Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

SAU KẾT LUẬN CÁ CHẾT, PHẢI LÀM GÌ CHO PHẢI ĐẠO?


Trước hết, tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tổ chức điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết và có kết luận công khai trước toàn dân. Chính phủ đã chấp nhận cho điều tra khách quan, đa chiều và phản biện một cách khoa học trước khi công bố kết luận. Đó là sự thận trọng cần thiết.
Dự luận là một chuyện, làm việc thận trọng khoa học là một chuyện. Không thể hàm hồ.
Tôi cũng đánh giá cao lời thú nhận tội ác (chứ không phải vi phạm) của lãnh đạo Formosa và sự cúi đầu xin lỗi chân thành trước nhân dân Việt Nam (chứ không cần phải xin lỗi đến Đảng và Chính phủ). Bởi thảm họa đổ trên đầu nhân dân Việt Nam chứ không phải ai khác!

Đạo lí coi như đã được thực hiện. Đó là điều tốt lành. Nhưng sự “khoan hồng và độ lượng” không thể bị lạm dụng. Thủ tướng đã hứa trước toàn dân: phải xử lí nghiêm khắc kẻ đã gây thảm họa này, không bao che dung túng, dù kẻ đó là ai; kể cả tuyên bố trừng trị nghiêm khắc những kẻ đã lợi dụng thảm họa để kích động, chống phá gây thiệt hại cho sự an sinh của dân!
Lời hứa phải được thực thi cũng là đạo lí. Không thể khoan hồng độ lượng với bên này mà nghiêm khắc với bên kia.
Trước hết, đề nghị đưa vụ án thảm sát môi trường ra xét xử, đúng người đúng tội đã, rồi hãy nói đến khoan hồng, độ lượng, kể cả xử lí nghiêm hoặc khoan hồng kẻ nào đã lợi dụng chống phá gây tổn hại đến dân.
Đặc biệt, những quan chức có liên quan đến việc quản lí Formosa cũng phải công khai cúi đầu xin lỗi trước nhân dân và từ chức mới phải đạo. Nếu có hành vi tham nhũng hay bao che dung túng cho tội ác thì phải xử lí nghiêm hoặc mang ra xét xử.
Những kẻ hàm hồ, chụp mũ, vu khống và áp bức những người vô tội khi nói về tội ác của Formosa cũng phải cúi đầu xin lỗi công khai, nếu đã gây ra tội ác như đánh đập, bức hiếp thì cũng phải mang ra xét xử.
Những kẻ nói dối, đánh lừa dư luận cũng phải cúi đầu xin lỗi và có thể bị trừng trị nghiêm khắc để chừa cái tật nói dối.
Không ai có quyền áp đặt mức bồi thường, dù là 500 triệu USD hay cao hơn mà phải định lượng thiệt hại hiện tại và lâu dài. Và cũng không ai có quyền bỏ tiền ra bắt dân phải bỏ nghề biển để làm nghề khác. Biển là người Mẹ muôn đời, không thể bỏ biển để Mẹ Biển rơi vào tay giặc.
Phải xét xử công khai minh bạch theo luật thì mới phải đạo.
Đạo lí không thể bị lạm dụng. Công bằng là đạo lí cao nhất của mọi đạo lí!
Dân gian dạy, con chuột sau một lần thoát chết sẽ thành tinh!

Mấy lời chân thành của công dân và trách nhiệm của trí thức. Động cơ đơn giản là bảo vệ đạo lí đúng nghĩa. Cá nhân tôi không thích sự kích động chống phá nào! Nhưng sự phẫn nộ của nhân dân là chính đáng, Marx đã dạy thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét