Khoảng cuối tháng 3/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Ông Chu Chí Thành khi ấy 29 tuổi, được cơ quan Thông tấn xã Việt Nam cử vào Quảng Trị ghi lại hình ảnh trao trả tù binh giữa Quân Giải phóng và quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông đến mặt trận Long Quang, Cửa Việt, xã Triệu Trạch, Quảng Trị để tìm hiếu khu vực giáp ranh – vừa có quân đội VNCH vừa có bộ đội đóng quân.
Ông Thành nhớ lại: “Tôi nhớ, giới tuyến hai phe được phân định bởi chiếc dây thừng. Bất ngờ, tôi nhìn thấy hai phía “địch, ta” vẫy nhau, những người lính cộng hòa gạt dây thừng đi sang địa phận quân giải phóng, chuyện trò rôm rả. Một người lính trẻ Sài Gòn mặc bộ rằn ri, tươi cười bắt tay cô du kích xã Triệu Trạch. Anh bộ đội đứng cạnh thân mật quàng vai anh ấy. Xung quanh, người của hai phía đều vui vẻ, hồ hởi. Thú vị ngoài sức tưởng tượng, nên tôi nhanh chóng lấy nét, bấm một kiểu trung cảnh. Ðột nhiên người lính Sài Gòn nói: “Anh nhà báo, chụp cho em một kiểu với anh giải phóng đây” (Ảnh 1). Tôi nghe vậy thích quá. Lúc bấm máy, tôi thực sự hồi hộp và xúc động nhận ra rằng: Ðến thời điểm những người lính Sài Gòn không muốn cầm súng nữa”.
Sau đó ông Thành về trụ sở Phân xã Quảng Trị tráng phim, thấy ảnh hiện lên rõ nét sáng sủa, bèn viết chú thích, gửi ảnh ra Hà Nội. Sau chuyến công tác, trở về Phân xã Nhiếp ảnh của TTXVN ở Hà Nội, khi xem lại các ảnh của mình do phòng Ðịa Phương dựng maket đã biên tập xử lý, thì thấy bức chụp hai người lính không được “lưu”, cũng không được “phát”. (Lưu tức là cắt phim, đánh số đưa vào kho lưu trữ để dùng lâu dài. Phát, tức là phóng ảnh rồi chuyển phát cho các báo sử dụng ngay). Lục tìm ở kho lưu trữ, trong đống phim bỏ đi, vẫn không thấy, tuy nhiên may mắn thấy tấm phim anh lính Sài Gòn bắt tay cô du kích. Ông Thành xin mấy chị tổ Tư Liệu mẩu phim và bóc tấm ảnh mẫu Hai người lính từ maket đem về kẹp trong sổ công tác.
Bức ảnh đó “ngủ yên” trong Sổ công tác của ông hơn 30 năm. Đến 2007, ông Thành làm hai triển lãm ảnh: “Những thời khắc không thể quên” tại Bảo tàng Cách mạng, Hà Nội và “Ký ức chiến tranh” tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TP.HCM thì bức ảnh “Hai người lính” mới lần đầu được biết đến và được báo chí cùng nhiều người quan tâm. Kể từ đó cuộc truy tìm số phận hai người lính bắt đầu. Hành trình đi tìm các nhân vật Hai người lính là một câu chuyện dài, nhiều nhà báo đều muốn đi đến cùng của sự thật, liệu sau hơn 40 năm, hai nhân vật này có được hưởng trọn về niềm vui hòa bình mà hai người từng “tạm thời” được trải qua năm 1973?. Trong đó, có hai nhân vật tâm huyết, dày công xuôi ngược Nam – Bắc mong được gặp lại hai nhân vật lịch sử này là chính tác giả của bức ảnh nổi tiếng – nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành và nhà báo Dương Phương Vinh (Trưởng ban văn nghệ Báo Tiền Phong).
Cuộc truy tìm số phận hai người lính :
Đầu tiên phải kể việc lần tìm nhân vật anh Bộ đội giải phóng. Một số nhà báo đã tiếp cận với ông Phan Tư Kỳ, xã đội trưởng xã Triệu Trạch, Quảng Trị năm 1972-1973. Ông Kỳ xác định bối cảnh bức ảnh là nơi Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320 của ta đóng quân, với 5 đại đội thuộc 2 tiểu đoàn rải quân, chốt dọc ranh giới của quân đội hai bên, dài hơn 2km. Sau đó, xuất hiện hai nhân chứng của Ðại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48. Người thứ 1 là ông Ðỗ Bê, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội 5. Ông Bê khẳng định anh bộ đội trong ảnh là lính của mình. Người thứ 2 là ông Ðỗ Thành Chấm. Ông Chấm cho rằng anh bộ đội đó vừa là đồng đội vừa là bạn thân ông, người thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội tên là Dương Minh Sắc, sinh 1954. Tuy nhiên ông này đã mất 6-7 năm trước. Còn hiện nay vợ ông Sắc đang sống và buôn bán tại Huế.
Về người lính VNCH:
Vào mùa Xuân 1973 có tin: Sau cuộc gặp (được bức ảnh lịch sử ghi lại), có Ðoàn Văn công Quân khu 5 đến biểu diễn cho hai bên xem. Sau đó phía bên kia gấp rút báo động, chẳng may lựu đạn gài của họ phát nổ, có lẽ do ai đó chạy chệch hướng. Nhiều người đồn rằng anh lính Sài Gòn đã chết khi đó.
Những thông tin mới :
Nhân 30/4/2015, ông Thành vào Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đề nghị của báo Tuổi trẻ, ông mang bức ảnh vào. Phóng viên chụp ông Thành cầm bức ảnh trước Dinh Thống Nhất (Ảnh 2). Ông Thành cho biết ông mắc nợ hai người lính này vì đã chụp ảnh mà không thể đưa bức ảnh của ông đến tay họ được.
Sau đó vào tháng 5/2015, một người đàn ông đến tìm gặp ông Chu Chí Thành tại nhà riêng ở Hà Nội, để ôn lại kỷ niệm ở mặt trận Long Quang, Cửa Việt năm 1973. Sau vài phút trò chuyện, vị khách xác nhận ông chính là anh bộ đội trong bức ảnh Hai người lính. Ông là cựu binh Nguyễn Huy Tạo hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Ông Nguyễn Huy Tạo xót xa khi hay tin sẽ không có cuộc hội ngộ của hai người lính khi đất nước thật sự được hòa bình.
Tháng 4/2016, trên Facebook của nhà báo Trần Đăng Tuấn viết “Có bài viết kể người lính Nam đã chết ngay sau đó. Nhưng tôi không muốn tin điều khắc nghiệt ấy”. Ở phần tương tác với dân mạng vào “nhà” mình, ông Tuấn dẫn bài báo Tiền Phong tít là "Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính". Trong phần bình luận với hàng trăm bình luận có một dòng ngắn ngủi. Có người viết rõ ràng rằng: “Người lính còn lại trong bức ảnh vẫn còn sống, nhưng không muốn xuất hiện. Cho nên đừng tìm mất công và đừng hỏi thêm”.
Từ đầu mối này, lần theo hàng loạt trang, “nhà” khác, cuối cùng tìm được đầu mối có căn cứ nhất. Một trong số đó là người thanh niên tự nhận là con trai người lính Sài Gòn trong ảnh. Đáp lại sự căn vặn, hồ nghi của một số dân mạng, anh ta cuối cùng còn đăng lên bản chụp tấm thẻ căn cước của cha mình thời Việt Nam Cộng hòa, và Chứng minh Nhân dân làm năm 2001.
Khi tổng hợp, xâu chuỗi một loạt thì có được thông tin về một trong “Hai người lính” như sau:
Ông tên Bùi Trọng Nghĩa, sinh 1954. Đi lính có số quân là: 74/122769, tiểu đoàn 6, lữ đoàn 369 thuộc sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Hiện có vợ, một con trai, cháu nội, sống trong căn nhà 40m2 ở TPHCM. Vợ buôn bán lặt vặt còn ông Nghĩa hành nghề xe ôm để mưu sinh.
Nghe nói Bùi Trọng Nghĩa đã biết về bức ảnh Hai người lính từ vài năm nay. Không hiểu lý do chính nào khiến ông ngần ngại ra mặt, mặc dù biết nhiều người, kể cả tác giả ảnh, đang tìm mình.
Qua kết nối của báo chí, ông Chu Chí Thành đã tìm lại được hai người trong ảnh: anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo hiện ở Hà Nội và anh lính Việt Nam Cộng hòa hiện sống ở TP.HCM. 45 năm sau, nét mặt ông Bùi Trọng Nghĩa đã phai vẻ bụi bặm, nghịch ngợm trong bức ảnh cũ, thay vào đó là nụ cười rất hiền.
Cuộc gặp của hai người lính
Ngày 26/1/2018, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Truyền hình Quảng Trị và VTV8 tổ chức buổi Giao lưu nghệ thuật Khúc ca hòa bình nhân 45 năm Hiệp định Paris có mời các ông Thành, Tạo, Nghĩa đến Hội ngộ. Cuộc hội ngộ “Hai người lính” là điểm nhấn của chương trình Khúc ca hòa bình...
* Cảm xúc của ông thế nào khi vừa rồi được quay lại Quảng Trị, gặp lại cảnh cũ, người xưa?
- Ông Bùi Trọng Nghĩa: Tuyệt vời. Thật là một điều tôi không ngờ lại xảy đến trong đời mình. Mấy mươi năm tôi không còn nhớ về tấm ảnh ấy, vậy mà cuối cùng được gặp lại tất cả: ông Tạo, ông Thành. Rồi Quảng Trị. Những gì còn lại trong tôi về nơi ấy là chiến tranh, bom đạn, chết chóc, vậy mà nay phố thị sầm uất, không thể nhận ra. Đúng thật là những thay đổi trong hòa bình.
* Với ông, hòa bình đã đến và diễn ra như thế nào?
- Hòa bình với tôi thì chính là lúc diễn ra sự kiện được ông Thành ghi lại trong tấm ảnh ấy. Bọn lính tráng tuổi 20 chúng tôi hồi đó đâu có quan tâm nhiều đến chính trị, nghe tin ngừng bắn chỉ biết mừng, đúng nghĩa là "mừng chết đi sống lại".
Vậy nên mới có chuyện chúng tôi sang bên phía quân giải phóng chơi, nói chuyện. Tôi thật sự không nghĩ gì, coi họ như anh em, bạn bè, cùng trải qua khói lửa vào sống ra chết như mình. Khác chiến tuyến là do hoàn cảnh.
Từ sau đó tôi vẫn ở Quảng Trị nhưng được đưa vào đội bóng của tiểu đoàn, được thỏa nguyện say mê thể thao từ nhỏ. Rồi đến năm 1975 chiến trường lại ác liệt, chúng tôi được điều về Đà Nẵng vào tháng 2 thay thế lữ đoàn dù. Khi Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi bị bắt làm tù binh.
Đến tháng 6-1975 tôi được thả. Đường về Sài Gòn với tôi khi ấy thật lạ lẫm và nhiều cảm xúc. Rất nhiều hoang mang cho tương lai 22 tuổi của mình, nhưng nhiều hơn hết vẫn là mừng. Mừng vì còn sống và không còn nghe tiếng súng.
* Mừng cho mình hay cho ai?
- Cho tất cả mọi người, nhất là người dân. Có ai hiểu chiến tranh bằng lính, ai mong hòa bình bằng lính. Chúng tôi là lính thủy quân lục chiến, được trang bị đầy đủ đến tận răng, được bảo vệ tầng tầng lớp lớp mà trong chiến tranh vẫn chết chóc, vẫn khổ cực thì người dân tay trắng sẽ thế nào.
Nhà cửa, ruộng vườn của họ bị biến thành chiến trường sẽ thế nào, không cần nói cũng hiểu. Tôi về Sài Gòn, biết mình đã có may mắn lớn nhất đời là được sống và bắt đầu cuộc mưu sinh như họ.
Riêng tôi và mẹ còn có thêm một cái mừng: từ ngày ấy tôi không còn uống rượu. Hồi còn làm lính, còn trẻ nhưng tôi uống rượu nhiều lắm. Uống cho quên buồn, hết sợ mà. Hòa bình tôi bỏ rượu luôn.
* Cuộc mưu sinh sau đó với ông có khó khăn lắm không?
- Khó mà không khó, tôi là người đã vượt qua chiến tranh mà. Thật sự đến hôm nay gia đình tôi vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng đó là do hoàn cảnh, không phải do thời cuộc.
Nhiều người giàu có, sung sướng hơn mình, nhưng cũng nhiều người cực hơn cả mình. Hôm rồi ra Quảng Trị thấy bà con mình ngoài ấy còn nghèo, còn cực quá!
Mấy mươi năm hòa bình tôi đã làm đủ nghề, trong đó có năm năm là nhân viên vật tư của Phòng giao thông vận tải Phú Nhuận.
Hồi đó rất vô tư, làm nhân viên nhà nước, được nhiều người quý là vui, sáng được cấp cái phiếu mua chiếc bánh mì, bao thuốc lá là vui lắm.
Rồi lại có người nói ra nói vào: "Nó là ngụy". Tôi nghe vậy cũng buồn và xin nghỉ. Từ ấy việc gì nuôi mình, nuôi mẹ được là tôi làm: phụ hồ, bốc xếp, bảo vệ, xe ôm, buôn bán...
Tôi tự nhận xét mình là người lạc quan, yêu đời, yêu người. Cực quen rồi, không nghĩ mình khổ cực. Sống sạch, lương thiện là đủ rồi. Tôi dạy con tôi: làm gì thì làm cho tốt, không để ai ghét bỏ là đủ vui.
* Bây giờ, nhất là vào tháng 4, tấm ảnh "Hai người lính" được nhiều người xem như một chỉ dấu của sự hòa giải, hòa bình. Ông có theo dõi những thông tin đó không?
- Tôi không dùng máy tính, điện thoại chỉ gọi và nghe nên không theo dõi được như mọi người. Tấm ảnh "Hai người lính" đăng báo lần đầu trên Tuổi Trẻ cách nay vài năm tôi không biết cho đến sau này bạn của con tôi phát hiện.
Ngày 30-4-1975 tôi là tù binh trong rừng, nghe tin Sài Gòn thất thủ, có chút buồn và hụt hẫng nhưng thấy khỏe, vì biết vậy là hết chiến tranh, hết chết. Tôi nghĩ không chỉ có các anh bộ đội Bắc Việt và giải phóng quân mới mong muốn hòa bình, hi sinh cho hòa bình, mà chúng tôi cũng vậy, cũng khát khao hòa bình. Tôi ở miền Nam, ở Sài Gòn nên đi lính cộng hòa, nếu tôi ở miền Bắc sẽ đi bộ đội. Hoàn cảnh là như vậy. Nhà vợ tôi ở Vĩnh Kim, Tiền Giang. Hai ông chú mất trong chiến tranh, trên bàn thờ ảnh một ông mặc quân phục bộ đội, một ông mặc quân phục cộng hòa. Chắc có nhiều gia đình như thế. Là người dân, ai cũng muốn sống yên bình.
* Là người Sài Gòn gốc, ông thấy Sài Gòn đã thay đổi thế nào sau hòa bình?
- Rộng lớn hơn. Lộng lẫy hơn. Và cái dễ thấy nhất là đông người hơn. Người Sài Gòn vẫn như xưa, vẫn hào sảng, rộng rãi và hình như càng bao dung hơn vì ngày nay người từ mọi nơi tụ về đông quá, ấy vậy mà Sài Gòn vẫn dung chứa được hết. Sinh ra, lớn lên và đã già đi ở đây, Sài Gòn với tôi là cuộc đời. Đi qua cuộc chiến ấy rồi, tôi mong hòa bình ở Việt Nam là mãi mãi.
45 năm, một tấm ảnh
45 năm sau, đầu năm 2018 này, sau nhiều năm, nhiều người nỗ lực tìm kiếm, kết nối, một lần nữa hai người đàn ông ấy lại được gặp nhau ngay tại điểm hẹn cũ: chốt Long Quang, xã Triệu Trạch, Quảng Trị, lại khoác vai để ông Chu Chí Thành chụp ảnh.
Hai nụ cười lần này thật tươi, thật thoải mái. Họ đều đã vượt qua cuộc chiến tranh, đều đã hưởng trọn 43 mùa xuân hòa bình trên đất nước mình.
45 năm, tấm ảnh "Hai người lính" đã hoàn thành số phận đặc biệt của mình một cách trọn vẹn
Ông Nguyễn Huy Tạo:
Ngày vào bộ đội, cầm cây súng, tất cả chúng tôi chỉ có một quyết tâm: giải phóng miền Nam. Sau Hiệp định Paris, rút từ thành cổ Quảng Trị về chốt tại Long Quang, ngừng bắn, lần đầu tôi được gặp gỡ, trò chuyện với những người lính đối phương.
Tôi nhận ra họ cũng là những chàng trai 20 tuổi, đầy ước mơ tương lai như mình, cùng là những người lính khao khát hòa bình bằng cả mạng sống như mình.
Được gặp lại nhau sau 45 năm, chúng tôi vẫn chung một mong ước như ngày xưa: hòa bình sẽ được giữ gìn cho từng gia đình ở Việt Nam cho đến đời đời.
Ông Chu Chí Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) :
Câu chuyện về tấm ảnh "Hai người lính" là một may mắn lớn trong nghề nghiệp của tôi. Sau 45 năm, việc được gặp lại cả Nghĩa và Tạo là quá sức tưởng tượng, mong đợi. Chụp lại tấm ảnh của hai người ở chốn cũ, tôi đã âm thầm phóng lên quan sát để so sánh. Quá mừng khi nét mặt của Nghĩa thật không thay đổi. Quá mừng khi bàn tay Tạo đặt trên vai Nghĩa vẫn mở rộng hai ngón y như xưa. Khi ấy tôi mới dám tin rằng đây chính thực là họ, hai người lính tôi tình cờ gặp năm nào.
Hai tấm ảnh với hai người chụp cách nhau 45 năm nói lên được câu chuyện của đất nước. Tấm ảnh ngày xưa chụp ngay nơi chiến trường vừa kịp lặng tiếng súng, tình cảm bột phát, trong sáng, vô tư. Tấm ảnh ngày nay chụp khi hai người đã trải qua cả chiến tranh lẫn hòa bình, tình cảm càng thân thiết, gắn bó.
Chuyện phe này, phe kia trong tấm ảnh trước đã nhòa, trong tấm ảnh sau không hề hiện diện. Ý nghĩa của tấm ảnh là hạnh phúc của ba anh em chúng tôi: Chu Chí Thành - Nguyễn Huy Tạo - Bùi Trọng Nghĩa và là của tất cả mọi người...!
&
Tôi thật sự cảm động sau khi đọc bài này Xin cảm ơn NON SÔNG GẤM VÓC
Trả lờiXóa