"Từ những năm đầu thế kỷ, nhiều nhà khoa học, nhiều nước Âu, Mỹ đã tổ chức và tiến hành nghiên cứu rất nghiêm túc về tâm linh. Một nhà khoa học thuộc Liên Xô cũ đã nhấn mạnh: Lý luận duy vật không những cho rằng tâm linh có thực mà còn coi đó là “vật chất notron sống”. Mục đích nghiên cứu của họ là giúp con người phát triển khả năng siêu năng lực tiềm tàng. Nếu chúng ta không sớm coi đây là một ngành khoa học và tổ chức nghiên cứu thật chu đáo thì chắc chắn sẽ tụt hậu so với thế giới. Và như thế thì thật là đáng tiếc !
Xin hãy coi “tâm linh” là đối tượng khoa học và đối xử như một ngành khoa học mới." - Đắc Trung.
Tôi quen
Phan Thị Bích Hằng qua Vũ Huy Hùng. Chú Hùng là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty đầu
tư phát triển nhà Hà Nội mà từ lâu tôi quý như em.
Thật ra từ trước đó mấy năm, được nghe không ít
người nói, đọc không ít bài viết và qua không ít băng ghi âm, ghi hình về Phan
Thị Bích Hằng cùng một số nhà ngoại cảm khác như Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên,
Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Nhã ... với những khả năng đặc biệt kỳ diệu của họ
và bằng những khả năng Trời ban ấy họ đã làm được biết bao việc đức, tìm được
hàng vạn hài cốt liệt sĩ, hàng trăm phần mộ thất lạc đem hạnh phúc vô giá cho
biết bao gia đình. Trong thâm tâm tôi rất kính phục họ`và muốn có dịp được làm
quen để tỏ lòng ngưỡng mộ, để tìm hiểu về họ, về ngoại cảm - một lĩnh vực khoa
học rất mới mẻ này. Nhưng cho đến lúc ấy tôi chỉ mới “có duyên” được thân thiết
với anh Đỗ Bá Hiệp. Giờ được Hùng nhận lời giới thiệu với Phan Thị Bích Hằng,
tôi mừng lắm.
Tối 12 tháng 2 năm 2006 Hùng đón. Hai chúng tôi
đến thăm Bích Hằng ở nhà riêng. Đã hẹn trước, cả nhà đón tiếp rất vui vẻ. Tuấn,
chồng Hằng, kỹ sư điện tử viễn thông, đẹp trai, hiền, ít nói. Hai “cậu
cưng” 7 tuổi và 3 tuổi rất xinh và hiếu động. Hằng da trắng, mũi thẳng, mắt
đen, dịu dàng. Chỉ tiếp xúc mươi phút thôi cũng nhận ra ngay đó là một cô gái
thông minh và tháo vát. Hằng kém con gái đầu của tôi hai tuổi. Vợ chồng Hằng rất
thân với Hùng. Sau đó qua trò chuyện lại biết thêm tôi đã từng quen bố của Hằng
khi ông còn công tác trong quân đội. Thế là chú cháu chúng tôi trở nên thân thiết.
Rồi tôi và Hùng về quê Hằng ở Yên Khánh, Ninh
Binh thăm bố cô khi ông đau bệnh, về chia buồn tiễn biệt khi ông qua đời. Hàng
năm trời anh em, chú cháu chúng tôi gặp gỡ giao lưu. Được nghe Hằng kể về mình,
được những người bạn gần gũi kể về cô và đặc biệt được nghe mẹ của Hằng, một cô
giáo dạy văn rất khiêm nhường, nhân hậu và chân thật kể về Hằng từ bé đến lớn,
nhất là những năm tháng tai hoạ giáng xuống. Hằng bị chó dại cắn phát bệnh, lên
cơn tưởng không qua khỏi. Rồi những lời thị phi ác khẩu vu cho Hằng tuyên truyền
mê tín dị đoan, thậm chí bị công an bắt tạm giữ... Để trở thành nhà ngoại cảm
đem tâm sáng, lòng thiện giúp đời như bây giờ bản thân Hằng và cả gia đình
cô đã phải gánh chịu biết bao đau khổ, bất hạnh ...
Chắp nối các chuyện đã nghe, các bài đã đọc và
hình ảnh đã xem có thể tóm lược những nét chính về Phan Thị Bích Hằng với tư
cách nhà ngoại cảm như sau.
Năm 1989, mười tám tuổi, Hằng và cô bạn thân
cùng bị một con chó cắn. Ở nông thôn bị chó cắn là thường, chẳng mấy bận tâm.
Không ngờ khoảng một tháng sau cô bạn đột nhiên phát bệnh, người co giật, hàm
răng cứng lại. Hằng đưa bạn đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bị bệnh dại. Hằng
bàng hoàng: “Đúng như vậy. Cháu và bạn ấy cùng bị một con chó cắn”. Hoang mang
cực độ, cảm thấy tử thần đã xiết chặt cổ mình , hôm sau Hằng cũng hôn mê bất tỉnh
còn cô bạn thì qua đời.