Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Biển Đông: Những hành động đáng quan ngại từ ngày 01/01/2013

 TQ sẽ nghiêng về triển khai tàu phi quân sự và bán quân sự như tàu hải giám để có cớ lu loa là “bị hại”, nhưng có thể trang bị vũ khí trong thời chiến.

Tàu Hải giám 137 là tàu hải giám mới nhất lớp 3.000 tấn, trang bị cho Tổng đội Đông Hải vào ngày 14/11/2012, do Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chụp được.

Trang mạng “Strategy Page” Mỹ vừa có bài viết cho rằng, gần đây, Trung Quốc tuyên bố, từ ngày 1/1/2013, tàu hộ vệ tuần tra của Hải quân Trung Quốc sẽ “hộ tống” hoặc xua đuổi tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông. Cách làm này đã bị nhiều nước phản đối.
Nhưng, Hải giám Trung Quốc biết sử dụng thủ đoạn này như thế nào. Trung Quốc không định điều tàu chiến hải quân màu trắng xám để tiến hành các hoạt động ngăn chặn, nhưng họ sẽ sử dụng các tàu ngư chính sơn trắng, có sọc thẳng màu đỏ. So với tàu hộ vệ, khả năng đe dọa của tàu ngư chính tương đối yếu.
Trung Quốc đồng thời còn kêu gọi tàu dân sự tham gia đóng vai trò của tàu ngư chính. Như vậy, “khi tàu hộ vệ nước ngoài muốn khai hỏa để xua đuổi những tàu dân sự này, sai lầm sẽ hoàn toàn thuộc về tàu hộ vệ nước ngoài”.

Trung Quốc đã và đang chế tạo 36 tàu hải giám mới, trong đó có 7 tàu hải giám có lượng giãn nước 1.500 tấn (Mỹ gọi là tàu tuần tra), những tàu này đều thuộc Hải giám Trung Quốc (CMS). Ngoài 7 tàu này, các tàu hải giám khác tương đối nhỏ. 15 tàu có lượng giãn nước 1.000 tấn, 14 tàu 600 tấn.
Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã không coi trọng lắm đến lực lượng hải giám. Nhưng, trong 10 năm qua, sức mạnh của Hải giám Trung Quốc đã liên tục được tăng cường, đồng thời ngày càng nhiều tàu cỡ nhỏ được cho về hưu. Tất cả 36 tàu hải giám mới sẽ hoàn thành công tác bàn giao trong 2 năm tới.
Trung Quốc vừa biên chế tàu Ngư chính 206 lớp 5.800 tấn cho Tổng đội Đông Hải vào ngày 11/12/2012. Đây là tàu có trọng tải lớn nhất, tính năng tiên tiến nhất hiện nay của Ngư chính Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc “chuyển những tàu hộ vệ hải quân cỡ nhỏ có tuổi thọ tương đối lâu tới các cơ quan chấp pháp trên các lĩnh vực, chuyển sang làm công tác an ninh biển”.
Từ ngày 1/1/2013 tới đây, Trung Quốc sẽ chính thức đưa bờ biển của rất nhiều hòn đảo, đá ngầm, rạn san hô không có người ở trên biển Đông vào vùng mà nước này tuyên bố là “lãnh hải chấp pháp”. Như vậy, một vùng biển quốc tế lớn do quốc tế công nhận sẽ bị Trung Quốc coi là “lãnh hải” của riêng Trung Quốc (biến biển quốc tế thành ao nhà). Trung Quốc cũng muốn trang bị nhiều tàu hơn để khuấy động các vùng biển trên.
Ở Trung Quốc, có 5 tổ chức đồng thời thực hiện nhiệm vụ “chấp pháp” trên biển, và Hải giám Trung Quốc là một trong số đó. 4 tổ chức còn lại lần lượt là cảnh sát biển biên phòng của Công an Trung Quốc, Cục hàng hảiCục ngư chính, Cục chống buôn lậu Hải quan.
Cảnh sát biển Trung Quốc có tàu sơn màu trắng, là một lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra bờ biển. Cục hàng hải phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển duyên hải. Cục ngư chính làm nhiệm vụ bảo vệ nghề cá; còn Cục buôn lậu Hải quan làm công tác tấn công tội phạm buôn lậu.
Tàu Hải tuần 01 là tàu tuần tra cứu hộ cỡ lớn, có chức năng giám sát hàng hải và cứu hộ, lượng giãn nước 5.418 tấn, dài 128,6 m, tốc độ 20 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục 10.000 hải lý; có thể mang theo trực thăng, chở 200 nhân viên được cứu. Hải tuần 01 là tàu có trang bị tiên tiến nhất, khả năng tổng hợp mạnh nhất hiện nay của Cục hàng hải Trung Quốc, được hạ thủy ngày 28/7/2012.
Có thể trang bị cả tên lửa, ngư lôi

Cục hải giám Trung Quốc thành lập năm 1998, là cơ quan chấp pháp trên biển thành lập muộn nhất. Hải giám Trung Quốc thực ra chính là “lực lượng cảnh sát” của Cục Hải dương Trung Quốc, phụ trách thăm dò, đo đạc các vùng đặc quyền kinh tế và khảo sát môi trường ở các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Công trình chế tạo tàu mới sẽ đưa lực lượng hải giám từ 9.000 nhân viên mở rộng lên 10.000 nhân viên. Hải giám Trung Quốc đã trang bị 300 tàu và 10 máy bay.
Ngoài ra, Hải giám Trung Quốc tiến hành thu thập và tổng hợp các số liệu, dữ liệu thu được từ các hoạt động giám sát biển của các đô thị duyên hải. “Khi các quần đảo còn tranh chấp ở biển Đông xảy ra xung đột vũ trang, thường sẽ thấy tàu tuần tra của Hải giám Trung Quốc xuất hiện trong con mắt của cộng đồng quốc tế”.
Hải giám Trung Quốc và 4 “lực lượng cảnh giới bờ biển” khác sở hữu mấy trăm tàu cỡ lớn (trên 1.000 tấn, trong đó có một số tàu hơn 3.000 tấn) và mấy nghìn tàu tuần tra cỡ nhỏ.
Biên đội tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc (cảnh sát biển)
Bài viết cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng căn cứ cỡ nhỏ ở các quần đảo tranh chấp để làm công tác bảo đảm cho các tàu huấn luyện cỡ nhỏ, điều cần chú ý chính là những tàu tuần tra này có thể trang bị vũ khí hạng nặng trong thời chiến như tên lửa, ngư lôi.
“Phương hướng” hiện nay của Trung Quốc chính là tập trung ở “vùng đặc quyền kinh tế”, Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra tới tấp và mang tính chế áp hơn.
Căn cứ vào luật pháp quốc tế (Công ước biển năm 1994), vùng biển 22 km xung quanh các hòn đảo chịu sự kiểm soát của quyền quản lý tư pháp của các nước sở hữu đảo. Điều này có nghĩa là, trong trường hợp không được phép, tàu thuyền nước khác không thể đến các “lãnh hải” này.
Nhưng, vùng biển 360 km xung quanh đảo là vùng đặc quyền kinh tế của nước sở hữu đảo, tất cả các nước sở hữu vùng đặc quyền này có thể kiểm soát nguồn lợi hải sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển ở những vùng biển này.
Song, tất cả các nước sở hữu vùng đặc quyền kinh tế không thể cấm nước khác triển khai đường ống và dây cáp thông tin ở những vùng biển này. .
Tàu tuần tra của Hải quan Trung Quốc trên biển
Trong 2 thế kỷ qua, Trung Quốc đã không thể tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh, chính là do Trung Quốc đã gặp phải những lực lượng hải quân nước ngoài mạnh (trước hết là các tàu pháo của châu Âu, kế tiếp là tàu chiến sắt thép kiểu mới của Nhật Bản).
Nhưng, sau khi nước Trung Quốc mới ra đời, Trung Quốc ngày càng cố gắng tuyên bố chủ quyền đối với những vùng biển này, coi các khu vực đó là một bộ phận của “Thiên triều”.
Vùng biển được Trung Quốc đặc biệt chú ý là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), quần đảo này có hơn 100 đảo nhỏ và đá ngầm. Tổng diện tích chỉ có 5 km2, nhưng lại rải rác trên trên một vùng biển rộng 410.000 km2 ở biển Đông.
Vùng biển này có ngư trường giá trị nhất trên thế giới, đồng thời được cho làtàng trữ rất nhiều tài nguyên dầu khí.
Tàu Hải giám 83, có lượng giãn nước 3980 tấn, của Trung Quốc, hoạt động trên biển Đông.
Trung Quốc có xu hướng nghiêng về triển khai các loại tàu phi quân sự hoặc hỗ trợ quân sự (như tàu hải giám) để tiến hành xua đuổi tàu thuyền nước ngoài ra khỏi “vùng đặc quyền kinh tế” hoặc vùng biển tranh chấp (“đường lưỡi bò” bất hợp pháp). Trung Quốc sử dụng phương thức này có thể làm giảm xác suất xảy ra xung đột quân sự, đồng thời Trung Quốc có lý do để “lu loa” mình là “người bị hại”.
Ấn Độ và Mỹ đều cho biết, họ sẽ không tuân thủ quy định mới (bất hợp pháp, do Trung Quốc tự nghĩ và đưa ra), đồng thời tuyên bố, tàu hộ vệ của Ấn Độ và Mỹ có thể thoải mái đến biển Đông hơn vào năm 2013.
Tàu Ngư chính 311 của Cục Ngư chính - Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, có lượng giãn nước là 4.600 tấn, trước đây là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Tàu Ngư chính 21, có lượng giãn nước là 10.975 tấn (có số liệu là: 8.500 tấn), tốc độ 22 hải lý/giờ, hoạt động trên biển Đông, vốn là tàu tiếp tế Kính Bạc Hồ, số hiệu 884 của Hải quân Trung Quốc.
Tàu Hải giám 75 của Trung Quốc, trang bị năm 2010, lượng giãn nước 1.290 tấn, hoạt động trên biển Đông.
Tàu Hải giám 84 Trung Quốc hoạt động trên biển Đông.


Việt Dũng (theo Giáo dục Việt Nam)

Không có nhận xét nào: