Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

BÍ QUYẾT HƯNG THỊNH SUỐT 800 NĂM CỦA MỘT GIA TỘC

 


“Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, đây là câu danh ngôn của vị tể tướng tên là Phạm Trọng Yêm, đó cũng là phương châm của rất nhiều những trí thức từ xưa đến nay.
Phạm Trọng Yêm xuất thân rất nghèo, lúc còn trẻ ông vô cùng khốn khó, cuộc sống khó khăn gian khổ, nghĩ thầm rằng mai sau nếu có thể hơn người, nhất định phải cứu tế những người nghèo khó. Sau này làm tới chức Tể Tướng, liền đem bổng lộc lấy ra để mua ruộng đất, cấp cho những người nghèo không có ruộng để cày cấy và trồng trọt.
Lúc còn trẻ khi đi học Phạm Trọng Yêm không có gì để ăn. Ở trong chùa miếu học bài, mỗi một ngày nấu một nồi cháo (bây giờ chúng ta gọi là cháo loãng), chia bát cháo thành bốn phần, để mỗi bữa ăn một phần, ông đã từng có một cuộc sống nghèo khổ như thế.
Sau này khi thành danh, làm Tể Tướng, dưới một người trên vạn người. Ông vẫn còn gìn giữ được lối sống tiết kiệm khi còn là một cậu học trò nghèo lúc trước, không có sự thay đổi đáng kể, chỉ là điều chỉnh ở mức độ nhỏ.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

MỘT CHÚT XÍU ÂN TÌNH NAM KỲ LỤC TỈNH

 


Người Nam không có Cả mà lại bắt đầu bằng thứ tự Hai, Ba, Tư, Năm …
Vì sao ở Nam Kỳ không gọi con trưởng là con cả? Đã có hàng chục cách giải thích cái nầy, tuy nhiên chưa có cái nào hợp lý.
Chúng ta phải biết rằng trong văn hóa Nam Kỳ tuy cùng một dân tộc Việt nhưng có một sự khác biệt không hề nhỏ văn hóa Bắc Kỳ.
Nhiều người ngoại quốc nghiên cứu VN rất ngạc nhiên.
Bắc Kỳ có anh cả, chị cả, bác cả, ông cả nắm quyền lực trong gia tộc, dòng họ, cả cũng là người thừa tự trong gia tộc. Nhưng Nam Kỳ thì truất cả, đã không có thứ bậc cả rồi mà lớn nhứt là anh hai cũng không phải là người thừa kế, thằng út mới thừa kế, ở nhà thờ giữ hương hỏa là út, có câu “Giàu út ăn, nghèo út chịu”.
Chỉ có thể lấy Trời Đất ra mà ngẫm.
Con số 2 là con số sau con số 1
Quẻ số 2 trong Kinh Dịch là Thuần Khôn, là đất mềm dẻo, hiền hòa, theo lẽ sống an vui, thân thiện và khả năng thích ứng tốt.
Người Nam Kỳ kêu con lớn là anh hai, không có anh cả, số hai (Đất) là lớn nhứt vì dân Nam Kỳ đi khai hoang đất, tìm đất mới để sanh tồn mà tạo ra văn minh Nam Kỳ Lục Tỉnh nên đất trong tâm linh Nam Kỳ vô cùng quan trọng.
Chúng ta nhớ giữa nhà người Nam luôn có cái bàn đất đai, tục cúng kiếng của Nam Kỳ luôn có mâm đất đai, bàn thờ Nam Kỳ luôn có Ông Địa ở giữa nhà, Nam Kỳ cúng mùng 10 tháng Giêng là cúng đất đai, tạ ơn Chú Thổ. Tức là khi khai hoang lập ấp dân Nam Kỳ lấy quẻ Thuần Khôn (đất) làm trọng. Cái bàn Thông Thiên thờ Trời có ở trước nhà là số 1, cái bàn chỉ có một cái chưn ốm nhách chổng lên cao là bằng chứng.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

NHÂN QUẢ

 


Phạm Vũ Anh Thư
☘Cô tôi về, mong manh như giọt sương trên chót lá. Chưa đầy nửa năm từ khi biến cố xảy ra, cô gầy rộc, mắt trõm sâu vì nhiều đêm mất ngủ. Nỗi mất mát, cảm giác thất bại như một mồi lửa làm bùng cháy cánh rừng khô và tiếp thêm nhiên liệu cho mầm mống ung thư đang trú ngụ trong cơ thể cô. Khi người ta tin quá, yêu quá thì sự thật trần trụi về đối phương sẽ là cơn đại hồng thuỷ nhấn chìm họ trong nỗi đau.
“Chỉ có kẻ mà ta tin quá mới đủ khả năng làm ta không còn tin vào điều gì nữa”, cô nói rồi hướng mắt về gò mả, nơi ông bà nội đang nằm. Cô bảo mình nghe thấy tiếng ông bà thở dài. Nắng chiều xiên qua những tàn cây, chênh chếch trên vòm mận sau hè. Cô nằm trên chiếc võng được buộc vào hai cây bạch đàn, lặng nghe hơi gió mơn man. Mảnh vườn này lưu giữ trọn vẹn một thời thơ ấu tươi xanh, từng là nơi cô chơi nhà chòi với lũ bạn trong xóm. Nơi có con mương nhỏ mà có lần cô uống no một bụng nước, nếu ông nội không đi làm đồng về thấy kịp thì cô đã mất mạng. Nơi có người con trai nhà bên thường làm thơ con cóc viết trên giấy tập học trò rồi xếp thành tàu lượn thả vào hàng rào … Hễ nhắm mắt là cô lại “thấy” bà nội với chiếc áo bà ba khi thì lúi húi nhổ cỏ vườn, khi thì tay cắp rổ đi nhặt sa-bô-chê, xoài hay mãng cầu chín rụng trong vườn.
Kỷ niệm cũ tràn về ngập cả không gian chiều, cô lặng khóc. Chỉ có những cây sao già hiểu rõ tâm trạng của cô lúc này, vì chúng chứng kiến toàn bộ cuộc đời cô từ khi là một cô bé để tóc húi cua như con trai, những mơ mộng thời thiếu nữ, cho đến bây giờ khi đầu đã hai màu tóc. Từ gốc cây sao này có thể thấy rõ quang cảnh trong nhà, ngoài ruộng và ánh đèn thấp thoáng từ những nhà khác trong xóm khi bà con vác cuốc từ ngoài đồng về. Cô “thấy” một cô bé xinh xắn tay cầm con búp bê làm bằng râu bắp non lon ton chạy theo mẹ khi bà đang giẫy cỏ ngoài bờ ao …

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Truyện rất ngắn: ĐÊM MUỘN

 


Hai mẹ con tôi về đến nhà vừa lúc kim đồng hồ chỉ 18 giờ chiều. Tôi vội vã cất mấy thứ mua ở chợ quê về, con gái tôi cũng tranh thủ nấu cơm chiều giúp mẹ.
Thế là mẹ con tôi đã vượt hơn 70 cây số bằng xe máy về nhà an toàn. Thú thực là về đến nhà mới dám nói là đã an toàn và may mắn. Chứ thực ra khi tham gia giao thông bây giờ lo lắm, an toàn hay không còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người, và cả sự may rủi nữa.
Mẹ con tôi cơm nước xong là đã 19 giờ 30. Tôi tắm rửa xong lặng lẽ ngồi thư giãn bên đi văng với cốc trà chanh nóng. Mọi việc đều rất nhẹ nhàng để cho con gái làm bài vở cho buổi học ngày mai.
Sáng nay tôi tình cờ gặp anh ở phiên chợ huyện quê nhà. Nhà ngoại tôi cách nhà anh chừng 15 cây số, tuy ở cách xa vậy nhưng người dân làng tôi và quê làng anh thường về chợ huyện mua sắm vào các phiên chính. Khi gặp tôi ở chợ anh có vẻ sững sờ và thấy hơi bối rối. Tôi dè dặt chào anh ... một lúc trấn tĩnh anh nhìn tôi thật sao trìu mến thế ...
Thăm hỏi vài câu, được biết anh về nội có đám giỗ ông Bác ruột. Thấy anh sắm rất nhiều hoa quả lắm, chất đầy cốp xe con ...
Tôi và anh quen nhau do mối quan hệ công tác chứ không phải là đồng hương. Anh là cấp trên của tôi, hàng tháng anh vẫn xuống cơ quan tôi làm việc.

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

SỰ THẬT VỀ CÁI CHẾT BI TRÁNG CỦA 200 LÍNH SINH VIÊN ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI . CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

 


.
Gần 40 năm sau cái chết đầy bi tráng của hơn 200 lính tân binh, vốn là sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội, gia đình thân nhân liệt sĩ mới biết : Các anh hi sinh trong cuộc càn quét khốc liệt của địch vào sáng ngày 03/10/1973 tại rừng tràm thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước huyện Thạnh Hóa tỉnh Long An, sau ngần ấy năm đỏ mắt kiếm tìm.
Ai đó đã vô tình hay cố tình quên lãng các anh. Nhưng nhân dân thì không. Hài cốt các anh đã vĩnh viễn hòa tan trong rừng tràm mênh mông nước nhưng linh hồn các anh vẫn bất tử trong lòng người dân xã Thạnh Phước. Với họ, các anh là những “thành hoàng làng đội mũ cối”.
1. Cái chết bi tráng của hơn 200 lính sinh viên
Năm 1972, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn sinh viên Thủ đô đã tạm xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong đó có hàng trăm sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội.
Ông Vũ Trình Tường, người đã từng hòa mình trong cuộc tòng quân hừng hực năm ấy kể lại :
“Tôi còn nhớ tháng 9 năm 1972, lúc đó chúng tôi là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Nhà trường có một đợt tuyển quân với qui mô lớn. Số sinh viên từ khóa 13 đến khóa 16 nhập ngũ là 225 người, riêng khóa 16 chúng tôi có gần 30 bạn. Hầu hết trong số này đã vượt Trường Sơn vào miền Tây Nam Bộ biên chế vào Trung đoàn 207, Quân khu 8, chiến đấu ở vùng Mỏ Vẹt, biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Đầu tháng 10 năm 1973, Trung đoàn 207 nhận nhiệm vụ bí mật luồn sâu xuống Đồng Tháp Mười thuộc vùng 8, Kiến Tường cũ. Đêm ngày 3 tháng 10, Trung đoàn triển khai đội hình hành quân từ Ba Thu (đất Cam-pu-chia) vượt sông Vàm Cỏ Tây đến ấp Đá Biên, huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường (nay thuộc xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) thì trời vừa sáng nên đơn vị phải ém quân vào các mảnh rừng tràm. Năm ấy, nước lên to, các gò đất bị nhấn chìm, chỉ còn những cây tràm kiên cường vươn lên giữa biển nước trắng mênh mông. Rừng tràm thì nhỏ, lại thưa thớt nên không đủ che giấu đoàn quân.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG & CUỘC ĐỜI

 


Việt Phương làm Chính ủy Trung đoàn (E95) khi mới 18 tuổi, rồi làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1947 (khi ông 19 tuổi) cho đến suốt 53 năm sau đó, và đến nay vẫn là người có thâm niên thư ký cho Thủ tướng lâu nhất ở Việt Nam...
Ông từng tham gia nhóm cán bộ giúp việc cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Khi đã 65 tuổi, Việt Phương vẫn được tín nhiệm cử làm Thường trực Tổ Chuyên gia Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và sau đó tiếp tục giữ vị trí này ở Ban Nghiên cứu Đổi Mới của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nhưng tên tuổi ông được biết đến nhiều, khi ông là tác giả tập thơ CỬA MỞ xuất bản năm 1970 tạo thành một sự kiện văn học chấn động thời ấy. Từ đó, ngoài công tác chính trị, ông vẫn làm thơ và đã xuất bản thêm 10 tập thơ nữa, tập cuối cùng là vào năm 2013, khi ông đã 85 tuổi.
Ông qua đời ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Hà Nội hưởng thọ 89 tuổi...!
&
CỬA MỞ
Năm xưa ta nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

NGƯỜI TÙ CHUNG THÂN VƯỢT NGỤC

Tranh : Nguyễn Quang Thiều
 

Sau một hồi nói chuyện qua điện thoại, Dung báo cho tôi:

“Bác biết chuyện gì xảy ra cho ba cháu chưa?”

“Chưa. Chuyện gì?“

“Ba cháu đã vào chùa, xuống tóc đi tu từ hơn nửa năm nay. Ba cháu hiện tu ở một chùa gần thành phố bác ở. Ba cháu không cho ai biết chuyện ông đi tu. Giấu không cho biết tu ở chùa nào. Cháu mới tìm ra. Cháu định tháng tới qua thăm, và rủ bác cùng đi thăm luôn. Gặp bác chắc Ba cháu mừng lắm.”

“Bác cũng mong gặp ba cháu. Lâu rồi, ba cháu và bác chưa gặp lại nhau. À, mà sao ba cháu có quyết định đi tu? Tại sao lại phải giấu chuyện tu hành. Ði tu, chứ có phải đi tù đâu mà giấu diếm. Còn mẹ cháu thì sao?”

Dung ậm ừ, như không muốn nói. Một lúc sau mới trả lời:

“Mẹ cháu vẫn bình thường. Vẫn oai phong như cũ. Thật ra ba cháu không cho ai biết tu nơi nào, vì sợ mẹ cháu đến phá đám. Bốn tháng trước, ba cháu tu tại một chùa gần West Virginia, mẹ cháu đến làm ồn ào, bắt ba cháu trở về. La mắng cả sư cụ, xỉ vả ông ta đủ điều, còn phao vu lên là sư cụ đồng tính luyến ái với ba cháu. Thiệt tình! Mẹ cháu nói rằng, ba cháu đức mỏng, đừng tu làm chi cho phí công. Lỡ có lên được niết bàn, cũng chỉ đi bưng ống nhổ cho thiên hạ, vì kém công đức. Về địa ngục, may ra còn được đi làm thơ ký, gác gian, đỡ nhọc nhằn hơn, bởi tội lỗi cũng không nhiều lắm. Nhà chùa khuyên ba cháu đi tìm nơi khác mà tu. Ý họ muốn đuổi khéo. Ba cháu ra đi, như đi trốn. Thật buồn.”

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

NGỌC TÂN - ĐỨNG LÊN TỪ TRO BỤI .


 

... Tàu đi từ vùng biển Đông Bắc trong một đêm yên ắng, đã tưởng xuôi, ai ngờ đi được một thôi đường bỗng thấy cá nhảy rào rào trước mặt, nhảy cả vào khoang thuyền. Điềm gở rồi. Thêm một quãng trời mây xám xịt, bão tố nổi lên, cuồng phong thịnh nộ, tàu bị đánh dạt vào vùng biển miền trung tan nát, kẻ sống người chết. Như một định mệnh, Hà - người vợ yêu qúy của Ngọc Tân vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hà Tĩnh, Ngọc Tân bế được con vùng vẫy dạt được vào bờ, nhưng từ đây vướng vòng lao lý!
Các cụ đã tổng kết, đời con người có bốn cái họa: Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc, thì mới tuổi ngoài 30, Ngọc Tân đã nếm trải đủ. Từng hứng chịu những trận bom B52 đánh vào Hà nội. Từng bị cháy nhà mà may thay, một người bạn thân là nhạc sỹ Phan Long đã kịp đạp cửa xông vào cứu trọn toàn bộ tem phiếu. Lại cũng từng bị kẻ gian nửa đêm đột nhập vào nhà. Từng vùng vẫy giữa muôn trùng lớp sóng. Rồi lao tù. Rồi thất nghiệp trắng tay, gà trống nuôi con. Đỉnh cao danh vọng cũng anh, mà tận đáy cuộc đời cũng anh ...

... Buổi đầu vào tù, bị ngay đại bàng đánh phủ đầu cho một trận thừa sống thiếu chết. May làm sao có kẻ nhận ra đấy là Ngọc Tân. Thế là … tha, không đánh nữa, nhưng bắt hát. Hát suốt đêm. Vợ mới chết, con bơ vơ, thân tù tội. Thế mà cứ phải hát “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng ...” Hát mà ứa nước mắt. Kép Tư Bền cũng đến thế là cùng!
Sau vòng lao lý, Ngọc Tân trở về với đôi bàn tay trắng. Nếu chỉ đơn thuần kiếm kế sinh nhai, Tân có thể lao vào buôn bán kinh doanh. Nhà bố mẹ anh ngay trước cửa Chợ Giời, ngày ra đứng đó kiếm vài ba chục không khó. Nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn chưa nguôi, vẫn thôi thúc, càng trong bóng đêm lại càng như bừng sáng.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

THÀNH NGỮ MỚI: THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP (Phần 2)

 


Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp (phần 2)
Sự thành bại ở trên đời là một thứ quy luật, sản phẩm của tạo hóa. Nói theo kiểu triết học, là một cặp phạm trù, có thành thì có bại, cũng như tốt - xấu, hay - dở, khôn - dại, tròn - méo… vậy thôi.

Chẳng có ai cả đời chỉ thành mà không bại, hoặc chỉ bại mà không thành. Thể chế, bộ máy, chế độ, tổ chức, cơ quan, chính quyền, nhóm lãnh đạo… đều như thế. Dù là chủ tịch nước hay đứa làm thuê cũng đều có lúc thành khi bại. Chỉ kẻ hoang tưởng, tự sướng, sống trên mây mới dám tự nhận mình “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, thành công, thành công, đại thành công, đời đời, muôn năm, sống mãi.

Các cụ xưa dạy chớ lấy thành bại mà luận anh hùng. Thành không hẳn đã anh hùng. Bại chưa chắc đã tiểu nhân hèn hạ tầm thường. Cụ Phan Bội Châu tự nhận “đời tôi một trăm lần thất bại nhưng chưa một lần thành công” nhưng chẳng ai dám coi thường xem thường cụ. Các cụ Phan Sào Nam (Phan Bội Châu), Phan Chu Trinh trong mắt nhìn và suy nghĩ của dân ta là những đấng anh hùng. Cụ Nguyễn Thái Học làm cách mạng và bị lên đoạn đầu đài (máy chém) vẫn an ủi các đồng chí cùng số phận rằng chúng ta “không thành công thì cũng thành nhân”. Những đương sự Nhân văn giai phẩm như Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Hữu Loan, Trần Dần, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Hoàng Cầm … bị đày ải, người vào tù, kẻ long đong lận đận. Những Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn … vào tù ra tội, bị vật lên bờ xuống ruộng, mất hết tất cả, gia đình tan tác.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

THÀNH NGỮ MỚI: THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

 


Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp
Phàm con người ta cũng như bất cứ tập thể, tổ chức, đơn vị nào, làm điều gì cũng mong được thành công, đạt như mình muốn. Trên cả sự thành công thì gọi là thành công tốt đẹp.

Nói như thế để thấy rằng đó là điều bình thường trong cuộc sống, thuận lòng người, theo luật trời chứ chẳng phải trái nghịch gì. Nhưng nhiều khi nhân định không bằng thiên định, ngoài khao khát của con người thì còn có ý trời, có những sức mạnh ngoài quy luật xã hội chi phối hành vi con người. Có cưỡng mấy cũng chỉ vá víu được phần nào tấm áo số phận thôi.

Nhưng phải công nhận người cộng sản có ý chí ghê gớm. Họ đã làm gì hoặc muốn làm gì thì làm cho bằng được, bất chấp hay dở. Họ cưỡng lại tất, coi quy luật tạo hóa chẳng là cái đinh. Có một thời họ hô khẩu hiệu “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” khi thời tiết khô hạn, hoặc “nghiêng đồng đổ nước ra sông” khi úng lụt. Họ làm thơ “Ước gì kéo núi lên cao mãi/Xáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn” (nhớ láng máng thơ Nguyễn Thành Vân, hoặc Phan Minh Đạo)... khi đánh nhau. Trời còn chả mùi mẽ gì, vậy thì người chỉ là con muỗi, con tép với họ.

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

CHUYỆN THẰNG LAI


(ảnh minh họa) 

Phạm Phát
Hắn là thằng con lai. Mẹ hắn là một phụ nữ ở vùng cát Quảng Nam bị Mỹ hiếp, dính bầu đẻ ra hắn.
Ông ngoại hắn chỉ có mình mẹ hắn, ngoài ba mươi mà chưa chồng. Thương con gái mồ côi mẹ, chừ lại gặp chuyện éo le, ông khuyên nhủ con gái:
Thôi, xấu hổ chi con, tại chiến tranh chớ tại chi mình, ai nói chi kệ họ, con ráng giữ rồi đẻ ra để cha nuôi cho. Hắn cũng là con người, lại cũng là hột máu của mình, nhà mình lại đơn chiếc một cha một con, biết đâu ông trời ổng cho mình đó con…
Nghe lời cha, cô gái cúi mặt che bụng chịu đựng. Ơn Trời, mẹ tròn con vuông, tọt ra thằng cu gần bốn cân, khóc oang oang.
Ông ngoại ngồi ngoài phòng sinh nghe thấy, cười hề hà, bảo:
Thấy chưa, hắn khóc tiếng Việt mình đó, oa... oa, cha tổ thằng cu, ha ha...
Tới ngày đầy tháng, đích thân ông ra chợ mua sắm đầy đủ lễ vật về, áo dài khăn đóng cúng vái rất kỹ lưỡng, cầu xin mười hai Bà mụ phù hộ cho cháu ông lanh ăn lẹ lớn, lớn lên thành người Việt mình đàng hoàng. Rồi ông đặt tên cho hắn là Phan Lai. Phan là họ nhà ông.
Ông bảo với con gái:
Ngoại của hắn là đây mà nội của hắn cũng là đây. Con ráng nuôi hắn, sau này về già con nhờ. Rồi ông mà trăm tuổi thì hắn bưng nồi hương cho ông chứ còn ai vô đây?

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

TRIỂN LÃM “NGƯỜI THỔI SÁO” CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU ( Thông tin của nhóm NHÂN SỸ HÀ ĐÔNG )

 


Mời các bạn đến với triển lãm tranh của nhà văn, nhà thơ, họa sỹ Nguyễn Quang Thiều, vừa được khai mạc hôm nay tại Trung Tâm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
VÀI THÔNG TIN VỀ TRIỂN LÃM “NGƯỜI THỔI SÁO” CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU
( Thông tin của nhóm NHÂN SỸ HÀ ĐÔNG )
Người Thổi Sáo là tên triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ được khai mạc vào lúc 10h sáng, ngày 07 tháng 01 năm 2021 tại Trung tâm Art Space, trường đại học Mỹ Thuật , số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết ngày 15 tháng 01 năm 2021. Triển lãm này do nhóm Nhân sỹ Hà Đông đứng ra tổ chức.
Triển lãm mang tên Người Thổi Sáo gồm 54 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây còn lại là những bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng.
Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Lý do ông đến với hội họa thật thật đơn giản. Ngày đó một người bạn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa ông lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận đã thúc giục nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ. Anh ấy quả là một người đặc biệt giống một nhà thôi miên. Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bị những lời của anh ấy về hội họa cùng với cái màu vàng đầu tiên vẽ lên toan cuốn ông đi không thể nào cưỡng nổi. Chúng tôi vô cùng tiếc khi triển lãm đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chuẩn bị diễn ra thì dịch giả, hoạ sỹ Phạm Long Quận đã trở thành người thiên cổ.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

TÁT ĐÌA VÀ "TÁT CẠN ĐẦM LẦY"

 


TÁT ĐÌA VÀ "TÁT CẠN ĐẦM LẦY"
Đìa ở miền Nam không phải là cái mương vườn (ao), cũng không phải là cái lung (đầm lầy). Đìa thường lớn hơn mương, nhưng chẳng là gì so với cái đầm lầy mênh mông, nước ngập chầm ê, quanh năm suốt tháng. Đìa nằm khơi khơi giữa ruộng. Đìa có thể do thiên nhiên, hay nhân tạo. Thường là nhân tạo: do người chủ đất tự đào. Chẳng ai khùng, vác xẻng đi đào cái đìa tổ chảng nằm giữa miếng ruộng bằng phẳng. Họ đào đìa ở những chỗ đất trũng, nước sâu, trồng lúa không được.
Mương vườn do nông dân đào để đắp thành liếp cao trồng cây, và đồng thời cũng để xả phèn và dẫn nước vào tưới cây cối. Không như mương vườn, đìa chẳng có công dụng gì ngoài chuyện là nơi ẩn trú của cá. Những con cá tham ăn, tới mùa nước xuống vẫn còn mãi rong chơi, không kịp xuống sông tránh khô cạn, thì gom hết vô cái đìa. Tát đìa dĩ nhiên là để hốt hết những con cá này về làm mắm, để dành ăn cả năm!
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc" ra đi. Vừa đọc chuyện tát đìa, vừa xọ sang chuyện “tát cạn đầm lầy của Kim Mao Sư Trump" chơi. Mệt hay chán phèo, cứ nghỉ. Tui viết hết chuyện cũng nghỉ.
1. Tát Đìa.
Miền Nam có hai mùa mưa-nắng rõ rệt. Mùa mưa thường bắt đầu cuối tháng Tư dl, kéo dài đến cỡ hết tháng Mười dl. Mùa nắng là những tháng còn lại. Mưa thúi đất! Nắng chảy mỡ gà! Tui sinh ra và lớn lên với loại thời tiết của vùng nhiệt đới này. Xa nó 40 năm thì vô cùng nhớ nhung, mà trở về thăm thì không cách gì chịu nổi nó!

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

VÔ ĐỀ

 


Đọc được bài thơ rất buồn trên trang của anh Đoàn Hòa :

Tôi khóc cho anh, tôi khóc cho tôi
Khóc cho chúng ta một thời trai trẻ
Tưởng nước mắt muôn đời vẫn thế
Trộn nỗi buồn nó mặn quá anh ơi
Tôi khóc cho anh tôi khóc cho tôi
Khóc cho chúng ta một thời bồng bột
Đói vàng mắt vẫn oằn mình trên chốt
Để bây giờ tất cả vẫn trống trơn
Ừ già rồi còn biết nói gì hơn
Tiếc một thời không hề toan tính
Lấy máu viết đơn xung phong vào lính
Sắp 70 rồi vẫn phải chạy xe ôm.!

19-12-2019
Giờ kể lại một chuyện (đã đăng lâu rồi) :
Sau khi thoát chết trên chốt, anh em đưa mình về quân y trung đoàn, (sau này, còn nhiều "dịp" về đây - quân y luôn có hai lán : thương binh và bệnh binh, nằm riêng). Nhìn vết thương trên đầu mình, ông Thái (đại đội trưởng quân y) bảo mấy thằng y tá để mình nằm trong lán thương binh nặng, (vì ông tưởng là vết thương sọ não, mà thật ra, chỉ là mảnh đạn sướt qua mang tai, máu chảy đầy mặt, nhưng không sao).