Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

TỪ ĐẶC SẢN TIẾN VUA ĐẾN SỰ MAN RỢ CỦA CON NGƯỜI

 

Chim Sâm cầm

Đỗ Doãn Hoàng
🍂 Tôi có anh bạn từng đi và nghiên cứu tại hơn 80 nước trên thế giới. Một lần vui chuyện, lấp nhấp tí “rượu dân tộc” ở Hà Nội, anh ta nhận xét rất đáng giật mình: Tớ đi nhiều nhưng chưa thấy nơi nào mà người ta nhét đủ thứ (từ hổ báo hươu nai cho đến ong đất dế mèn, rồi chim cá tiến vua, rồi lá thân rễ cây thuốc phiện và trăm thứ bà giằn khác…) vào hũ “rượu dân tộc” như ở ta.
🍂Dường như, từ trên tivi cho đến hàng quán vỉa hè bệ rạc nhất, người ta đều thi nhau quảng cáo các thứ xoay quanh công dụng “tráng dương bổ thận”. Sao mà thiên hạ bây giờ mải mê “kích dục” thế nhỉ?

Con cá đổi ba chiếc công nông!

Đúng là sơn hào hải vị của Việt Nam, có hẳn một xêri các thức được tiếng là “thời trân” danh bất hư truyền, đến vua chúa ngày xưa cũng phải bắt con dân của mình nai lưng lên rừng xuống biển kiếm tìm về để tẩm bổ. Ví như “chim, cá tiến vua” với chim sâm cầm, cá anh vũ, hoặc bộ lòng cá chiên. Để đến nỗi, bây giờ các món này đều bị lùng tìm kiểu tàn sát, hủy diệt.
🍂Những chuyến theo thợ săn cá anh vũ dọc sông Gâm, sông Lô, sông Nho Quế, sông Đà và vạch mặt những trò bầy hầy lừa đảo khách thích làm “vua” ở nhiều tỉnh, thành luôn để lại trong tôi cảm giác bi hài. Đám “phá sơn lâm đâm hà bá” đang muốn lộn ngửa sông hồ lên, bới bùn, tát nước, bắt bằng được những “quái vật” sông hồ.

Cá Anh Vũ, loài cá có nguy cơ tuyệt diệt vì bị săn đuổi.

Đó là những cụ cá chiên khổng lồ, có khi nặng đến 50kg - 70kg. Nó to như một thây người nằm sấp. Có khi tròn lẳn, nhẵn thín đen kịt như quả bom tấn hoen gỉ ngâm nước. Khi nó bơi lù lù, đen nhánh như khúc đại thụ mục ruỗng lập lờ trôi dưới đáy sông.

Cung, súng bắn tên của Trung Quốc được tuồn về. Mỗi mũi tên sắt có ngạnh dài và dây buộc để bắn trượt hay bắn trúng thì vẫn không bị mất vũ khí.
🍂 Bắn! Máu cá loang đỏ mặt sông. Cụ cá già nua quẫy đạp bi tráng. Tàn nhẫn nhất vẫn là trò dùng mìn, dùng xiết điện gí thẳng xuống nước, khiến vạn vật của thủy giới cùng chết ngắc. Các báu vật của lòng sông bị phanh thây, thứ “tiến vua” quý giá, nghe đồn là bộ lòng cá chiên. Dạ dày cá to như cái bong bóng lợn. Lòng cá dai và giòn, người ta phải vuốt, lộn, bóp muối như làm lòng lợn.

Trong bối cảnh ấy, số phận cá anh vũ mới thật thảm thương. Dữ dằn như cá chiên còn chết, huống kể gì đến anh vũ, cái loài mỏng manh yếu ớt, con to nhất cũng chả mấy khi nặng quá một cân.
🍂Cụ Nguyễn Trãi, cụ Lê Quý Đôn đều viết, cá anh vũ sống ở ngã ba Bạch Hạc, sở dĩ ăn rễ cây chiên đàn nghìn tuổi rồi thụ khí thiêng vùng đất huyền sử mà trở nên thiêng quý, là thứ tiến vua. Thế là vua phong kiến xưa có cả “chỉ dụ” bắt người ta cống cá anh vũ, cống chim sâm cầm.
Xưa, dân thôn lành lẽ tết lưới đan rọ thô sơ mà bắt cá, cái việc “khai thác nguồn lợi thủy sản” bấy giờ, nói như ngôn ngữ bảo tồn của nhân loại tiến bộ bây giờ là “sử dụng bền vững tài nguyên”. Chim cá tiến vua chỉ thật sự rơi vào thảm kịch tuyệt diệt khi con người sử dụng máy móc, điện đóm, vũ khí tối tân và thả rông ham muốn ích kỷ của mình để... tàn sát.
Những chú sâm cầm bị chặt chân.

Thế rồi hàng quán khắp Việt Trì, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nội... rộ lên phong trào “ăn món của vua”. Đám con buôn đem cá trắm, cá dầm xanh, cá trôi ra bảo là anh vũ đấy. Người lắm tiền muốn thử nếm thì không phân biệt được con diếc với con rô, huống hồ là thứ thời trân bước ra từ huyền thoại như anh vũ.

Thế là đem tiền nhiều triệu ra ăn cá trôi nuôi bằng cỏ rả, bằng cám “Con cò” và phân lợn ở các ao tù. Vừa ăn vừa tấm tắc nó là “cá tiến vua”, ăn thế này thì có nhẽ mình được làm vua đến nơi rồi. Và họ nghĩ kế mua vài con cá tanh òm về thả nó “bơi” trong hũ rượu, hạ thổ một năm rồi òm ọp uống để cải thiện “dương sự”.

Lại nói chuyện lừa. Có một dạo, ở cửa ngõ phía tây Hà Nội, rồi cả ở chỗ Hà Đông, khu công viên Thống Nhất, chỗ Bách Thảo, xuất hiện đám người chuyên bán “chim sâm cầm tiến vua”. Những con chim vẫn đi lại loăng quăng vật vạ, nhưng cơ thể thì trụi không còn một sợi lông. Người bán và người mua giữa thủ đô khi ấy đều quá man rợ.

Người mua luôn yêu cầu người bán vặt hết sạch lông của lũ đặc sản chim trời để về nhà đỡ phải ... bẩn tay. Vặt sạch, lông chim bay tơi bời trên phố xá, nhưng người bán phải để cho chim vẫn sống, để chắc cú là mua về còn có thể “tươi ngon” cắt tiết được. Thành thử, chim trời cứ phải trụi lông như một người gầy gò, trần truồng, kiệt sức đang loạng choạng đi lại trên rìa phố hun hút gió mùa đông. Nhiều người biết chút kiến thức về chim sâm cầm đã đòi xem chân chim.

Nghe nói trong muôn loài chim chóc, gia cầm, chỉ có duy nhất chim sâm cầm là các ngón chân của nó có ba cái màng xòe ra mà màng nào cũng tròn như đồng tiền xu. Mỗi ngón chân nhất định có ba “đồng tiền xu” màu xanh nõn chuối như vậy. Không giống với bất cứ loài vật nào trên thế gian.

Bọn bán chim và người mua chim đôi khi biết rõ điều đó. Nên đám con buôn leo lẻo: “Chân con sâm cầm là bổ nhất, bọn em đã cắt ra dành ngâm rượu cho thật ngấu rồi bán riêng. Đây là hũ rượu ngâm chân sâm cầm. Còn cả con chim ăn rất bổ, bộ lòng nó bé xíu và dai ngoét, mật nó ngâm trong rượu thì tuyệt cú mèo, đảm bảo ông uống bà khen. Vua ngày xưa toàn phục vụ cả trăm bà ấy chứ”.

Và người ta mua tơi tới. Mua mà không biết rằng, thiên hạ phải chặt chân con chim kia trước khi đem bán, bởi vì chim đó một trăm phần trăm là chim cuốc và vịt trời. Ngón chân cuốc, chân vịt trời (và những loài khác) thì màng của nó không tròn như đồng xu, nên mới phải chặt vứt đi. Với giá cắt cổ 500 nghìn đến một vài triệu đồng một con “chim tiến vua” giả, “cá tiến vua”... lừa, nhiều thợ săn và lái buôn dạng này đã xây nhà lầu và mua xe hơi ngon lành.
🍂Sâm cầm là giống chim di cư, hằng năm nó bay dọc trái đất để chạy theo nhịp điệu mùa và nhịp điệu thức ăn. Sâm cầm tương truyền sống lâu trên dãy Trường Bạch của xứ Cao Ly phương Bắc, nó ăn củ sâm quý nên cơ thể nó chứa bổ dưỡng ở đủ mọi nhẽ (chiết tự ra: Sâm là củ nhân sâm, cầm là con chim). Sự thật là Vua Tự Đức còn có cả chỉ dụ yêu cầu dân chúng ở làng Nghi Tàm ven hồ Tây (Hà Nội) phải cống nạp 10 đôi chim sâm cầm mỗi năm. Việc này bắt đầu từ năm 1847. Người đời tiếp tục tàn sát giống chim lạ và quý này, cho đến khi người ta đều tin rằng nó đã tuyệt diệt.
🍂Tuy nhiên, sâm cầm là chim di cư, cứ đầu đông hằng năm, trong se lạnh và trời ong ong sương mù một tí, là chúng lại di cư qua nước Việt Nam. Người Việt nào dù ích kỷ và nhẫn tâm nhất thì cũng không thể bắn, bẫy hết được sâm cầm. Bởi từ trên dãy Trường Bạch, quê hương của giống nhân sâm quý nhất thế giới, sâm cầm còn đi qua hàng chục quốc gia khác, Việt Nam chỉ là một bến đỗ tiếp nhiên liệu (thức ăn) để tiếp tục đốt mỡ thiên di.

Xử ác với sâm cầm, nó không dừng lại ở nhà ga nước Việt nữa. Và thời gian vừa qua, nạn săn bắn được kiểm soát, súng tự chế được vận động giao nộp khá triệt để, sâm cầm đã trở lại. Sâm cầm chưa dám về Hà Nội ồn ào, nhưng dọc vùng Phú Thọ, Yên Bái thì đã lác đác vài đàn chim quý.
Sâm cầm bay như một cơn mưa với những hạt nước khổng lồ đen nhưng nhức. Nó sà xuống ăn chung với đàn vịt trời, đàn vịt nhà. Giống như các loài chim di cư khác, sâm cầm rất lành, rất ngốc nghếch. Nó không có sự đề phòng với súng săn, lưới ụp.
🍂Đám thợ săn giàu có đỗ xe, khoác súng hơi 12kg, súng tự chế bắn đạn hoa cải loại đạn lớn. Họ ngụy trang bằng lá lẩu khắp mình, rồi bơi ra mặt đầm. Súng của họ đạn ria bắn thành vòm tròn, một lần xiết cò có thể giết chết cả một bầy chim, bắn trượt khó hơn bắn... trúng.
Khi bị bắn, chim cứ nổi trên mặt nước, nổi ba ngày mà lông của nó cũng không ướt. Lông chim cực kỳ khó vặt, nó bết và dai, đôi khi không thể nào nhổ ra được. Có khi hứng chí thợ săn nhậu một lúc cả đàn chim tiến vua, rồi tò mò nhằn từ chân chim ra những cái vòng sắt ở đó có chữ tây, số hiệu rất ngộ nghĩnh. Đó là thiết bị mà các chuyên gia quốc tế đeo vào chân chim để nghiên cứu, ở đó có tên trạm đã bắt và đeo vòng cho chim, có mã số theo dõi bệnh tật, cân nặng, thói quen di cư của sâm cầm.
“Phẩm tiên đã đến tay phàm”, tiếc thay, tất cả đã chết chìm trong hũ rượu. Người ta dặn nhau, sâm cầm quý nhất là cái mật của nó, nhớ để nguyên mà... tửu táng.

Đàn sâm cầm đã trở về. Cá tiến vua cũng chưa tuyệt diệt. Nhưng chẳng bao lâu nữa, có lẽ tất cả chỉ còn trong... sử sách.

Theo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét