Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

NGOẠI GIAO CHIẾN LANG PHANH GẤP ?


 

Phong cách ngoại giao chiến lang đầy ngạo mạn và hung hăng của Trung Quốc hình như được phanh gấp sau khi Tân bộ trưởng bộ ngoại giao Tần Cương (ảnh) được chính thức lên ngôi?


Tần Cương giữ chức thứ trưởng bộ ngoại giao vào năm 2018 và giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2021. Tương đương với việc giữ chức thứ trưởng dưới 4 năm và giữ chức đại sứ tại Hoa Kỳ chưa đầy 2 năm lên làm ngoại trưởng, sự thăng chức cho thấy ông rất được Tập Cận Bình coi trọng.


Bản thân Tần Cương những ngày ở Mỹ cũng rất tích cực đi xuống hoà nhập vào xã hội Mỹ (xem ảnh), gặp gỡ nhiều quan chức, nhân sĩ Mỹ và ngộ ra nhiều vấn đề về thực trạng nước Mỹ kể cả ưu và nhược điểm. Chắc chắn ông đã đúc kết ra một hướng đi hợp lý cho đường lối ngoại giao của Trung Quốc trong những năm tới. Từ đó đề đạt lên Tập Cận Bình để được đồng thuận. Lão PP đã từng nhìn nhận, sự hung hăng đối đầu của Trung Quốc với Mỹ là dại dột, càng dại dột hơn, nếu Trung Quốc xa rời Mỹ mà thân cận với Nga. Như vậy, chẳng khác chi thả con cá rô mà đi bắt con săn sắt. Lão cho rằng, đường lối ngoại giao của Trung Quốc vẫn nên trở về thời kỳ “thao quang dưỡng hối” giữ vị trí thấp để được lòng Mỹ và phương Tây. Nên giữ một khoảng cách với Nga và hoà nhập tích cực với cộng đồng quốc tế. Sau khi Tần Cương lên ngôi, lão theo dõi thì hình như gió đang đổi chiều.


Điều đáng chú ý là khi Tập Cận Bình đề cập đến Đài Loan trong bài phát biểu chúc mừng năm mới vào ngày cuối năm vừa rồi, ông ta nói: “Hai bờ eo biển Đài Loan là một gia đình. Tôi tha thiết mong muốn đồng bào hai bờ cùng chung chí hướng, cùng dắt tay nhau tiến bước”. Giọng điệu của Tập đã mềm mại hơn, rõ ràng là khác với việc thường xuyên hô to “thống nhất Đài Loan” trong các bài phát biểu của ông trước đó. Điều này phải nói rằng Tập đã tỉnh ngộ, không thể dùng vũ lực để ép buộc Đài Loan trở lại đất mẹ sau khi nhìn thấy sự thất bại nhục nhã của Nga trong cuộc chiến Ukraina và sự nhất tâm đoàn kết vì chính nghĩa của phương Tây đứng sau Ukraina.


Tần Cương sau khi nhận chức đã lập tức đăng một bài báo bình luận "Tương lai của hành tinh phụ thuộc vào mối quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ" (The planet’s future depends on a stable China-U.S. relationship) trên tờ "Washington Post" của Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 1, nói rằng trong thời gian nhiệm kỳ của mình với tư cách là đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông đã đến thăm các trang trại trồng ngô ở Missouri, đồng thời đến thăm các cảng Boston và Long Beach để kiểm tra một số lượng lớn các công-te-nơ dành cho Trung Quốc. Tần Cương đã chỉ ra trong bài báo rằng “Cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ đang mở và sẽ không đóng lại”. Đây là một bài báo xuất sắc nói lên trí tuệ ngoại giao của Tần Cương, bài báo được rất nhiều người Mỹ hoan nghênh và đánh giá cao.


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken dự kiến ​​sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 1 hoặc tháng 2 để thực hiện sự đồng thuận về việc phát triển mối quan hệ ổn định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà Tập Cận Bình và Biden đã đạt được trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 vào năm ngoái. Nếu có thể, đây sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Blinken tới Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức hai năm trước.


"Nikkei Asia" đưa tin rằng việc Tần Cương được thăng chức bất thường từ đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ và giọng điệu ôn hòa của bài báo nhằm định hình lại quan hệ Trung-Mỹ đồng thời hoàn toàn đồng điệu với thái độ ôn hòa trong lời chúc mừng năm mới của Tập Cận Bình. Rất có thể, nó tạo tiền đề tốt để Tập Cận Bình sang Mỹ dự hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào cuối tháng 11 được vui vẻ và thuận lợi.


Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính quyền Tập Cận Bình đã dần bày tỏ thiện chí với Mỹ, mục đích đưa Tần Cương nhanh chóng thăng chức ngoại trưởng Trung Quốc là hy vọng tiến bước khôi phục quan hệ với Mỹ.


Cùng lúc để dẹp đường cho Tần Cương rộng bước, Trung Quốc đã điều động “Tiểu chiến lang - sói con” Triệu Lập Kiên từ vị trí Phó Tổng cục trưởng kiêm Người phát ngôn của Bộ Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc sang làm Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao. Điều giật gân nữa là Lạc Ngọc Thành một “Đại chiến lang - sói lớn” vốn là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc bị Tập giáng chức về làm cục phó Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, đồng thời “không còn giữ chức vụ thứ trưởng ngoại giao.” Rõ ràng đây có lẽ một động thái phanh lại chính sách ngoại giao chiến lang nhất thời của chính quyền Tập Cận Bình.


Akio Yabata, một nhà truyền thông cấp cao của Nhật Bản, cho biết trên Facebook rằng vào tháng 6 năm ngoái, "Đại chiến lang" Lạc Ngọc Thành, người được coi là sẽ bổ nhiệm lên chức bộ trưởng ngoại giao và người ủng hộ Nga mạnh mẽ nhất, cùng “Tiểu chiến lang" Triệu Lập Kiên giáng chức rời đi là tín hiệu cho thấy ĐCSTQ có ý định từ bỏ" Ngoại giao chiến lang”.


Ryan Hass, một học giả về Trung Quốc và châu Á tại Viện Brookings, tin rằng việc loại bỏ Triệu Lập Kiên khỏi vị trí người phát ngôn sẽ giúp tạo ra một giọng điệu mới cho bộ ngoại giao dưới thời Tần Cương. Ryan Hass chỉ ra rằng Tần Cương khẳng định rằng ông không phải là một chiến binh sói, và việc thuyên chuyển Triệu Lập Kiên sẽ giúp ông làm nổi bật điểm này. Và Tần Cương đã dành một năm rưỡi qua để dọn dẹp "mớ hỗn độn ngoại giao" do Triệu Lập Kiên tạo ra. Có vẻ như ông sẽ sử dụng đường lối lãnh đạo của mình để giảm bớt căng thẳng đang gia tăng với Hoa Kỳ và các nước khác trong vài năm tới, việc loại bỏ Triệu Lập Kiên có thể là "sự trả giá đầu tiên" cho nỗ lực này.


Sau khi Tần Cương trở thành ngoại trưởng, cuộc điện đàm đầu tiên là giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Mỹ có bối cảnh đặc biệt nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Trung-Mỹ. Theo đưa tin, lúc đó Tần Cương vẫn đang ở Mỹ, thân phận rất đặc biệt, trong bản dự thảo của bộ ngoại giao ghi là "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Tần Cương". Đầu tiên với tư cách là ngoại trưởng Trung Quốc sau đó là đại sứ tại Hoa Kỳ, đây là tiền lệ chưa từng có trong lịch sử ngoại giao của Trung Quốc.


Liên quan đến cuộc gọi này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có một tuyên bố ngắn gọn:

“Ngày 1/1/2023 theo giờ địa phương, Ngoại trưởng Tần Cương đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại Mỹ. Tần Cương ngỏ lời chia tay Blinken và nhớ lại ông đã có một số cuộc gặp thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng với Blinken trong nhiệm kỳ đại sứ tại Hoa Kỳ. Mong muốn duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với Blinken để thúc đẩy cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Mỹ. Hai bên cũng đã trao đổi lời chúc mừng năm mới trong cuộc điện đàm”.


Điện Kremlin cũng có chút thất vọng và hoang mang khi nhận được tin Tần Cương nắm giữ chức bộ trưởng bộ ngoại giao thay vì Lạc Ngọc Thành. Ngoại trưởng Nga Sergey Viktorovich Lavrov ngày mùng 10 vừa qua đã trực tiếp yêu cầu điện đàm với Tần Cương. Kết thúc cuộc đàm thoại, Sergey Viktorovich Lavrov buồn rã rượi. Tại sao vậy? Tất cả nội dung chỉ là nghi lễ ngoại giao nhưng một nội dung nổi cộm khiến Sergey Viktorovich Lavrov thậm chí Putin buồn bã. Đấy là thông điệp rất rõ ràng rành mạch rằng Trung Quốc chấm dứt hợp tác "ba không" không giới hạn với Nga.


�Trong bối cảnh Nga đang chịu sức ép ngày càng lớn và chỉ có thể củng cố quyết tâm chiến lược hướng Đông, trông mong vào chỗ dựa lớn nhất là Trung Quốc. Lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã thực hiện cuộc gọi điện thoại "theo lịch hẹn", điều đó có nghĩa là ông Lavrov đã chủ động gọi cho phía Trung Quốc, đây thể hiện một tín hiệu khác lạ. Phía Nga hiện đang mong muốn thiết lập liên lạc với Ngoại trưởng Tần Cương càng sớm càng tốt. Vì tình thế bất lợi trên chiến trường của quân đội Nga, đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan chưa từng có trước đây là bị các nước phương Tây cô lập về ngoại giao và kinh tế, Nga không được phép mắc sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc, và càng phải chú trọng quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là kinh tế Nga, cần tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc để có được sự ủng hộ mạnh mẽ. Nếu không, dựa vào sức mạnh của chính mình, tình hình của Nga rất có thể sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Vì vậy, phía Nga trở nên tích cực hơn bao giờ hết đối với vấn đề điện đàm giữa ngoại trưởng hai nước.


Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Ngoại trưởng Nga, Ngoại trưởng Tần Cương đã thẳng thắn đưa ra nguyên tắc "ba không" của Trung Quốc, chỉ ra rằng nền tảng của quan hệ Trung-Nga là "không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào các bên thứ ba." Cách diễn đạt này là một sự thay đổi so với "ba không" mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói trước đây, "không điểm dừng, không có vùng cấm và không có giới hạn ( không phong đỉnh) ".


Tuyên bố của Ngoại trưởng Tần Cương cũng có thể coi là vạch ra một vòng tròn cho quan hệ Nga-Trung, làm rõ vấn đề nào Trung Quốc và Nga có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, vấn đề nào Trung Quốc sẽ kiên định lập trường nguyên tắc của mình. Đồng thời, khi nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, Ngoại trưởng Tần Cương nhắc lại “bốn cần phải” và “bốn cùng nhau” mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra. Cụ thể là :”Sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia cần được tôn trọng, Hiến chương Liên hợp quốc cần được tôn trọng, mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các bên cần được tôn trọng và tất cả các nỗ lực giải quyết xung đột một cách hòa bình cần được ủng hộ”. Trên cơ sở đó, Trung Quốc tin rằng “tất cả các bên nên cùng nhau chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cùng nhau ủng hộ mọi nỗ lực để đạt được hòa bình, cùng nhau đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, và cùng nhau giúp đỡ dân thường trong các khu vực chiến sự sống sót qua mùa đông". Đây cũng là lời kêu gọi trân trọng mà Trung Quốc gửi tới các bên, trong đó có Nga và Ukraine.


Có thể thấy, từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga Medvedev năm ngoái đến cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Tần Cương và ông Lavrov lần này, thái độ “thuyết phục hòa bình, thúc đẩy đàm phán” của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là rất kiên định và rõ ràng. Mong rằng Nga sẽ có sự khôn ngoan chính trị để xử lý cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine một cách thỏa đáng.


Lão theo dõi Tần Cương lâu nay và đánh giá cao trí tuệ và trình độ ngoại giao của ông ta. Mong rằng Tần Cương hậu sinh khả uý, dẫn dắt đường lối ngoại giao của Trung Quốc thích hợp hơn với xu hướng chính trị toàn cầu, nghiêng về chính nghĩa, xa rời phi nghĩa. Gạt bỏ đi những vết dơ bẩn của sài lang, góp phần tích cực cho sự nghiệp hoà bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới. Vẫn là câu lão hay nhắc đến: Trong chính trường, không có kẻ thù vĩnh viễn cũng như bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Tần Cương cố lên - 秦刚加油!

Tác giả: Peter Pho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét