Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Nhớ Sơn Nam...


Ở ngã tư Trần Quốc Thảo và Tú Xương của Sài thành có một tòa nhà, là văn phòng của Hội Văn nghệ - Nghệ thuật, thường gọi tắt là Hội nghệ sỹ. Trong khuôn viên tòa nhà này có một quán café và một quán nhậu. Giới văn nghệ sỹ các loại thường vào đây uống café hoặc lê chân qua quán nhậu. Và vì vậy, mọi người gọi là quán Nghệ sỹ. Quán nhậu thuộc loại bình dân nên khách ra vào khá đông.

Quán Nghệ sỹ, nhưng thực khách không chỉ có nghệ sỹ. Đó là những người chẳng có “sỹ” nào, tạm gọi là “vô sỹ”. May lắm thì họ được gọi là “nhậu sỹ”. Trong số những kẻ “vô sỹ” ấy có tôi. Tôi gặp và quen Sơn Nam tại nơi này. Khác với nhiều người, trước khi quen, tôi không hề đọc tác phẩm nào của Sơn Nam và càng không biết ông ta là ai. 

Có một nhóm bạn đồng nghiệp cũ của tôi ở trường ĐH Cần Thơ, lên Sài Gòn học cao học. Họ ở nhờ nhà tôi và hay rủ nhau đi ta bà khắp các quán nhậu bình dân. Ai có tiền thì đãi, mà thường thì hùn nhau,  không để ai bị thiệt. 
  
Trong nhóm này có một nhân vật, rất thích giao du với đủ hạng người. Y chơi với dân đạp xích lô, giới ca sỹ tân có, cổ có, và đủ các loại sỹ khác. Tất nhiên, nhiều nhất vẫn là giới “giáo sỹ”.  
  
Một hôm, chúng tôi gồm mấy anh chàng trong giới giáo sỹ hay cựu giáo sỹ, như tôi,  ngồi nhâm nhi bia hơi trong cái quán gọi là “nghệ sỹ” này. Lúc đó, trưa nắng chang chang. Tôi bỗng để ý thấy một người đàn ông dáng nhỏ con, ốm nhách, khá lớn tuổi, xiêu xiêu đi vào, mắt gặp ai cũng cười. Anh chàng “đa hệ” vội ngoắc ông ta vào bàn. Ông chẳng nề hà quen lạ gì, sà vào ngay, bắt tay mọi người rồi cầm ly bia uống một hơi. Có lẽ để xả cái nóng hơn là ham uống. “Đa hệ” tưởng tôi cũng biết ông, vì những chàng kia đều đã từng nhậu nhiều lần với ông ta, nên chẳng giới thiệu gì. Họ nói chuyện rôm rả, cứ như ai cũng từng quen biết ai.   
   
Tôi vốn dễ tính và cũng thích giao tiếp nên góp chuyện để thêm phần nhiệt náo thay mồi nhậu. Ngày ấy, cái vốn tiếu lâm của tôi gần như bất tận, thậm chí còn biết ca các loại tân nhạc, cổ nhạc, rồi nhạc sến và nhất là các loại bài hát nhái lời tào lao, nên lập tức gây sự chú ý cho cái “ông già nhỏ con, ốm nhách, mắt hay cười”.

Thậm chí ông còn cười thực sự, chứ không chỉ đôi mắt.    
   
“Chú em quê ở miền Tây ?”, ông bắt chuyện với tôi.
Tôi cảm thấy ông không lớn hơn tôi bao nhiêu, nên chẳng xưng hô “anh, em” gì ráo. Sau này mới biết ông hơn tôi đến khoảng hai mươi tuổi. 
    
“Ờ ! thì cũng thuộc loại đa quê, gốc miệt bưng, lúc nhỏ cũng bị phèn đóng mốc cời”. Tôi đáp, rồi kể đủ chuyện câu cá, nướng cá lóc, canh chua bông điên điển, chuyện mùa nước nổi ... toàn là tưởng tượng ra, hoặc góp nhặt từ các bàn nhậu, cái thời còn là giáo sỹ. 
      
Ông ta khoái cái kiểu nói quê kệch của tôi, thế là kể đủ chuyện về vùng Đồng Tháp, U Minh, Cà Mau, Rạch Giá … 
          
“Ủa, anh ở đâu mà rành xứ tôi vậy?. Nãy giờ tui xạo với anh, chớ tui là dân tập kết dzìa, có biết con mẹ gì quê hương xứ sở của mình. Mỗi lần về quê cứ như cỡi ngựa xem bông, ăn đã rồi giông”.

Hồi đó tôi ăn nói khá bỗ bã, dù đã sửa nhiều khi bước vào làng giáo sỹ. 
    
Ông hỏi tên tôi rồi rút ra một quyển sách trong cái gói mà ông ôm trong người, viết mấy chữ trên đó rồi đưa cho tôi, nói : “Chú em đọc rồi biết…”.   
        
Nhìn qua, thấy tựa “Dạo chơi”, của nhà văn Sơn Nam, lại có dòng chữ đề tặng, biết là gặp thứ có hạng. 
 
Nãy giờ “Đa hệ” ngồi nghe và thỉnh thoảng góp chuyện, liền nói :  
- Ủa ! tui tưởng mấy người quen biết nhau. Anh Sơn Nam này là nhà văn nổi tiếng, chuyên viết về các đề tài phong tục tập quán, địa dư chí, lịch sử phát triển vùng đất Nam Bộ …   
    
Sau đó y giới thiệu về tôi với Sơn Nam.
Ông ôm chầm lấy tôi, cứ như được làm quen với một nguyên thủ quốc gia.
Thế nhưng đến khi chia tay, chẳng ai cho ai một chút thông tin nào về nhau.  
        
Sau này, chúng tôi có gặp nhau thêm vài lần, cũng ở tại cái quán nghệ sỹ này, trong khi tôi chẳng bao giờ là nghệ sỹ.   
        
Thời đó chưa phổ biến cái “cục nói chuyện cầm tay”, cũng chẳng ai có card visit, nên bây giờ không có bằng chứng để “lấy le” (khoe). May thay, trong tủ sách còn lại “Dạo chơi” với chữ đề tặng của ông làm chứng tích về một mối quan hệ bất chợt trong đời thường.   

Vài lần, tôi thấy Sơn Nam trên màn ảnh nhỏ, cũng dậy lên chút niềm tự hào lẻ “người quen lên màn ảnh nhỏ”, nhưng lại ít chịu xem đến cuối.  
        
Người Việt Nam có thể bị dân trên thế giới chê về nhiều mặt, nhưng cái khoản tình cảm thì không ai có thể chê được. Đi xa mà gặp người quen, thậm chí chỉ là người cùng xứ thì đã có thể thân mật được, huống chi tôi và Sơn Nam đã uống với nhau vài lần.
Tin ông mất làm sao không gây nỗi buồn man mát trong tôi ?.         
Đọc lại “Dạo chơi”, trích ra đây đoạn thơ mà ông lấy của người xưa, nói về cây me.

Cội ngọc sinh thành lạ bởi đâu,           
Có duyên xưa chiếm được nơi mầu.     
Ngọn đương tươi tốt hơi đương đượm, 
Tán lục rườm ra bóng nắng thâu…”

Phải chăng ông cũng là một cây me đem lại bóng mát và sự êm ả cho đời ?
Hơn thế nữa, ông là một mẫu người đặc trưng Nam bộ của cái thời khẩn hoang.
Thắp cho ông một nén nhang, cầu cho linh hồn ông sớm siêu sinh.

Nắng Sài Gòn tức cảnh.
(Nhớ lại thơ của ai đó từng đọc, không phải sáng tác của AQ)

Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát,
Chỉ vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Lụa Hà Đông dệt bằng lông sư tử,
Em mặc vào thành sư tử Hà Đông.

AQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét