Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

NGƯỜI SÀI GÒN


 

Sài Gòn (SG) là chỗ nào?
Là TP.Hồ Chủ tịch, bao gồm Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia định, thêm mấy huyện ngoại thành nữa.

Thế nào là người Sài Gòn?
Nhà văn Sơn Nam định nghĩa: “… ông bà đến SG từ đôi ba đời là tốt, nhưng chưa đủ. Nhiều người ở SG từ nhiều đời, nhưng con cháu lần hồi suy thoái, không theo kịp thời cuộc đã trở nên xơ cứng, chỉ là dân SG về thể xác. Ngược lại, người tuy mới cư ngụ ở SG nhưng đã là “dân SG” vì đã kịp thời thích ứng”. Mấy lần vỗ vai hỏi bạn bè có phải người Sài Gòn (SG) không, tui đều được trả lời đại loại là: Hỏi chi cái chuyện tào lao zậy cha nội? Kiếm sống được ở SG là thành người SG rồi.

Nếu như bi chừ người Hà Nội (HN) gốc chỉ như hạt muối tan trong thùng nước lèo thì người SG gốc chỉ bằng giọt sữa rớt xuống ao làng. Cũng phải thôi, liên miên binh đao loạn lạc, bao phen di tản di cư, mấy bận vượt biên, kinh tế mới. Đặc biệt là đầu thập niên 1990, khi kinh tế thị trường chớm nở, dân nhập cư tự do quá trời ông địa.

Người Sài Gòn ra làm sao?
Ngẫm, có lẽ tính cách đặc trưng nhất của người SG là sự mạnh mẽ pha chút hảo hớn, ngang tàng, phóng khoáng, yêu tự do và đặc biệt là không phân biệt đối xử vùng miền, văn hóa hay chủng tộc. Mở sách, thấy học giả Trịnh Hoài Đức viết: “Vùng Gia Định đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời… Đất thuộc sao Dương Châu, gần Mặt trời, khí hậu nóng bức, nên người Gia Định trọng tiết nghĩa...” và “Gia Định có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trọng nghĩa khinh tài rất nhiều, giai nhân mỹ nữ cũng lắm...”.

Xưa, đời sống dễ dàng khiến người ta kiếm được chừng nào xài hết trơn chừng nấy, ứ cần dành dụm. Cảnh anh xích lô sau khi kiếm đủ tiền xài, tấp vào bóng cây làm một giấc, khách gọi mấy cũng lắc đầu; hay anh phu khuân vác chiều lãnh lương, tối diện đồ láng coóng đưa vợ con xúng xính đi ăn nhà hàng, coi cải lương là chuyện thường ngày ở… SG. Có lần tôi gọi ông thợ sửa nước, cùng tổ dân phố, hàng ngày đạp cái xe cởi truồng chở hộp đồ nghề dạo khắp hang cùng ngõ hẻm, ổng trả lời: Mai nghe thầy, bữa nay chủ nhật, nghỉ! Lát sau bước xuống vỉa hè, thấy ổng rung đùi đánh cờ tướng bên ly cà phê.
Nếu như HN và Huế mang đậm tính hướng nội, thì SG có xu hướng mở rất chi là rõ. Chả là dân tứ chiếng đến đây không chỉ từ Bắc và Trung mà từ nhiều xứ sở khác, đông nhất là người Hoa (Tàu) và người Ấn (Chà Và).

Nói về người SG mà không nhắc đến việc ăn nhậu thì mang tội với các đệ tử Lưu Linh! Tui nhớ có bài vè:
Sài Gòn nhậu tối
Hà Nội nhậu trưa
Cả nước say sưa
Từ trưa đến tối.

SG nắng nóng quanh năm, nhậu tối cho mát. Ngược lại, HN đông lạnh giá, hè mưa rào, người ta ngại ra khỏi nhà buổi tối. Cái chính là đàn ông HN sợ vợ 1 phép. Có lần tôi cùng 2 ông bạn từ SG ra công tác, 4 rưỡi chiều hú mấy bạn ở HN uống bia hơi. Mỗi thằng mới được đôi ba vại thì các lão HN chuồn sạch trơn, trơ lại mấy thằng SG với nhau. Chán đáo để!

Còn lý do nữa là người SG ưa sòng phẳng, làm ra làm, nhậu ra nhậu chứ không làm lằng nhằng, nhậu lèm nhèm như người HN. Khi nhậu, người SG dù thuộc giai tầng xã hội nào cũng có thể cởi mở tấm lòng, nhậu tới bến, không say không zìa. Người SG không cầu kì nghi lễ mà tận hưởng cuộc sống hết mình, đề cao lòng mến khách, tình đoàn kết hơn là sự trang trọng của đồ ăn thức uống.

Khác với nét đài các của thiếu nữ HN, vẻ thùy mị của con gái Huế hay dáng đủng đỉnh của con gái Đà Lạt, thiếu nữ SG luôn gây được ấn tượng mạnh bởi dáng vẻ trẻ trung và phong cách tự tin. Dù mặc áo dài đi dạo phố thì con gái SG vẫn đi nhanh, chân sải dài, tay vung thoải mái, thể hiện sự năng động. Áo dài hở cổ kiểu “bà Nhu” hay áo dài tà ngắn ngang đầu gối đều xuất phát từ SG đấy.

Về ẩm thực, dễ thấy ở đây các món ăn đặc sản của khắp quả đất, nhưng đa phần đã được SG hóa. Chất SG thể hiện ở vị ngọt của đường, nhiều rau xanh, thêm thủy sản tươi sống và đặc biệt là giá sống, cả giá ngắn lẫn giá dài (cấm nói lái). Chẳng hạn, món canh chua kết hợp vị chua chua mặn mặn của miền Bắc, vị cay nồng ớt tươi của miền Trung và vị ngọt đường xởi lởi của người Hoa; món bún bò Huế được bớt cay, thêm ngọt, tăng béo và nhiều rau; món phở HN được thêm giá, rau húng, mùi (ngò) và đường ngọt lợ; món bò “bíp tếch” du nhập của Tây thì mỏng hơn, chín hơn và nhiều gia vị hơn.

Tính đa dạng của văn hóa SG thể hiện cả trong tang lễ với đủ các thứ nhạc. Đi trên phố, ta hay gặp đám tang có đội kèn đồng, trống đánh xuôi kèn thổi ngược í éo Hát mãi khúc quân hành, Tóc em đuôi gà, Sao anh nỡ đành quên... vui ra phết.

Trong làm ăn buôn bán, người SG học ở người Hoa tinh thần đùm bọc tương trợ và lấy chữ tín làm đầu. Trong đời sống, người SG tiếp thu tinh thần sáng tạo, tác phong phóng khoáng của phương Tây, tìm đến cái mới hơi bị nhanh. Vì thế Gia Định dưới thời Tổng trấn Lê Văn Duyệt, kinh tế xã hội phát triển vù vù, phong cách trái ngược với miền Trung bảo thủ và miền Bắc câu nệ. Đến cuối TK20, đây là nơi sớm nhất hình thành kinh tế hàng hóa, cũng là nơi xuất hiện nhiều hiện tượng xé rào mang tính đột phá vào thành trì bao cấp cổ hủ, tạo tiền đề cho công cuộc Đổi mới.
Người SG ưa hài hước nhẹ nhàng, không lắng đọng ưu tư, ít băn khoăn trăn trở. Cả ngày làm việc mệt rồi, tối thư giãn lấy sức mai mần tiếp. Vì vậy, các quán nhậu vỉa hè mới có nhiều màn ảo thuật ngô nghê, ca nhạc kẹo kéo í éo đến thế. Cũng bởi vậy, các sân khấu ngoài trời, phòng trà bình dân với những sô nhạc sến vô duyên, tình khúc boléro sướt mướt, tiểu phẩm hài nhạt như nước ốc và phim “mì ăn liền” như đấm vào mắt mới có đất sống, và sống khỏe. Hồi mới vô đây định cư, tui vào coi mấy sân khấu gần nhà như Trống Đồng kế vườn hoa Tao Đàn, Cầu Vồng 126 CMT8, rạp Công Nhân ở Trần Hưng Đạo, sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, sân khấu Thế giới trẻ ở Cống Quỳnh... để hiểu thêm về người SG. Cũng hay!

Nếu như người HN có thói quen mời khách đến nhà để giới thiệu tổ ấm và khoe cơ ngơi thì người SG thường ra quán. Điều này thể hiện phần nào tính bất định, nay ngụ ở đây, mai đã “em ở nơi đâu”, biết nhà nhau mà làm gì? Bản thân cái lão tui từ khi nhập tịch SG, mới sang năm thứ 11 đã chuyển đến căn nhà thứ 4 và bi chừ đang dưỡng già ở vị trí thứ 5 nhưng tít tận Cần Thơ. Hơ hơ hơ!

Rảnh rỗi sinh nông nỗi, viết hơi dài, quý zị thông cảm!
Hữu Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét