Lại tết rồi, nhớ đồng đội và tết
Tây Nguyên. Tôi lại nhớ người anh đồng hao của tôi đã mất. Anh cũng là lính
320A với tôi. Năm 1972 anh đang dạy cao đẳng Sư phạm tỉnh Phú Thọ thì nhập
ngũ. Chuyện trong nhà nhưng tôi đưa lên đây vì cũng là tâm sự người một thời
là lính yêu thương nhau. Nếu đồng đội và các bác có đọc xin hiểu cho là "không phải tôi vạch áo cho người xem lưng" tôi biết ơn. - Nguyễn Trọng Luân
Nước mắt thép
Lạnh quá chừng. Hai anh em tôi co ro ngồi
trong cái quán hàng ở dốc Hàng Than. Đống sắt lù lù bên canh lạnh ngắt.
Suốt đêm anh không ngủ. Tôi cũng vậy. Đốt thuốc lá rát cả mép, rì rầm nói chuyện.
Nhoáng cái đã mười mấy năm. Ra
khỏi chiến trường tôi lại là anh em cọc chèo với anh. Vừa là bạn chiến đấu, lại
vừa là anh em. Bỗ bã thân tình như hồi ở lính Tây Nguyên.
Anh trở lại trường cao đẳng sư phạm
giảng dạy. Nay anh làm nhà, nhờ tôi
xin giấy duyệt mua thép cho anh. Khó lắm.
Dù mình là quản đốc phụ trách xưởng cán thép tận dụng. Thời ấy được thép tận dụng
đã quí lắm rồi. Thép Liên Xô mà nhà nào có là mối nguy chứ chẳng chơi. Hóa
đơn đâu? mua ở đâu ? chỉ có ăn cắp hoặc tham ô. Tù như bỡn. Từ trên quê xuống. Xách nải chuối cho cháu, giữa mùa
đông mà mồ hôi tong tả. Tay bắt mặt mừng mà cứ hiện lên vẻ lo lắng, cái thứ
lo lắng của người làm nhà mới, luôn nấp sau nụ cười gượng. Vợ tôi bảo, anh cố
lên công ty xin người ta chiếu cố, với lại anh là cán bộ chủ chốt chắc là được. Chiếu cố. Chiếu cố cái con khỉ, đúng là lí lẽ đàn bà. Anh thì bảo, khó quá thì thôi. Cậu lại vì
tôi mà khó ăn khó nói. Bữa cơm cứ vui gường gượng vì mối lo đang ở phía trước.
Hôm sau tôi lên gặp Giám đốc công ty. Hồi ấy, Công ty tôi chuyên tái chế phế
liệu, buôn bán cũng từ đồ thứ liệu. Buôn đồng nát lãi quan viên. Nhưng chết vì cái anh cơ chế nhiêu khê kìm hãm nên tư nhân thì họ làm được
mà nhà nước thì lại không nên trò trống gì. Khó khăn đây. May sao gặp luôn cả trưởng phòng kinh
doanh ở đó. Nghe tôi lâm li trình bầy, Giám đốc nói thật nhẹ. Anh Triển làm
sao nghiên cứu giúp đỡ cán bộ của mình,
sao cho ... có tình hợp lí. Anh trưởng phòng trẻ cười rất tươi. Anh sang
phòng tôi ta bàn.
-
Thế này anh a. Anh biết đấy, giám đốc là ưu tiên anh lắm, chứ thép
bán ra ngoài là khó.
-
Vâng tôi biết. Chợt nghĩ trong đầu, giám đốc giao quyền cho trưởng
phòng thì tất cả mấu chốt là ở đây. – Anh cố gắng giúp tôi, chả gì cũng có
chút công lao để gia đình bên vợ trông vào. Trưởng phòng cười. Đấy đấy quan
trọng chứ, trai nhà quê lấy vợ Hà nội mấy
khi được dịp …
Trưởng phòng nhìn qua ô cửa sổ,
đôi mắt thật xa xăm tay xoay xoay chén nước. Lúc ấy tôi nghĩ hắn cũng đang
bâng khuâng như mình, cũng đang đặt hắn vào địa vị của tôi. Bỗng có tiếng
chân bước ngoài cửa, trưởng phòng vội nói lớn:
-
Tình hình quí này xưởng anh phải thật cố gắng, nếu không anh sẽ bị cắt
thi đua đấy.
Tôi giật mình, thôi chết, hỏng mất
rồi, sao hắn lại chê trách mình vào đúng lúc này. Tiếng chân người đi xa. Khuôn mặt trưởng phòng trở lại như cũ. Tay lại nâng lên rồi hạ xuống chén nước
chè nguội.
-
Giá thép bây giờ công ty xây dựng là bao nhiêu nhỉ, anh biết không?
-
Tôi biết.
Trưởng phòng lại đẩy chén nước về
phía tôi.
-
Tôi không lấy giá cao hơn, anh hiểu chứ?
-
Dạ tôi hiểu.
Nhìn quanh hồi lâu, rồi hạ giọng.
Trưởng phòng bảo:
- Hai ngàn sáu, nhưng duyệt hai
ngàn. Anh lấy ba tạ hả.
Vâng anh giúp cho ba tạ. Tôi lập bập
sướng run lên khi ra về còn nghe Trưởng phòng với theo mai lấy hả, anh lên lấy
phiếu chỗ tôi.
Đêm ấy nói với vợ, họ duyệt hai
ngàn một kí là hóa đơn chỉ ghi hai ngàn thôi. Nhưng giá hai ngàn sáu là mình
phải nộp đủ. Sáu ba là mười tám. mười tám nghìn nộp ngoài. Vợ giật nẩy người. Khiếp! Hai cái ti vi đấy. Nhà thì vẫn
đang ở nhẩy dù, com cóp đến bao giờ, xin xỏ đến bao giờ mới có chỗ chui ra
chui vào. Anh chị ấy còn hơn mình chán ra ấy chứ. Nhìn khuôn mặt vợ tôi đến là
thương. Cô ấy đúng chứ có sai đâu. Nói rồi, vợ tôi đứng dậy kéo cái chăn dù
bộ đội cũ của tôi đắp thêm cho hai đứa con. Cái chăn luôn bị hai thằng con
đái dầm khai nức nở, lẩm bẩm, cái chăn len còn chả có cho con. Rồi hắn nói
như nói cho mình, kiến giả nhất phận,
tôi đây này lấy chồng nghèo có dám xin gì của bố mẹ đâu, anh đâu có biết tôi
kém bè kém bạn thế nào. Đến lúc này tôi
không kìm được nữa giật phăng cúc áo tụt cánh tay nhằng nhịt sẹo chìa sát mặt vợ, đừng nói nữa, cô nhìn đây, anh ấy cõng tôi hàng nửa ngày trong bom đạn để bây
giờ tôi còn ngồi đây với cô trong cái căn nhà nhẩy dù này, tôi lấy tiền chênh
của anh ấy hay sao. Mạng sống còn chả tiếc vì nhau mà … mình nỡ quên … à.
Ngồi phịch xuống giường, tôi như
người đeo ba lô leo dốc ngày nào, muốn thở thật mạnh mà không thở được. Phía
đuôi giường vợ tôi ngồi dấm dứt.
Trong tôi hiện về mùa mưa năm 1973 Tây Nguyên. Nước sông Pô Kô gầm thét, mấy chiếc bè chuối chở thương binh bị lật giữa dòng thác … Hồi ấy, đơn vị lật
cánh về Gia Lai. Một mùa hè bom đạn tàn khốc vừa qua, lính tráng như người vừa
trong trận lụt mới lên, lao vào củng cố bám địch và tác chiến ở địa bàn mới.
Tôi và anh cùng bổ sung về F320. Chui trong cái hầm ẩm xì xì suốt mùa mưa năm ấy. Anh thương tôi, anh cứ như bà chị cả lo cho em. Những đêm giữ chốt hay những
lần bám địch giành dân hay những lúc ngừng tiếng pháo anh mò đi kiếm cái ăn rồi
ca cóng, và bao giờ cũng cứ luôn mồm ăn đi em, ăn để hoàn thành nhiệm vụ mà
trở về đi học. Những lúc nghe anh nói vậy cứ như mình đang ở nhà, có bà chị cả
đang dỗ dành các em.
Nửa đêm, anh thì thầm. Này, ngày xưa nếu mà chú chết ở
trận đồn Tầm thì bây giờ tớ cũng chẳng có ai mà nhờ mua thép đâu nhỉ. Vớ vẩn,
em mà ngoẻo rồi biết đâu anh lại có thằng em đồng hao oách hơn thì sao, nó lại
là người Hà Nội nữa thì tha hồ mà khoe với người trên quê. Anh lại bảo, vài
năm đi đánh nhau với giặc bọn mình về thấy lớ ngớ bỏ mẹ. Lớ ngớ là thế nào?
em vẫn sống nhăn răng ở thủ đô đấy thôi. Anh thở dài, nhưng chú cũng khổ,
cũng như anh thôi sướng gì đâu. Anh sờ sờ lên những cuộn sắt ngay dưới đít
mình. Sương lạnh, những cuộn thép ươn ướt như mồ hôi trong đêm …
Sáng sớm, anh theo tôi lên nộp tiền lấy hóa đơn. Anh chào hỏi nhân
viên thật lễ phép. Thật đúng là người mô phạm. Lúc ở chỗ trưởng phòng ra,
tay cầm hóa đơn thấy vẻ mặt anh xúc động, tôi nghĩ chắc xong được cái phần việc
khó khăn này nên anh mừng đó thôi. Chứ anh làm sao biết cái vụ tiền chênh tiền
lệch kia đâu. Hai anh em đẩy cái xe chất những cuộn thép to bằng cái thúng ra
ngoài cổng ( thép cán tái chế hồi 86,87 ). Anh dừng lại mời anh bảo vệ điếu thuốc, mồ hôi lăn trên gò má nhô cao sau những ngày san nền tô vôi gánh cát.
Trời Hà nội về đêm thanh thản thế. Gió sông Hồng mùa lạnh tràn qua bãi
An Dương, Phúc Xá dàn dạt vào trong phố.
Cái quán hàng chè chén đầu dốc Hàng Than giống như cái cây cổ thụ đỉnh đồi lúc
độ đường.
Này, một dạo chú đi học trường
chính trị sao lại đi làm phế liệu. Ồi dào học thì học thế chứ ai học trường đảng
cũng làm to cả ai làm dân làm việc nhỏ. Học mà biết cách làm của đảng chứ, ai
chả phải học, thế anh không học à? Lặng im, anh hút thuốc. Lại này, lúc ở Tây Nguyên chú được cử đi học
sĩ quan sao lại không đi? Em thích về học đại học ở trường cũ hơn, ở đâu ra
đi thì nỗi nhớ về nó nặng nề lắm. Ừ, chú cũng đa cảm, mà anh nào đa cảm chả
sung sướng gì đâu, chả làm to được đâu.
Cả đêm, hai anh em cứ nhìn vào đống
thép to lù lù đợi sáng ra có xe tải của
chú em trai đưa công nhân đi thi tay nghề về chở hộ. Những cuộn thép lạnh ngắt, sương rỏ từng giọt hình vành khăn.
Anh làm nhà xong, ngôi nhà anh tự thiết kế, choãi chân như người đàn
bà ngồi bế con. Cũng trát vôi quét ve màu, chỉ chừa cái tum để mộc như người
đàn bà mặc áo đẹp, nhưng mái tóc để nguyên như gái nhà quê. Để nguyên như thế
đến bây giờ.
Vài năm sau anh mất vì ung thư. Con
cái anh chưa đứa nào yên bề. Chị tôi đã vất vả nay càng tất tưởi hơn. Từ Hà Nội
có về thăm chị vài tiếng đồng hồ lại đi, chỉ thêm tội cho chị chạy cơm chạy quả
gửi cho cháu ở thủ đô. Câu chuyện tiền vênh của anh, tôi thì đã quên và quả thực
thương trường thời mở cửa nó cuốn đi ào ào, chuyện gửi giá chia chác trong hợp đồng kinh tế nó ngang nhiên như cỏ mọc trên đê vậy. Đôi lần vợ tôi kể lại chuyện
đó với vẻ mặt thiu thiu buồn.
Thoáng cái đã hơn mười năm. Anh đã
yên phận, về nằm trên ngọn đồi gần trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Con trai con
gái tuốt tuột làm nghề giáo như anh. Đứa nào cũng ngoan. Ngôi nhà cũ của anh
bây giờ đứng nép bên những ngôi nhà bề thế xanh đỏ cạnh một cái tháp nước cổ
xưa, hiền lành, nhỏ nhắn nhưng dễ ưa hơn những ngôi nhà kề bên.
Trước tết, vợ chồng tôi bỗng nhận
được điện thoại của chị. Chú Dì về chơi tôi muốn nói chuyện. Chả biết có việc
gì mà chị gọi về lúc này. Một công đôi việc, chúng tôi về mang chút quà tết
cho chị luôn, thế là vợ chồng khoan thai dáng vẻ người thủ đô về tỉnh.
Tối, cơm nước xong chị thắp hương
lên bàn thờ anh. Lạ quá. Vợ chồng tôi nín thinh.
Chị nghẹn vài lần mới nói được.
- Lúc anh mất có dặn chị, khi xưa chú mua thép đã phải bỏ ra mười tám
ngàn tiền chênh nộp cho anh. Chú không nói nhưng anh thì biết, anh không muốn
làm chú buồn nên lặng im … - Chị lại nghẹn - … với lại … lúc ấy anh chị túng lắm,
chú giúp cho, anh biết ơn chú lắm. Nhưng anh bảo anh mất rồi chị gắng sau này
phải trả cho chú và dì . … Tết sắp đến, chả muốn kéo thêm năm nữa … thôi thì chú và dì
nhận cho … anh … đỡ áy náy ...
Tôi quay sang vợ, nước mắt đầm đìa trên má. Ngước tránh lên
trần nhà nơi những mảng vôi tróc lở như
những đồng xu, dấu tích của cốt bê
tông kém chất lượng một thời.
Nhìn lên di ảnh của anh, khói hương lơ mơ thanh thản, thấy hiện về một
thời nằm hầm đánh giặc ở Tây Nguyên, khổ tận cùng mà ấm áp tình người. Lại hiện
về một đêm ngồi bên đống thép trên đầu dốc Hàng Than. Sương đọng trên những cuộn
thép nhấp nhính như nước mắt - nước mắt thép.
theo lời kể của Nguyễn Trọng Luân, cựu lính 320A, Trường Sơn. 2010
Tình người thật cảm động trong gian khó càng hướng về quá khứ thiên lương
Trả lờiXóa