhật và thậm chí cả Trung quốc, Việt nam không thể là đối thủ. Chưa kể, đầu tư hải quân là cực kỳ tốn kém, và việc chạy đua vũ trang sẽ gây kiệt quệ cho đất nước.
Nếu cuộc chiến trên biển xảy ra, chúng ta phải tìm mọi cách đưa nó lên bờ, nơi mà bất cứ kẻ thù nào cũng hiểu rằng rất khó xơi được Việt nam.
Làm thế nào?
Quay lại phần hai ở trên. Chúng ta đang giả thiết, các cường quốc tranh chấp để bảo đảm thông thương cho hàng hóa của họ. Và đây chính là điểm yếu nhất. Không một quốc gia nào có đủ tàu chiến để hộ tống cho tất cả các tàu hàng được, nhất là ở tuyến đường tấp nập như Biển Đông.
Như vậy nếu chiến tranh trên biển xảy ra, đối tượng tác chiến của hải quân nhân dân VN sẽ là các tàu vận tải chứ không phải tàu chiến hiện đại của đối phương.
Thế kỷ thứ 13, mặc dù thua Ô mã nhi, Trần Khánh Dư vẫn dễ dàng đốt được đoàn quân lương của Triệu Hổ làm suy yếu đáng kể ý chí xâm lược của quân Nguyên.
Đền thờ Trần Khánh Dư ở đảo Quan Lạn   
Đền thờ Trần Khánh Dư ở đảo Quan Lạn
Gần đây, một lực lượng rất nhỏ “hải tặc” của Somali với vũ khí cực kỳ đơn giản đã làm gián đoạn vận chuyển trên biển Aden từ 2005-2009 bất chấp sự nỗ lực của hải quân Mỹ, Nato, Nga, TQ, Nhật, Hàn….
Riêng trong năm 2009, hải tặc đã bắt giữ 219 con tàu lớn nhỏ trong hoàn cảnh sự có mặt dày đặc của các phương tiện hải quân hiện đại nhất trên thế giới.
Tình hình cướp biển ở Vịnh Aden năm 2008 
Tình hình cướp biển ở Vịnh Aden năm 2008
Nhìn hai bức ảnh dưới đây ta sẽ hiểu ngay thế nào là một cuộc chiến tranh phi đối xứng trên Biển và 2 xuồng máy bé tí có thể khống chế một con tàu chở dầu khổng lồ.
Trang bị của cướp biển rất thô sơ 
Trang bị của cướp biển rất thô sơ
 Nhưng vẫn khống chế được tàu dầu to gấp nhiều lần
Nhưng vẫn khống chế được tàu dầu to gấp nhiều lần
Cuộc chiến cướp biển này gợi ý cho chúng ta rất nhiều. Đương nhiên chúng ta không định làm cướp biển. Nhưng nếu bị gây chiến, VN phải biết cách sử dụng sức mạnh sở trường của mình. Chiến tranh nhân dân, có thể định nghĩa đơn giản là kẻ thù không có cách nào phân biệt được đâu là dân thường đâu là lực lượng vũ trang. Quan điểm chiến tranh nhân dân đã giúp cho Củ chi tồn tại ngay sát nách Sài gòn, đã xây dựng hệ thống đường mòn HCM đến tận Bù gia mập.
Tổ chức chiến tranh nhân dân trên biển, như vậy sẽ phải dựa vào những lực lượng ngư dân được huấn luyện, sử dụng những tàu đánh cá có trang bị vũ khí nhẹ, hàng ngày sẽ đánh cá, nhưng khi cần có thể biến thành các tàu tấn công. Mục tiêu là uy hiếp các tàu vận tải vốn không được vũ trang. Gặp các tàu quân sự là sẵn sàng bỏ vũ khí để trở thành tàu cá. Nên nhớ hiện tại chúng ta đã có hơn 100,000 tàu cá.
Thách thức lớn nhất của tổ chức hạm đội kiểu này là xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc rẻ tiền, định vị và hợp đồng tác chiến không qua GPS (vốn rất dễ bị đối phương vô hiệu hóa). Thách thức thứ hai là xây dựng các cơ sở tiếp dầu và lương thực, bảo đảm có thể hoạt động dài ngày.
Con người chúng ta sẵn có. Lòng yêu nước và dũng cảm có thừa. Đóng tàu cá đi xa không phải là quá khó. Ngay bây giờ với các phương tiện vô cùng nghèo nàn, ngư dân ta vẫn có thể tiếp cận được vùng biển Philippines. Các thách thức trên nếu được đầu tư đúng mức, sẽ có thể giải quyết trong vòng 5 năm tới từ tiết kiệm mua các thiết bị quân sự hiện đại từ các tay “lái súng” đang ra sức vắt kiệt chúng ta.
10. Lập quán – Bán café
Song song với việc tạo thế mạnh trên đàm phán, Việt nam cần chủ động đi những bước cụ thể và kiên quyết trong việc chiếm tiên cơ về vấn đề bảo đảm hàng hải. Cụ thể như sau:
Đàm phán giành quyền kiểm soát VietsovPetro. Các dàn khoan của VietsovPetro đang nằm dọc theo bờ Tây của Biển Đông và đang là nguồn thu ngoại tệ lớn. Chúng ta có thể đàm phán mua lại cổ phần của Nga. Thời điểm này Nga đang bị cô lập và rất có thể sẽ từ bỏ quyền lợi lâu dài ở đây để đổi lấy 1 lợi ích kinh tế trước mắt. Bản thân Nga cũng đã thu được khá nhiều từ liên doanh này. Chúng ta sẽ có được nguồn tài chính ổn định trong dài hạn và một sự hiện diện vững chắc ở phía Nam Biển Đông. Nếu Nga không bán, hãy mạnh dạn quốc hữu hóa. Nga sẽ khó có thể hành động mạnh mẽ tại thời điểm này.
Các dàn khoan Bạch Hổ về đêm  
Các dàn khoan Bạch Hổ về đêm
Trên cơ sở đó, thành lập Công ty bảo đảm hàng hải Biển Đông
Công ty này sẽ có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ logistic cho tất cả các tàu và phương tiện hàng hải đi qua khu vực này. Cụ thể xây các cảng dịch vụ tại Phú Yên, Vũng Tàu, Phú Quốc và Trường Sa Lớn, thành lập đội giám sát biển với mục đích bảo vệ hàng hải (chứ ko phải bảo vệ chủ quyền).
Mời Trung quốc, Nhật bản, Mỹ, Phi, Mã và các cường quốc cùng tham gia góp vốn, nhưng Vietnam phải giữ phần vốn quyết định.
Kết luận
Biển Đông đang là vũ đài của một cuộc tranh chấp quốc tế lớn chưa từng có. Dù gì thì gì, ván cờ này chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng khó có thể dẫn tới xung đột quân sự.
Nếu chúng ta bảo đảm được  nguyên tắc “không đánh cờ, không mách nước, không phá rối, chỉ bán nước, café cho người chơi cờ” tôi tin rằng đây là cơ hội cực lớn để Việt nam có thể vẫn thừa nhận một mối quan hệ lịch sử lâu bền với Trung quốc mà vẫn “thoát” được về mặt kinh tế, đi theo con đường của các đại ca Nhật bản và gần đây là Hàn quốc, Đài loan.

TS. Nguyễn Thành Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét