Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

NHÂN DÂN KHÔNG CÓ PHE

 


NHÂN DÂN KHÔNG CÓ PHE
Đã từ rất lâu, thay vì đọc “lý luận phê bình”, tôi chọn đến với nghệ thuật, văn chương một cách trực tiếp, tự mình đón nhận những cảm xúc tươi rói từ chữ nghĩa. Đọc “Nguyễn Duy, Nhà Thơ Hiện Đại Việt Nam”, thoạt đầu là vì tình riêng, nhưng rồi tôi bị từng trang viết của anh Lã Nguyên cuốn hút.
Cuốn sách, nói là viết về nhà thơ Nguyễn Duy (Duy Nguyen), xác lập “địa vị lịch sử của thơ ông trong nền thơ đương đại Việt Nam” (GS Trần Đình Sử), nhưng đọc kỹ thì thấy Lã Nguyên nói nhiều hơn về “nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa” để thấy, tuy vẫn “hòa vào dòng chảy của nền văn nghệ chính thống”, Nguyễn Duy vẫn là một “người khác”.
Có những nhà thơ mặc “Máu ở chiến trường” làm thơ thưởng “hoa ở đây”(Xuân Sách vịnh T.H.). Nguyễn Duy thì khác, từ 1966, ông đã trực tiếp cầm súng. Ông có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt nhất, từ Đường 9 – Khe Sanh đến 1972 Quảng Trị; từ Mặt trận Tây Nam đến Lạng Sơn ngay sau ngày 17-2. Thế nhưng, ông vẫn không thành “nhà thơ - chiến sỹ”. Ông ở trong “thập loại chúng sinh” và giữ “căn cước nhân dân”.
Thật ấn tượng khi đặt đặt thơ của “nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa” bên cạnh thơ Nguyễn Duy.
Một bên là “Cha già” lồng lộng trên cao, một bên là “cha tôi”, “không răng” hiền từ, lam lũ mà thật và gần gũi. Một bên “Tựa vào đảng” để thấy “Miền Bắc thiên đường của các con tôi” một bên đứng lặng...:

“Năm nay lại lụt trắng đồng
Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng
Làng ta lại lóp ngóp làng
Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng
Bà con mất bữa nhiều không
Những ai bị gậy phiêu bồng chân mây
Bóng ai lỏng khỏng hình cây
Căm căm gió bấc thế này làm sao?” (Dân ơi)
Lã Nguyên giúp ta nhìn rõ hơn một Nguyễn Duy:

“Dù ở đâu vẫn tổ quốc trong lòng
Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”

Một Nguyễn Duy không chia phe nhân dân. “Là dân thì tồn tại”, “Bao triều vua phế đi rồi người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.
PS: Lã Nguyên tên thật là Lã Khắc Hòa (Khac Hoa La), nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lý luận Văn học, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sách của ông không chỉ thú vị với chúng ta mà còn rất hữu ích với các thầy cô dạy văn và các em học học sinh yêu thơ.

ảnh: 17-2-2018, Nguyễn Duy và "Em, Hoa Đào Muộn..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét