Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Lưu Á Châu: Người dân không còn cần một lãnh tụ vĩ đại!

 


Thượng tướng Lưu Á Châu, một đảng viên cao cấp của ĐCSTQ đã bị bắt cách đây hai năm, có thể bị kết án tử hình nhưng được kéo dài thời hạn thi hành án vì tội tham nhũng nghiêm trọng. Hiện tại Trung Nam Hải đang có nhiều cơn sóng ngầm, ông Tập cho thực hiện hai biện pháp lớn là bổ nhiệm Thái Kỳ làm “Đại nội tổng quản” phòng ngừa đảo chính, đồng thời thúc đẩy xu hướng “điều tra nghiên cứu” tìm ra đối thủ chính trị có mưu mô quỷ quái. Trong lúc này, Trung Nam Hải đưa ra vụ án cũ Lưu Á Châu, dường như có ý định giết gà dọa khỉ.
Vậy Lưu Á Châu là “yêu quái” phương nào? Trong Wikipedia đã có sẵn: Lưu Á Châu (tiếng Trung: 刘亚洲; sinh 1952) là Thượng tướng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF), nguyên Phó Chính ủy Không quân Trung Quốc; nguyên Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford Mỹ. Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan tâm. Tướng Lưu là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm.
Lưu có một bài viết nổi tiếng có ẩn ý kiếm chỉ Tập Cận Bình. Theo lão PP thì họa đến từ bài này. Họ Lưu có giọng văn và triết lý lập luận cũng gần bằng thánh chém PP. Xin dịch ra đây để các bạn tham khảo.
“Đại đa số các quốc gia trên thế giới không có cái gọi là lãnh tụ vĩ đại nào, và chỉ có một số quốc gia đã có lãnh tụ vĩ đại. Mục đích cơ bản của cách mạng hiện đại là xóa bỏ đặc quyền và đạt được bình đẳng xã hội. Lãnh đạo cuộc cách mạng này một khi trở thành lãnh tụ vĩ đại, thì có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã thất bại, bởi một đặc quyền mới tối cao có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đã sản sinh.
Nhà lãnh đạo của một quốc gia hiện đại muốn có những đặc quyền giống như đế vương cổ đại, thì cách tốt nhất là dùng mọi thủ đoạn biến mình thành một lãnh tụ vĩ đại. Vì vậy, nếu một lãnh tụ vĩ đại xuất hiện ở một quốc gia nào đó, thì chắc chắn không phải là điều tốt, đó có nghĩa là người dân của quốc gia này sẽ gặp xui xẻo.

Một khi trở thành lãnh tụ vĩ đại, ông ta đến chết cũng không giao lại quyền lực, lời nói của ông ta là chân lý, giống như “Thánh chỉ”, mọi người đều phải trung thành với ông ta, nếu phát hiện kẻ nào không phục, ông ta chỉ cần búng ngón tay là có thể nhẹ nhàng chuyển giao kẻ đó xuống địa ngục. Lãnh tụ vĩ đại đồng nghĩa với đế vương hiện đại.

Một nhà lãnh tụ cách mạng hiện đại với những tình cảm thực sự cao cả sẽ không bao giờ dung túng cho người khác tung hê mình lên trời, chứ đừng nói là dùng mọi thủ đoạn để tung hê mình lên trời. Đây là sự khác biệt căn bản giữa nhà lãnh đạo cách mạng hiện đại với cá nhân kẻ dã tâm.
Một nhà lãnh đạo chính trị khi tại vị bị tôn là vĩ nhân thì dứt khoát ông ta không thực sự vĩ đại. Khi bắt đầu thành lập Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Trung Sơn đến thăm Phúc Kiến bằng tàu chiến. Tàu thả neo tại Mawei, Tôn Trung Sơn phát hiện có nhiều thuyền nhỏ tụ tập đón mình, hầu hết đều treo khẩu hiệu tung hô ông vạn tuế.
Tôn Trung Sơn nói: Từ “vạn tuế” là cách mà hoàng đế phong kiến ​​​​bắt thần dân hô hoán. Vì muốn chống lại cái “vạn tuế” này, biết bao nhiêu đồng chí cách mạng đầu rơi máu đổ. Nếu tôi nhận câu tung hô này, tôi liệu có làm phụ lòng các tiên liệt không? Ông yêu cầu phải gỡ bỏ hết những khẩu hiệu ấy thì ông mới lên bờ.
Các quốc gia phát triển rất tốt trên thế giới từ xưa đến nay chưa từng có lãnh tụ vĩ đại nào. So sánh điển hình nhất là giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, tôi chưa từng nghe nói vị lãnh tụ vĩ đại nào ở Hàn Quốc, nhưng lãnh tụ vĩ đại ở Triều Tiên vĩ đại đến mức lên tận trời xanh. Kết quả của sự phát triển ai cũng thấy rõ, cùng một vùng đất, cùng một dân tộc, khác nhau một trời một vực. Bắc Âu hiện là khu vực có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất thế giới và là khu vực mang tính chất xã hội chủ nghĩa nhiều nhất, tôi chưa từng nghe nói có lãnh đạo nào ở Bắc Âu là một lãnh tụ vĩ đại.

Một hệ thống dân chủ dựa trên sự bình đẳng, và các giá trị dựa trên sự bình đẳng, vượt trội hơn nhiều so với sự anh minh và tất cả các loại học thuyết hay ý tưởng hùng vĩ, tráng lệ, đẹp đẽ và cảm động của một lãnh tụ vĩ đại.
Kinh nghiệm lịch sử nghiệt ngã chứng minh rằng lãnh tụ càng vĩ đại thì dân càng nhỏ bé, và lãnh tụ càng vĩ đại thì hệ thống pháp luật càng vô hiệu. Một khi nhà lãnh đạo cách mạng trở thành một lãnh tụ vĩ đại, ông ta không còn là vị cứu tinh của nhân dân, mà là họa tinh của nhân dân.

Các nhà lãnh đạo cách mạng tự vơ lấy công lao là điều nhục nhã, và người dân mù quáng tôn thờ họ là điều ngu xuẩn. Dân chủ và pháp chế, tự do và bình đẳng, hạn chế công quyền, bảo vệ dân quyền là những hệ thống cao đẹp mà công dân trong xã hội hiện đại nên đeo đuổi, nếu bác bỏ hệ thống này thì sẽ không bao giờ trở thành một dân tộc tiến bộ được người đời kính trọng, và quốc gia này sẽ không có bất kỳ tương lai tươi sáng nào”.

Peter Pho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét