Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

NHỮNG NỖI ĐAU NƯỚC ĐỨC


Luật pháp, nếu không được thượng tôn và bất kỳ sự nhân danh an ninh nào để đe doạ đến an nguy và tự do của một con người, đều khiến cho mọi sự an ninh sẽ đều trở nên vô nghĩa. Và ai cũng trở nên bị nguy hiểm bởi chính những sự vô pháp ấy, dù nó có thể nhân danh bất cứ nhiệm vụ hay mục đích cao cả nào để làm lý do cho sự thực thi.
 theo FB Luân Lê  (Luật sư)

Chúng ta hãy nhớ rằng, nước Đức đã chịu rất nhiều nỗi cay đắng trong lịch sử. Và bản thân dân tộc Đức cũng đã phải trả giá rất nhiều trong những giai đoạn mà thế giới còn đang chạy đua vũ trang bằng chiến tranh.
Họ trả giá bằng tham vọng bá chủ thế giới với một chế độ độc tài phát xít của Hitler. Mặc dù sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức bại trận và cả quốc gia này phải chịu nhục nhã bằng một biên bản bồi thường chiến tranh cho thế giới, mà phải 5 năm sau vẫn chưa thể trả nổi những món nợ do thua phe đồng minh. Và một dân tộc "thượng đẳng" thì không thể nào chịu cảnh bị thế giới làm nhục như thế. Đó là lý do Hitler gây ra cuộc chiến thế giới lần thứ 2 để rửa hận và đứng trên đỉnh thế giới mà cai trị.

Họ lại một lần nữa thua cuộc đau đớn. Nước Đức bị chia cắt thành hai miền Đông và Tây Đức theo hai trường phái khác nhau. Miền Đông thì theo CNXH (cộng sản) và do Liên Xô cai quản. Miền Tây đi theo tư bản và do Mỹ hậu thuẫn.
Và phía bên kia bức tường Berlin nổi tiếng được dựng lên những năm 1960s, người Đức lại một lần nữa phải chịu cảnh những "mật vụ an ninh" (Stasi) kiểm soát đến từng ngõ ngách, khống chế từ ý nghĩ đến cả thói quen sinh hoạt, sẵn sàng bắt bớ và có thể thủ tiêu bất cứ kẻ nào dám chống lại chế độ hoặc nghi là thế lực thù địch, có ý kiến đối lập với chính quyền. Nó đã từng xảy ra tương tự, nhưng không khốc liệt bằng thời mật vụ Gestapo của Hitler mà là nỗi khiếp sợ của nhân dân Đức trong nửa đầu thế kỷ 20.
Người Đức đã quá thấu hiểu và cảm nhận rõ rệt những hành vi khủng bố, sự dã man và cảnh đứng trên mọi luật lệ của những nhân viên mật vụ nhân danh an ninh quốc gia để làm mọi thứ mình thích, hoặc viện dẫn là nhiệm vụ cao cả thay cho chính quyền. Sau năm 1990, tức sau thời điểm đập bỏ bức tường Berlin để thống nhất hai miền Đông-Tây Đức làm một quốc gia thống nhất, họ coi Stasi là một tổ chức tội phạm và nhiều kẻ đã phải trả giá bằng việc bị khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.
Nước Đức đã trải qua rất nhiều biến cố lịch sử lớn và đầy đau thương. Nhưng tố chất cố hữu của họ là trí tuệ và ý chí quật cường, nên luôn là một quốc gia đi trước thế giới về nhiều tham vọng, không chỉ chính trị, kinh tế mà còn cả tư tưởng triết học và các lĩnh vực khoa học. Họ đang là cường quốc thứ 4 thế giới về kinh tế và là quốc gia lãnh đạo khối liên minh châu Âu (EU) - nơi tập trung các lục địa văn minh của nhân loại.
Và họ coi những hành động của "những mật vụ an ninh" nhân danh thực thi công vụ để bắt bớ người không theo luật pháp, là những hành động không thể nào chấp nhận được. Nhân dân Đức đã hai lần phải trải qua sự đày đoạ và thống khổ về tinh thân từ hai thể chế chính quyền được thiết lập thời phát xít dưới bàn tay Hitler và thời cộng sản trong sự kiềm toả của Liên Xô.
Luật pháp, nếu không được thượng tôn và bất kỳ sự nhân danh an ninh nào để đe doạ đến an nguy và tự do của một con người, đều khiến cho mọi sự an ninh sẽ đều trở nên vô nghĩa. Và ai cũng trở nên bị nguy hiểm bởi chính những sự vô pháp ấy, dù nó có thể nhân danh bất cứ nhiệm vụ hay mục đích cao cả nào để làm lý do cho sự thực thi.



 theo FB Luân Lê  (Luật sư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét