Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Huyền thoại Cuba (2)

 

Xếp hàng một cách kiên nhẫn và trật tự để hy vọng mua được chút ít thực phẩm 

là một đức tính đáng quý. ( Bản quyền của Alamy Stock)

(Tiếp theo)
Một số người đọc bài trước của tôi tỏ ý khâm phục một mô hình “XHCN Cuba”.
CNXH nào cũng phải chấp nhận nguyên tắc cơ bản mà Marx và Engels, những người sáng lập ra nó đã đề ra. Đó là xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất (nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất v.v.), từ đó sinh ra sự điều tiết sản xuất tập trung và cuối cùng là sự phân phối công bằng của cải làm ra cho mọi thành viên trong xã hội (xã hội =society, tính từ = social và học thuyết là Socialism).
Theo khái niệm này thì việc gắn mác XHCN cho các nhà nước phúc lợi Bắc Âu là sai. Ở đó kinh tế tư nhân là chính. Nhà nước tư bản chỉ thu thuế và làm tốt việc chia lợi tức cho dân (vế sau của CNXH).
Ngược lại, Bắc Triều Tiên cũng không phải là nước XHCN. Ở đó tuy không một sợi lông nào của kinh tế tư nhân mọc được (vế đầu của CNXH) nhưng của cải chỉ chia cho triều đình dòng họ Kim, dân chết đói.
Về sau ông “Lenin ở nước Nga” đưa thêm vế “Nhà nước chuyên chính vô sản” vào học thuyết đó để xây dựng thành CNXH hiện thực (Real Socialism), nhằm phân biệt với CHXH không tưởng (Utopian Socialism) của các ông Saint-Simon và Fourrier [1], vốn không công nhận vai trò nhà nước.

Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

RÂU ÔNG NỌ CẮM CẰM BÀ KIA

 


Hữu Thọ

Hơn 3 năm trước, hôm 30-4-2018 Đài Truyền Hình VTC và báo Công an Nhân dân đăng ảnh người lính Mỹ cầm súng trường đứng nhìn một phụ nữ Việt Nam cho con bú kèm theo nhan đề “Giọt sữa cuối cùng trước khi bị lính Mỹ hành quyết năm 1972”. Ảnh 1.

Chưa hết, bức ảnh còn chú thích là “Nữ du kích Ng.Thị Tư cho con gái bú giọt sữa cuối cùng trước khi bị lính Mỹ hành quyết”. Thế rồi các bài báo ăn theo mọc ra như cỏ dại sau mưa, lại có cả mấy bài thơ lâm li bi đát, khiến lủ khủ con tim thổn thức, vô thiên lủng nước mắt lã chã rơi.

Sai bét!
Người lính Mỹ trong ảnh đang xúc động trước cảnh tượng thân thương và gần gũi. Anh ta bồi hồi nhớ đến tuổi thơ của mình bên người mẹ yêu quí, đâu có nét hung tợn của kẻ sắp giết người.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Huyền thoại Cuba (1)

Người Cuba biểu tình đòi tự do tháng 7 năm 2021

Tho Nguyen


Tôi quen nhiều bạn từng học ở Cuba và cả những người bạn chưa đến đấy nhưng rất ngưỡng mộ xứ sở này. Hồi 1980 tôi hay làm việc với Roberto Zayas, giám đốc trung tâm truyền hình quốc tế của OIRT[1] ở Praha. Anh kỹ sư Cuba này rất giỏi nên mới lãnh đạo được một trung tâm kỹ thuật như vậy, mặc dù đến từ thế giới thứ ba. Gần nhà tôi có cô Sol, người Cuba lấy chồng Đức. Cô hay kể cho tôi về quê nhà.
Trên hòn đảo 110.000km², bằng 1/3 diện tich Việt Nam, có 11 triệu người Cuba sinh sống (1/9 dân số VN). Khí hậu biển ấm áp, mưa gió thuận hòa giúp cho mảnh đất đó mầu mỡ, trù phú. Trước ngày 1.1.1959, Cuba là nước giàu có nhất Nam Mỹ và đứng thứ ba ở châu Mỹ, chỉ sau USA và Canada. Thủ đô La Habana từng là sòng bạc và trung tâm ngân hàng lớn cho du khách từ Mỹ.
Cuộc cách mạng 1959 của Fidel Castro và các trí thức cảnh tả trong phong trào „Moncada 26.7“[2] đã được loài người tiến bộ đón chào như một cuộc cách mạng dân chủ. Ngày đó, cả châu Mỹ Latin chìm ngập trong bóng đêm của các chế độ độc tài quân sự nên sự kiện mấy trăm cậu sinh viên yêu tự do, thích phiêu lưu lật đổ được tên tướng Batista tàn bạo thậm chí đã được tờ „New York Times“ ca ngợi hết lời.
Fidel thừa hiểu rằng sự phồn vinh của Cuba gắn liền với nước Mỹ nên tháng Tư 1959, chỉ ba tháng sau khi lên cầm quyền, ông sang thăm Mỹ. Hai bên lúc đó còn khá vui vẻ với nhau vì Fidel tỏ ra lạnh nhạt với mô hình Xô Viết.
Nhưng các chàng trai hãnh tiến, thích hành động kiểu hiệp sỹ đã giữ vững những cam kết với người nghèo nên họ quốc hữu hóa ngay lập tức một số đồn điền trồng mía và chia nhỏ các đồn điền khác xuống dưới 25 Hektar.

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI CHÔN PHÍCH TRUNG QUỐC

 


Bây giờ nói đến phích con công Trung Quốc có lẽ chỉ những người ở thế hệ 60 tuổi như tôi trở lên mới biết rõ. Đó là những năm của thập kỷ 50, 60 và 70 của thế kỷ trước, miền bắc Việt Nam ngập tràn những sản phẩm của Trung Quốc như phích, đài, quạt, xe đạp, chăn, họa báo, tranh dán tường và trước tác của mao Trạch Đông. Hồi đó, nhà nào có được cái phích, chiếc đài, cái xe Trung Quốc thì cũng thuộc diện gia đình đặc biệt. Nhưng có một người nông dân làng tôi, ông C, có được một cái phích con công Trung Quốc. Vì sao ông C lại có ? Vì ông có người em làm ở Bộ Ngoại giao. Ông cán bộ Bộ Ngoại giao có đi sứ ở Trung Quốc. Khi hết nhiệm kỳ trở về, ông tặng cho anh mình một cái phích Trung Quốc.
Cái phích là một tài sản lớn của ông C và cũng là niềm tự hào của ông vì có đứa em là một nhà ngoại giao. Phích là để dùng hàng ngày, nhưng ông lại ít khi dùng trừ những dịp đặc biệt trong năm. Khi không dùng đựng nước nóng, ông cho chiếc phích vào tủ kính và khóa chặt lại nhưng cứ đôi ngày lại mang ra lau chùi cẩn thận. Hễ có ai đến chơi, ông lại nói về chiếc phích và câu cuối cùng là : “ Phích Trung Quốc là nhất thế giới’’.

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

NGƯỜI SÀI GÒN


 

Sài Gòn (SG) là chỗ nào?
Là TP.Hồ Chủ tịch, bao gồm Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia định, thêm mấy huyện ngoại thành nữa.

Thế nào là người Sài Gòn?
Nhà văn Sơn Nam định nghĩa: “… ông bà đến SG từ đôi ba đời là tốt, nhưng chưa đủ. Nhiều người ở SG từ nhiều đời, nhưng con cháu lần hồi suy thoái, không theo kịp thời cuộc đã trở nên xơ cứng, chỉ là dân SG về thể xác. Ngược lại, người tuy mới cư ngụ ở SG nhưng đã là “dân SG” vì đã kịp thời thích ứng”. Mấy lần vỗ vai hỏi bạn bè có phải người Sài Gòn (SG) không, tui đều được trả lời đại loại là: Hỏi chi cái chuyện tào lao zậy cha nội? Kiếm sống được ở SG là thành người SG rồi.

Nếu như bi chừ người Hà Nội (HN) gốc chỉ như hạt muối tan trong thùng nước lèo thì người SG gốc chỉ bằng giọt sữa rớt xuống ao làng. Cũng phải thôi, liên miên binh đao loạn lạc, bao phen di tản di cư, mấy bận vượt biên, kinh tế mới. Đặc biệt là đầu thập niên 1990, khi kinh tế thị trường chớm nở, dân nhập cư tự do quá trời ông địa.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

NHÂN DÂN KHÔNG CÓ PHE

 


NHÂN DÂN KHÔNG CÓ PHE
Đã từ rất lâu, thay vì đọc “lý luận phê bình”, tôi chọn đến với nghệ thuật, văn chương một cách trực tiếp, tự mình đón nhận những cảm xúc tươi rói từ chữ nghĩa. Đọc “Nguyễn Duy, Nhà Thơ Hiện Đại Việt Nam”, thoạt đầu là vì tình riêng, nhưng rồi tôi bị từng trang viết của anh Lã Nguyên cuốn hút.
Cuốn sách, nói là viết về nhà thơ Nguyễn Duy (Duy Nguyen), xác lập “địa vị lịch sử của thơ ông trong nền thơ đương đại Việt Nam” (GS Trần Đình Sử), nhưng đọc kỹ thì thấy Lã Nguyên nói nhiều hơn về “nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa” để thấy, tuy vẫn “hòa vào dòng chảy của nền văn nghệ chính thống”, Nguyễn Duy vẫn là một “người khác”.
Có những nhà thơ mặc “Máu ở chiến trường” làm thơ thưởng “hoa ở đây”(Xuân Sách vịnh T.H.). Nguyễn Duy thì khác, từ 1966, ông đã trực tiếp cầm súng. Ông có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt nhất, từ Đường 9 – Khe Sanh đến 1972 Quảng Trị; từ Mặt trận Tây Nam đến Lạng Sơn ngay sau ngày 17-2. Thế nhưng, ông vẫn không thành “nhà thơ - chiến sỹ”. Ông ở trong “thập loại chúng sinh” và giữ “căn cước nhân dân”.

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

BĂNG QUA VỰC THẲM

Tranh: Nguyễn Quang Thiều
 

"Nước mắt đàn ông không rơi từng giọt
Nước mắt đàn ông chôn sâu trong lòng ..."

Cám ơn anh, vì giọt nước mắt chôn sâu trong lòng của anh khi đó mà chúng ta đã cùng vượt qua những tháng ngày đen tối nhất ...

***
Tôi quen anh năm 33 tuổi, khi đã rời khỏi cuộc hôn nhân trước đó. Tôi sống tự lập, năng động, có một con gái 8 tuổi dễ thương, có công việc ổn định và thu nhập khá. Anh đến với tôi như trò đùa oái oăm của số phận, người đàn ông 34 tuổi chưa lập gia đình, có 10 năm sống ở Châu Âu, có tài sản, công việc và lối sống văn minh, điềm tĩnh. Anh chọn tôi - cô bạn học thủa thiếu thời - giữa hàng tá những cô gái trẻ mà khi anh về Việt Nam họ hàng, bạn bè ... thi nhau giới thiệu cho anh. Chính vì thế mà tôi, ngay từ những phút đầu tiên, đã không được những người bên anh yêu quý. Tôi cũng đã từng nói lời chia tay, vì lòng tự trọng bị tổn thương, nhưng sự quyết tâm và tình yêu thương của anh với mẹ con tôi đã làm tôi mềm lòng đi tiếp. Tôi mặc áo cưới trong hôn lễ linh đình nhưng đầy những tiếng bấc tiếng chì, những cái nhìn soi mói. Tưởng như cuộc sống sẽ êm ả trôi qua khi chúng tôi ở riêng và chờ đón đứa con trai yêu dấu. Có ngờ đâu bão tố chỉ mới bắt đầu...
Tôi mang thai được 8 tuần thì bắt đầu bị dọa xảy, đi khám bác sỹ bảo "Rau tiền đạo", cơn ác mộng với phụ nữ mang thai, khiến tôi luôn đối diện với nguy cơ mất con và mất mạng. Những trận ra máu triền miên khủng khiếp khiến tôi kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, nhiều đêm choàng tỉnh giữa cơn ác mộng khi tưởng sinh linh bé bỏng ấy đã rời bỏ mình trong vũng máu, tôi khóc nức nở như đứa trẻ trong vòng tay vỗ về của chồng, rồi lại cố gượng động viên mình cố gắng để giữ con.

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

ĐI TÌM NGƯỜI LÍNH TRONG ẢNH

 


(Bài viết của Phan Trí Đỉnh)
Tấm hình anh bộ đội gầy gò vác khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cây số 0 ở Lạng Sơn từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người và trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979.
Tìm ra nhân vật trong bức ảnh ấy là hành trình rất dài và khó như mò kim đáy bể. Khát khao kiếm tìm lời giải đáp, chúng tôi đi từ Bắc vào Nam, lần theo những manh mối nhỏ nhất, tìm gặp những chứng nhân có liên quan đến bức ảnh với niềm hy vọng cháy bỏng về người chiến sỹ đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Người cựu binh ngoài 80 ấy là Đại tá Ngô Công Nội, khi ấy là Trung tá - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 540, mặt trận Lạng Sơn, người đã ký giấy chứng minh quân nhân cho chiến sỹ Trần Huy Cung - nhân vật trong bức ảnh người chiến sỹ vác khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cột Km0 Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
Bức ảnh đã nổi tiếng từ lâu khắp trong và ngoài nước. Phóng viên chiến trường kỳ cựu TTXVN, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo cho rằng đây là một trong những hình ảnh ấn tượng, ‘mang tính biểu tượng nhất’ cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của nhân dân Việt Nam.
Và cuối cùng cũng phải tìm ra ...
Chúng tôi có được thông tin từ Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) - người tham gia vào biên soạn cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989): Góc nhìn báo chí”.
Với manh mối của Thạc sỹ Hiếu, phóng viên VTC News tìm đến nhà ông Trần Huy Cung ở phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người được cho là nhân vật trong bức ảnh lịch sử.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

"𝐐𝐮𝐚̉𝐧 𝐠𝐢𝐚́𝐨 𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐕𝐚̆𝐧 𝐓𝐡𝐚̀"


 

07.03.2021
Bài viết của tác giả Phạm Tín An Ninh :
"𝐐𝐮𝐚̉𝐧 𝐠𝐢𝐚́𝐨 𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐕𝐚̆𝐧 𝐓𝐡𝐚̀"
Những năm “cải tạo”ở miền Bắc, tôi được chuyển đi khá nhiều trại. Từ Lào Cai, xuống Hoàng Liên Sơn, rồi Nghệ Tĩnh. Khi mới đến Hoàng Liên Sơn, tôi được đưa đến trại Hang Dơi, nằm sâu trong núi. Đây là một vùng sơn lâm chướng khí, nên chỉ mới gần hai năm mà tôi đã có hơn 20 người bạn tù nằm lại vĩnh viễn ở dưới sườn đồi.
Sau đó, tôi được chuyển về trại 6/ Nghĩa Lộ. Trại này nằm gần Ban chỉ huy Tổng Trại, và cách trại 5, nơi giam giữ gần 30 tướng lãnh miền Nam, chỉ một hàng rào và mấy cái ao nuôi cá trám cỏ. Ban ngày ra ngoài lao động, tôi vẫn gặp một vài ông thầy cũ, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện vui buồn. Ngày nhập trại, sau khi “biên chế” xong, cán bộ giáo dục trại đưa 50 thằng chúng tôi vào một cái láng lợp bằng nứa, nền đất, ngồi chờ “đồng chí cán bộ quản giáo” đến tiếp nhận
Vài phút sau, một sĩ quan mang quân hàm thượng úy đi vào láng. Điều trước tiên chúng tôi nhìn thấy là anh ta chỉ còn một cánh tay. Môt nửa cánh tay kia chỉ là tay áo bằng kaki Nam Định, buông thỏng xuống và phất phơ qua lại theo nhịp đi của anh. Không khí trở nên ngột ngạt. Không nói ra, nhưng có lẽ trong đám tù chúng tôi ai cũng có cùng một suy nghĩ : – Đây mới đích thực là nợ máu đây, biết trả như thế nào cho đủ ? Nhưng bất ngờ, người cán bộ quản giáo đến trước chúng tôi , miệng nở nụ cười. Nhìn khuôn mặt hiền lành, và ánh mắt thật thà, chúng tôi cũng bớt lo âu. Bằng một giọng đặt sệt Nghệ Tỉnh, anh quản giáo giới thiệu tên mình: Nguyễn văn Thà, rồi “báo cáo” môt số nội quy, yêu cầu của Trại. Anh đưa cho anh đội trưởng một tập vở học trò, phát cho anh em mỗi người một tờ giấy để làm bản “lý lịch trích ngang”.