Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Vì sao Trung Quốc không ‘đuổi’ được Nga khỏi Đông Nam Á?


Theo Viện “Jamestown Foundation”, đầu tháng 4/2012, Trung Quốc chính thức đề nghị Nga từ bỏ mối quan hệ năng lượng cũng như các mối quan hệ khác với Việt Nam. Trước yêu cầu đó, Mátxcơva đã chọn giải pháp im lặng và vẫn tiếp tục các công việc của mình.
Hơn thế nữa, kể từ mùa hè năm 2012, Chính phủ Nga tăng gấp đôi sự ủng hộ đối với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông cũng như trong việc bán các loại vũ khí và hợp tác quốc phòng.

Nga sẽ không cho phép Trung Quốc thống trị châu Á lấy đi cơ hội “trị giá nhiều tỷ USD” từ các dự án hợp tác khai thác năng lượng, hoặc ngăn chặn Nga tìm kiếm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á (Ảnh minh họa).

Trong hàng loạt chuyến thăm cấp cao của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và các sĩ quan cao cấp, hai bên tái khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong đó đẩy mạnh mối sự hợp tác thương mại và khai thác năng lượng ở Biển Đông cũng như năng lượng nguyên tử, đặc biệt là Nga đang xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trong tổng số 8 lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam.


Cả Việt Nam và Nga đều nhất trí rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình chứ không phải bằng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương liên hợp quốc và Công ước của liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Nga trở thành quốc gia thứ hai ký quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam vào tháng 3/2011.

Mặc dù không tuyên bố ầm ĩ, nhưng mối quan hệ hợp tác song phương Nga – Việt chính là lời “chối từ dứt khoát” và mạnh mẽ nhất của Mátxcơva trước yêu cầu của Bắc Kinh và một lần nữa tái khẳng định quan điểm của Mátxcơva rằng Nga sẽ không cho phép Trung Quốc thống trị châu Á lấy đi cơ hội “trị giá nhiều tỷ USD” từ các dự án hợp tác khai thác năng lượng, hoặc ngăn chặn Nga tìm kiếm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á cũng như Đông Bắc Á.

Một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ thân thiện Nga – Việt ngày càng tăng khi mứi đây chính phủ Nga cử Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu một phái đoàn cao cấp đến thăm chính thức Việt Nam ngày 7/11. Không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Medvedev tận dụng cơ hội này để một lần nữa đề cập đến mối quan hệ hợp tác kinh tế, năng lượng và quốc phòng ngày càng tăng giữa hai nước.Ông Medvedev thông báo Nga và Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán về việc Nga sử dụng vịnh Cam Ranh làm cơ sở hải quân ở nước ngoài.

Ngoài ra, Nga sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong dự án trong dự án điện hạt nhân của Việt Nam, ngược lại Việt Nam sẽ tham gia các dự án dầu khí ở khu tự trị Yamal – Nemets nhiều dầu khí của Nga. Các thỏa thuận khác giữa hai nước gồm một thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác nghiên cứu và sử dụng vũ trụ hòa bình; một tuyên bố chung thành lập lực lượng đặc nhiệm cấp cao để thúc đẩy các dự án ưu tiên của Việt Nam – Nga; một bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng tái tạo; trao đổi các công hàm ngoại giao về hợp tác lao động có thời hạn và mở cơ quan đại diện thương mại của Nga tại TP. Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết chính phủ hai nước quyết định nâng các mối quan hệ song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư và nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán về việc ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Hải quan Nga – Kazakhstan – Belarus.

Tháng 7/2012, hải quân Nga thông báo đang tìm kiếm các cơ sở bảo dưỡng và cung cấp hậu cần tại Vịnh Cam Ranh, quần đảo Seychelles và Cuba. Kể từ đó, Tổng thống Putin công khai tuyến bố Mátxcơva có ý định mở rộng hợp tác thương mại vũ khí với các nước thành viên BRICS cũng như với Việt Nam.

Hải quân Nga đang rất cần mở rộng sự hiện diện trên thế giới và cảng Cam Ranh của Việt Nam là một trong những vị trí chiến lược mà họ mong muốn được tiếp cận.

Trong các cuộc gặp tiếp theo giữa các thành viên cao cấp của Bộ Tổng tham mưu Nga và Bộ Quốc phòng Việt Nam, rõ ràng hợp tác quốc phòng sẽ phát triển mạnh. Và thực tế các loại vũ khí mà Nga bán cho Việt Nam, chẳng hạn các tàu ngầm lớp Kilo, sẽ là thách thức lớn cho hải quân Trung Quốc. Việc bán các loại vũ khí cũng cho thấy Nga đang quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc thống trị Biển Đông cũng như Đông Nam Á.

Những hành động trên của Mátxcơva thể hiện một số điểm quan trọng như sau:
Thứ nhất, Nga ngày càng quyết tâm đóng vai trò độc lập và quan trọng ở Châu Á, không những ở Đông Bắc Á mà cả Đông Nam Á.
Thứ hai, rõ ràng Nga cam kết theo đuổi một chính sách độc lập mà Mátxcơva hiểu rằng chính sách đó sẽ đẩy nước này vào cuộc xung đột khi Bắc Kinh đã và đang nỗ lực áp đặt sự thống trị khắp khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á.
Thứ ba, hoạt động của Mátxcơva ở châu Á xoay quanh vấn đề cung cấp năng lượng, bán các loại vũ khí và kiên quyết chống lại bất cứ nỗ lực nào ngăn chặn hiện diện của Nga trong các khu vực này.
Thứ tư, bất chấp các tuyên bố Nga có cùng quan điểm với Trung Quốc, nhưng hai nước vẫn tồn tại nhiều khác biệt liên quan đến các vấn đề an ninh khu vực ở Đông Á. Những khác biệt đó đã mở ra cánh của để Mỹ không những tăng cường quan hệ với Nga ở Châu Á, mà còn ủng hộ quan điểm của Nga trong việc giải quyết các vấn đề một cách hòa bình, như tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, trên cơ sở các quyết định pháp lý và ngoại giao truyền thống.

Thứ năm, những hành động của Việt Nam cho thấy khi mối quan hệ của Việt Nam với Nga hoặc Ấn Độ ngày càng phát triển, khả năng chống lại mối đe dọa Trung Quốc của Việt Nam càng tăng nhờ sự ủng hộ của các nước đối tác. Từ ưu thế này, Trung Quốc khó có thể thực hiện ý đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông bằng các tuyên bố và hành động quyết đoán mà trái lại còn tạo nên một liên minh chống Trung Quốc, trong đó có Nga. Rõ ràng, các mối quan hệ của Nga với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Á nói chung cần được xem xét và đánh giá thận trọng trong tương lai gần.

Không có nhận xét nào: