Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

GIÁO DỤC: HỎNG HỆ THỐNG NHƯNG NÊN SỬA TỪ TUYỂN SINH


Thiếu một triết lý giáo dục thì rất khó cải cách nhưng ngay cả khi đã có triết lý rõ ràng, vẫn phải thiết kế được lộ trình và lựa chọn đúng thứ tự ưu tiên để lộ trình đó thành hiện thực. Chỉ nhìn các bậc phụ huynh vạ vật chờ con ở các thành phố lớn trong các "kỳ thi quốc gia", đủ thấy tuyển sinh phải nên được Bộ Giáo dục chọn là bước đi đầu tiên của lộ trình cải cách.

Có lẽ vì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không nhận ra, dự định bỏ biên chế giáo viên của ông chính là nguyên nhân làm cho, năm nay, nhiều trường sư phạm phải "vét đáy" tuyển sinh. Và, ông đã rất mâu thuẫn khi vừa muốn "bỏ biên chế" vừa rất "quan liêu, bao cấp" khi chỉ đạo: “Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường"[Tiền Phong, 11-8-2017].


Con em nông dân từ các làng mạc đổ xô thi vào các trường quân đội, công an chủ yếu vì biên chế chứ không hẳn vì muốn trở thành người hùng xả thân cho tổ quốc và cho công lý. Thiếu niềm tin vào tương lai chính là căn nguyên mà người nông dân không dám cho con cái thỏa mãn ước mơ trở thành bác sỹ, kỹ sư - con đường mà họ có thể phải bán ruộng mới đủ cho con kiếm được mảnh bằng rồi không chắc có kiếm được việc làm sau đó.

Nhưng, điều cốt yếu là chính sách tuyển sinh đã hỏng khi mọi trường đều chỉ căn cứ vào điểm số trong một kỳ thi vội vã.

Một người muốn trở thành sỹ quan chỉ huy, không chỉ có học lực mà còn phải đáp ứng tối thiểu 3 tiêu chí: học lực tốt; thể lực có khả năng chịu đựng sự khổ luyện; và, có tố chất lãnh đạo (leadership). Trước đây, một quân nhân muốn được chọn vào trường sỹ quan phải kinh qua ít nhất một năm thử thách, thời chiến thì thường phải kinh qua chiến đấu. Nay chỉ cần học gạo là thành chỉ huy; căn cứ vào điểm thi là chỉ mới chọn được một trong ba tiêu chí trở thành sỹ quan: học lực.

Sư phạm và công an cũng không nên tuyển thẳng từ học sinh phổ thông. Các trường sư phạm chỉ nên dạy kỹ năng giảng dạy; tuyển sinh tùy theo cấp học: bậc tiểu học có thể tuyển một người có bằng cao đẳng hay đại học; bậc phổ thông cơ sở và trung học có thể tuyển người đã có bằng đại học hay cao học, ví dụ: tốt nghiệp tổng hợp Lý, học thêm 6 tháng đến một năm kỹ năng về dạy Lý cấp II... Công an thì nên tuyển sinh từ trường luật, chọn các em đã tốt nghiệp hoặc học xong giai đoạn đại cương và chuyên môn, thời điểm các em bắt đầu có ý thức về sứ mệnh bảo vệ pháp luật chứ không đơn thuần vì chắc ăn biên chế [Cũng có thể tuyển các ngành khác cho các bộ phận chuyên môn của ngành].

Những người được tuyển vào các trường công an, quân đội nhất định phải từng tham gia các hoạt động liên quan như tham gia các khóa học quân sự ở địa phương, hướng đạo sinh, hoặc có thành tích điền kinh, võ nghệ...

Nên bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia. Phải coi một người đã mài đũng quần 12 năm là "hoàn thành chương trình phổ thông": Một chương trình được thiết kế giúp trẻ em trở nên, không những là một con người trưởng thành, đủ kỹ năng đối diện với thiên nhiên với xã hội, mà còn có nhận thức của một công dân trách nhiệm.

Phải trả quyền tuyển sinh cho các trường đại học. Tự các trường đặt ra chính sách tuyển sinh riêng. Có những trường đại học sẽ nhận bất cứ học sinh nào đã hoàn thành chương trình phổ thông. Các em có học lực trung bình trở xuống sẽ chọn đi làm ngay, đi học nghề, hoặc vào những trường đại học này như một điểm dừng chân để tiếp tục trưởng thành hoặc để cân nhắc con đường bước tiếp. Có trường sẽ tổ chức thi hoặc lấy điểm thi từ một trung tâm khảo thí độc lập; có trường, ngoài điểm thi còn yêu cầu ứng viên phải viết bài luận và phỏng vấn.

Bộ Giáo dục nên cho lập các trung tâm khảo thí, tổ chức thi thường xuyên; có thể hàng quý hay hàng tháng, thay vì chỉ một lần trong năm, học sinh có thể lựa chọn thời điểm hoặc thi nhiều lần cho đến khi đạt số điểm ưng ý nhất. Bài thi phải được soạn sao cho học sinh muốn đạt điểm cao phải có đủ các kiến thức phổ thông, không chỉ toán văn mà còn là địa lý, lịch sử và các môn khoa học khác.

Trước khi "mua chương trình giáo dục Bắc Âu", Bộ nên mua bản quyền bộ bài thi S.A.T. đã.

Các trung tâm khảo thí này hoạt động độc lập, Bộ có thể đưa ra điều kiện nhưng chủ yếu là để nó tự tạo lập uy tín mà tồn tại. Trung tâm khảo thí nào được các trường đại học dùng bảng điểm, trung tâm đó sẽ có nhiều học sinh đăng ký thi.

Nếu Bộ nghiên cứu bài thi TOEFL sẽ thấy, một người thi đạt trên 500 điểm (computer based) thì không chỉ biết tiếng Anh mà còn rất vững kiến thức phổ thông; nếu một sinh viên báo chí có thể viết bài luận đạt điểm 4 trở lên họ sẽ viết tin không cần phải biên tập nhiều như các tòa soạn vẫn phải làm với những em tốt nghiệp các khoa báo chí.


Cách thiết kế bài thi sẽ đặt các trường phổ thông trong tình huống phải cấu trúc chương trình toàn diện, không học tủ từng năm tùy theo môn thi. Đó chính là lý do nên chọn TUYỂN SINH làm bước đi đầu tiên cải cách. 

Trương Huy San 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét