Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

2020: VÀI CÂU CHUYỆN VỀ BIỂN ĐÔNG CHƯA GHI Ở ĐÂU CẢ.




Đầu tháng 7-2019, khi tàu khảo sát địa chấn HD 8 của Trung Quốc đang ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam khu vực Bãi Tư Chính, một “Hội nghị Diên Hồng” đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Không một tờ báo, một trang mạng hay một FB cá nhân nào đề cập đến sự kiện này. Bảo mật thông tin được như thế, chắc chắn Hội nghị Diên Hồng lần II không được tổ chức tự phát, mà phải được chuẩn bị bởi một đơn vị siêu quyền lực.

Khác với Hội nghị thời Trần, tham dự gồm toàn bô lão từ bách tính lê dân. Hội nghị lần này chỉ gồm toàn tướng lĩnh quân đội, đương chức hoặc đã về hưu. Có cả vài lão tướng lừng lẫy một thời nay đã gần trăm tuổi. Trẻ hay già, các vị tướng tham gia Hội nghị đều đồng thuận tuyệt đối ở 3 điểm.

Thứ nhất, tạo ra căng thẳng ở Biển Đông là sách lược chuyển mâu thuẩn nội tại quốc gia ra ngoài biên giới lục địa; xâm lấn Biển Đông là dã tâm hiện thực hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc. Chọn khu vực Bãi Tư Chính để “thăm dò điạ chấn”, mục đích dầu mỏ với Trung Quốc chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng, Bãi Tư Chính của Việt Nam đang chứa trong lòng nó khoảng 80% trữ lượng băng cháy toàn thế giới. Đây sẽ là nguồn năng lượng của tương lai thay thế kỷ nguyên dầu hỏa trong khoảng 800-1000 năm. Vì tất cả những lý do trên, Trung Quốc sẽ ngày càng lấn tới trên Biển Đông. Mọi cách giải quyết bằng con đường ngoại giao, kể cả ở cấp ngoại giao cao nhất đều vô ích. Nếu không muốn mất thêm chủ quyền, không còn cách nào khác, chúng ta phải chẩn bị cho chiến tranh!

Thứ hai, chính Trung Quốc đang “thèm khát” chiến tranh nổ ra trên biển. Họ đang cố phô bày sự vượt trội về vũ khí, khí tài để hù dọa, áp đảo. Nhưng Trung Quốc cũng rất sợ nếu khai hỏa trước, họ trở thành kẻ xâm lược, biến chiến tranh Biển Đông thành một cuộc chiến đa phương. Ngược lại, Việt Nam có đủ lợi thế chính nghĩa về quyền chủ quyền, chúng ta không thể thụ động chờ chiến tranh đến với tâm lý những nạn nhân bạc nhược. Nếu không thể tránh, chúng ta sẵn sàng có động thái chiến tranh trước để bảo vệ chủ quyền đang bị xâm lấn. Đó là tâm thế và nhận thức chung của giới tướng lĩnh quân sự, rất đồng thuận dù chưa hề được công khai tuyên bố.

Thứ ba, chiến tranh đã đến rất gần. Chúng ta không thể cứ mãi xem kẻ luôn lăm le cướp đất, đốt nhà mình là anh, là bạn, là đồng chí hữu hảo, dù chỉ trên ngôn ngữ ngoại giao chừng mực. Trong khi bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc từ rất lâu đã không từ một thủ đoạn nào để xuyên tạc, bôi xấu, chèn ép và hăm dọa Việt Nam.

Báo chí, mạng xã hội từng đề cấp nhiều về việc gây căng thẳng biển Đông là cách “xuất khẩu” xung đột xã hội của Trung Quốc, từ đó “yên tâm” rằng điều gì đến sẽ phải đến. Mang chủ nghĩa hòa bình nguy hiểm lên người, chúng ta đã và đang tự biến mình thành người giải thích cho chính kẻ thù, ve vuốt kẻ thù! Điều này phải chấm dứt trên bình diện công khai. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến trên biển Đông là vì chủ quyền biển đảo, nằm trong sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chứ không vì gì từ dã tâm, ham muốn, sách lược hay tuyên bố của Trung Quốc. Việt Nam không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng cũng không để cho ai quăng rác hay xả đạn sang nhà mình. Trung Quốc không có tư cách gì để mượn việc gây hấn ở Biên Đông để giải tỏa bớt xung đột, mâu thuẩn riêng của họ.

Với ba nội dung chính được đồng thuận, vấn đề Biển Đông đã có nhưng tia sáng tích cực chiếu rọi. Nó khác rất xa những thận trọng đầy phong cách tuyên giáo trong các tuyên bố từ trước đến nay. Nó quyết liệt và đúng đắn hơn nhiều so với những lời tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao vốn dĩ na ná nhau vì được soạn sẵn, trung dung vì tâm thế xoa dịu đối phương... Hy vọng càng được nhân lên khi đưa nó ra là các tướng lĩnh, những người sẽ đóng vai trò quan trọng, quyết định, nếu chiến sự không may có nổ ra. Với tôi, tuy không được công bố, nhưng những nội dung này giá có thể ghi hẳn vào Sách Trắng Quốc Phòng. Bởi nó mang một tinh thần hòa bình tích cực. Bởi nó quyết liệt, đầy trách nhiệm với chủ quyền biển đảo nhưng cũng rất gần với lòng dân.

Đáng tiếc, vì gần với lòng dân nên làm sao được công bố?

Câu chuyện thứ hai, được công bố chỉ một bên và kết luận chỉ là những dấu hỏi. Thông tin bắt đầu khi trang web Halturnerradioshow.com cho đăng nội dung "các nguồn tin quân sự" không xác định tuyên bố vào khoảng 18h22 ngày 20-11 theo giờ bờ Đông Mỹ, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra ở độ sâu 50m dưới vùng biển ngoài khơi Trung Quốc thuộc Biển Đông”. Thông tin từ trang web cho biết, vụ nổ có sức mạnh từ 15-20 kiloton, tức tương đương 15-20.000 tấn TNT!

Hal Turner, người dẫn chương trình radio và là một nhà bình luận chính trị ở New Jersey, Mỹ. Tuyên bố của ông lập tức gây xôn xao dự luận, gây ra nhiều tranh cãi quốc tế bởi mang quá nhiều điểm không phù hợp với cả lý thuyết lẫn thực tế. Thay vào đó, một loạt thông tin khác lại rộ lên: “Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phát nổ”, “Một tàu ngầm Việt Nam bị bắn hạ”. Rồi sau đó thì chẳng có tàu ngầm Việt Nam nào thiệt hại được ghi nhận chính thức từ bên nào. Tồn tại duy nhật là “có một vụ nổ từ tàu ngầm” và thiệt hại duy nhất xảy ra là một tàu ngầm lớp Tấn (Jing – class) của Hải Quân Trung Quốc. Đây cũng là chếc tàu ngầm từng sợ vướng lưới giã cào ngư dân Quảng Ngãi phải trồi lên vào ngày 18-12-2018 mà chúng ta đã từng biết.

Kịch bản về sự cố mới nhất được trình bày như sau:

Chiếc tàu ngầm lớp Tấn nói trên thuộc hàng tàu ngầm hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay, nặng 11.000 tấn. Trên tàu có lắp tên lửa đạn đạo. Tàu chạy bằng năng, lượng Diezel, cùng công năng với loạt tàu ngầm Kilo của Việt Nam đang vận hành. Trên tàu đang lắp thử nghiệm buồng năng lượng hạt nhân.

Vào chiều ngày 20-11, theo giờ bờ Đông nước Mỹ, chiếc tàu ngầm lớp Tấn này phát hiện một tàu ngầm của nước “lạ” (so với Trung Quốc) ở khu vực biển phía Tây Bắc Hoàng Sa của Việt Nam khi cả hai đang ở độ sâu khoảng 50m dưới mực nước biển. Tàu Trung Quốc đã chủ động khai hỏa tấn công nhưng không gây được thiệt hại gì cho đối phương. “Tàu ngầm “lạ” đã phản đòn làm nổ tung buồng thử nghiệm hạt nhân của tàu ngầm lớp Tấn, gây ra vụ nổ được ghi nhận và đồn đoán, buộc nó phải lui về căn cứ. Không có ghi nhận thiệt hại về người nào cho cả đôi bên. Cũng không có ghi nhận về “một vụ nổ hạt nhân” nào được đưa ra chính thức.

Tất nhiên, trong khu vực, ngoài Trung Quốc và Việt Nam, chẳng có nước nào hiện đang trang bị tàu ngầm lớp kilo được xem ra đã có “đụng độ” như vừa rồi cả. Sau ngày 20-11-2019, vụ nổ từ tàu ngầm Trung Quốc thì được ghi nhận, trong khi 6 chiếc tàu ngầm của Việt Nam vẫn nguyên vẹn ở căn cứ. Vậy là được! Trung Quốc vừa đụng độ Nga, Nhật, Việt, Hàn, Đài Loan ...hay bất kỳ ai và chịu thiệt hại (nhỏ) cũng kệ xác họ, dù mấy nước kia chắc chắn không sử dụng loại tàu ngầm được mô tả. Và đụng ai, họ cũng đã bị chủ động phản đòn, phải gánh thiệt hại. Biển Đông và khu vực chắc chắc không phải là cái ao làng cho Trung Quốc tung hoành như giữa chốn không người. Vậy là đủ.

Xung đột với Trung Quốc trên biển Đông là thời sự bỏng rẫy nhất của năm 2019. Nhưng nó lại là đề tài được được đề cập dè dặt, thận trọng nhất, nhất là trongkhu vực truyền thông chính thức của nhà nước. Vì sao thế? Dù công nhận hay phản đối, dù đặt ra như thách thức hay nguy cơ, mọi chiều truyền thông đều cho rằng, xung đột biển Đông với Trung Quốc sẽ chính là mối nguy, mối đe dọa tồn vong đối với quyền lực lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong khi chưa thể thoát hoàn toàn khỏi bẫy lệ thuộc chính sách từ chiến lược thắt cổ “Một vành đai - một con đường” do Trung Quốc tung ra, Việt Nam một mặt đã phải chọn ngoại giao cương quyết nhưng mềm dẻo trên biển để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột, một mặt phải đối phó với sự hoài nghi, làn sóng chống bành trướng đường lưỡi bò Trung Quốc trên biển của chính người Việt. Trong nhiều giai đoạn, chính sách đối nội cứng rắn, đối ngoại mềm dẻo (có phần nhu nhược) đã gây nên sự phẫn nộ, chủ yếu trong lòng dân và trên đất liền. Nó phần nào đã tạo ra khoảng trống truyền thông để cho các khuynh hướng dân chủ, thân Mỹ, bài Trung và công kích Đảng Cộng Sản khoét sâu mâu thuẫn giữa ý Đảng với lòng dân, trước tiên là là trong vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Biển Đảo đất nước trước dã tâm xâm lấn và thôn tính của Trung Quốc.

Nhưng đây mới là thực tế. Sẽ không có bất kỳ chính thể, Đảng phái hay quan điểm chính trị ngu xuẩn và dại dột nào dám trao nửa mét đất, biển cho kẻ khác. Tuyên bố hay im lặng chỉ là giải pháp, có thề rất không phù hợp. Song với những gì đã xảy ra trong đợt đỉnh điểm 2019, người quan sát có thể bình tĩnh mà tin rằng, những gì cần phải làm, làm có hiệu quả cho toàn vẹn chủ quyền biển đảo, chúng ta – Việt Nam - đã và đang làm. Biển đảo không phải là tử huyệt. Nó chính là một cơ hội để ĐCS Việt Nam tập hợp lại sức mạnh toàn dân. Ý Dân, chính sách của Nhà nước và chủ trương của Đảng chỉ thực sự đồng thuận và phát huy sức mạnh khi có cùng một kẻ thù chung. Bất kỳ âm mưu nổ súng nào trên biển Đông, Trung Quốc cũng hiểu ra phải đối mặt với điều đó. Trước tồn nguy của Tổ Quốc, nếu ý Đảng đưa ra hợp lòng dân, bảo đảm những bất đồng về các lĩnh vực khác, nhưng yếu kém, tranh cãi trên các mặt trận khác sẽ nhanh chóng được tạm gác. Nhân dân dễ nổi giận, nhưng trước an nguy của đất nước, lòng dân cũng dễ dàng khoan thứ.

Một khi đã xác định rõ sẽ không còn mặt trận thương lượng, đàm phán nào còn hiệu quả, tất giải quyết vần đề biển Đông sẽ chỉ còn là sự vững mạnh quân sự kết hợp cùng nhiều mặt. Biển Đông, do đó tôi tin rằng không phải một nguy cơ. Nó sẽ được nhìn nhận như một cơ hội giữ Đảng, Nhà nước và nhân dân xích lại trong đồng thuận. Vì không có con đường nào khác. Muốn biển đảo không bị lăm le chia cắt, xâm lấn từ bên ngoài, Người Việt phải biết bảo vệ nó toàn vẹn từ bên trong, trong lòng người, trước đã.

Lẽ ra, đây là những dòng khai bút 2020. Đáng tiếc, tôi cũng như đất nước này, đôi khi không khỏe vào đúng thời điểm cần phải khỏe. Tôi không khỏe vì biết rõ là do mình sống nhiều khi cẩu thả, thiếu điều độ, chừng mực. Còn quốc gia này nếu không khỏe, thật tâm tôi cũng tự hỏi nhiều mà không rõ hết là vì lý do gì?

7-1-2020
Ngày giải phóng Phnom Penh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét