Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Việt Nam: Cuộc xâm lược của Trung Quốc và vai trò của Liên Xô


           "Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng!"

   Đã 33 lần tấm lịch gợi nhớ sự kiện bi thảm trong lịch sử Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.  Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội Trung Quốc vượt biên giới Việt Nam, khi đó thậm chí còn chưa có thời gian để chữa lành những vết thương do  xâm lược Mỹ gây ra, và đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh phía Bắc của nước cộng hòa. Mục đích của hành động này, theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, là "trừng phạt" Việt Nam vì đã tham gia lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia.


Tại thời điểm đó có 85% Quân đội nhân dân Việt Nam hiện diện ở Campuchia. Vì vậy, đáp trả những kẻ xâm lược chỉ có một bộ phận quân thường trực, bộ phận lực lượng quốc phòng địa phương, đơn vị biên phòng và dân quân tự vệ. Lãnh đạo Việt Nam không được biết sức mạnh của cuộc xâm lược, cũng như hướng tiến quân của Trung Quốc.

Trong tình hình đó, Liên Xô đã hỗ trợ đầy đủ cho Việt Nam. Nhằm lôi kéo quân đội Trung Quốc từ phía Nam, 29 sư đoàn súng trường cơ giới của quân đội Liên Xô với sự hỗ trợ của không quân đã được điều tới biên giới Xô-Trung trong khu vực Mãn Châu. Để bảo vệ Việt Nam trước những hành động của Hạm đội hải quân Nam Trung Quốc, 30 tàu chiến của Liên Xô được tập trung tại những khu vực chiến lược quan trọng của Biển Đông. Một nhóm các cố vấn quân sự Liên Xô đã được gửi thêm đến Việt Nam. Nhóm được thành lập tại Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô vào đầu tháng Hai năm 1979, theo khuyến nghị của Tổng cục trưởng tình báo, từng cảnh báo không phải là về một giả thuyết, mà về khả năng cuộc tấn công thực sự của Trung Quốc vào Việt Nam.

Trong số những cố vấn đến nước Cộng hòa có cả các chuyên gia trinh sát. Lãnh đạo họ là Thiếu Tướng Evstafi Melnichenko, được bổ nhiệm là cố vấn của ông Phan Binh, chỉ huy bộ phận tình báo Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam. Trung tướng Viktor Demyanenko, cựu cố vấn của Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam tại thời điểm đó kể:
“Họ đã làm việc với điệp viên để thu thập các dữ liệu cần thiết. Họ nhận được những thông tin thú vị về thành phần của quân đội và lực lượng xâm lược qua những quyết định mà Chính phủ Trung Quốc đã thông qua.”

Kết quả công việc chung của trinh sát Liên Xô và Việt Nam là đã có thể nhanh chóng xác lập rằng các lực lượng xâm lược có khoảng 600.000 người, bộ phận thường trực của quân đội nhân dân Việt Nam trên các biên giới phía Bắc của nước cộng hòa đã chiến đấu trong vòng vây, và đòn tấn công chính của Trung Quốc dự định sẽ giáng vào Lạng Sơn để mở đường tới Hà Nội.

Dựa trên thông tin tình báo này, người đứng đầu nhóm các cố vấn Liên Xô, tướng Gennady Obaturov đã họp với Tổng bí thư Lê Duẩn đề nghị chuyển lực lượng thiện chiến nhất của Quân đoàn Việt Nam từ Campuchia sang mặt trận phía Bắc. Ông cũng gợi ý các mục tiêu cụ thể trên con đường quân đội xâm lược tấn công để bố trí tên lửa "Grad" của Liên Xô vừa được chuyển giao cho Việt Nam trước đó chưa lâu. Và ông đã giới thiệu với nhà lãnh đạo Việt Nam kế hoạch các cố vấn Liên Xô lập ra về việc đưa các đơn vị thường trực Việt Nam ra khỏi vòng vây của Trung Quốc.

Những đề nghị này được chấp nhận. Việc thực hiện các kế hoạch đó ngay lập tức thay đổi tình hình ở mặt trận theo hướng thuận lợi cho Việt Nam. Các lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chặn quân Trung Quốc, không cho các kẻ thù di chuyển hơn 30 km kể từ biên giới. Đến  ngày 05 tháng 3, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, và ngày 18 tháng 3 chiến sự hoàn toàn chấm dứt. Một lần nữa, như trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ một vài năm trước đó, Việt Nam đã bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Tất cả cố vấn quân sự Liên Xô đến nước cộng hòa để hỗ trợ trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược Trung Quốc đã được trao huy chương “Chiến công”  của Việt Nam. Họ không ngay lập tức trở về Tổ quốc. Họ đã ở Việt Nam thêm hai năm nữa để giúp cải cách và nâng cấp Quân đội nhân dân Việt Nam.
  Aleksei Lensov
  Theo đài TNNN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét