Tối 2-10-2021 tại Ba Lan, trong buổi hòa nhạc mở màn cho vòng chung kết cuộc thi Piano Chopin 2021, NSND Đặng Thái Sơn sẽ có phần trình diễn hòa tấu chưa từng có trong lịch sử cuộc thi Piano Chopin.
Đó là cuộc trình diễn bản concerto dành cho 4 đàn piano của Bach do Đặng Thái Sơn cùng 3 người từng chiến thắng trong các cuộc thi Chopin thể hiện.
Nhân cuộc hội ngộ đặc biệt này, Đặng Thái Sơn lần đầu cởi lòng cùng Tuổi Trẻ về lần ông đi thi Chopin năm 1980 và giành chiến thắng gây sửng sốt, những khó khăn, hồn nhiên, cả những gánh nặng của chiến thắng và của scandal từ cuộc thi mà "nếu không thiền đủ" thì ông đã gục ngã.
Giám khảo Martha Argerich và tôi không hề có "ân oán" như người ta đồn thổi
* Thưa ông, với người Việt, cuộc thi Chopin năm nay không chỉ đặc biệt bởi kể từ sau chiến thắng của ông năm 1980 thì nay mới có thí sinh Việt Nam bước qua được vòng loại để vào thi đấu tiếp 4 vòng chính thức, mà còn bởi màn trình diễn của 4 pianist và cuộc hội ngộ "hụt" giữa ông và "cố nhân" - nữ danh cầm Martha Argerich, người đã tạo ra scandal cuộc thi Chopin năm 1980?
- Cuộc thi năm nay tạo được sự quan tâm đặc biệt đối với giới yêu nhạc hàn lâm Việt Nam khi Nguyễn Việt Trung (quốc tịch Việt Nam/ Ba Lan) và 1 thí sinh khác - quốc tịch Canada có bố là người Việt đi tiếp vào các vòng chính thức của cuộc thi.
Buổi hòa nhạc đặc biệt khai mạc cuộc thi cũng khiến tôi rất phấn khích và khán giả cũng vậy, nên lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi này người ta ghi nhận vé bán đêm khai mạc đã hết sạch ngay trong phút đầu tiên mở bán.
Tôi chỉ hơi tiếc và có giảm niềm vui đi một chút vì nghệ sĩ Martha Argerich đã hủy buổi hòa nhạc cũng như vai trò giám khảo tại cuộc thi Chopin năm nay vì lý do cá nhân. Mà có khi người ta lại nói là tại tôi diễn nên bà ấy lại bỏ đi một lần nữa để phản đối (cười lớn).
Nhưng thực ra thì sau cuộc thi Chopin năm 1980, tôi và bà ấy đã chấm cùng nhau ở 2 concour Chopin năm 2010 và 2015. Và ở cả 2 cuộc thi này, bà chủ động đề nghị được xếp ngồi cạnh tôi khi chấm thi.
Bà muốn ngồi cạnh tôi trước mặt mọi người như vậy là một cách tế nhị để bà nói với mọi người giữa chúng tôi không hề có "ân oán" như người ta đã đồn thổi trong bao nhiêu năm sau chiến thắng của tôi năm 1980 mà bà làm giám khảo.
* Hồi đó và rất lâu về sau vẫn có những luồng dư luận cho rằng bà ấy ủng hộ thí sinh người Nam Tư Ivo Pogorelich và không đồng tình với chiến thắng dành cho ông. Hình như họ đã hiểu nhầm, nhưng ông chưa từng chính thức lên tiếng.
- Scandal năm đó thực sự là khi công bố kết quả vòng thi thứ 3 không có tên Ivo Pogorelich được vào chung kết, bà phẫn nộ bỏ ra về khi cuộc thi vẫn đang tiếp diễn. Vào chung kết năm đó có tôi và 6 người khác, đâu biết ai sẽ được giải nhất.
Cho nên chuyện bà phẫn nộ, bà gây scandal hoàn toàn là muốn phản đối chuyện Ivo Pogorelich bị loại khỏi vòng chung kết chứ không dính dáng gì đến tôi cả. Mọi người về sau cứ hiểu nhầm là scandal dính đến tôi.
Khi câu chuyện bị thổi bùng lên, nhiều khi bà hơi áy náy vì dù sao việc bà bỏ dở cuộc thi như vậy hơi gây cản trở cho tôi. Việc này hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của bà nhưng đã ảnh hưởng đến tôi.
Khi bà bỏ về Thụy Sĩ rồi, biết kết quả, bà đã gửi một bức điện tín đến ban tổ chức concour Chopin chúc mừng tôi được giải nhất. Bà muốn làm cho rõ phản ứng của bà là gì, không liên quan tới tôi. Sau đấy còn bao nhiêu cử chỉ chứng minh khác của bà, nhưng người ta vẫn không ngừng đồn đại.
* Vụ scandal liên quan tới Ivo Pogorelich hẳn đã gây nhiều sóng gió cho ông?
- Tất nhiên là sóng gió quá đi chứ. Tôi lúc đó còn là một cậu học sinh quèn đầy bỡ ngỡ trước vinh quang đến quá nhanh.
Nếu hồi ấy tôi mà không thiền đủ thì tôi đã gục ngã trước scandal đó rồi. Khi bước qua được thập niên khủng hoảng đấy thì tôi biết rằng chẳng có gì làm tôi suy chuyển được nữa. Tôi cứ đi theo cái triết thuyết, con đường riêng của mình thôi.
Tấm lòng trinh bạch với âm nhạc và tinh thần Việt Nam
* Và giờ thế giới có một Đặng Thái Sơn không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn tài năng mà còn là một nhà giáo dục rất thành công?
- Concour Chopin năm 2015, trong 6 giải thì có tới 3 giải thuộc về 3 học trò của tôi. Thế nên mấy năm qua học sinh đổ xô vào học tôi. Nhưng cái mốc quá lớn như cuộc thi năm 2015 thì đời người cũng chỉ có một lần chứ sao có nhiều được.
Bởi muốn theo học tôi để thành người, thành tài thì được, nhưng muốn giật giải lại là chuyện khác. Giải là số phận, còn học làm người, thành tài thì mình có thể làm được.
Tôi không nghĩ giải thưởng phản ánh được hết tài năng của mỗi người, nó còn nhiều yếu tố may rủi.
* Vậy chiến thắng của ông năm 1980 cũng có yếu tố may rủi?
- Phải nói là tôi có may mắn. Gọi là trong cái rủi có cái may.
Không ai đi thi mà không người quen, không gia đình, không thầy, không bạn bè, không tiền bạc, không tiếng tăm, hoàn toàn zero như tôi năm đó.
Thậm chí đơn dự thi của tôi gần như bị gạt vì gần như không có tiểu sử gì, chưa bao giờ đi thi các cuộc thi khác, chưa bao giờ biểu diễn với dàn nhạc, chưa bao giờ biểu diễn độc tấu, chẳng có một thành tích gì. Chỉ có 2 dòng vẻn vẹn là sinh ở Việt Nam năm 1958, đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky.
Lúc đầu ban tổ chức định loại hồ sơ của tôi nhưng cuối cùng họ lại nhận là vì lần đầu tiên có Việt Nam tham dự, nghĩa là cuộc thi có thêm một nước dự. Thứ hai là đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky thì họ nghĩ rằng ít ra tôi cũng không phải là nghiệp dư.
Nhưng việc chưa bao giờ diễn trước công chúng, chưa bao giờ diễn độc tấu trong một phòng hoành tráng với bao nhiêu đàn tốt và khán giả cũng chính là may mắn của tôi. Bây giờ có những người đánh rất cao tay, nhưng như thợ đàn.
Tôi lúc đó là "còn trinh" mọi nghĩa, trong trắng chưa biết nếm mùi đời là gì. Nên khi diễn đêm đầu tiên, tôi thấy một cảm hứng thăng hoa chưa bao giờ có. Cho nên nhiều báo cứ hỏi tại sao hồi đó tôi chiến thắng, tôi vẫn bảo là vì tôi còn trinh (cười lớn).
Cái thăng hoa của lần đầu, của trinh trắng ấy mỗi người chỉ có một lần thôi. Sau này mình đánh có những tứ già dặn hơn, cáo già hơn, kịch tính hơn, sâu hơn nhưng không thể còn có cái tươi mát của lần đầu.
Tất nhiên chỉ dựa vào may mắn thì tôi không thể bò lên được một nấc thang như vậy. Ngoài một tấm lòng trinh bạch với âm nhạc, hồi đó tôi đã đi thi bằng tinh thần Việt Nam.
Lên sân khấu tôi có cảm giác tự dưng mình có một sức mạnh gì đó ở đằng sau làm cho mình đánh một cách đầy tự tin. Giờ nhìn lại mấy băng tôi thi phát trên YouTube, tôi thấy mình đã đánh rất chắc chắn, tự tin hoàn toàn, thật khó tin đó là tiếng đàn của một cậu trai mỏng manh, gầy gò.
* Trinh trắng và cáo già thì cái nào khiến ông vui sướng hơn?
- Mỗi thứ có một kiểu, có cái hay của nó. Không nên so cái này với cái kia. Cho nên lúc nào mình cũng vẫn cứ cười.
Giải nhất đã làm tôi sợ hơn vui.
* Ông từng có quãng thời gian khá khủng hoảng sau chiến thắng?
- Tôi nhớ tôi nhận tin mình được giải nhất khi tôi đang ở phòng khách sạn chứ không phải đang hồi hộp theo dõi tivi công bố người chiến thắng như các thí sinh khác.
Đài NHK của Nhật báo tin cho tôi vì họ cần gặp tôi ngay để ký hợp đồng biểu diễn với tôi sau khi thông báo tôi nhận được giải thưởng 2.000 USD của đài này, giải thưởng trị giá gấp 4 lần giải Chopin của tôi năm đó.
Cảm tưởng của tôi lúc nhận tin giành giải nhất đâu có vui. Vì mình thấy mình chưa sẵn sàng cho một giải lớn như vậy. Những người chiến thắng trước mình họ ghê gớm thế nào. Hồi đó tôi cứ nghĩ tôi được giải nhì chắc tôi sẽ vui hơn.
Giải nhất phải gánh nhiều trách nhiệm, rất nhiều áp lực. Đánh hay thì họ khen một chút, đánh dở thì họ bảo "úi giời đánh thế mà cũng giải nhất". Thực sự mà nói tôi sợ hơn là vui. Vì mình biết mình chưa sẵn sàng.
Phải ở trong nghề mới biết ngày đó tôi đã chạy nước rút thế nào để đến cuộc thi, tôi mới học 3 năm chuyên nghiệp ở Liên Xô chứ trước đó ở Việt Nam chiến tranh, bao cấp quá khó khăn. Vậy mà sau giải nhất là rất nhiều những chuyện khác đến, những tin đồn kéo dài hàng chục năm.
Theo TTO
Ảnh: NSND Đặng Thái Sơn với cuốn sách của cha - Một bến lạ - tuyển tập thơ họa của Đặng Đình Hưng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét