Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

CHUYỆN TÌNH XHCN

Nhiều năm trước khi mới đi làm, tôi làm báo "Đang Yêu". Mọi người hay giễu cợt tôi nó là báo lá cải. Nhưng đến giờ tôi vẫn tin là mình đã làm một kiểu báo lá cải vô cùng tử tế, và ở đó tôi đã đi tìm, đã viết được những câu chuyện cảm động nhất, nhân văn nhất trong cuộc đời làm báo của tôi.
Mỗi tuần, vào tối Chủ nhật, kể từ bây giờ, tôi sẽ kể một câu chuyện đẹp và có thật về tình yêu, về tình người - vì bỗng nhiên thích thế - để bạn bè fb cảm nhận được là đời sống này cũng có những khoảnh khắc thật dịu dàng ... 

Bà Jutka cùng con trai
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: MỐI TÌNH HUNG - VIỆT

Tôi gặp ông Lê Mỹ Thành và con trai Lê Mỹ Attila ở Hà Nội năm 2011. Attila cao to nhưng có đôi mắt đen và mái tóc đen - là kết quả của mối tình đầy đau khổ của ông Lê Mỹ Thành với bà Jutka, một người đàn bà Hungary.
Họ gặp nhau ở Budapest, khi ông Lê Mỹ Thành sang Hung du học. 

Những năm đất nước chiến tranh, du học sinh VN ở Đông Âu bị cấm cản chuyện yêu đương. Yêu và kết hôn với một người nước ngoài càng là điều không tưởng. Nhưng hai người vẫn bất chấp để yêu nhau.
Họ bắt đầu mơ về một đám cưới khi mà con gái của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến lấy con trai của một Trung tướng Liên Xô. Đó là cuộc hôn nhân đầu tiên không bị ngăn cấm.

Năm 1972, Ông Thành đã dắt bà Jutka, với bụng bầu 7 tháng lên gặp Bộ Ngoại giao Hungary và ĐSQ VN ở Hung để xin được kết hôn.
Nhưng đó cũng là ngày họ bị chia cắt. Sau 10 ngày bị giữ lại tại ĐSQ, ông bị 2 nhân viên ĐSQ ép lên tàu rời khỏi Hungary về VN, không có dù chỉ một cơ hội nói lời từ biệt với người vợ chưa cưới đang bụng mang dạ chửa.
Ở Budapest, bà Jutka bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà vì chửa hoang, sinh con một mình trong một ngôi nhà bỏ hoang với sự giúp đỡ của bạn bè.
Ở Việt Nam, ông Thành bị kỷ luật, bị đuổi học, mất cả vợ , cả con, mất cả tương lai; lúc phải làm công nhân trong nhà máy, lúc ra ga Hàng Cỏ khuân vác thuê kiếm tiền.
Nhưng ông Thành đã viết cho người vợ chưa cưới một lá thư bằng máu, hứa rằng ông sẽ quay trở lại Budapest tìm bà và con trai.


Năm 1973, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Budapest, bà Jutka đã bế con trai đến gặp Thủ tướng. Bà kể câu chuyện của mình, và xin Thủ tướng tác thành cho mối lương duyên đó, xin Thủ tướng cho bà được làm con dâu VN.
Và bà đã có lời hứa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng!
Bộ Ngoại giao VN đã nhận được chỉ thị của Thủ tướng phải làm hộ chiếu cho ông Thành trở lại Budapest.
Bạn bè của ông Thành thời còn ở Hung mỗi người góp chút tiền để ông mua vé máy bay.





Và bà đã có lời hứa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Nhưng 2 năm liền sau đó, hộ chiếu vẫn nhùng nhằng không xong. Những lá thư của bà Jutka và ông Thành viết cho nhau bị thất lạc khó hiểu. 

Ở VN, ông Thành được Bộ Ngoại giao báo tin bà Jutka đã có gia đình mới.
Ở Budapest, ĐSQ nói với bà Jutka là chồng bà sẽ không quay trở lại!

Năm 1975, bà Jutka nhận lời làm vợ một người bạn học cũ, để cho cậu con trai Attila một mái ấm.
Ông Thành bỏ Hà Nội vào Đà Lạt, lấy vợ sinh con vài năm sau đó, sống bằng nghề bỏ bánh dạo.

Nhiều năm sau Attila lớn lên, luôn thắc mắc tại sao bố mẹ, các em mình đều tóc vàng mắt xanh, còn mình lại tóc đen, mắt đen.
Khi Attila vào Đại học, bà Jutka lần đầu kể cho Attila nghe rằng cậu có một người bố ở Việt Nam. Attila nói với mẹ: con phải đi tìm bố.
Và Attila đã nhờ Bộ Ngoại giao VN, nhờ cả những người cựu du học sinh Vn ở Hung thời đó tìm bố mình.

Năm 1993 thì những cựu du học sinh ngày đó giúp cậu tìm được bố, đang sống một cuộc đời vất vả và nghèo khó ở Đà Lạt, VN.

Attila và mẹ bay sang VN. Ông Lê Mỹ Thành bắt xe khách từ Đà Lạt ra HN, đón con trai ông và mẹ con trai ông - người lẽ ra là vợ ông nếu số phận không nghiệt ngã.

Phút đoàn tụ ở sân bay Nội Bài năm đó đã khiến nhiều người xung quanh ngạc nhiên và tò mò. Họ không hiểu sao một người đàn ông Việt và một người phụ nữ Âu cứ ôm nhau khóc mãi không rời.
Họ đã có một tháng ở cạnh nhau ở HN, một tháng được sống gần như một gia đình, dĩ nhiên là nhờ sự rộng lượng từ người vợ và người chồng của hai gia đình riêng mà họ đang có. Họ ngồi nói chuyện với nhau từ ngày đến đêm, và bà Jutka đã khóc mãi khi được ông Thành đưa đi thăm Lăng Bác, như giấc mơ của bà hồi trẻ!
Sau đó họ lại chia tay, trở về với gia đình hiện tại của mình. Họ hứa với nhau không có duyên phận thì sẽ mãi là bạn tốt của nhau trong kiếp này. Và họ trò chuyện với nhau qua điện thoại, viết thư cho nhau mỗi khi có thể để không bao giờ mất tin nhau một lần nữa.

Vài năm sau đó, Attila học hết đại học. Cậu sang Việt Nam làm việc để gần bố hơn và để học tiếng mẹ đẻ của cậu.
Attila vào Đà Lạt thăm bố và các em mỗi khi có dịp. Ông Thành cũng tìm mọi cơ hội để ra HN thăm con.
"Vì sao mình lại có tóc đen, mắt đen"? - ở VN Attila đã không bao giờ còn phải thắc mắc vì điều đó thêm nữa...

UPDATE: fb thật kì diệu. 6 năm trước tôi chỉ gặp Attila và ông Lê Mỹ Thành. Nhưng đêm qua , nhờ bạn bè fb, tôi tìm được bà Sáli Judit - Jutka. Bà nói được một ít tiếng Việt và đã chủ động inbox tôi để kể thêm cho tôi nhiều câu chuyện khác. Bà comment vào tút này bằng tiếng Việt "cam on chau nhieu", dù tôi không chắc bà đọc và hiểu được cả một đoạn viết dài.
Tô Lan Hương 
Ps: - ảnh của tác giả
      - tiêu đề của NSGV

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã đăng bài. Câu chuyện có thật này là điều đã cản trở rất nhiều LHS Việt Nam khi học tập ở nước ngoài (trong thời gian chiến tranh) có một cuộc sống bình thường trong quan hệ tình cảm, đặc biệt là với người nước ngoài.

    Trả lờiXóa