Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

KẺ “ĐÀO MỒ CUỐC MẢ”




Học chung với hắn từ lớp 5, trường học sinh miền Nam (HSMN) số 26, Chương Mỹ, Hà Đông. Chẳng nhớ, hắn về với gia đình năm học lớp 6 hay lớp 7? Thời gian này để giảm áp lực cho ban quản lý HSMN, những học sinh nào có gia đình ở miền Bắc phải “thoát ly” trường HSMN. Hắn về với gia đình, tôi ở lại trường, tiếp tục sự nghiệp “học, học nữa, học mãi”.

Chia tay, chẳng ai vui cũng không ai buồn. Lúc đó chưa có khái niệm “bịn rịn”, càng không hề có “lưu bút” để thể hiện tâm tình.

Rồi cả hai cùng tốt nghiệp phổ thông, cùng được đi du học.

Vào dự bị đại học ở Bacu, Liên Xô (1967), gặp lại nhau, mừng vui chút chút vì bạn học cũ lâu ngày gặp lại. Tình thân mật tiến thêm một tầng.

Hết dự bị đại học, chuyện đời “bèo hợp lại tan”, chẳng ai vui, và không ai buồn. Hắn đến trường tổng hợp Voronhesh, học Khảo cổ, tôi ở lại Bacu, học Tán – bỏ o.

Thỉnh thoảng có thư từ cho nhau, toàn kể chuyện tào lao, biết hắn rất không khoái cái ngành nghề đang học. Lúc đó, chẳng làm sao biết ngành hắn đang học rất quan trọng để khuyên nhủ. Hơn một năm theo học, chẳng thấy hắn than phiền thêm, chắc đã yên tâm hay yên phận?

Về Sài Gòn, thỉnh thoảng bạn bè tụ họp, ghẹo hắn là “kẻ đào mồ cuốc mả thiên hạ, moi móc quá khứ”.

Thế rồi, chuyện “bèo hợp lại tan” tái diễn, tôi chuyển về Cần Thơ, làm nghề “gõ đầu bọn không trẻ”. Hắn ở lại thành phố, ít cơ hội gặp nhau.

Lúc sực nhớ, tìm đến thì hắn mất dạng. Hỏi ra thì biết là cả hai vợ chồng đang làm tiến sĩ ở Liên Xô? Thời đó còn gọi là “phó tiến sĩ”.

Hơn chục năm sau, gặp lại, trò chuyện thì biết thêm, sau đó thì hắn làm tiếp luận văn tiến sĩ tại Leningrad. Vợ hắn cũng xong luận văn phó tiến sĩ. Hai vợ chồng kéo nhau đến Saint Peterburg (tức Leningrad) mở nhà hàng.

Hoàn cảnh lúc ấy là.

Khoảng thập niên tám mươi và thập niên chín mươi, người Việt Nam ồ ạt kéo nhau qua Liên Xô kiếm ăn dưới các dạng. Đám này phần nhiều thành công, nhưng người này làm ăn hợp pháp, kẻ kia bất hợp pháp. Vợ chồng hắn nhờ những mối quen biết gì đó mà quyết định ở lại Leningrad, mở nhà hàng.

Chẳng hiểu duyên may thế nào, hay ai môi giới, hắn quen với Boris Elshin, được chính ông ta cấp giấy phép mở nhà hàng. Lúc đó Boris Elshin là thị trưởng thành phố Leningrad.

Sau này gặp lại, hắn kể rằng làm nhà hàng khá lắm. Khách hàng đến ăn vì tiếng đồn, vì tò mò, và vì sở thích. Người ta nói là ở đây nấu ăn hạp khẩu vị và cung cách phục vụ tận tình. Với những khách đặc biệt, chủ nhà hàng trực tiếp đứng nấu.

Chẳng biết hắn học nấu ăn hồi nào, hay chỉ là năng khiếu “đột nhiên bùng phát”?

Có lần đến nhà chơi, hắn đem hai cái giấy phép có chữ ký của Boris Elshin và Vladimir Putin ra để minh chứng cho lời nói. Chưa kịp bảo photo các giấy này lại làm kỷ niệm thì hắn bán cái nhà hàng, giao luôn những tờ giấy phép này cho chủ mới. Đối với hắn, kỷ vật liên quan đến các đại nhân vật chẳng có gì là to tát. Nghề của hắn còn liên quan đến cả những nền văn hóa cách đây vài ngàn năm, thì mấy nhân vật còn sống nhăn răng ra đó đâu có ý nghĩa gì. Cũng may là còn có vài người nhìn thấy các giấy phép này, để xác nhận là tôi không viết xạo.

Chính nhờ những mối quan hệ quen biết rộng, uy tín của hắn đối với người Việt đang sinh sống và làm ăn ở Saint Peterburg rất cao. Có chuyện lộn xộn với chính quyền, người Việt ở đây hay nhờ hắn giúp đỡ, can thiệp giùm. Vai trò của hắn đối với cộng đồng người Việt lúc này có phần khá quan trọng. Chẳng có gì lạ, bởi hắn nói được là làm được, giúp đỡ hết lòng và rất vô tư. Nhờ thế mà hắn được cả hai phía “ta và bạn” kính trọng, quí mến.

Vợ hắn vốn là người cùng dân tộc với ngài họ Nông, và cùng quê nên hình như khá thân. Có lần Nông Tổng Bí thư dẫn đoàn qua Nga, nhân tiện ghé Saint Peterburg thăm lại trường cũ. Thế là Nông Tổng ghé nhà hàng của hắn, vừa để thăm cô em đồng hương, vừa để thưởng thức món ăn “Nga lai Việt”, hay “Việt lai Nga”.

Kể lại chuyện này, hắn nói: “Hôm đó tao phải trực tiếp vào bếp. Sợ có chuyện gì đó thì phiền lắm”.

Những chuyện như thế này, chỉ là thỉnh thoảng nghe hắn kể thoáng qua. Nghe rồi gom góp lại. Hắn chẳng kể chính thức như những kẻ có chút gió đã gây thành bão.

Còn nhớ lúc học lớp 5 với nhau, dịp nghỉ tết, thủ tướng Phạm cho xe con đến trường đón hắn. Sau tết, chẳng ai cạy răng hắn được gì về cái sự “quan hệ với ngài thủ tướng”. Cả bọn đoán mò, chắc hắn là con cháu ruột thịt gì đó, bởi cùng họ Phạm. Hỏi gặn mãi, hắn bật mí, chỉ là cháu của thủ tướng phu nhân thôi.
Kể thế đủ biết hắn chẳng phải con nhà “tám” hay “chém gió” ngay từ cái thời “ruột để ngoài da”. Vì vậy, dù đã than nhau, ăn chực ngủ nhờ đôi lần, cũng chỉ có thể viết vài chuyện sơ sài về hắn.

Sau khi quay về nước, hắn lại chí thú với nghề đã học. “Đào mồ cuộc mả, bới móc quá khứ”, để rồi quanh năm nay đây mai đó. Nhà hàng hình như giao lại cho ai đó quản lý và sau đó thì bán lại.

Bản thân hắn đã tìm ra bao nhiêu di tích, góp phần chứng minh sự tồn tại của các nền văn hóa cổ trên vùng đất Nam bộ này. Chẳng bao giờ thấy báo chí nêu danh, nhưng người trong ngành thì đều biết. Bằng chứng là người ta luôn tìm đến hắn, dù cả sau khi đã nghỉ hưu vài năm. Cho đến tận cái ngày từ giã cõi trần, hắn cũng chưa được hưởng một ngày nghỉ hưu thật sự.

Sau khi nghỉ hưu, hắn sinh hoạt trong chi bộ phường. Thế là bị bầu làm bí thư phường, gánh thêm chuyện xã hội, trong khi việc chuyên môn của hắn vẫn chưa dứt được. Người như hắn chỉ là nghỉ hưu theo thủ tục, chứ dễ gì người trong ngành để cho yên.

Hắn vẫn vui vẻ, đảm nhận tất cả nhiệm vụ mà người ta giao cho.

Thằng bạn trời đánh, tên Y Ngung, gán ngay cho hắn cái chức danh “Tổng Bí thư... phường”. Hắn cười hề hề. Rồi chuyện gì của phường giao, hắn đều làm tròn, chẳng để ai trách.

Năm tháng quen nhau, càng nhận thấy tên bằng hữu này năng lực rất cao trong nghề mà lại rất khiêm nhường, hiền lành và rất nhiệt tình với bạn.

Một lần hắn đưa dịch bài phỏng vấn vị giáo sư tiến sĩ sử học người Nga - Vladimir Kolotov, ông này đồng thời cũng là một nhà Việt Nam học. Tôi ráng dịch, nhưng đến khi trao lại, hắn sửa gần như toàn bộ. Xem thế đủ biết, hắn uyên thâm trong học thuật hơn tôi nhiều.

Nhận được tin không hay về hắn, xớn xác viết vội mấy dòng, chỉ mong là tai qua nạn khỏi để còn được vui vẻ với nhau lâu lâu thêm một chút.

Thế nhưng ... hắn quả là đã thất lộc lúc 16h45 ngày hôm nay (ngày 16 tháng 7 năm Quí Tỵ, tức năm 2013) do chấn thương quá nặng khi bị té xe trên đường đi khảo sát khu di tích cổ.

Khi hắn còn tại dương, từng nhiều lần cùng nhâm nhi, thậm chí có vài bữa ngủ lại nhà, nay xin dùng ly rượu và vài câu văn vần để đưa tiễn.

Rượu rót đầy ly tiễn bạn hiền,
Cầu chúc an lành cõi phúc tiên.
Thương cho kẻ ở thầm rơi lệ,
Buồn tiễn người đi chốn viễn biên.

Hắn có tên đầy đủ là Phạm Quang Sơn, sinh năm 1948.

Tác giả: Quang Anh To 

(Hình: Hắn đứng ở bìa phải. Quang Anh To đứng giữa hình, mặc áo xanh. Hình này trong dịp dự đám giỗ bác tám Huỳnh Văn Nghệ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét