Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

SINH Ư NGHỆ, TỬ Ư NGHỆ

 


Anh Hùng "cụ" (Hung Vu)

là một ông anh mà mình quý trọng, không chỉ vì anh là 1 nhà báo lớn tuổi, mà là 1 người sống đàng hoàng, tử tế - người tử tế khi viết đều biết chịu trách nhiệm với từng con chữ, nên không bao giờ viết bằng tin đồn để gây tội với người khác!

Anh Hùng cũng là người thân thiết với anh Chung "con" từ khi anh Chung còn là lính quèn, nhưng luôn có cái nhìn khách quan trước con người đang là tâm điểm của dư luận những ngày qua. Anh Hùng chính là tác giả bài "Sinh ư nghệ, tử ư nghệ" viết về anh Chung đang được lan truyền "chóng mặt" trên mạng.

Và sáng nay, anh Hùng lại viết bài này. Thấy hay bèn ăn trộm về!

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA THEO VŨ CAO VỀ NGUỒN

 

Nhân ngày giỗ Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm (ảnh: ngồi giữa), xin đăng lại bài viết của Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA THEO VŨ CAO VỀ NGUỒN

Tôi nhớ có lần, bên ấm trà đã nhạt, trong một căn phòng nhỏ ở nhà số 4 Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã kể cho đám hậu sinh chúng tôi về cái cảm giác của ông khi lần đầu tiên trông thấy Nguyễn Công Hoan. Đứng trước cụ Hoan, Nguyễn Minh Châu cứ thấy rợn ngợp như đứng trước một con Khủng Long vừa hiện hình người. Mà cũng phải thôi! Cụ Hoan có truyện ngắn in báo từ năm 1920. Mãi mười năm sau, cậu bé Châu mới ra đời. Bởi thế, đối với Nguyễn Minh Châu, cụ Hoan như người ở thế kỷ trước, ở mấy kiếp trước. Thế thì ông cụ đúng là con Khủng Long rồi còn gì!

Tôi cũng có cái cảm giác rợn ngợp như vậy khi nhìn thấy Vũ Cao. Đối với tôi, Vũ Cao cũng chẳng khác gì một con Khủng Long. Trông ông cụ cũng cổ kính lắm, hồng hoang lắm. Ông viết “Núi đôi” năm tôi còn chưa sinh ra. Nhưng khi hỏi ông về bài thơ đã làm nên tên tuổi ông thì ông chỉ cười hơ hớ. Cái cười cứ nhẹ tênh. Nhiều người bảo Vũ Cao hơn người ở tiếng cười ấy. Bằng tiếng cười đó, ông có thể vượt qua bao nhiêu sóng gió, phức tạp.

Hồi ông cụ còn trụ trì ở ngôi chùa thiêng có cái tên rất hiện đại: Tạp chí Văn nghệ quân đội, anh em trong cơ quan với nhau đều thành người ruột thịt. Gặp nhau vui ríu rít. Đó là thời hoàng kim của Văn nghệ quân đội. Tạp chí tung ra hàng loạt tác phẩm đặc sắc. Bạn đọc cả nước đón nhận nồng nhiệt. Tạp chí thành một địa chỉ văn hoá đáng tin cậy của cả nước.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

NGƯỜI RA ĐI CÓ TRỞ LẠI

 

Nhân ngày giỗ Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm (18/08/1950), xin đăng lại bài viết của Nguyen My Trang năm 1995: Người ra đi có trở lại - Nguyễn Mỹ Trang

Trên mục "tao đàn" của Hương đầu mùa (Vòm xanh lao xao) mở cuộc thi bình thơ với bài "Tống biệt hành" của Thâm Tâm.

Hương Đầu Mùa kỳ này giới thiệu bài viết của bạn NGUYỄN MỸ TRANG - cháu nội nhà thơ Thâm Tâm. Bài đoạt giải ba cuộc thi.

BÚT TÍM

Xuất hiện lần đầu tiên trên báo Tiểu thuyết thứ bảy năm 1940, có thể nói Tống biệt hành là một sáng tác thành công nhất của Thâm Tâm và có lẽ, nó đáng được xếp vào hàng những bài thơ mới hay nhất của nền thơ Việt Nam trước cách mạng.

Nửa thế kỷ qua, đã có biết bao bài phân tích, bình phẩm, biết bao khám phá đầy tinh tế, và cũng có biết bao ý kiến đánh giá rất khác nhau về Tống biệt hành. Phải chăng tất cả bắt nguồn từ cái lạ lùng riêng biệt của bài thơ và tác giả? Đúng như nhận xét của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, "Biệt ly là một chủ đề trung tâm trong sáng tác của Thâm Tâm", nhưng điều đáng chú ý là ở chỗ, cuộc chia ly trong thơ ông không bi thương đầy nước mắt như cảnh lưu biệt của những kẻ tình nhân, cũng không rầm rộ, hừng hực hào khí như sự lên đường ra mặt trận của các chiến sĩ cách mạng đương thời. Tất cả chỉ là một tình cảm thâm trầm, lắng đọng nhẹ nhàng, một thứ tình cảm rất Thâm Tâm!

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

AI XIN LỖI, XIN LỖI AI?


-Trong vòng 2 năm, 2018 và 2019, thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phải 4 lần lên truyền hình, cúi gập người xin lỗi người dân Nhật vì những việc mà ông thấy trách nhiệm thuộc về mình, trong đó có việc dẫn sai số liệu do nhân viên (Ở Việt Nam gọi chung là Thằng đánh máy) chuẩn bị.

-Hầu như đời Tổng thống Hàn Quốc nào cũng vài lần tay ấp lên ngực, đầu cúi gập, xin lỗi người dân Hàn, đôi khi chỉ là tiến cử sai một quan chức vào chính phủ. Mới đây nhất ông Tổng thống đã phải xin lỗi vì cấp phát khẩu trang chậm chễ trong chống dịch Covid Tầu.

-Năm 2018, tổng thống Pháp lên truyền hình xin lỗi người dân Pháp vì để xảy ra tình trạng lộn xộn (biểu tình của những người áo vàng)

-Còn đây là lời xin lỗi trong nước mắt (vì cảm thấy xấu hổ) của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vì cái chết của nữ du khách 22 tuổi người Anh, Grace Millane.
"Nhân danh đất nước New Zealand, tôi muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình Grace. Con gái các bạn đáng nhẽ phải được an toàn ở đây nhưng không phải vậy và tôi thành thực xin lỗi vì điều này".

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA TRƯƠNG DUY NHẤT

 

"Đừng để cho các thế hệ cháu con sau này nhìn lại phải cúi đầu tủi hổ về những phán quyết sai lầm của cha ông chúng, của một thời nhóm lò loạn lạc, một thời đất nước tưởng có phúc mà vô phúc, có trọng mà không đáng trọng."
LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA TRƯƠNG DUY NHẤT
Hôm nay TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án nhà báo Trương Duy Nhất và đã giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam đối với anh. Tại tòa Viện Kiểm sát từ chối tranh luận với các luật sư, bảo lưu ý kiến của mình. Khi được phép nói lời sau cùng, nhà báo Trương Duy Nhất đã nói:
“Chiểu theo các căn cứ pháp lý và những chứng cứ thẩm tra tại tòa trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nếu có hiểu biết về pháp luật và còn chút lương tri thì không thể kết tội tôi.
Trong vụ việc này, tôi là người mang lại lợi ích lớn lao cho báo Đại Đoàn Kết, không phải là người gây thiệt hại, không có bất kỳ hành vi sai trái nào, không vụ lợi hay động cơ gì cả và cũng không có tội phạm. Tất cả chỉ là một đòn thù chính trị đê hèn nhằm dập tắt tiếng nói của Trương Duy Nhất. Đòn thù nhơ nhớp của các thế lực què quặt về tư duy, lú lẫn về trí tuệ.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

NGHIỆP

 

ÔNG CHUNG QUÁ NỔI TIẾNG
Không hẳn “Chung con” nổi tiếng vì “lên” Tướng quá nhanh quá sớm khi vừa tròn 46 tuổi. Năm 2014, để củng cố vị trí hàm tướng, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Từ chiếc cầu bật này, Năm 2015, Thủ tướng Tấn Dũng đã ký Quyết định số 2225/QĐ-TTg phê chuẩn chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đường bay thăng tiến đúng là nhanh hơn tên lửa.
Cũng không hẳn ông nổi bật bởi một số phát ngôn khiến dư luận xôn xao, điều mà các đời lãnh đạo thành phố trước im thin thít khi nói về “con hùm công an”.
Như tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, ông Chung nói: “hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau”.
Hoặc: “Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả”.
Phát ngôn như vậy thì chết rồi, các cán bộ toàn thành phố đang có miếng ăn miếng để dành sẽ phải đoàn kết lại chống Chung con thôi.
Thực ra Chung con nổi như cồn sau vụ phá án bắt cóc tại Thanh Xuân Hà nội.
Năm 2014, tháng 9, nhận được báo cáo nóng của cấp dưới vụ bắt cóc con tin tại nhà E6 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thiếu tướng Chung đã ngay lập tức liên hệ với kẻ bắt cóc. Qua điện thoại di động của nạn nhân Đỗ Thị Hương, Giám đốc Công an Hà Nội đã có 4 cuộc gọi với đối tượng Trần Thanh Bình - người đang khống chế chị Hương cùng một trẻ em trong căn hộ 401. Đến cuộc gọi thứ tư, Chung đã thuyết phục được đối tượng gặp trực tiếp để nói chuyện.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

GIỌNG SÀI GÒN

 

Sáng cà phê, mấy ông bạn già théc méc: Ông có bài viết về giọng Quảng Nôm đọc cũng… tồm tộm mà sao hổng thấy viết cái giọng Sè Goòng? Về lục được bài cũ rích trong kho. Thôi thì nêm nếm trình làng cho khuây nỗi ế ẩm cách ly.

Chẳng biết từ bao giờ, giọng Sài Gòn (SG) được xem là chuẩn của Nam Bộ, cũng như giọng Hà Nội (HN) là chuẩn của Bắc Bộ, chả thế mà được tivi và đài phát thanh Trung ương xài. Đồng bào Trung Bộ chạnh lòng, kiện, thế là đem giọng Huế ra đọc thử. Được một dạo rồi lặng lẽ giã từ dĩ vãng.

Giọng SG không sang trọng điệu đà điêu luyện như giọng HN, chẳng thanh nhẹ trầm lắng như tiếng Huế, không ngọt ngào như Tây Nam Bộ sông nước đậm đà phù sa, cũng chẳng cục mịch chân chất như miền Đông gian lao mà anh dũng. Giọng SG ngọt, nhưng là cái ngọt thanh nhẹ của chất thành thị đầy kiêu hãnh, ứ lẫn vào đâu được. Là nơi quy tụ lủ khủ các nền văn hóa, nên tiếng SG học hỏi, vay mượn của các dân tộc khác quá trời ông địa.

Theo sách Ngôn ngữ SG xưa của Ng.Ngọc Chính, các từ lì xì (mừng tuổi), hên xui (may rủi), chạp phô (tạp hoá), tía (cha), ly (uống nước), tài xỉu (đại tiểu- lớn nhỏ) là mượn của người Hoa; xà quầng, mình ên là pha tiếng Khmer; cà rịch cà tang, cà rề cà rà do biến thể từ tiếng Chăm; cù lao (pulaw) của Mã Lai; trái banh (ball- quả bóng), dây sên (chaine- xích), nhà ga (gare), xà bông (savon) là tiếng Tây... bồi. Tiếng Tây bồi là gì? Là thứ tiếng của những người Việt làm bồi bàn, phục dịch cho Tây, lõm bõm câu được câu chăng. Kiểu như để tả con cọp, anh bồi nói với ông chủ Tây: Tí ti giôn, tí ti noa, lủy xực me-xừ, lủy xực cả moa: Một chút vàng vàng (jaune), một chút đen đen (noir), nó ăn thịt ông (monsieur), nó ăn thịt cả tôi (moi).

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2020

MẠC CAN VỚI NGHỆ THUẬT GIANG HỒ


Có gặp, chuyện trò, bạn đừng nói chi với ông về danh xưng, danh hiệu. Mạc Can là giang hồ khổ đa tài, rất tếu. Có người cắc cớ hỏi: "Ngó ông khổ sở, nhàu nát, mà sao diễn cười tài thế? Cứ thấy ông là thấy tiếng cười". Mạc Can trả lời: "Ừ, cười cho khỏi rơi nước mắt ".
Ngược thời gian, trở lại đầu những năm 1990s về trước, miền Tây Nam Bộ vẫn là miền đất của nỗi buồn hiu hắt. Mọi sinh hoạt của xứ kinh rạch với những vàm sông, cù lao ngoi ngóp đều dồn hết vô cái chợ nhà lồng. Mua bán sắm sanh cũng chợ nhà lồng. Trai gái hẹn hò tình tự, không biết đi đâu rồi cũng vô trong chợ. Gã trai đãi cô gái nó thương tô bún mắm, ly chè nước dừa, rồi tiện tay ôm một cái... Phần sau thì xuống ghe, ra đồng, sau đó là đẻ một bầy con ...
Thỉnh thoảng, một đoàn “hát xiệc” hay gánh cải lương nghèo oặt xà lai nào đó ghé qua, cũng lại chọn chợ nhà lồng làm nơi kiếm sống. Sang thì mượn bộ ván, không thì kê sạp chợ thành sàn diễn mà bôi mặt làm trò mua vui, mà cười mà khóc.
* Thương những đời như lục bình trôi
Khoảng hơn 70 năm trước, gánh “hát xiệc” của ảo thuật gia Lê Văn Quý, dù cực nghèo vẫn nổi tiếng khắp miền Tây. Đó là một gánh tạp kỹ nhỏ với đủ trò câu khách, từ nhào lộn, đu dây, ảo thuật, làm hề, phóng dao cho đến bán dạo thuốc đau răng và... coi bói bài Tây 52 lá.
Ông Quý quê gốc Bạc Liêu, lưu tán lâu năm không về làng, đường về quê cũ cũng chưa chắc nhớ. Bà Mạc Thị Hào, vợ ông là một cô gái người Hoa lai Miến Điện, chọn miền Tây gạo trắng nước trong và hiếu khách làm chốn trú nhờ, cố hương chỉ là một ý niệm mơ hồ như khói sóng.
Gánh “hát xiệc” của họ chỉ có chừng mươi người, đến các chợ nhà lồng trên một chiếc ghe mui cũ nát. Giang hồ đến từ đâu không ai biết, diễn xong đi về đâu không ai hay. Mượn chợ nhà lồng làm trò kiếm sống, họ lưu lại ở mỗi nơi chỉ chừng một tuần, mươi bữa, vừa đủ cho người dân thị tứ nơi họ đáo qua một nỗi nhớ bâng quơ là lại nhổ sào.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

SAO LẠI “TÂM HỒN VONG BẢN”!?


  " Lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng, nhưng rồi sẽ được viết lại bởi những kẻ sống sót " Danh ngôn.
Kính mời cả nhà đọc tham khảo !
..............
SAO LẠI “TÂM HỒN VONG BẢN”!?
Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, vênh vẹo đóng đinh qua loa, không sơn phết, tấm thiên, tấm địa và bốn góc đều hở.
Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm. Không nến, không hoa. Không có một vòng hoa, một bông hoa nào trong đám tang cha tôi. Ngoài con ngựa già kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là người trong gia đình.
Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng cửa Đông.
Người hàng phố đứng nhìn đám tang vội vã quay đi. Không ai dám tới dự và đưa cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ đều sợ liên lụy . Lúc cha tôi còn sống họ sợ đã đành, giờ cha tôi đã chết mà họ vẫn sợ.
Chiều mùa Đông gió mưa hun hút, lạnh tê tái.
Chiếc xe ngựa mầu đem và một dúm người mẩu đen vón vào nhau líu ríu ra hướng cửa Đông.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

BAN TUYÊN GIÁO CÒN NỢ LỜI XIN LỖI KHÁC


Tôi là người hay đọc Tạp chí Tuyên giáo. Ở đâu cũng có cái hay và cái không hay, cần học theo cách dùng bộ lọc của tư duy để sàng lọc. Hơn nữa, Tạp chí Tuyên giáo còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước, nôm na là ảnh hưởng sâu sắc đến miếng cơm manh áo và con đường phát triển của toàn dân. Không quan tâm thì là trí thức mù.
Chiều nay rất vui khi Ban Tổ chức hội nghị 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo đã chính thức lên tiếng xin lỗi công khai đến toàn dân, các nhà văn và thân nhân các nhà văn về lời phát biểu của Thủ tướng. Đó là lời xin lỗi kịp thời. Không ai là "bậc thầy của các thầy". Với tôi, trừ đám bò đỏ chụp mũ tùy tiện, mỗi lần sai dù là tư tưởng hay lỗi chính tả, được dư luận chỉ bảo, tôi đều xem dư luận là thầy của mình. Biết sai mà sửa thì mới có tiến bộ, còn nếu không thì ngu cả đời.
Tuy nhiên, cụm từ "Khai hóa văn minh" mà Báo Thanh niên đăng chính thức cho nhiệm vụ của Tuyên giáo mới là sai lầm nghiêm trọng. Không rõ về sự sống chết của các nhà văn là chuyện thường tình, kể cả người học chuyên văn, nhưng dùng cụm từ "Khai hóa văn minh" cho nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo thì không thể chấp nhận được.