Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH (PHẦN CUỐI)


Trận đánh cuối cùng mà chúng tôi bên nhau là trận đánh mở đường vào Sài gòn ngày 29/4 ở cầu Bông. Mấy đêm trước, tôi và Minh cùng Ngô Thịnh bò 2 lần vào đồn Tân Phú Trung để xác định hướng bắn cho hoả lực tiểu đoàn, rồi lại bò cầu Bông với trinh sát của E198 . Ngày hôm sau, bộ binh đánh từ sáng sớm tới gần trưa vẫn không vào được đồn ấp Chợ. Hoả lực trống trải không ngóc lên mà phát huy tác dụng. Mặc dù không phải nhiệm vụ của mình, nó lao ra trận địa 12,7 li nâng khẩu súng của một tử sĩ vừa gục xuống bắn sối xả. Vừa bắn vừa la to, xông lên nhanh lên, vừa chửi những thằng nhát gan nằm bẹp dưới ruộng. Rồi hu hu khóc gỡ tay người bạn đã chết bên khẩu súng nóng bỏng. 30/4/75 cái ngày huy hoàng của bọn tôi ở Saigon, tiểu đội lạc mất Minh. Nó đâu có lạc. Nó một mình một súng chui vào dinh Độc lập từ lúc xe tăng ta lao vào cổng. Kệ, mọi chuyện sảy ra xung quanh, nó chui lên mò xuống mọi xó sỉnh rồi ra bến Bạch Đằng. Đêm 30/4 phải đến 11 giờ nó mới tìm về tiểu đội. Nó bảo nó đưa hết những gói lương khô cho đám tàn binh. Nó còn kiếm được cả tiền Trần Hưng Đạo, nó cũng cho bọn ấy để tìm đường về quê. Hắn trầm ngâm, chúng nó cũng tội. Cái thằng đánh nhau thì ác liệt thế mà lại thương hại kẻ thù. Tôi băn khoăn, hay nó hữu khuynh tư tưởng.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH (phần 3)


 Tôi và Nhớn học với nhau. Một tháng cậu ta viết được thư về cho mẹ. Chữ nguệch chữ ngoạc nhưng cũng được mươi dòng. Suốt mùa mưa năm 73, 74 đánh địch ở tây Pleiku chúng tôi theo nhau. Trận đánh nào Nhớn cũng chăm chú lấy về cho tôi nhiều thứ. Theo hắn ta, cứ cái gì có chữ là mang về cho thằng Luân. Chính vì thế, đánh đồi 30 nó mang về cả một mớ tạp chí Tiền phong của địch, suýt nữa tôi và tiểu đội bị kỉ luật vì cái thứ tạp chí bậy bạ ấy. Nhưng thú  vị nhất là hôm đánh vào ấp Thánh Giáo,  hắn mò đâu ra một cây ghi ta. Trên đường về pháo địch rót chặn đường. Lính ta chạy thục mạng mà chàng Nhớn nhất định không vứt cây đàn. Lăn bên này, rúc bên kia, chui thí cố vào bụi cây, đàn kêu lửng phửng ghê hết cả người. Kệ, hắn cứ khư khư thứ nhạc cụ bác học này về tới kiềng và chỉ còn có 2 dây. Oách chưa, cả đại đội có mỗi tôi và Nhớn chơi đàn và hát cho nhau nghe. Vốn liếng nhạc lí của tôi chỉ 15 phút trổ tài là hết. Mò mẫm rồi tôi mổ cò và độc ca bài  “ bài ca năm tấn ” thế mà hắn khóc mới tài chứ lị. Tôi hỏi: tao hát hay hả? Nhớn bảo, tao thấy nhớ bà chị tao trong trại chăn nuôi ở xã cũng hay hát bài này. Tôi không buồn dù hắn không khen tôi, nhưng cũng thấy mình có ích giúp cho bạn nhớ chị là được rồi.

Sính chữ


Hôm trước tôi đọc trên rất nhiều tờ báo cái tít chình ình chữ to tướng ở trang nhất (báo in) hoặc phần tiêu điểm (báo mạng), họ rút nhời của cụ nhớn rằng “Lợi ích nhóm, tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm”. Có nhẽ đây chính là nhời cụ bởi nó được đặt trong ngoặc kép, vả lại có dử kẹo họ (báo chí) cũng chả dám bịa.
Tất nhiên, với những lập ngôn đao to búa lớn từ miệng cụ nhớn, người ta hoan hô rần rần. Còn tôi thấy chả có gì hoan hô, mà chỉ chê. Cái nào đáng khen thì khen, cái nào đáng chê thì chê, tính tôi vậy.
Thế thì chê cái gì? Chê cái thói dốt hay nói chữ, chê thói a dua a tòng.
Chữ ở đây là chữ “nội xâm”. Lâu nay thiên hạ có vẻ quen với chữ mới này, không biết do ông ba vạ lãnh đạo nào phát ra trước. Mồm kẻ sang có gang có thép, đám đông nghe vậy không cần biết đúng sai, cứ thế trầm trồ, kiểu như hay nhỉ, khí phách nhỉ, đúng nhỉ. Đúng đúng cái con khỉ.

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH (phần 2)



    Vào chiến trường Tây Nguyên, tôi và anh lại được về cùng trung đoàn. Đợt ấy, những giáo viên phổ thông, những thợ máy được bố trí về những đơn vị trực thuộc. Anh Bằng thì không, anh xin về bộ binh. Về Tiểu đoàn7, rồi lại xin về đại đội chủ công. Khỏ phải nói đến những nỗi vất vả của đai đội chủ công bấy giờ. Chốt giữ, phục kích,  đánh giao thông, đánh cứ điểm. Cứ chỗ nào ác liệt là chủ công có mặt. Mà anh Bằng là tiểu đội trưởng mũi nhọn. Những tháng ngày sau kí kết 1973, kẻ địch thường xuyên phá hoại hiệp định bằng những cuộc hành quân lấn chiếm. Tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn liên tục tác chiến. Mùa mưa Tây nguyên sao mà khủng khiếp thế. Đánh trận cũng khổ mà ở chốt cũng cực. Đến anh nào yếu ốm ở kiềng tăng gia cũng nhọc nhằn không kém. Những trận đánh đường 15, đường 5A, 5B, làng Dit, Lệ Ngọc đã khiến kẻ thù phải lùi lại và chấp hành hiệp định. Chỉ sau mấy tháng chiến đấu tôi gặp lại anh Bằng. Trông anh già nhiều quá, nhưng mắt sáng và anh rắn đanh lại. Ấy là ở hội nghị những trận đánh hay những người đánh giỏi toàn trung đoàn. Anh ôm chầm lấy tôi và khoe, tao kết nạp rồi, hai huân chương, có thư khen về cơ quan rồi, mày thế nào? tao phải trở về … phải trở về. Thoáng vui mà anh bỗng chùng xuống, con mắt đờ dại đi ... Miệng lẩm bẩm ngoài ấy bây giờ … thế nào nhỉ ...

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH


Buồn, nhưng cứ phải nói ra, cứ phải viết lại, nếu không cho đến lúc già quá rồi vẫn không hết cắn cứa trong lòng. Đã là bạn của nhau mà không có cách gì, ít ra là gặp lại nhau mà hỏi han xem bạn mình đã sống ra sao trong ngần ấy năm trời sau cuộc chiến tranh mất còn. Ấy là tôi nói với bạn của tôi. Bạn lính.
Giống như những người lính trở về từ chiến trường chống Mỹ. Tôi cũng nằm trong số những cựu chiến binh hay xúc động vặt. Mỗi chuyến đi công tác, đi du lịch, hay vì lí do gì đấy mà qua miền trung, miền nam tới đâu là lũ trẻ chỉ ào đi kiếm chỗ nhậu, chỗ vui, đàn bà thì tìm mua đặc sản còn mình cứ lang thang mơ mẩn tìm về trận địa cũ , tên người tên làng cũ.
Có chiều trên đường vào Tây nguyên, nhìn hoa cúc Quỳ vàng xuộm ven đường, nhờ chú lái xe dừng lại, bẻ cành hoa rừng hắc mù cầm lên xe nước mắt cứ ứa ra, lũ trẻ cười ồ lên vì anh già lẩm cẩm. Trách làm sao được họ. Buồn vui là quyền của mỗi người. Họ vui mà mình buồn cũng là có lỗi cho cả đoàn. Vì thế, già rồi, có buồn ra chỗ khác mà suy tư. Ở đây còn ối chuyện khác phải bàn. Chuyện chứng khoán, sàn này sàn nọ, cổ phiếu cuả thằng nào mấy chấm. Dự án thằng nào được cấp vốn thằng nào chưa được cấp …
Mấy người bạn tôi mà tôi kể dưới đây không biết bây giờ có hiểu chứng khoán là gì không ? Mà nếu có hiểu thì có làm được gì không ? Chắc khó lắm. Ba khoán ngày xưa đã khó, đến khoán mười đã vất vả trầy vẩy thì những người lính như các anh làm chuyện chứng khoán cũng tội nghiệp lắm.
***
Ngưòi thứ nhất:
Anh ấy tên KIM BẰNG. Một cái tên nghe cũng nghệ sỹ. Mà quả thật anh ấy nhiều tài. Nguyên là thợ bậc 4 máy nổ nhà máy điện vùng cao nhập ngũ cùng chúng tôi một ngày. Ấy là vào những ngày ác liệt của năm 72. Tiểu đoàn tôi gồm sinh viên, giáo viên và cán bộ vùng gang thép. Chỉ sau mười ngày tập trung, tiểu đoàn tổ chức văn nghệ liên kết thi đua với địa phương. Đêm ấy anh Kim Bằng hát hay thế. Anh như nghê sỹ thật ấy chứ. Về sau, khi có lần hát trong hội diễn sư đoàn ở Tây nguyên tôi vẫn thấy anh hút hồn tôi bằng cái âm hưởng của người dân tộc vùng cao phía bắc, mà đã là chất dân tộc thì nó ngấm sâu và lâu lắm. Lạ, anh ấy 30 tuổi mà trông vẫn trẻ, lại là người xung phong nhập ngũ chứ không giống như tôi, tôi đi theo tiêu chuẩn gia đình chưa có ai nhập ngũ. Anh thì lớn tuổi, có người em đã đi B. Anh cười : Ai chả phải đi, đến chúng mày sắp tốt nghiệp Đại học còn đi nữa là tao.

CUỘC CHIẾN CỦA TỔNG THÔNG TRUMP


Toàn bộ câu hỏi và câu trả lời của ông Trump trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc được dịch nguyên văn như sau:
Hỏi: Thưa tổng thống, ông liên tục khẳng định rằng cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc không ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ. Nhưng rất nhiều kinh tế gia không đồng ý với ông. Họ lo ngại rằng nếu Trung Quốc rơi vào suy thoái, họ sẽ kéo chúng ta xuống cùng với họ.
TT Trump: Được rồi. Tôi sẽ nói với quý vị điều này. Thứ nhất, nền kinh tế của chúng ta đang vận hành rất tốt. Nhưng ai đó phải đương đầu với Trung Quốc. Tôi đã đọc và thấy rất nhiều những kinh tế gia này nói: “Ồ tôi từ bỏ, tôi đầu hàng Trung Quốc. Tôi buông tay”.
Trung Quốc đã bòn rút từ đất nước này trong 25 năm, còn lâu hơn nữa. Và đã đến lúc phải làm gì đó, cho dù nó tốt hay xấu cho nền kinh tế của nước ta trong ngắn hạn. Về dài hạn, điều cấp bách là phải có ai đó làm điều này bởi vì nước ta không thể tiếp tục nạp cho Trung Quốc 500 tỷ USD một năm bởi vì nó được quản lý bởi những kẻ ngu ngốc.
Vì thế tôi không ngại câu hỏi này. Cho dù nó tốt hay xấu cho nền kinh tế trong ngắn hạn cũng không can hệ. Chúng ta phải giải quyết vấn đề với Trung Quốc bởi vì họ đang lấy đi của ta hơn 500 tỷ USD một năm. Số đó không bao hàm việc ăn cắp tài sản trí tuệ và nhiều thứ khác. Ngoài ra còn có vấn đề an ninh quốc gia.

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

ĐI TÌM TẤM ÁO NGÀY XƯA



Bây giờ đi tìm mãi cái áo như cái áo ngày xưa không được. Tôi ân hận một thì vợ tôi ân hận hai. Vợ tôi bảo, sao ngày ấy yêu em rồi mà anh không vay tiền của em mà lại đi bán cái áo đó đi. ( đời nào lại thế ... ). Còn bạn tôi, Sỹ chỉ thở dài  bảo chúng mình khổ quá.

   Hai mươi lăm năm ám ảnh vì tấm áo đó, lại mười năm nay day dứt đi kiếm một cái áo y chang để giữ làm kỉ niệm không được. Tôi và Sỹ vẫn buồn, dù huyễn hoặc mình thế nào chăng nữa cũng vẫn buồn.   
Anh Trần văn Bàn sinh năm 1948, hơn bọn tôi 4 tuổi. Vào đơn vị tôi từ năm 68. Lũ lính sinh viên tụi tôi nhìn các anh Mậu Thân như những người anh hùng trong phim Liên xô. Anh Bàn cũng coi chúng tôi như như đứa em nhỏ. Anh bảo, chúng mày bằng thằng em tao ở nhà , nhưng nhà tao nghèo nó chả được học hành như chúng mày. Hành quân anh mang hộ cả cuốc sẻng. Có lần anh mang hộ Sỹ một bọc toàn sách vở thư từ. Anh lẩm bẩm, mẹ kiếp toàn thư tình, bao nhiêu con mà nặng thế ? Dừng chân ở đâu là anh ca cóng đến tài. Cái ăng gô của anh đen nhẻm. Bọn tôi khoái, vừa húp bát canh chua của anh nấu vừa gọi  “cụ Bàn “. Cụ Bàn hay tàng trữ thuốc rê đồng bào. Cụ Bàn lúc nào cũng có mì chính.  Cụ Bàn có gói đường bé bằng bao diêm đứa nào ốm cụ Bàn vê cho một cục uống cho lại sức. Đêm trú quân anh kể, nhà anh ở thị trấn Trới. Khiếp tên gì mà xấu thế. Anh lườm. Tên thì có gì mà xấu chỉ có người tốt người xấu thôi.

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Chuyện sinh đẻ có kế hoạch (kỳ 2)


Tới tận năm 1984 nhà nước của nước Việt Nam thống nhất mới chính thức lập ra Ủy ban quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch, và vị chủ tịch đầu tiên bị nhét ghế vào đít, không phải ai khác, chính là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vụ này gây xôn xao dư luận xã hội cả trong nước lẫn quốc tế nóng mấy năm liền. Đằng sau sự kiện có một không hai này là biết bao nhiêu góc khuất, cứ lâu lâu lại xì ra một tí, cho tới tận khi cụ Giáp mất năm 2013. Dân gian chưng hửng với quyết định của trung ương, họ bảo giống như trò đùa, trêu ngươi, mấy ổng coi cuộc đời chẳng khác chi sân khấu bi hài. Thời ấy, chả mấy ai không biết câu “Nhà thơ làm kinh tế. Thống chế đi đặt vòng”. Chút sẽ nói kỹ hơn xung quanh chuyện cụ đại tướng phải đi đặt vòng.

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

CÒN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THÌ ĐỪNG MƠ CÔNG LÝ


TRẦN VĂN:
Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao sau khi giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản” đã cũng như đang làm nhiều triệu người căm phẫn. Rất nhiều người hoặc lên tiếng đòi công lý cho Hồ Duy Hải hoặc bày tỏ sự nghi ngờ về cái gọi là “công lý” ở Việt Nam.
Có một điểm đáng lưu ý nhưng chưa được chú ý đúng mức là tại những quốc gia theo thể chế xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của các đảng cộng sản để dẫn dắt toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội đã loại bỏ công lý. Nói cách khác, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đừng mơ công lý …
***Nhiều triệu người chưng hửng, bất bình khi 17 thẩm phán của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao đồng thanh thừa nhận, tiến trình điều tra – truy tố - xét xử Hồ Duy Hải có “thiếu sót” và “sai sót” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” thành ra giữ nguyên quyết định “tử hình” mà tòa cấp sơ thẩm và tòa cấp phúc thẩm từng tuyên (1).
Phán quyết vừa kể bị nhiều triệu người lên án là man rợ vì tiếp tục cho phép tước bỏ sinh mạng của Hồ Duy Hải, bất kể tiến trình điều tra – truy tố - xét xử không những phơi bày vô số yếu tố phi lý mà còn vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định trong Luật Tố tụng hình sự, bộ luật đặt định các thủ tục, biện pháp nhằm ngăn ngừa oan sai.
 Tên tuổi, diện mạo của 17 thẩm phán Tòa án Tối cao tham gia giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản” đang được lưu chuyển trên mạng xã hội Việt ngữ như những hung thủ đã thủ tiêu công lý và làm nhiều triệu người băn khoăn về “tư pháp xã hội chủ nghĩa” và công lý.
***

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Chuyện sinh đẻ có kế hoạch


Con người cũng như con vật, phải có sinh đẻ thì mới bảo tồn được nòi giống, mới tồn tại được. Còn làm thế nào để có sự sinh đẻ lại là chuyện “nhạy cảm”, khó nói, không tiện nhắc ở đây, hì hì.
Hồi cuối tháng 4 (2020) vừa rồi, dư luận xã hội lao xao về cái quyết định gì đó của chính phủ do ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, nội dung đề nghị dân chúng đẻ sớm, trước 30 tuổi càng tốt, đẻ nhiều, nhà nước không hạn chế. Nghị định cũng không nói rõ sớm nhất là bao nhiêu, nếu đẻ nhiều có được nhà nước, chính phủ nuôi không. Tôi còn nhớ đọc cuốn sách về bà Trần Lệ Xuân vợ ông Ngô Đình Nhu, sách kể rằng bà cụ thân sinh bà Xuân lấy chồng sớm từ khi 12 tuổi, tới 13 tuổi đã đẻ, mà đẻ ra tinh dững siêu nhân. Hay là ông Phúc cũng có đọc cuốn ni rồi mới đẻ ra cái nghị định ấy.

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Chuyện áo rét (phần 2, cuối)


Chuyện áo rét (phần 2, cuối)
Miền Bắc, Hải Phòng, mùa hạ, tháng 5.1967 (hoặc 1968 chi đó). Như đã kể, tôi và đứa cháu họ, hai thằng hí hửng vớ được mấy cục nước đá to bằng cái gối mây, bọc kỹ rơm bên ngoài, đặt lên xe cải tiến kéo về. Từ Kiến An tới nhà còn mười mấy cây số nữa, đã tối nhọ mặt, cứ nghĩ tới cảnh ở nhà có nước đá uống lúc đang bức sốt, mỗi người làm cốc nước chanh đá mà lại phấn chấn. Hai chiếc xe cải tiến lọc cọc lọc cọc thứ âm thanh buồn đơn điệu. Thỉnh thoảng cứ vài cây số lại dừng kiểm tra đá, coi có còn không. Còn, nhưng nhỏ đi nhiều, đám rơm thì ướt đẫm. Về đến đầu làng thì trời tối mịt, đường không một bóng người, cả làng chìm trong màn tối đen. Hai thằng dừng lại sờ đá lần cuối, chả thấy đâu cả. Nó đã tan hết, không để lại dấu tích gì. Trí cười mếu, thế là toi bữa tiệc nước chanh. Tôi về nhà kể cho bà Khoắn chị cả tôi nghe, bà chị bảo các ông ngu vừa vừa chứ, đá ấy nó làm bằng nước sông nước ao chứ sạch sẽ gì, nó để ướp cá cho tươi, cá bán hết thì nó vứt đi, thế mà cũng cố kéo về, rõ ngố.
Đang kể chuyện áo rét, vòng vèo chuyện nước đá hơi lâu, giờ lại quay về chủ đề chính.
Tiếng Việt mình lạ lắm. Nói tới áo rét, áo lạnh, ai cũng hiểu đó là thứ áo gì, để làm gì. Nhưng nếu tự dưng có ông bà nào vào cửa hàng quần áo bô bô rằng ở đây có bán áo ấm không, cô bán hàng liền lấy ngay cho xem mấy chiếc áo rét, áo lạnh. Vẽ, lạnh hay ấm thì cũng chỉ để chống rét. Khi tôi vào sống hẳn trong miền Nam, nơi nóng quanh năm, chỉ được mươi ngày trước và sau lễ Giáng sinh trời se se lạnh (có người bảo đó là phép màu của Chúa, ban cho con chiên để hưởng lễ vui vẻ), nên gần như không phải mặc áo rét. Con trai con gái người già trẻ con đều quần áo mỏng, đồ cộc đồ ngắn, chả cần biết áo len áo bông. Giả dụ có sắm bộ veston cũng chỉ mặc xúng xính khi có đám cưới đám hỏi, xong lại cất biệt vào tủ. Nhớ có lần cùng đám nhà báo đi Lâm Đồng dự lễ khởi công cái nhà máy thủy điện Đạ Dâng-Dachamo, năm 2005 thì phải, mình cùng hai bác phóng viên ảnh tên Thành (Đức Thành-SGGP, Công Thành-Tuổi Trẻ) mò ra chợ đêm Đà Lạt. Thành phố này là nơi duy nhất ở miền Nam bán áo rét áo len, bán quanh năm, chứ không như miền Bắc chỉ trưng vào mùa đông. Chiếc áo khoác dày vải simili chỉ 70.000 đồng, áo len dài tay cổ lọ có trăm mốt (110.000). Mình hứng chí, đúng cái thói của người từng rét run bần bật, khuân cả hai về Sài Gòn. Suốt 2 năm trời, không mặc được lần nào, cuối cùng lại phải cho ra bắc để chúng có điều kiện làm nhiệm vụ chống rét.
Đàn bà con gái miền Bắc, cả thành thị lẫn nông thôn, may vá thêu đan giỏi lắm. Nhưng do hoàn cảnh, riêng việc đan len thì chỉ đàn bà phố bởi mấy bà ở nông thôn suốt ngày chổng mông phơi lưng trên đồng, làm gì có thì giờ mà đan điếc. Ngoài phố có hẳn những hợp tác xã đan len, xã viên tinh phụ nữ. Tiện nhất ở chỗ nhận len đem về nhà đan, những lúc rảnh vừa đan vừa đàn đúm trò chuyện. Mấy bà chị họ tôi bà nào cũng thợ đan thượng hạng. Miệng nói chuyện, mắt nhắm tịt, tay cứ xỏ nhoay nhoáy. Lại còn đan cả 3 kim chứ không phải 2 kim bình thường, áo len cổ lọ cổ bẻ, dài tay ngắn tay, kiểu trơn kiểu có múi có hoa văn, các bà coi dễ như trò trẻ. Bà Hải đem con về quê sơ tán, may nhờ có nghề đan len mà nuôi được cả đống con lít nhít 5 đứa, kệ ông chồng (là anh họ tôi) ở lại ngoài phố chỉ mỗn việc suốt ngày đi kẻ khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và viết thông báo trên các bảng thông tin tiểu khu hoặc khu phố. Một lần bu tôi sang kho lương thực huyện sơ tán của ông Sáu ông Minh xin được mấy chiếc bao gạo Ấn Độ, chả biết nó dệt bằng sợi đay tốt hay sợi gì mà mềm xốp quá. Bu tôi cẩn thận tháo ra, nhuộm xanh, nhờ chị Hải đan cho hai anh em tôi mỗi đứa một chiếc áo “len”. Lần đầu tiên trong đời được mặc áo len nhưng không phải len. Giả dụ cái áo len đay ấy bây giờ mà còn, có khi bán nó cho bảo tàng đủ tiền mua được căn nhà bởi đó là thứ tàn tích di sản có một không hai của thời chiến tranh, bao cấp nghèo đói.
Áo len đan ra, nhà nước đem xuất khẩu. Chỉ những nhà khá giả, hoặc tằn tiện lắm mới dám sắm áo len cho người trong nhà. Nông thôn lại càng hiếm. Tôi vẫn còn nhớ chỉ mấy cán bộ xã, ủy ban xã tôi diện áo len, thường là loại cổ thìa không có tay, mặc ngoài áo su mi. Hồi học cấp 2, cả lớp tôi chỉ có 3 đứa có áo len là cái Hoàng Liên Thái, cái Nguyễn Ngọc Châm, cái Thanh Thủy, chúng dân phố, con cán bộ nên sự ăn mặc cũng hơn người.
Đám trẻ nông thôn chúng tôi, áo ấm áo rét chủ yếu là áo bông, áo sợi. Nhiều đứa nhà nghèo, ngay thứ ấy cũng chả có, khi mùa đông rét mướt chỉ còn cách mặc thật nhiều áo cho đỡ lạnh. Đứa nào được chú bộ đội trận địa tên lửa Mả Đò cho chiếc áo bông cũ thì chả khác trúng vé số. Có một dạo phổ biến mốt chỉ mặc ruột áo bông trông rất tay chơi, không khác gì bộ đội vệ quốc đoàn trên rừng mới về. Mấy anh em tôi được bu mua cho áo sợi, dày, cổ lọ, dài tay để chống rét. Có áo sợi Nam Định, có áo sợi Cự Doanh, sau có thêm nhãn hiệu 8.3 nữa. Thứ áo sợi này mặc ấm không bằng áo bông nhưng gọn gàng, chỉ tội giặt lâu khô. Tôi mặc chiếc áo Cự Doanh suốt từ năm lớp 9 tới tận tốt nghiệp đại học mới bỏ, khi không dùng nữa đã bạc phếch mặc dù có lần nhuộm ở cửa hàng nhuộm Ngã Tư Sở.
Trong muôn thứ áo rét có nhẽ chiếc áo đại cán thời những năm 50 - 80 là dạng thời trang thật khó quên. Trần đời, chưa thấy thứ mốt nào tồn tại lâu bền đến thế. Áo này chỉ dành cho đàn ông bởi đàn bà có kiểu áo Hồng Kông. Áo may bằng vải kaki dày, thường màu xám hoặc màu sáng, 2 túi trên, 2 túi dưới có nắp (nên còn được gọi là áo 4 túi), hàng cúc (khuy) rất to. Đại cán, ngay cái tên đã rất oách, dành cho cán bộ to. Kiểu áo do Tàu cộng đem sang ta. Cứ nhìn trang phục của đám Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình thì rõ. Em thì phải bắt chước anh. Nó bắt cởi truồng cũng phải cởi chứ ở đó mà cãi nó. Tôi có ông anh họ tính tếu táo, ông bảo nhà nước ta, chính quyền ta là nhà nước chính quyền đại cán. Mà đúng thật, lúc đầu chỉ những ông cán bộ mới diện đại cán. Bây giờ lật giở đám ảnh cũ, kể từ cụ Hồ trở xuống, nào ông Chinh ông Đồng ông Duẩn ông Thọ ông Giáp ông Trinh, ông Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, ông Lê Văn Lương, tới mấy ông tỉnh ông huyện… tất tật chui trong áo đại cán. Có những hình ảnh lịch sử gắn với đại cán, chẳng hạn ông Trần Duy Hưng đứng trên xe ô tô vẫy chào nhân dân khi về tiếp quản thủ đô ngày 10.10.1954, ông Lê Duẩn đọc điếu văn truy điệu cụ Hồ trên quảng trường Ba Đình sáng 9.9.1969. Thời ấy, phi đại cán bất thành cán bộ. Về sau này, tới khoảng thập niên 70, áo đại cán được phổ biến đại trà cho những tay chơi có tí máu mặt. Lớp tôi học, dường như các cán bộ đi học không ông nào không diện đại cán, nào những Lê Xuân Sang, Lê Văn Sơn, Lê Quốc Lập, Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Xuân, Vũ Lệnh Năng, Trần Triều Nguyệt… xúng xa xúng xính đại cán, các em nhìn tít mắt. Cỡ áo sợi Cự Doanh nhuộm như tôi, chúng chỉ ngó bằng nửa con mắt.
Có lần anh Đỗ Xuân Thanh (nhà thơ, đã mất) ra phố Hàng Bông may chiếc áo đại cán mới tinh, về mặc thử, cả đám xúm lại chiêm ngưỡng. Tôi thầm ao ước sau này mình đi làm, việc đầu tiên là may một chiếc, cũng ở cửa hàng may mặc phố Hàng Bông ấy (thực ra, những dự định dùng tiền lương cho điều đầu tiên nhiều lắm, ví dụ mua đôi dép nhựa Tiền Phong trắng, ăn bát phở có người lái, sắm chiếc xanh tuya (thắt lưng) ra trò thay chiếc thắt lưng nhựa Trung Quốc đã bị vá mấy lần, v.v..). Chưa kịp thực hiện thì vào nam và từ bấy không nghĩ gì tới áo đại cán nữa.
Nguyễn Thông
Chú thích ảnh: Cửa hàng bách hóa tổng hợp Hà Nội, năm 1967, ảnh tư liệu của Lee Lockwood

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

SHERLOCK HOLMES CŨNG PHẢI CHÀO THUA


Liệt sỹ, đại đội trưởng đặc công - PHAN THẾ HÀO

Tháng 8 năm 1967. Đại sứ quán Liên Xô ở phố Trần Phú (Hà Nội) xảy ra một vụ trộm vô cùng kỳ lạ.
Một buổi sáng, khi đến phòng làm việc của mình tại tầng 3 toà nhà chính, Tham tán Ma-ca-rov bỗng nhận thấy con gà vàng vẫn để trên bàn làm việc đã không còn. Ông định thần lại rồi thận trọng kiểm tra mọi ngõ ngách trong phòng. Nhưng con gà vẫn biệt tích. Lúc này ông mới lên tiếng gọi người thư ký, và nhẹ nhàng hỏi về nó. Viên thư ký Mi-sen-ko ngây người ra một lúc, rồi cũng ngó nghiêng quanh bàn với hy vọng con gà bị rơi xuống đâu đó. Nhưng kết quả vẫn không có gì. Khi đã xác định chắc chắn sự việc, viên thư ký liền báo cho bộ phận an ninh của Sứ quán. Hiện trường được giữ nguyên.

Một cuộc truy tìm trong phạm vi hẹp được tiến hành. Trong khu nhà làm việc 3 tầng này, chỉ có cán bộ người Liên Xô. Còn các nhân viên người Việt hầu hết chỉ phục vụ vòng ngoài và đều phải về nhà khi hết giờ. Ban đêm, chịu trách nhiệm bảo vệ vòng trong Sứ quán cũng là người Liên Xô, trong khi vòng ngoài có các trạm gác của cảnh vệ Việt Nam. Và theo nguyên tắc, thì tất cả cũng không được phép đi vào bên trong.

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

TỔ CHỨC CÁN BỘ




Dư luận đang khen ngợi cụ Nguyễn Đình Hương (vừa mất hôm qua 3.5) là một chuyện gia siêu đẳng về công tác tổ chức cán bộ, người gần như cả đời làm công việc này. Thôi thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, khen cụ cũng phải đạo, mà thực ra trong các quần thần của triều đình làm công tác tổ chức, chọn người, thì hiếm có ai như cụ Hương. Tôi chưa gặp cụ bao giờ nhưng qua chuyện thế sự suốt mấy chục năm, biết cụ là người tử tế, thẳng thắn, ghét thói dối trá, kiên quyết với nạn tham nhũng, và hình như sống rất trong sạch, không để lại điều tiếng gì. Vậy nên tôi quý cụ, không nói về cụ mà chỉ nói tới khâu tổ chức cán bộ của trung ương mà cụ từng là thành viên, là người cầm trịch.

Công tác này (tổ chức cán bộ) được bộ máy cầm quyền cộng sản rất coi trọng, thậm chí đặt lên hàng đầu. Cụ Hồ, một siêu phàm về tổ chức cán bộ thường nhắc nhở “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Cụ đã từng đặt vào ghế lãnh đạo cấp cao rất nhiều người mà nếu cứ theo lý luận, quy trình máy móc thì những người ấy cả đời sẽ bị chìm khuất trong đám vô danh tiểu tốt, không ai biết đến. Ông Nguyễn Hữu Đang chẳng hạn. Cụ bảo “khó thì mới giao cho chú”, khen thay con mắt tinh đời. Những người được cụ tin và chọn như ông Đang không phải ít. Tiếc rằng cụ không bảo vệ họ tới cùng.

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

EM ĐÀN BÀ



Cách đây tám chín năm, thời chụp ảnh bằng điện thoại đi động chưa phổ biến như bây giờ, lão Hâm thường mang theo chiếc máy ảnh nhỏ gọn thích gì chụp nấy. Gặp gỡ giao lưu bạn bè có vài cái ảnh kỷ niệm cũng vui.

Với người mới quen lão xin địa chỉ mail hoặc kết bạn Facebook để gửi ảnh. Lão quen cô bé Hoài cũng tương tự, sau buổi nhóm bạn rủ nhau đi xem kịch ở Nhà hát lớn. Hoài là cháu một chị bạn, cô bé chở dì mình đi.

Hoài thuộc loại không ăn ảnh. Thường con gái tuổi sắp tốt nghiệp đại học như Hoài rất dễ chụp. Các bạn ấy đã hết trẻ con nhưng chưa là người lớn, cơ thể nhìn góc nào cũng đẹp. Vậy mà lão Hâm chụp Hoài năm sáu kiểu chỉ được một kiểu. Dù chỉ một kiểu mà Hoài cũng rất cảm ơn, nhắn bác chụp đẹp thế, từ trước đến nay cháu chụp ảnh xấu lắm.

Bẵng một thời gian, lão Hâm không còn nhớ cô sinh viên năm cuối với mái tóc dài lạc mốt mình từng chụp ảnh thì bỗng Hoài nhắn tin: “Cháu có một việc quan trọng muốn hỏi bác, mong bác cho phép!”

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

ĐỜI KHÔNG CHỈ ĐỜI CÁT



ĐỜI KHÔNG CHỈ ĐỜI CÁT

Thơ Nguyễn Việt Chiến tặng Bọ Lập

Nước ta có bộ tộc Tà Ru (tù ra) rất đông đảo. Người của bộ tộc này rất thương yêu nhau, quí trọng nhau. Chỉ cần nghe tên đã coi nhau như người nhà. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cùng bộ tộc Tà Ru với tui. Anh viết bài này ngày tui bị bắt, nay sửa chữa bổ sung để tặng tui nhân ngày sinh nhật.

Cảm ơn anh Nguyễn Việt Chiến rất nhiều!

1
Ngày nào cũng lên mạng
Ngóng tin bạn ra tù
Qua một đời khổ nạn
Thoát một vòng âm u
*
Tết chỉ dăm ngày nữa
Là đì đẹt giao thừa
Mong bạn về với vợ
Gối đầu tay trong mơ
*
Về rồi thì ở lại
Đừng vào đó nữa nghe
Ốm đau, vợ con chịu
Bao nỗi đời tái tê