Đại diện đọc tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII trong sáng 28/12 là PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới Quốc gia; bên lề hội nghị, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông về những chuyện không mấy người biết trong công tác biên giới.
- Phóng viên: Trước nay, vấn đề biên giới luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của trí thức nước nhà, nhưng công việc của những người làm công tác biên giới lại thường diễn ra trong thầm lặng, cho đến khi một văn bản được kí kết, cột mốc được dựng. Vậy lần này, Ủy ban Biên giới mang đến Đại hội những gì?
- PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Vấn đề biên giới bao giờ cũng là vấn đề thiêng liêng đối với mọi dân tộc, tuy nhiên lại là một vấn đề nhạy cảm, tốn rất nhiều công sức, phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, không chỉ dùng riêng lý trí và tình cảm để giải quyết được. Công tác biên giới của ta đã đạt được rất nhiều thành quả, nhận được rất nhiều lời đồng tình, nhưng cũng không phải không có những ý kiến trái ngược.
Báo cáo tại Đại hội, chúng tôi nhấn mạnh đến 6 bài học kinh nghiệm trong vấn đề công tác biên giới.
>> Xem toàn văn tham luận của UB Biên giới quốc gia
- Xin được đề cập về một vấn đề khá nhạy cảm: Các Hiệp định biên giới kí kết với Trung Quốc, cũng như việc hoàn thành phân giới cắm mốc. Đây là một thành công có ý nghĩa đặc biệt, kết quả của quá trình đàm phán lâu dài, căng thẳng. Một cách khách quan, chúng ta đã đạt được những mục tiêu đề ra lúc đầu khi tiến đến bàn đàm phán hay chưa? Có điểm nào ta phải nhượng bộ, điểm nào thành công ngoài dự kiến?
- Vấn đề biên giới là thiêng liêng với mọi dân tộc, người làm công tác đàm phán không bao giờ hi sinh lợi ích thiêng liêng này.
Đàm phán giải quyết vấn đề biên giới phải trên cơ sở pháp lý – chính trị, không thể chỉ dựa vào lý trí tình cảm hay suy đoán mà phải có hồ sơ, chứng cứ pháp lý rõ ràng, đủ sức thuyết phục. Đối với những vấn đề có tính nguyên tắc là không thể nhượng bộ. Đối với những khu vực cơ sở pháp lý của hai bên đều còn chưa rõ ràng, chưa đủ sức thuyết phục, tạo thành các khu vực tranh chấp thì phải kiên trì đàm phán, tìm giải pháp giải quyết công bằng, hợp tình, hợp lý, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và hai bên có thể chấp nhận. Khi đàm phán, để đạt tới mục tiêu có được một đường biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác, rõ ràng, đánh dấu bằng những Hiệp định, những cột mốc, thì cần có thiện chí, hợp tác với nhau, cũng như phải có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích – điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng.
Ví dụ, qua hàng trăm năm lịch sử, có những làng bản của Việt Nam nằm sang phía Trung Quốc, làng bản Trung Quốc nằm sang Việt Nam; nếu cứ áp dụng đúng pháp lý sẽ tạo ra sự xáo trộn đời sống của người dân. Người dân khi nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn bị ảnh hưởng do đường biên giới pháp lý đi qua, tình cảm đầu tiên nghĩ đến là một sự xáo trộn cuộc sống của họ rồi mới nghĩ đến đó là đường biên giới quốc gia.
Biên giới xây dựng lên cũng là nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ đời sống yên bình của người dân. Mọi quyết định đều không thể không tính đến yếu tố lấy dân làm gốc, dựa trên tình hình thực địa. Trên cơ sở đó, ví dụ bản Ma Lỳ Sán (xã Pà Vày Xủ, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang) của Việt Nam nằm quá đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Trung Quốc trong khi 13 nóc nhà của nhân dân Trung Quốc gần biên giới Hang Dơi (Lạng Sơn) lại nằm quá sang đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Việt Nam, hai bên đã thống nhất điều chỉnh cho nhau trên cơ sở giữ nguyên diện tích để bảo đảm đời sống dân cư. Nhân dân hai khu vực này rất đồng tình. Đây cũng là việc thường xảy ra trong thực tiễn quốc tế khi giải quyết các vấn đề biên giới.
Đi được đến Hiệp định là thắng lợi của cả 2 bên, cho ra đời một đường biên giới ổn định. Về mặt số học cũng hết sức rõ ràng. Trên một số website có tồn tại một số nguồn tin (không rõ dựa trên cơ sở nào) nói rằng chúng ta đã mất hàng ngàn cây số vuông đất, trong khi đó, là những người trong cuộc, trực tiếp tham gia đàm phán, chúng tôi biết rằng toàn bộ khu vực tranh chấp chỉ có trên 200 km2, trong đó quy thuộc về Trung Quốc được 117,2 km2, quy thuộc về Việt Nam là 114,9 km2; như vậy các khu vực tranh chấp đã được quy thuộc một cách tương đối công bằng, có thể chấp nhận được.
Sau 1 năm phân giới cắm mốc và 6 tháng Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới Việt-Trung có hiệu lực (từ ngày 14/7/2010), số vụ vi phạm về biên giới đã giảm đi rất nhiều, giao lưu phát triển, công tác quản lý đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả.
Nếu có dịp lên thăm các làng bản biên giới, bạn cũng sẽ thấy bà con hết sức phấn khởi. Như vậy, thực tế đã chứng minh việc làm của chúng ta là đúng đắn, được người dân ủng hộ. Nếu dân không ủng hộ, thì hẳn nhiên là quyết sách có vấn đề; trường hợp ngược lại tức là hợp với lợi ích của nhân dân.
- Còn nhớ trước đây, khi Hiệp định biên giới trên bộ với TQ được kí kết, một bộ phận dư luận đã phản ứng dữ dội với thông tin thác Bản Giốc không còn thuộc chủ quyền VN. Với những thông tin và dư luận như vậy, ông nhìn nhận thế nào?
Theo hồ sơ lưu trữ của Việt Nam và Pháp, khi Công ước Pháp – Thanh 1887/1895 được kí kết cũng đã không giải quyết trọn vẹn vấn đề thác Bản Giốc; nhưng đã ghi rõ đường biên giới đi theo trung tuyến sông Quế Sơn. Với một thác nằm ở đường biên giới, theo luật quốc tế sẽ được 2 bên sử dụng như nhau, biên giới đi theo đường trung tuyến dòng chảy ở những nơi tàu thuyền không qua lại được hoặc theo đường trung tuyến luồng ở những nơi tàu thuyền qua lại được. Đó là nguyên tắc cũng từng được chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới với các bạn Lào, Campuchia.
Hiện nay 2 nước đang đàm phán để phát triển toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thành khu vực tự do du lịch, để nhân dân 2 nước đều được ngắm cảnh đẹp, thúc đẩy giao lưu phát triển du lịch.
- Cán bộ ngành ngoại giao đều tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Nhưng thực tế thì nước ta vẫn còn nhiều khó khăn về mọi mặt, vậy trên bàn đàm phán, đặc biệt là đàm phán về biên giới, làm thế nào để “chiêng” nước ta không kém tiếng?
- Câu hỏi rất thú vị (cười). Đúng là bên cạnh một Trung Quốc lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ, có vị thế lớn trên trường quốc tế, quả là một khó khăn, thách thức; nhưng đó cũng là cơ hội để ta triển khai đàm phán hòa bình, trên cơ sở hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, như nguyên tắc nhất quán của Đảng và Chính phủ ta.
Cũng chia sẻ thêm rằng, Trung Quốc có đường biên giới với tất cả 14 nước, nhưng chỉ duy nhất đường biên giới với Việt Nam áp dụng Công ước Pháp – Thanh làm cơ sở giải quyết, còn với các nước khác, phía Trung Quốc đều cho rằng những Hiệp ước kí kết dưới chế độ thực dân trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ; nên đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu.
Thời đại ngày nay là thời đại phát triển luật pháp, tất cả các nước đều bình đẳng, dù lớn hay nhỏ, số dân nhiều hay ít. Phải nắm vững nguyên tắc đó, tâm thế đó thì mới có thể bước vào đàm phán một cách sòng phẳng, ngang hàng với đối tác.
Ngoại giao ta đã trải qua những thời kỳ khi đất nước gặp khó khăn; ví như hồi kí kết Hiệp định Paris với Mỹ. Nếu so về nước lớn nước nhỏ, không ai nghĩ chúng ta có thể bước ra khỏi đàm phán với tư thế của người ngang hàng ? Nhưng có lý lẽ, có chính nghĩa, biết phát huy mặt mạnh của mình, biết dựa vào luật pháp quốc tế, thì nhất định thành công.
- Như vậy, cái “chiêng” ta mang đến bàn đàm phán không chỉ là thực lực của quốc gia, mà còn là thực lực của đoàn đàm phán, của những gì chúng ta chuẩn bị được và “khoe” được?
- "Thực lực” mà ta nói đến là thực lực tổng thể, đánh giá trên tổng thể tất cả các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế…, biết phát huy mặt mạnh của mình. “Thực lực” ở đây là cả bề dày ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của ông cha, là sức mạnh đoàn kết, hỗ trợ của đồng bào và chiến sỹ cả nước, của Việt Kiều ở nước ngoài, tất cả con Rồng cháu Tiên, là vị thế đi lên của đất nước trong thời kỳ Đổi mới, hội nhập và phát triển. Cán bộ ngoại giao cần phải nắm vững nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là “tất cả các nước đều bình đẳng”.
- Cụ thể, như khi đàm phán biên giới trên bộ với Trung Quốc, thì thế mạnh của ta là gì?
- Đó là nắm rất chắc đường biên giới và cơ sở pháp lý của Công ước Pháp – Thanh. Ngay từ những năm quan hệ 2 nước còn khó khăn, chúng ta đã tiến hành khảo sát tất cả các mốc cũ, lập hồ sơ so sánh, sưu tập thêm tài liệu pháp lý từ nhiều nguồn để củng cố lập trường của mình. Khi còn học bên Pháp, bản thân tôi cũng từng vào các thư viện ở đó, tìm các tài liệu liên quan để gửi về trong nước, mặc dù lúc đó tôi chưa làm công tác biên giới Việt-Trung.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1998, Tổng thống Pháp Mitterrand cũng đã tặng chúng ta một đĩa CD trong đó có tất cả tài liệu liên quan đến biên giới Việt Nam mà phía Pháp còn lưu giữ (họ cũng gửi cho Trung Quốc một bản như vậy). Sau khi đối chiếu, có thể thấy hầu hết đều khớp với những gì ta đã nắm được. Như vậy, ngay trong những năm tháng khó khăn nhất, ta đã quyết tâm và có sự chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng; khi thời cơ đến kịp thời tiến hành đàm phán, hoàn thành phân giới cắm mốc.
- Mong muốn của VN là làm bạn, làm đối tác tin cậy của tất cả các nước. Khi đàm phán các vấn đề như kinh tế, văn hóa, hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, chuyện trở thành đối tác là khá dễ dàng. Nhưng trong vấn đề biên giới lãnh thổ, "tôi tiến một tấc, anh lùi một tấc" là không hề đơn giản, làm thế nào để “đối thoại” không trở thành “đối đầu”?
- Trước hết xin nhắc lại là trên những vấn đề nguyên tắc không thể có sự nhượng bộ, không có tiến lùi. Muốn đàm phán có hiệu quả 2 bên đều phải có thiện chí, phải dựa vào cơ sở pháp lý để thuyết phục lẫn nhau. Thông qua đàm phán, tranh luận hiểu rõ thêm lập trường của nhau, và hiểu rõ thêm cả chính mình. Không phải là không có những trường hợp có bên có thể hiểu quá đi do lợi ích của mình. Khi tranh luận, điều cốt yếu là phải tìm ra những điểm chung nhất. Nguyên tắc của phía Việt Nam là không nhượng bộ những vấn đề về mặt nguyên tắc, một tấc đất của ta, ta dứt khoát không nhường, nhưng một tấc đất của bạn cũng không thể xâm phạm. Thiện chí trên cơ sở luật pháp sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề.
Khi mỗi bên đều giữ lập trường của mình, không chịu lắng nghe, trao đổi để hiểu rõ thì chuyện đàm phán đông cứng, căng thẳng là hoàn toàn có thể xảy ra. Có những lần, chúng tôi đã ngồi đàm phán liên tục đến 32 tiếng đồng hồ không nghỉ. Đàm phán biên giới đã trải qua nhiều lần, qua 18 năm mới có thể chín muồi, mới có kết quả. Đàm phán biên giới không bao giờ ngắn, như biên giới Brazil – Chile đã phải trải qua 45 năm đàm phán, hay biên giới Nga – Trung cũng mới hoàn thành năm 2007.
- Thường thì người đại diện kí kết đàm phán hay phải chịu cảnh “trong ép vào, ngoài ép ra”. Đối với kinh nghiệm của ông, sức ép nào lớn hơn?
Để đến được bàn đàm phán, chúng ta phải dựa trên cơ sở đồng thuận. Trước khi đàm phán, ta phải xây dựng phương án, duyệt nhiều lần qua nhiều cấp khác nhau mới có thể thực hiện; khi đó dù sức ép lớn đến đâu, cũng cứ căn cứ vào các phương án để giải quyết. Còn với dư luận, khi đứng trước vấn đề phân chia lãnh thổ, động chạm đến quyền lợi dân tộc, rất nhiều người quan tâm, không thể không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau nhất là khi thông tin chưa đầy đủ.
Hãy lấy ngay một ví dụ nội bộ như việc giải phóng mặt bằng, phân chia, tranh chấp đất đai giữa các gia đình, mà còn khó giải quyết như vậy. Trên bình diện biên giới lãnh thổ, được tất cả mọi người quan tâm, nguồn tin của mỗi người lại không đầy đủ, thì việc giành được sự đồng thuận hoàn toàn hẳn nhiên là rất khó.
Nhưng công bằng mà nói, với chúng tôi, áp lực dù rất lớn, nhưng cũng có ý nghĩa tích cực. Phải dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác Hồ đã đi tìm hình của nước, thế hệ chúng ta lãnh trách nhiệm trước lịch sử “dựng hình” của nước đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại. Đã vì đất nước thì phải dấn thân.
Được tham gia, đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào sự kiện lịch sử của dân tộc, dù khó khăn vất vả nhưng chúng tôi cũng có quyền tự hào được báo cáo với đất nước, với Nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển và hội nhập, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng. không có chuyện để xảy ra sơ sẩy, mất đất, bán nước ở đây.
- Làm công tác biên giới, sơ sẩy một chút là có thể trở thành “tội nhân thiên cổ” của cả dân tộc. Đã bao giờ ông rơi vào tình huống thế này: Có những vấn đề thuộc về cơ mật không thể công bố, dẫn đến việc bị dư luận trong nước hiểu lầm mà không thể thanh minh?
- Đã làm nghề này, thì không còn cách nào khác là chấp nhận khó khăn thách thức. Có những vấn đề khi đang đàm phán thì chưa thể công bố ra ngoài; lúc đó, với dư luận trong nước, cũng chỉ còn cách thuyết phục miệng, mà nếu không được thì đành để thời gian và lịch sử trả lời.
Ví dụ, khi kí xong 1 Hiệp định, rất nhiều người sẽ nói phải công bố ngay số liệu, không công bố tức là có dấu hiệu mờ ám, mất đất. Thực tế có phải như vậy không?
Trên thực tế, như đường biên giới với Trung Quốc có đến 1971 cột mốc, mỗi mốc 1 bộ hồ sơ riêng. Sau khi đặt mốc, lực lượng kĩ thuật còn phải kiểm tra, rà soát từng li từng tí, khi tất cả đã chuẩn, đã khớp mới có thể ra Nghị định thư. Như vậy, với những số liệu chưa được kiểm định, liệu có thể công bố được chưa? Thành quả của quá trình đàm phán nằm trong hơn 2.500 trang tài liệu, bao gồm cả bản đồ và những lời văn mô tả, chứ không đơn giản như mọi người hình dung.
Hoặc một ví dụ khác: bản đồ Google được đưa lên, có khi đất ta nhảy sang đất bạn, đất bạn nhảy vào đất ta; mọi người cho rằng kết quả Google là từ vệ tinh, là đúng; nhưng phải hiểu rằng trái đất không tròn mà hơi dẹt, từ những hệ tọa độ khác nhau, độ cao vệ tinh khác nhau có thể đưa đến những kết quả khác nhau.
Một vấn đề quan trọng khác là, số liệu từ Google cũng chỉ là số liệu của một công ty, chứ không phải số liệu chính thống giữa 2 quốc gia, không có giá trị pháp lý. Khi sự việc xảy ra, có nhiều dư luận trong ngoài nước công kích Google, phản đối hãng sản xuất bản đồ của Mỹ và quy kết cả nhà nước.
- Phải hiểu bản chất vấn đề là: nếu nhà nước đưa ra, in ra bản đồ sai, nhà nước rõ ràng phải chịu trách nhiệm, nhưng khi một công ty đưa ra bản đồ sai, thì tại sao lại vội tin?
Có nhiều điều khó nói, mà nói ra cũng chẳng ai tin (cười). Nhưng với thời gian, nhiệt tâm, kiến thức, cơ sở pháp lý vững vàng, tất cả rồi sẽ được trả lời. Hiện nay, chúng tôi đã công khai các văn kiện đàm phán biên giới lên các trang web chính phủ, trang web của Ủy ban Biên giới (www.biengioilanhtho.gov.vn - PV), những ai quan tâm có thể vào tham khảo.
- Nhìn lại 10 năm đầu thế kỷ 21, công tác biên giới so với ngành ngoại giao nói chung có điểm gì đồng nhất và không đồng nhất? Xét riêng về mặt đường lối, công tác biên giới là “tĩnh” hay “động” so với xu thế chung?
- Thực ra, công tác biên giới nằm trong guồng chung của Bộ Ngoại giao, bởi lẽ muốn hợp tác phát triển thì trước tiên phải có biên giới ổn định, rõ ràng. Chính vì vậy, có thể thấy rất rõ từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, công tác biên giới luôn song hành với chính sách đối ngoại. Có thể thấy, tốc độ đàm phán của ta là đi đầu trong khu vực. Điều này thể hiện thiện chí của Việt Nam trong giải quyết tất cả các vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Còn về đặc thù, thì công tác biên giới không chỉ là vấn đề đối ngoại mà còn là đối nội, phối hợp với tất cả các bộ ngành, địa phương. Động, đó là những mục tiêu hướng tới và hoàn thành. Dự kiến đến năm 2015, chúng ta sẽ có một đường biên giới hoàn chỉnh. Còn tĩnh, đó là vấn đề chủ quyền quốc gia, chúng ta luôn đấu tranh không khoan nhượng.
Ủy ban Biên giới quốc gia đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, triển khai đồng bộ công tác biên giới, bảo vệ chủ quyền trên tất cả các tuyến biên giới đất liền, biển đảo, vùng trời của Tổ quốc: hoàn thành PGCM biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2008; ký Nghị định thư PGCM, Hiệp định quản lý biên giới và Hiệp định quản lý cửa khẩu năm 2009; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và hoàn thành hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa trình Ủy ban thềm lục địa Liên hợp quốc tháng 5/2009; phá vỡ thế bế tắc, khôi phục PGCM Việt Nam - Campuchia sau 30 năm bằng Hiệp ước bổ sung năm 2005, hoàn thành công tác PGCM với Lào và bắt đầu triển khai Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới từ năm 2007.
(...) Với bề dày thành tích trong nhiều năm qua. Ủy ban Biên giới quốc gia đã giành Cờ thi đua của Chính phủ năm 2008, 2009 và vinh dự là đơn vị đầu tiên của Bộ Ngoại giao được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2010). Đảng bộ Ủy ban Biên giới là đơn vị trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền.
Trích tham luận của PGS.TS Nguyễn Hồng Thao tại Đại hội
- Thưa ông, hiện nay, dư luận đang nhắc nhiều đến “quốc tế hóa” trong vấn đề biển Đông. Trong khi một số người cho rằng cần “quốc tế hóa”, thì một số khác cho rằng bản thân biển Đông đã là một vấn đề quốc tế đang bị xé nhỏ thành vấn đề giữa từng cặp, nhóm nước riêng lẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trong vấn đề biển Đông, tôi cho rằng có những vấn đề song phương, và cũng có những vấn đề liên quan đến nhiều bên. Biển Đông là biển duy nhất nối liền 2 đại dương; trong một châu Á phát triển năng động thì biển Đông và Asean chính là cái lõi, nhiều tuyến đường hàng hải đi qua. Nếu có biến cố khiến xảy ra chiến tranh, tất cả đều bất lợi, kể cả những nước ngoài khu vực. Bởi vậy, ai cũng mong muốn giữ hòa bình trên biển Đông. Xưa nay biển Đông vẫn là vấn đề quốc tế, không cần ai phải “quốc tế hóa”; nhưng tùy từng thời điểm, tùy theo lợi ích mà các quốc gia đặt sự quan tâm khác nhau, sự tham gia khác nhau vào vấn đề này.
Bên cạnh đó, có những vấn đề chỉ có thể giải quyết song phương, ví như việc phân chia vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay các vấn đề tranh chấp giữa Malaysia và Singapore, giữa Malaysia và Philippines… Họ đưa nhau ra tòa án quốc tế, các nước khác ủng hộ và theo dõi; nhưng đó vẫn là vấn đề giữa 2 nước.
Trong những vấn đề liên hệ đến lợi ích nhiều bên, cần làm sao để các bên này cùng có thiện chí, thì mới giải quyết được. Nói cách khác, mọi vấn đề muốn giải quyết được đều phải đặt nó ở đúng vị trí.
Nước ta là một quốc gia ven biển, tham gia Công ước luật biển 1982, chúng ta phải hiểu rằng không giống như lãnh thổ trên đất liền, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đều là những vùng lưỡng cực suis generic, ở đó chúng ta có quyền chủ quyền và các quyền tài phán, nhưng các nước khác cũng có quyền tự do đi lại, tự do hàng hải… Thực hiện quyền của mình, phải trên cơ sở tôn trọng quyền của các nước khác. Ngược lại các nước khi thực hiện các quyền tự do của mình cũng phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.
- Một thực tế là, dường như đang có khoảng cách nhất định giữa cách nhìn, cách làm của Chính phủ về vấn đề biên giới với một bộ phận trí thức quan tâm đến vấn đề chủ quyền dân tộc; và khoảng cách này rất dễ bị bên thứ 3 lợi dụng cho những mục đích khác. Làm sao để trí thức yêu nước đều hiểu và đồng tình với những chủ trương, bước đi của chính phủ trong vấn đề biên giới, biển đảo?
- Tôi không nghĩ là có khoảng cách gì giữa trí thức và Chính phủ. Mọi người đều mong muốn đất nước Việt Nam được sống trong hòa bình, mạnh, phát triển, xứng đáng với vị thế đang lên của mình trong khu vực, phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới. Yêu nước là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân; mỗi người đều có quyền bày tỏ lòng yêu nước của mình, mối quan tâm của mình. Nhưng biên giới lãnh thổ là một trong những vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, tổng hợp nhiều ngành khoa học, mà không phải cá nhân nào đều có thể nắm bắt được hết. Một số ý kiến chỉ nhìn từ một góc độ, trên cơ sở những tư liệu mà họ có, chứ không phải một cách tổng thể như cách mà một chính phủ phải làm, phải cân nhắc. Với những vấn đề này, không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, trao đổi với nhau.
Trên thực tế, các trí thức đóng góp được rất nhiều, đưa ra nhiều sáng kiến, nhiều tài liệu. Bên giới lãnh thổ là một cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi sự dày công nghiên cứu. Công việc đàm phán đâu phải chỉ có người ngồi đàm phán, mà cần cả một sức mạnh đằng sau, như bạn nói ban nãy, là cần thực lực chứ. Chúng ta cần tranh thủ hòa bình để xây dựng lực lượng, để phát triển. Chúng ta không đánh ai, không gây hấn với ai, nhưng chúng ta bảo vệ lãnh thổ của mình.
Đàm phán biên giới là công việc lâu dài, không thể một sớm một chiều, còn những ai nóng vội, phê phán, thời gian và tư liệu sẽ trả lời. Giai đoạn đầu năm 2008, chúng ta phải đối mặt với sức ép và phản ứng dư luận rất lớn, nhưng hiện tại, sau khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN, tổ chức thành công ARF, vị thế của Việt Nam được nâng cao, tình hình đã chuyển biến tích cực. Trong công tác đối ngoại, thì “biết mình biết người” là một nguyên tắc không thể quên.
Đối với trong nước, chúng ta thường xuyên hướng tới việc thảo luận, tuyên truyền; đây không phải trách nhiệm của riêng Bộ Ngoại giao, mà cần sự tham gia của các Bộ ngành khác, các chính quyền địa phương, như đưa các chương trình giáo dục về biển đảo, biên giới lãnh thổ…
Có một điểm cần nhấn mạnh. Mặc dù trong thời đại công nghệ thông tin, tin tức lan truyền rất nhanh, con người đã lên đến vũ trụ, nhưng lại chưa chinh phục được biển cả. Khi xảy ra một vấn đề bất kỳ, đều cần thời gian để xác minh cơ sở pháp lý, bằng chứng, chứ không thể chỉ chạy theo lý trí và tình cảm, mặc dù nhiều khi thực tế sau đó chứng minh lý trí và tình cảm đã đúng, và đi trước (cười). Chúng ta luôn cần có một sự thận trọng nhất định.
- Câu hỏi cuối, nếu chỉ dùng 1 câu để nói về công việc của mình và của Uỷ ban Biên giới, ông sẽ nói gì?
- Thực sự khó khăn, đầy thách thức, nhưng cũng rất đáng để dấn thân!
- Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!
Đông Linh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét