Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

XIN ĐỪNG ĐỐT LỊCH SỬ!



   "Nhưng tại sao chúng ta trân trọng cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng như phim Đừng đốt thì chúng ta lại cố tình quên, mà thực chất là đang đốt đi một giai đoạn lịch sử bi thương nhưng đầy hào khí chống ngoại xâm của dân tộc ta: Cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979?"  Việt Minh.

 Theo Sử ký Tư Mã Thiên chủ trương Đốt sách, Chôn nho của Tần Thủy Hoàng được thực hiện từ năm 213 trước Công nguyên. Qua đó, tất cả những kinh điển từ thời Chư tử Bách gia (trừ sách Pháp gia, trường phái của Lý Tư) đều bị đốt sạch. Lý Tư còn đề nghị đốt tất cả thi, thư, sách vở, trừ những quyển được viết vào thời nhà Tần. Sách trong lĩnh vực triết lý và thi ca, trừ những sách của Bác sĩ (cố vấn nhà vua) đều bị đốt. Những nho sinh dùng sử sách để chỉ trích chính quyền đều bị hành hình. Những ai dựa vào chế độ cũ để phê phán chế độ mới sẽ bị xử tội chém ngang lưng.

  Việt Nam vốn tự hào là quốc gia có hơn 4000 năm văn hiến, nhưng sách vở của người xưa để lại thì rất ít. Nguyên nhân chính là vì quân nhà Minh bên Tàu đã ra lệnh hủy hết sách vở ngay trong những ngày đầu đô hộ nước ta để dễ bề cai trị.
   Xét về mặt lịch sử, Việt Nam cũng đã trải qua rất nhiều thời kỳ sách vở bị tiêu hủy cho phù hợp với những thay đổi qua các giai đoạn chính trị. 

   Tại miền Nam , ngay sau ngày 30/4/1975, việc đốt sách được thể hiện qua chiến dịch Bài trừ Văn hóa Đồi trụy-Phản động. Tự bản thân khẩu hiệu trong chiến dịch đã nêu rõ 2 mục đích: (1) về chính trị, bài trừ các luồng tư tưởng phản động chống đối chế độ và (2) về văn hóa, xóa bỏ hình thức được coi là đồi trụy theo hình thức tư bản.
Tại miền Nam , ngay sau ngày 30/4/1975, việc đốt sách được thể hiện qua chiến dịch Bài trừ Văn hóa Đồi trụy-Phản động.

    Trên thực tế, tại miền Bắc, ngay sau khi tiếp quản Hà Nội, việc kiểm duyệt sách báo, bài viết trước khi đem phổ biến ra công chúng đã được thực hiện ngay từ năm 1954. Đối với các loại sách báo đã in ra từ trước 1954 dưới thời Pháp thuộc cũng đã bị đốt. Thế cho nên, việc đốt sách tại miền Nam năm 1975 chỉ là rập khuôn của chính sách cũ năm 1954. 
  
   Toàn bộ sách ấn hành tại miền Nam của nhiều tác giả đều bị ‘đánh đồng’ là tàn dư Mỹ-Ngụy, văn hóa nô dịch, phản động và đồi trụy. Các cấp chính quyền từ phường, xã, quận, huyện, thành phố ra chỉ thị tập trung tất cả các loại sách vở, từ tiểu thuyết, biên khảo cho đến sách giáo khoa để đốt sạch. 

  Trong lịch sử cận đại, Việt Nam được biết đến như là một quốc gia được hình thành bằng những cuộc chiến đẫm máu.

   Nhưng chính nó lại lãng quên phũ phàng một cuộc chiến rất ngắn ngủi nhưng khốc liệt, dã man và đầy kịch tính  đã xảy ra giữa những người đã từng là đồng chí với nhau, đó là cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979.

   Dù gọi dưới danh xưng gì đi nữa thì cuộc chiến này vẫn là một trong những trận chiến thảm khốc nhất Việt Nam dưới gốc độ hủy diệt và dã man trong một khoảng thời gian rất ngắn.
   Không có bất cứ số liệu nào chính thức và khả tín về con số thương vong của quân dân hai bên tham chiến, tuy nhiên con số mà người ta ước lượng là trên 100 ngàn người cho cả hai phía sau gần 30 ngày giao tranh đẫm máu sau khi Trung Quốc chính thức rút quân vào ngày 16/3/1979.

   Mục tiêu mà Trung Quốc đưa ra để tiến hành cuộc chiến tuy vẫn còn khá rối rắm, mơ hồ, nhưng chuyện hủy diệt làng xóm, sát hại dân thường Việt Nam thì quá lộ liễu. Trên đường tấn công, quân Trung Quốc nã súng không thương tiếc đối với bất kỳ ai, bất kỳ vật gì mà họ gặp trên đường tiến quân. Sư đoàn 163 (Trung Quốc) nhận được lệnh từ cấp trên là “sát cách vô luận” (giết người không bị buộc tội) do vậy lính Trung Quốc vô tư, “rộng rãi” sử dụng đại bác, hỏa tiển, súng phun lửa, mìn và kể cả xăng để tiêu diệt từ làng này sang làng khác, hết chục người này đến trăm, ngàn người khác.

   Trong một bài viết, nhà báo Huy Đức đã hé mở một sự thật mà ít người có dịp tiếp cận đó là “Nếu như, ở Bát Xát (Lào Cai), hàng trăm phụ nữ bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang, thì tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người gồm 23 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.” 
Quân Trung Quốc phá hủy đường tàu của VN trong chiến tranh xâm lược 1979
 
  Kết quả đó đã được Đặng Tiểu Bình hả hê xác nhận chủ tâm dã man này trong một bài nói chuyện đúng vào ngày rút quân của Trung Quốc: “Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người.” 

   Ngày này, ba mươi ba năm sau, dường như không còn chút vết tích gì về cuộc chiến đó trên quê hương Việt Nam. Đối với những nạn nhân trong chiến cuộc thì câu hỏi lớn và đau đớn nhất của họ trong ngày này đây là một sự lãng quên vô tình hay phản bội? Bởi toàn bộ hệ thống truyền thông, báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam không hề nêu lên một chữ dù chỉ để nhắc nhớ như đã từng nhắc nhớ về những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ?

  Cũng có những nghĩa trang chôn cất những người đã hy sinh trong trận chiến nhưng lại đìu hiu đến ngậm ngùi. Nghĩa trang Duyên Hải, Lào Cai là một điển hình chua xót. Cũng từ chủ nghĩa ấy các anh đã cầm súng và hy sinh, và sự hy sinh của các anh ngày hôm nay đã biến vào hư không, âm thầm như nhũng cái chết vô danh. Những nấm mộ này vẫn đang nằm trong lãng quên của nhiều người, ngoại trừ nỗi buồn phiền của người thân các anh.

Liệu có thể mang một lời trách cứ đến với chính quyền Việt Nam khi hình ảnh 16 chữ vàng đã nghiễm nhiên thay chỗ cho những khuôn mặt đầy máu, những thân hình xiêu vẹo nghiêng ngã cùng những hy sinh không đếm được của hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào trong cuộc chiến 17 tháng 2 này”.

    Dạo qua những tờ báo giấy, báo mạng chính thống mấy ngày qua để biết VN kỉ niệm trận đánh lịch sử đó ra sao. Ta chỉ có thể nói là thất vọng. Không thấy báo nào nhắc đến trận chiến cướp đi hàng vạn người. Không có tưởng niệm những binh sĩ đã hi sinh. Không ai nhắc đến những cuộc tàn sát dã man đầy thú tính của quân xâm lược. Không ai nhắc đến những gia đình có người là nạn nhân của quân Trung Quốc. Không thấy bài nào phân tích tại sao cuộc xâm lăng xảy ra. Đó là một thái độ rất ngạc nhiên.
   Càng ngạc nhiên hơn khi bên Trung Quốc họ công khai viết, nói về cái mà chúng gọi là “cuộc chiến tự vệ” trên hệ thống truyền thông của họ. Ấy thế mà phía VN không có một lời phản ứng. Ngược lại, vào đúng dịp này phía VN còn có phái đoàn cao cấp sang đó thăm để thắt chặt tình hữu nghị! Không để vào lúc khác được sao? Hỡi các nhà ngoại giao chính trị.

   17/02 năm nay đánh dấu 33 năm ngày mở màn cuộc chiến biên giới Việt – Trung, nhưng nhiều cựu chiến binh tỏ ra miễn cưỡng không muốn nói về sự kiện.

  Một số quân nhân từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến không muốn đề cập vì cho rằng hai nước đang cần xây dựng quan hệ bình thường.
   Một cựu binh VN nói với BBC: “Hàng xóm với nhau, chín bỏ làm mười, thôi, chẳng nên nhắc lại làm gì. Chủ trương của Đảng là thế, mà tôi cũng nghĩ thế,”

  Trong khi đó, tâm sự với BBC trong điều kiện không nêu tên, một người khác tiết lộ cảm nghĩ thực về Trung Quốc:
“Trung Quốc không thật thà đâu, lúc thế này lúc thế khác. Buôn bán cũng vậy, cả thế giới người ta nói còn gì.”

Nhưng vị cựu binh vẫn bảo lưu quan điểm rằng không nên nói công khai về cuộc chiến biên giới mấy chục năm trước.

“Bỏ quá khứ đi để có quan hệ láng giềng cho tốt.”

  Trong khi đó trên mạng, một số người không hài lòng việc truyền thông trong nước hầu như không nhắc gì sự kiện này.

   Nhà báo hải ngoại Lê Diễn Đức viết: “Sáng ngày 17/2/2012, cho tới 12 giờ trưa, giờ Hà Nội, tôi lướt qua trang chủ các tờ báo điện tử được xem là phổ biến nhất trong nước… không một tờ nào nhắc tới cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào ngày này.”

   Ở nước ta trong thời gian gần đây có hiện tượng dốt sử, nhưng ít ai nói đến nguyên nhân của hiện trạng này. Báo chí (và cả xã hội) đang rất quan tâm tình trạng học sinh, sinh viên không quan tâm đến sử, và cũng chẳng quan tâm đến những sự kiện quan trọng mang tính lịch sử. Thay vào đó, đầu óc họ dành cho phim cổ sử Tàu, cho thời trang … Không trách họ không quan tâm đến sử, khi mà TV, báo chí cũng chẳng hề nhắc đến sự kiện quan trọng như sự kiện 17/02/1979.

  Hầu như ai cũng biết đến cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, câu chuyện về cuộc đời của người nữ bác sĩ anh hùng và số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký của chị . Có lẽ vì vậy mà khi Đừng đốt, bộ phim tái hiện cuộc đời chị cùng hành trình của cuốn nhật ký được trình chiếu, khán phòng luôn chật kín người. Cả khi Viện Văn hóa - Giáo dục VN (IVCE) giới thiệu và trình chiếu tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Đại học Brown, Đại học Wesleyan.... cũng thu hút khán giả như vậy.

   Nhưng tại sao chúng ta trân trọng cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng như phim Đừng đốt thì chúng ta lại cố tình quên, mà thực chất là đang đốt đi một giai đoạn lịch sử bi thương nhưng đầy hào khí chống ngoại xâm của dân tộc ta: Cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979?

  Ở Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay tại các nghĩa trang liệt sĩ và các tượng đài chiến tranh bao giờ cũng có ghi trang trọng câu “Hикто не забыт, ничто не забыто!”; tạm dịch là “Không ai bị lãng quên, không có điều gì bị quên lãng!”.
  “Không ai bị lãng quên” là nhắc chúng ta luôn ghi nhớ những người đã vì Tổ quốc vì chúng ta mà hy sinh xương máu, nhớ những nạn nhân của cuộc chiến đã phải chết tức tưởi. 
  “Không điều gì bị quên lãng” là nhắc chúng ta ghi nhớ những sự kiện bi thảm, khốc liệt của cuộc chiến, những hy sinh mất mát to lớn, những tội ác dã man của quân xâm lược, những bài học xương máu cho thế hệ sau…
  Đây là hành động nhân văn của thế hệ sau đối với tiền nhân.

“Không ai bị lãng quên, không có điều gì bị quên lãng!”.
  Bởi “Khép lại quá khứ” không có nghĩa là im lặng tuyệt đối. Chúng ta đã khép lại quá khứ  đối với tội ác xâm lược hàng nghìn năm qua của giặc Tàu; của thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ mấy chục năm vừa qua, nhưng chúng ta đã không “im lặng tuyệt đối” như cách của chính quyền Việt Nam hiện nay đối với sự kiện 17/02/1979.

  Tại sao như vậy?

  Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ của VN tại Trung Quốc, khi được hỏi vế nguyên nhân của sự lãng quên này ông nói:
   “Đáng lẽ những ngày như thế phải có lễ kỹ niệm, bởi vì đó là ngày Trung Quốc đánh chúng ta đấy, chúng ta mất mát nhiều lắm rồi. Trung Quốc tàn phá biên giới của chúng tôi; giết hại đồng bào của chúng tôi; chiếm những cao điểm của chúng tôi. Đó là một dấu mốc mà nhân dân chúng tôi rất là đau xót. Đáng ra phải có lễ kỹ niệm, nhưng tôi không hiểu sao? Một là do sức ép của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, và họ vẫn thường đưa ra “16 chữ vàng” rồi thì hữu tình , hữu nghị, rồi thì “4 tốt” để mà mê hoặc lãnh đạo chúng tôi để không làm gì cả.
    Theo tôi đó là do Trung Quốc vừa ăn cướp vừa bịt miệng chúng ta, vừa ăn cướp vừa muốn bịt miệng nạn nhân. Nếu tôi là lãnh đạo tôi sẽ làm lễ kỹ niệm. Bây giờ bình thường thì cứ quan hệ bình thường, vẫn trao đổi làm ăn buôn bán với nhau. Nhưng bình thường thì không thể nào không nhớ đến những ngày đau xót ấy được. Hữu nghị thì phải có đấu tranh. Không thể để người ta cứ làm bừa rồi đưa bài hữu nghị ra bịt miệng mình được.”

   Trong thâm tâm, Tần Thủy Hoàng cũng như Lý Tư đều biết rất rõ, lệnh đốt sách (thực chất là đốt sử) không thể nào xóa sạch những tư tưởng, tình cảm trong đầu óc dân chúng, những cuốn sách ‘khó đốt’ nhất là nằm trong tinh thần con người. Như vậy, việc đốt sách thực tế chỉ là một thủ đoạn chứ không tạo được tác dụng triệt để trong việc xóa sạch vết tích văn hóa-chính trị như mong muốn. 

   Vậy tại sao cả hệ thống truyền thông đồ sộ của nhà nước Việt Nam lại chẳng hề nhắc đến sự kiện quan trọng như sự kiện 1979?

   Xin đừng đốt lịch sử! Bởi đó chỉ là hành động vô cảm và vô ích.


Ghi chú: + Bài có sử dụng tư liệu của cộng đồng mạng.

1 nhận xét:

  1. Никто не забыт и ничто не забыто”
    Không một ai bị lãng quên, không có gì bị quên lãng

    Mười bảy tháng hai
    Không một vòng hoa, không một nén hương
    Không một lời tỏ ý tiếc thương
    Trước vong linh những anh hùng liệt sĩ
    Chỉ gió lạnh qua hàng mộ chí
    Và mưa rơi nước mắt trong lòng.
    Không! Một ngàn lần không
    Không một ai bị lãng quên
    Không một điều đi vào quên lãng.
    Ai cấm được ?
    Ngọn nến trong lòng ta thắp sáng
    Nén tâm hương ta đốt ngang đầu
    Trong lòng ta tâm nguyện một câu
    Không một ai bị lãng quên
    Không một điều đi vào quên lãng.
    Huỳnh Văn Úc

    Trả lờiXóa