Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

VỊ ĐẠI TÁ VỀ HƯU ... “DẠI GÁI” ...

(ảnh minh họa)

Sáng sáng người ta lại thấy một ông già mái tóc bạc, đi thể dục trên đường Nguyễn Chí Thanh, một con đường đẹp nhất Hà Nội. Giữa hai dòng xe hối hả ngược xuôi, giữa những toà cao ốc mới mọc lên đồ sộ, ông như một người lạc lõng giữa dòng đời, thong thả đếm từng bước chậm rãi bên những bồn hoa trên giải phân cách giữa lòng đường. Nhìn con người gày gò, dáng vẻ mỏi mệt ấy, mấy ai ngờ đó là một cựu chiến binh từng xông pha nhiều trận mạc trên những nẻo đường ác liệt của Trường Sơn.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, người sinh viên Bách Khoa mới ra trường từng viết đơn bằng máu, xung phong vào chiến trường miền Nam giữa lúc đang vô cùng ác liệt.
 Những năm tháng lăn lộn trong mưa bom bão đạn của quân thù và những trận sốt rét khiến anh kiệt sức. Đến năm 1971, khi đồng đội đào bới, lôi được anh ra sau một đợt bom vùi và khiêng tới một đội phẫu tiền phương, ai cũng tưởng chắc lần này anh khó qua khỏi.
Năm ấy anh Kha, người kỹ sư công binh 35 tuổi, một “tuổi thọ” hiếm có ở chiến trường.
 Nữ bác sĩ phụ trách đội phẫu là thiếu uý Loan, mới 25 tuổi, nhận được chỉ thị của cấp trên là phải cứu sống Kha bằng mọi giá. Bởi vì một kỹ sư giao thông thuộc lòng từng cung đường Trường Sơn như Kha là tài sản vô giá của quân đội. Loan quyết định tiếp máu cho Kha nhưng máu dự trữ không còn. Trừ thương binh ra, chỉ còn bốn người có thể cho máu. Nhưng sau khi thử máu, chỉ mình Loan có nhóm máu trùng với nhóm máu của Kha. Không do dự, bác sĩ Loan tự nguyện lấy máu của mình tiếp cho Kha hai lần, nhờ thế mà Kha thoát chết.
Nhưng sau khi cho máu quá nhiều, chính người bác sĩ trẻ vốn gầy yếu cũng trở thành bệnh nhân. Từ đó, bên cạnh tình đồng đội, họ còn gắn bó với nhau bởi ơn cứu tử. Kha nằm lại bệnh viện gần một tháng trời. Nhiều buổi hai người tâm sự với nhau bên giường bệnh rồi những buổi đi hái rau rừng bên bờ suối, hai người chiến sĩ cảm thấy gắn bó với nhau một cách lạ lùng. Thì ra cả hai cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

Ngày Kha trở về đơn vị, Loan cảm thấy như mình sắp mất đi một người anh, liệu có còn gặp lại? Kha cầm tay Loan bồi hồi xúc động hẹn sau ngày chiến thắng nhất định sẽ tìm nhau. Loan tiễn anh một quãng đường rừng mới quay trở lại.
Nhưng chỉ mấy tháng sau, Kha lại bị bom vùi một lần nữa. Lần này sức khỏe anh quá yếu, anh được đưa vào bệnh viện dã chiến rồi từ đó chuyển ra miền Bắc. Mấy năm sau, trong Viện quân y 108 ở Hà Nội, Kha gặp một đồng đội cũ báo cho anh một tin sét đánh. Đội phẫu tiền phương của bác sĩ Loan bị trúng bom B52 rải thảm, hầu như không còn ai. Nghe tin, Kha buồn ngơ ngẩn mất mấy ngày. Năm ấy, anh đã 39 tuổi. Nhờ sự mai mối của gia đình, Kha lấy vợ và sinh được hai người con trai.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng chưa được bao lâu, Kha lại phải chịu đựng một nỗi đau lớn nữa. Người vợ anh mất vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Từ đó anh sống cảnh gà trống nuôi con, dù ai nói thế nào cũng không lấy vợ nữa. Niềm an ủi lớn nhất của vị đại tá về hưu là hai cậu con trai đều học giỏi và vào đại học cả. Khi các con đã trưởng thành, xây dựng gia đình riêng và ông Kha có ba đứa cháu nội thì tóc ông đã bạc trắng.
Câu chuyện về người cựu chiến binh tưởng như đã hết nhưng một sự việc bất ngờ nữa lại khuấy động trái tim ông. Trong cuộc họp mặt các chiến sĩ Đoàn 559, ngờ đâu tưởng như trong mơ, ông tình cờ gặp lại bác sĩ Loan, người đồng đội đã cứu sống ông ở chiến trường. Thì ra cả hai ông bà, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Bà Loan cũng đã lấy chồng, sinh được một người con gái và chồng bà cũng đã qua đời trong một tai nạn máy bay, khi đang đi công tác. Sau những giây phút bàng hoàng, ông Kha mừng hơn chính mình sống lại, hai người tâm sự hàn huyên không rời nhau ra suốt một ngày. Từ đó, ông bà thường hay qua lại thăm nhau, dù ở cách xa hai đầu thành phố.
Cho đến một hôm, cơn đau tim đột ngột làm ông không gượng dậy được. Nghe điện thoại, bà vội vã đến nhà chăm sóc ông. Không biết vì bà vốn là bác sĩ hay vì tình cũ nghĩa xưa đầm ấm mà ông Kha lại bình phục. Sau một hồi đắn đo, ông chân thành đề nghị bà đến sống với ông cho có bầu có bạn lúc tuổi già. Lúc đầu, bà Loan phân vân lắm. Nhưng sau thấy ông chân thành quá, bà nhận lời. Con bà đang sống ở nước ngoài, bà cảm thấy một mình nhiều lúc cũng cô đơn. Thế là từ hôm đó, người ta thấy ông già không đi thể dục một mình nữa. Hai ông bà vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Điều kỳ lạ là từ đó ông khoẻ hẳn ra. Đôi mắt ông có một thời đã lờ đờ, giờ như long lanh trở lại. Trái tim ông có lẽ do được sưởi ấm bởi tình yêu lại trở về nhịp đập bình thường. Đồng lương hưu của hai cựu chiến binh lại chẳng phải nuôi ai, cho phép hai ông bà sống ung dung nhàn tản.
 Những người ở gần, ai biết chuyện tình của ông bà cũng cảm động, không ít người chúc mừng hai tuổi già tìm thấy hạnh phúc cuối đời.
Nhưng ... cuộc đời thường vẫn có những chữ “nhưng”.  Vợ chồng người con trai thứ hai của ông Kha từ nước ngoài trở về, thấy tự nhiên bố lại đưa một bà già ở đâu về sống chung, cho là không ổn.
 Hai anh em với hai người con dâu bàn bạc với nhau suốt một buổi. Người con dâu thứ hai một mực cho là “Bố già rồi mà còn dại gái”.
 Người anh cả mắng ngay:
 ”Cô là người có học, ăn nói phải thận trọng, cô dùng từ “dại gái” là không được, nhỡ bố nghe thấy thì sao?”.
 Không ngờ người em trai đứng lên bênh vợ :
”Như thế không dại gái à? Năm ngoái bán ngôi nhà cũ, chia chác xong, bố vẫn còn hơn ba trăm triệu để dưỡng già. Ngộ nhỡ bây giờ bố đột ngột qua đời vì bệnh đau tim, số tiền đó về tay bà ấy thì sao? Mà không chừng căn chung cư cũng thành nhà của bà ấy nốt? Anh có biết giá trị của nó bây giờ mấy chục cây không?”
Người anh vẫn cho rằng sống với ai, đó là quyền của bố.
“Vả lại, chú chưa biết cái ân tình của bà ấy đối với bố từ hồi còn ở chiến trường như thế nào đâu. Cả một đời bố đã vất vả gian nan rồi, hãy để cho tuổi già của bố được yên ổn. Bố thích sống với ai là tùy bố. Bán ngôi nhà cũ, anh em mình ai cũng có phần thoả đáng rồi. Chú còn thắc mắc gì nữa?”.
 Nhưng ý kiến ấy bị ngay người vợ của anh ta phản đối. Chị lo rằng người già thường lẩn thẩn, mình là con cái phải có trách nhiệm ngăn cản. Thế là người chị dâu với hai vợ chồng người em ngay hôm sau kéo nhau đến gặp bố. Không biết họ nói những gì, chắc chạm lòng tự trọng của bà Loan mà sau hôm ấy, bà nhất định đòi trở về nhà mình, ông Kha nói thế nào cũng không được. Và cũng từ hôm ấy ông đổ bệnh.
 Những cơn đau tim nối tiếp nhau, một tuần sau ông mất sau một cơn đau dữ dội.
Khi người con cả đọc di chúc mới biết ông quyết định tặng bà Loan một nửa số tiền ba trăm triệu để bà an dưỡng tuổi già, còn một nửa chia đều cho hai người con. Nhưng bà Loan nhất định không nhận. Người con cả một mực nài ép bà phải nhận cho thoả vong linh ông cụ.
 Trong khi người em trai cứ đi ra đi vào lẩm bẩm :”Khổ, sao cụ lại lẩn thẩn thế không biết, con cháu không cho lại cho người dưng?”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét